Hoa với rượu  (1941) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Mười hai bến nước do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành vào năm 1942.

Thấy rét, u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men.
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.

Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ, tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi.
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi.

Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa.

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau.
Hí hửng bảo nhau: “Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!”

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi, chếnh choáng say.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.

Chị Nhi thường nói với u tôi
“- Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi”
U tôi cười đáp ngay như thật:
“- Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi!”

Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảm tình...

Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết dọn đi đâu
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu

Bỏ lại vườn cam bỏ mái tranh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình.

Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi, rượu hết cay.

Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.

Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát, duyên lành cũng bỏ tôi.

Chắc ở nơi nào, dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sống yên lành,
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán,
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn trinh.

Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì,
Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say Nhi.

Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần, xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam, có nở hoa?

Mơ tưởng vu vơ, lòng dối lòng
Thực ra có phải thế này không
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?

Ước gì trên bước đường lưu lạc.
Một buổi chiều nào, lạnh gió đông
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.

Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.

Tôi kể: “U tôi đã mất rồi
Cửa nhà còn có một mình tôi...”
Nhi rằng: “Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi...

Chị em mới lấy chồng năm trước
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ, gió mênh mông...”

Như truyện Tương Như và Trác Thị[1]
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.

Rượu cất kỹ ngon, men ủ khéo
Say người, thiên hạ lại say nhau,
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống cho nhau.

Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi,
Xa xôi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi!


Huế 1941

   




Chú thích

  1. Tư Mã Tương NhưTrác Văn Quân.

 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)