HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Gươm thần-kiếm chém giặc phạm Nhan,
Quân mai-phục chẹn đường Văn-Hổ.

Yết-Kiêu ra đến bờ sông, trá hình làm một ông lão đánh cá, bơi chiếc thuyền nhỏ, ra gần đám quân Nguyên đóng thuyền, có ý nhìn ngắm xem cờ hiệu Bá-Linh đóng thuyền nào. Yết-Kiêu bơi diễu thuyền năm bảy vòng, biết chắc thuyền Bá-Linh đóng tại góc tây-bắc. Nhân lúc giời tối nhóa nhem, lặn xuống sông đến tận nơi ấy, nhô đầu lên dòm biết đích là thuyền Bá-Linh, mới lặn xuống gầm đục thuyền, nước tức thì ồ ồ chảy vào, quân trong thuyền xôn xao kêu khóc. Yết-Kiêu chực thuyền đắm thì bắt Bá-Linh lôi đi. Không ngờ Bá-Linh thấy thế nguy, đã tàng hình biến mất. Ô-mã-Nhi thấy động, vội vàng lại chăng lưới ra xung quanh. Yết-Kiêu biết ý, chạy trốn được thoát.

Yết-Kiêu về ra mắt Hưng-đạo vương, thuật truyện đầu đuôi.

Hưng-đạo vương nói rằng:

— Bá-Linh nó có yêu thuật, dù có bắt được tất nó lại biến mất. Ta nghe nhà phù-thủy thường dùng chỉ ngũ-sắc, trói bắt giống yêu quái, thì dù tinh ma cũng không biến được. Vậy ngươi định bắt Bá-Linh, phải chữ sẵn dây ngũ-sắc, chớ khi bất tình cờ bắt được, dùng dây ấy quấn vào mình nó, thì nó không biến hình được nữa.

Yết-Kiêu vâng nhời, dùng chỉ ngũ-sắc đánh lại làm một cái chão to, ăn mặc trá hình lại giả làm một người câu cá, đi dò dẫm bờ sông. Chiều tối hôm ấy, Ô-mã-Nhi sai Bá-Linh dẫn 10 chiếc thuyền đi tuần tiễu các ven sông. Yết-Kiêu lẻn mình một chỗ, dò xem đại tướng trên thuyền biết là Bá-Linh, trong bụng đã mừng. Nhưng lại nghĩ rằng: Ta mà lặn xuống đục thuyền của y, y tất lại biến mất; nếu ta nhảy vào thuyền bắt y, mà ta có một mình, quân y thì nhiều, dù có bắt được, tất chúng nó xô nhau vào cứu, thì ta cũng khó lòng thoát được. Chi bằng ta lập ra một kế, khiến cho thuyền nó tan ra tứ phía, thì ta mới có thể thừa cơ bắt được.

Nghĩ thế rồi, lặn xuống sông đến gần trước đám thuyền, nhô đầu lên vùng một cái cực mạnh, quân Nguyên nhác trông thấy, trước còn hồ nghi, chưa biết vật gì, Yết-kiêu lại nhô lên vùng cái nữa, quân Nguyên trông rõ là người, mới hô to lên rằng: có giặc! Trong một đám thuyền kinh động, tranh nhau cầm gươm giáo sục tìm bốn bề. Một nhát, Yết-Kiêu lại vùng một tiếng, quân Nguyên bơi thuyền đến chỗ ấy đâm giáo xuống, thì chẳng thấy tăm hơi gì. Đang khi ngơ ngác, lại thấy vùng một tiếng mé sau, quân Nguyên lại đến chỗ ấy sục tìm. Bá-Linh sai 10 chiếc thuyền, mỗi chiếc tìm một ngả. Các thuyền hơi nghe có tiếng động nước, thì tranh nhau đâm giáo xuống. Yết-Kiêu bấy giờ sè sẽ nhô đầu lên dòm, thấy đoàn thuyền đã tán cả ra tứ phía, mới lặn đến chỗ thuyền Bá-Linh ngồi, dùng sức nhô lên cực mạnh, làm cho thuyền trao nghiêng sắp đổ. Quân trên thuyền kinh hoảng. Yết-Kiêu cầm thanh gươm nhảy vót lên thuyền, quân Nguyên khiếp sợ nằm nép cả xuống sạp thuyền. Bá-Linh vội vàng dùng phép độn hình, thì đã bị Yết-Kiêu quăng dây ngũ sắc quấn chằng vào mình, không thể sao biến được nữa. Các thuyền xung quanh thấy thuyền Bá-Linh bị cướp, xô nhau lại cứu, thì Yết-Kiêu đã bắt được Bá-Linh chằng xong dây ngũ-sắc, cắp ngang bên mình nhảy xuống sông rồi. Quân Nguyên mất chủ-tướng, chạy về báo với Ô-mã-Nhi. Ô-mã-Nhi kíp sai quân sĩ bơi thuyền ra tìm tứ phía. Quân sĩ trông hút thấy đằng xa có một người cắp một người lên bờ nam-ngạn, quần áo ướt lướt thướt, biết là người ấy bắt tướng mình, xô nhau chèo thuyền vào bờ, kéo ồ cả lên bộ đuổi theo. Yết-Kiêu chạy miết một hồi, gặp quân thủ-hạ ra đón điệu Bá-Linh chạy riết về thành. Quân Nguyên cố sức đuổi theo chực cướp lại Bá-Linh, nhưng bị quân trong thành thấy động đổ ra tiếp ứng, đánh giết quân Nguyên tan nát. Quân Nguyên lại chạy cả xuống thuyền bơi đi. Ô-mã-Nhi thấy Bá-Linh bị bắt rồi, liền rút quân về Vạn-kiếp.

Yết-Kiêu về đến dinh đem Bá-Linh vào nộp. Hưng-đạo vương mừng rỡ, sai điệu đến dưới thềm, thấy Bá-Linh quần áo còn ướt, mà người đã mê man bất tỉnh nhân sự. Hưng-đạo vương sai đem ra nơi tĩnh, chờ cho tỉnh tao lại, rồi mới đem ra tra hỏi.

Khi Bá-Linh tỉnh rồi. Hưng-đạo vương cho điệu vào, hỏi rằng:

— Mày tự thị có tà thuật, nay mày đã chịu ta chưa?

Bá-Linh phục tội. Hưng-đạo vương sai điệu ra chém. Bá-Linh chiêu xưng là có quê mẹ ở làng An-bài, xin về quê mẹ chịu chết.

Hưng-đạo vương sai con là Hưng-võ vương Quốc-Nghiễn điệu Bá-Linh về An-bài hành hình. Khi chém Bá-Linh, chém đầu này lại mọc đầu khác. Hưng-võ vương tức giận, sai quân-sĩ cầm dao cầm búa băm nhỏ ra, nhưng dao búa băm vào cũng không đứt được thịt. Bá-Linh miệng vẫn cười ha hả. Hưng-võ vương không biết dùng cấp gì mà giết được, cho người về tâu với Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương nổi giận, cầm thanh thần-kiếm thân xuống tận làng An-bài giám chảm. Bá-Linh trông thấy Hưng-đạo vương và thanh thần kiếm, bấy giờ mới chịu phép. Khi điệu ra chém, Bá-Linh ngảnh cổ lại hỏi rằng:

— Đại-vương ra tay thì tôi xin chịu, nhưng sai khi tôi nhắm mắt, Đại-vương cho tôi ăn đồ gì?

Dã-Tượng cầm thanh thần-kiếm, sắp sửa khai-đao, thấy Bá-Linh hỏi làm vậy, phát bẳn quát lên rằng:

— Cho mày ăn sản huyết thiên-hạ!

Nói vừa buông nhời, chặt một nhát, đầu Bá-Linh lăn xuống đất.

Ở cạnh làng ấy có con sông Thanh-lương, quân-sĩ đem đầu Bá-Linh quẳng ra ngoài sông.

Hưng-đạo vương chém xong Bá-Linh, dẫn quân về thành Thăng-long.

Cách vài hôm sau, có hai người thả lưới đánh cá ở sông ấy, thường thường nhắc lưới, chỉ thấy một cái đầu lâu Bá-Linh. Hai người ấy lấy làm kì dị, mới khấn rằng:

— Nếu hồn có khôn thiêng, xin run rủi cho tôi đánh được nhiều cá, thì chúng tôi sẽ mai táng cho.

Khấn xong, hai người nhắc lưới, mẻ nào cũng được nhiều cá. Hai người mới đem cái đầu ấy táng trộm bên cạnh bờ. Tự đấy hai người đi qua chỗ mả, thường hay khấn Bá-Linh đi chơi. Dần dần Bá-Linh cũng hiện hình lên đi với các người ấy, lâu ngày thành ra quen lữa. Các người ấy nhân khi Bá-Linh còn sống hay có tính dâm, thường nói đùa đố hồn Bá-Linh, ra ghẹo con gái, hễ trông thấy người con gái nào mà đố y ghẹo, thì người ấy quả nhiên về nhà mắc bệnh. Người trong làng lấy làm linh dị, mới lập miếu ở bên sông để thờ.[1]

Hưng-đạo vương giết xong Bá-Linh, tiến quân ra mặt Quảng-yên, lập một ngọn trại to ở An-hưng[2] để cự nhau với Thoát-Hoan.

Thoát-Hoan tự lúc Ô-mã-Nhi chạy về, thế đã hơi núng, chỉ giữ vững trại Chí-linh và trại Phả-lại. Bấy giờ nhân sắp cạn lương, mới sai Ô-mã-Nhi dẫn thủy quân ra cửa bể Đại-bàng[3], đón thuyền lương của Trương-văn-Hổ tải vào đường qua ải Vân-đồn[4]. Ở đó có Nhân-huệ vương là Trần-khánh-Dư trấn thủ, vì Hưng-đạo vương biết ý Ô-mã-Nhi ra bể đón thuyền lương, sai Khánh-Dư giữ chặn đường thủy, không cho Ô-mã-Nhi đem lương vào.

Thượng-hoàng và vua nghe tin quân Nguyên đã rút cả về Vạn-kiếp, cũng tự mặt Thanh tiến quân ra hội với Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương rước xa-giá vào dinh. Vua an úy một hồi, rồi nói rằng:

— Trẫm nhờ có đại-vương dùng huyền cơ diệu kế, trừ được yêu-nhân, trẫm lấy làm mừng lắm. Nay quân Thoát-Hoan đã núng, đại-vương nên sớm tiễu trừ, cho trẫm được yên tâm.

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Lão-thần nhờ hồng phúc bệ-hạ, phá giặc mười phần đã được năm sáu phần. Chắc là chẳng bao lâu nữa thì cũng xong, bệ-hạ khoan tâm, thần xin liệu kế phá được.

Đang khi nói truyện, sực có tin về báo rằng:

— Trần-khánh-Dư giữ ải Vân-đồn, phụng mệnh chặn đường thủy. Khi Ô-mã-Nhi đi qua, Khánh-Dư chặn đường không nổi, bị Ô-mã-Nhi đánh vỡ, dẫn quân đi thoát.

Thượng-hoàng nghe báo nổi giận, sai trung-sứ ra bắt Khánh-Dư về hỏi tội.

Khánh-Dư từ khi bại trận đang lo nghĩ mưu kế phục thù, bỗng thấy trung-sứ ra bắt; Khánh-Dư tiếp sứ rồi nói rằng:

— Tôi sai tướng lịnh, đành xin chịu tội, nhưng xin khoan cho tôi một vài hôm, may mà tôi lập được công khác để chuộc tội chăng. Vì Ô-mã-Nhi đã phá quân tôi, trong bụng nó chắc rằng không còn ai ngăn trở gì, nên nó đã kéo quân đi trước rồi, để tôi đợi lương thuyền nó đến, tôi đánh tập hậu thì chắc là phá được. Nếu không xong, khi ấy tôi xin về chịu tội.

Trung-sứ nể Khánh-Dư cũng là một vì vương, nghe nhời hoãn lại. Khánh-Dư tức thì thu nhặt tàn quân, phục sẵn đón đường. Quả nhiên Ô-mã-Nhi vừa đi khỏi, thì thấy Trương-văn-Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục-thủy-dương[5]. Quân phục của Khánh-Dư đổ ra đánh. Văn-Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh-Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều. Còn Văn-Hổ thì lẻn cưỡi một chiếc thuyền nhỏ chạy thoát ra Quình-châu.

Khánh-Dư thắng trận, đưa thư về hành-tại báo tiệp. Thượng-hoàng mừng rỡ, xá cho tội trước không hỏi; rồi triệu Hưng-đạo vương phán rằng:

— Quân Nguyên cốt trông cậy có lương thảo, khí giới, nay đã bị ta cướp được cả rồi, thì thế nó không tràng cửu được nữa. Nhưng Thoát-Hoan chưa biết, tất còn ngông nghênh đắc chí, ta nên tha những quân bắt được cho về báo tin với nó, thì quân nó tất ngã lòng, bấy giờ ta phá mới dễ.

Hưng-đạo vương tâu:

— Thượng-hoàng dạy phải, xin tuân lịnh.

Quân Nguyên được tha về báo với Thoát-Hoan. Thoát-Hoan mới biết là thuyền lương Văn-Hổ tải sang vào đến cửa bể đã bị cướp mất cả rồi; quân sĩ nghe thấy cũng xôn xao sợ rằng lương thảo mỗi ngày một cạn.

Thoát-Hoan thấy thế vừa lo vừa giận, liền sai Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp dẫn 5.000 quân đến phá trại An-hưng. Ô-mã-Nhi lĩnh mệnh dẫn quân đi.

Hưng-đạo vương thấy quân Nguyên kéo đến, sai Dã-Tượng, Yết-Kiêu dẫn quân ra khỏi ngoài trại 10 dặm cự nhau với quân Ô-mã-Nhi. Đôi bên dàn trận, Dã-Tượng múa đại-đao ra trước, quát lên rằng:

— Bớ quân giặc! Chúng mày sắp đến ngày tận số, còn dám đến đây khoe khoang gì?

Trận bên kia Phàn-Tiếp nhảy ra, cũng quát rằng:

— Thằng mặt mẹt kia, chớ nói khoác, hãy coi phép đao của ta đây!

Hai tướng xông vào đánh nhau, bảy tám mươi hợp, chưa phân thắng phụ. Ô-mã-Nhi ở trong trận trông thấy Dã-Tượng đánh hăng lắm, liền quất ngựa ra đánh giúp cho Phàn-Tiếp. Yết-Kiêu cũng cắp đôi kiếm xông ra giao phong, nhưng Yết-Kiêu không địch nổi sức Ô-mã-Nhi, xuýt bị Ô-mã-Nhi đâm chết. Yết-Kiêu quay ngựa chạy về trận. Ô-mã-Nhi thúc quân đuổi đánh Dã-Tượng, Dã-Tượng vừa đánh vừa lui. Hai tướng Nguyên thừa thế đánh tràn sang, Dã-Tượng, Yết-Kiêu thu quân chạy về.

Hưng-đạo vương thấy hai tướng bị thua giở về, nổi giận thét chém.

Các tướng xô vào can rằng:

— Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp vốn là danh tướng bên Nguyên, tướng ta chỉ có Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái, Nguyễn-chế-Nghĩa là địch nổi. Trận này thua là bởi Dã-Tượng, Yết-Kiêu kém sức, chớ không phải là không dụng tâm.

Hưng-đạo vương mới tha tội cho hai tướng.

Hôm sau, Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp lại dẫn quân kéo đến. Hưng-đạo vương sai Nguyễn-chế-Nghĩa làm chánh tướng, Hùng-Thắng, Huyền-Du là phó tướng, dẫn 3.000 quân ra cự địch. Ô-mã-Nhi ra trận khiêu chiến, Nguyễn-chế-Nghĩa nhảy ra giao phong. Hai tướng đấu dư trăm hợp, càng đánh càng hăng, không phân thắng phụ. Hùng-Thắng, Huyền-Du chia quân làm đôi ngả đánh tràn sang. Hai bên đánh nhau lộn mù một hồi, rồi lại thu binh đâu về đấy.

Bấy giờ Phạm-ngũ-Lão cũng vừa ở Long-hưng dẫn quân đến, vào trại ra mắt Hưng-đạo vương, Hưng-đạo vương mừng nói rằng:

— Ngũ-Lão đến đây, ta chắc phá xong quân giặc!

Liền sai Ngũ-Lão đem quân ra giúp Nguyễn-chế-Nghĩa để phá Ô-mã-Nhi.

Ô-mã-Nhi thấy Nguyễn-chế-Nghĩa là tướng anh hùng, lại nghe có Phạm-ngũ-Lão đến giúp, liệu bề đánh không nổi, liền rút quân về Vạn-kiếp.

Thoát-Hoan thấy quân thế của Hưng-đạo vương mạnh lắm, chưa có thể phá được, mới sai các tướng chia nhau ra giữ trại Phả-lại và trại Chí-linh, muốn cho người về Tàu tiếp vận quân lương và viện thêm binh đến.

Hưng-đạo vương thấy Thoát-Hoan giữ vững hai trại trên núi, không dám ra đánh, ngài muốn tiến quân đến phá hai trại.

Đó là:

Giặc mong thủ hiểm tìm mưu kế,
Ta phải thừa cơ kíp tiễu trừ.

Chưa biết về sau được thua thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.

   




Chú thích

  1. Xem truyện Công-dư-tiệp-ký có nói rằng: « Sau khi Nguyễn-bá-Linh chết, thần hồn vẫn có dâm tính, thường đi khắp trong nước, thông dâm với những đàn bà con gái. Các đàn bà sinh sản, thường mắc phải bệnh mê man, thuốc chữa không khỏi. Người ta cho là bệnh phạm Nhan làm, thường hay cầu đảo ở đền Vạn-kiếp, lấy một mảnh chiếu ở trước bàn thờ về rải cho người ốm nằm, hoặc lấy tàn hương hòa với nước lã uống thì khỏi, đó điều là sự huyền hồ. » Phạm Nhan tức là Bá-Linh, vì tên cái Bá-Linh là Nhan, mà người có tội thì gọi là phạm, bởi thế gọi là phạm Nhan.
  2. Thuộc Quảng-yên.
  3. Thuộc về xã Dải-bàng huyện Nghi-dương tỉnh Hải-dương.
  4. Thuộc tỉnh Quảng-yên.
  5. Thuộc huyện Hoành-bồ, tỉnh Quảng-yên.