HỒI THỰ MƯỜI HAI

Phá quan quân, giặc dùng yêu-thuật,
Nổi phong võ, giời tựa hoàng-gia.

Đang khi Thoát-Hoan tức giận, Nguyễn-bá-Linh bước ra hiến kế nói rằng:

— Xin thái-tử tiến quân đến sát ba trại, tôi chỉ dùng một thuật nhỏ, cũng đủ cho Nam-quân tan vỡ, phải bỏ trại mà chạy.

Thoát-Hoan mừng rỡ, hỏi rằng:

— Ngươi có kế gì mà tài làm vậy?

Bá-Linh thưa:

— Xin thái-tử dàn trận đối địch với trận bên kia, tôi sẽ dùng phép, làm cho nổi cơn giông gió, rồi có thần binh xuống giúp, quân kia tự khắc phải chạy, thái-tử thừa thế cướp lấy ba trại dễ như chơi.

Thoát-Hoan mừng rỡ, kéo binh đến gần trại quân Trần dàn trận, cho người đưa chiến-thư thách đánh. Rồi chia quân làm ba đường, chực sẵn thừa cơ cướp trại.

Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa tiếp được chiến-thư, liền mang quân ra bày trận. Hai tướng kìm ngựa đứng hai góc, trông sang trận bên Nguyên, thấy Thoát-Hoan đứng trong cửa cờ, hai bên 10 viên dũng tướng.

Nguyễn-chế-Nghĩa quất ngựa ra, quát to lên rằng:

— Bớ các tướng giặc, dám địch nhau với ta thì ra đây!

Trong trận Nguyên có Áo-lỗ-Xích nhảy ra. Hai tướng đấu nhau hơn 50 hợp. Ngũ-Lão đứng trong trận nhìn sang, lại thấy có một tướng bảnh khảnh, mắt nhỏ, mặt dài, cưỡi ngựa ra cửa trận. Tay cầm một thanh bảo kiếm, xòa đầu rũ tóc, trong mồm niệm chú lẩm bẩm mấy câu. Ngũ-Lão biết là người ấy dở trò yêu thuật, vội vàng thúc ngựa nhảy xổ ra, thét lên rằng:

— Thằng kia chớ dở tà thuật!

Nói buông nhời, toan nhảy vào đâm tướng ấy, bỗng dưng thấy giời nổi cơn giông, cát sỏi bay vù vù, mây kéo tối mù mịt, quân sĩ giáp mặt không trông thấy nhau. Rồi lại nghe tiếng trên không réo lên ầm ầm, tựa hồ thiên binh vạn mã đổ xuống. Quân sĩ kinh hãi, không biết thế nào, xôn xao tan vỡ, ai nấy đổ xô mà chạy. Quân Nguyên thừa thế đánh tràn sang. Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa dẫn quân về trại. Quân Nguyên đánh bừa vào trại. Hai tướng giữ không nổi, phải bỏ trại chạy về trại Phù-sơn.

Thoát-Hoan chiếm được trại Trúc, sai các tướng thừa thế lấy nốt trại Từ, trại Sa. Hùng-Thắng, Huyền-Du nghe tin Nguyễn-chế-Nghĩa, Phạm-ngũ-Lão chạy rồi, mà quân Nguyên kéo đến hằng hà sa số, biết cơ giữ không lại, vậy cũng bỏ trại mà chạy, quân Nguyên chiếm được cả hai trại ấy.

Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa về trại Phù-sơn, vào hầu Hưng-đạo vương, thuật lại việc giặc dùng phù phép. Hưng-đạo vương sai người do xem yêu-tướng là ai, mới biết là Nguyễn-bá-Linh dùng phép.

Hôm sau Hưng-đạo vương sắp cất quân đi đánh Thoát-Hoan. Sực thấy bụi bay mù mịt, thì là Thoát-Hoan đã kéo quân đến. Hưng-đạo vương đem quân xuống chân núi dàn trận. Một nhát quân Nguyên kéo đến, cũng dàn trận một bên. Hưng-đạo vương cưỡi ngựa ra trước trận, hai bên 8 viên kiêu-tướng đứng kèm. Thoát-Hoan lại sai Nguyễn-bá-Linh ra trận dùng phép.

Phạm-ngũ-Lão đứng cạnh Hưng-đạo vương trỏ tay ra, nói rằng:

— Người này chính là người dùng phù phép, phá quân ta bữa trước, phải trừ đi mới được.

Hưng-đạo vương nổi giận, sai Ngũ-Lão ra bắt tướng ấy. Ra chưa đến nơi, thấy tướng ấy cầm thanh kiếm ngảnh mặt lên giời, lẩm nhẩm niệm chú, rồi lại thấy gió nổi đùng đùng, tối tăm mù mịt, quân mã ở trên không ào ào kéo xuống. Hưng-đạo vương vội vàng quay ngựa vào trận, quân sĩ xôn xao lại chạy. Các tướng kèm giữ Hưng-đạo vương chạy lên trên núi. Bỗng lại thấy ở mé sau núi có hai đạo quân đánh tập hậu. Toán đánh tập hậu ấy nguyên là Thoát-Hoan dự sẵn, sai Trình-bằng-Phi và Áo-lỗ-Xích đi lẻn đường rừng kéo ra. Quân ta đang lúc kinh hoảng, không bụng nào dám chống giữ. Quân Nguyên phá toang được vào trại. Các tướng hết sức đánh giãn quân của Áo-lỗ-Xích ra, giữ gìn Hưng-đạo vương chạy về Vạn-kiếp.

Hưng-đạo vương bàn với các tướng rằng:

— Giặc dùng yêu thuật, quân ta hư kinh mà bị thua, các ngươi ai có kế gì phá được không?

Yết-Kiêu thưa rằng:

— Tôi nghe khi xưa công-chúa có gặp tiên-mẫu cho thanh thần-kiếm, giao cho đại-vương, dặn đến khi nào gặp giặc có yêu thuật, hễ trỏ thanh kiếm ấy, niệm câu thần-chú, thì tự khắc phá được, đại-vương sao không dùng kiếm ấy?

Hưng-đạo vương cười nói rằng:

— Thuật ấy chẳng qua là ảo-thuật, xưa nay phép phù-thủy thường hay có trò ấy, chỉ dùng đồ dơ bẩn thì trừ được, can chi phải mượn đến phép thần-tiên.

Bèn gọi Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa ra dặn rằng:

— Hai ngươi cho quân sĩ chứa sẵn đồ dơ bẩn, phục hai bên trái núi. Ngày mai ta tiến quân ra dàn trận, đánh nhau với quân Thoát-Hoan. Khi nào giặc dùng thuật, có âm binh trên không kéo xuống, thì cho quân sĩ tự trên đầu núi phóng uế xuống, tất là phá được.

Hai tướng phụng mệnh, chữ sẵn máu chó, máu dê, phục quân trên sườn núi. Hưng-đạo vương dẫn quân dàn trận trước núi.

Thoát-Hoan tự khi phá được trại Phù-sơn, sắp cất quân xuống Vạn-kiếp, sực thấy thám-tử về báo rằng:

— Trần Hưng-đạo vương hiện đã dàn quân ở trước núi, chực đánh quân ta.

Thoát-Hoan lập tức tiến quân đến đó dàn trận. Đôi bên nổi trống, Nguyễn-bá-Linh quen thói lại dùng phép trước. Hưng-đạo vương giả thua lui quân. Thoát-Hoan thừa thế đuổi theo đến cạnh sườn núi. Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa trông ra thấy giời đất tối mù, ào ào có tiếng âm-binh, âm-tướng; kíp nổi hiệu pháo, trống đánh vang động, sai quân sĩ đem máu chó, máu dê rảy vung ra; tức thì thấy khí mù tan hết, giông gió liền tạnh; rồi thấy người, ngựa, khí giới tinh bằng cỏ gà và giấy, lả tả rơi xuống đất. Quân Nguyên thấy phá mất yêu-thuật, vội vàng quay về; quân ta tự trên núi đổ xuống đuổi theo, Hưng-đạo vương cũng thúc quân đánh xốc lại. Quân Nguyên bị giết chết rất nhiều; Thoát-Hoan dẫn bại quân chạy đến chiếm giữ núi Phả-lại và núi Chí-linh, lập trại chống nhau với quan quân.

Thoát-Hoan hỏi Nguyễn-bá-Linh rằng:

— Nam-quân phá mất thuật của ta, thì bây giờ làm thế nào?

Bá-Linh thưa:

— Thái-tử khoan tâm, quân kia phá thuật ấy, tôi còn thuật khác, xin Thái-tử truyền cho các tướng dự sẵn, đêm nay tôi dùng phép, khiến cho quân kia kinh nhộn, sẽ thừa cơ cướp lấy trại Vạn-kiếp.

Thoát-Hoan nghe nhời, bàn định đâu đấy.

Nói về Hưng-đạo vương thắng được trận trước, định sáng hôm sau, thì tiến quân đến phá trại Phả-lại và trại Chí-Linh. Đêm hôm ấy quân sĩ đang ở trong trại, bỗng dưng thấy có tiếng ầm ầm, lửa sáng rực cả tứ phía. Các tướng kinh hoảng, dẫn quân ra trại xem làm sao, thì thấy thấp thoáng trong bóng lửa, âm binh, thần tướng kéo ra bạc ngàn man dã, lố nhố những quân đầu trâu mõm ngựa, kẻ gươm người giáo, mặt mũi dữ tợn như hung-thần, đùng đùng kéo cả vào trại. Hưng-đạo vương sai các tướng truyền cho quân sĩ cứ việc đem cung nỏ bắn ra, tên bay ra rào rào, nhưng cũng không ngăn được âm binh, kéo thốc cả vào trong trại; lại nghe thấy dưới núi trống đánh vang tai, quân Nguyên kéo đến. Quân ta kinh hồn bạt vía, xô nhau mà chạy, ngăn lại cũng không được. Quân Nguyên thừa thế đánh lên. Hưng-đạo vương bất đắc dĩ phải dẫn các tướng lui về mạn dưới. Thoát-Hoan cướp được trại Vạn-kiếp.

Dân ở Bàng-hà, Ba-điểm thấy Thoát-hoan thắng trận, Hưng-đạo vương đã lui rồi, mới đem trâu, dê, gạo, rượu ra đón rước quân Nguyên. Thoát-Hoan dùng nhời phủ dụ cho về.

Bấy giờ Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp do đường hải-đạo cũng đã kéo vào đến sông Lục-đầu. Thoát-Hoan sai Trình-bằng-Phi dẫn 2 vạn quân tự Vạn-kiếp kéo đi đánh mặt bộ; sai Ô-mã-Nhi, A-bát-Xích dẫn thủy quân tự sông Lục-đầu thuận dòng đánh xuống sông Phú-lương.

Hưng-đạo vương rút quân về Thăng-long, ngài thấy quân Nguyên thế đang mạnh, mới sai Nguyễn-chế-Nghĩa, Phạm-ngũ-Lão rước xa giá thượng-hoàng và vua tạm lánh về Hám-nam, ngài thì đóng quân trong thành cự nhau với quân Nguyên.

Thoát-Hoan cho quân do thám, biết tin vua chạy về Hám-nam; sai Ô-mã-Nhi, A-bát-Xích dẫn thủy-quân đuổi theo. Còn một mặt kéo đại quân đến vây thành Thăng-long.

Ô-mã-Nhi, A-bát-Xích giương buồm hết sức đuổi theo. Nguyễn-chế-Nghĩa rước xa-giá xuống thuyền noi đường bể vào Thanh-hóa. Ô-mã-Nhi đuổi không lập, đem quân giở về đến Long-hưng, đóng quân giữ tại nơi ấy.

Ô-mã-Nhi sai người do thám, biết Chiêu-lăng là làng của Thái-tôn tiên-hoàng, y tức về thứ trước xuýt chết mấy phen, mới sai quân lính phát quật Chiêu-lăng để báo thù.

Tì-tướng là Tích-Lệ, Cơ-Ngọc tuân lịnh dẫn 300 quân dàn khắp xung quanh lăng, sai quân đào mả. Quân sĩ xúm xít vào đào, ước được nửa chừng, bỗng nhiên giời nổi cơn giông, ầm ầm sấm chớp, mưa xuống như trút nước. Một tiếng sét cực dữ, đánh vào đám quân ấy, chết mất hai ba người. Quân đào lăng kinh hồn táng đảm, phải bỏ mà chạy.

Ô-mã-Nhi lấy làm kỳ dị, định chờ tạnh mưa lại đào. Hôm ấy mưa gió suốt cả ngày đêm, đến sáng mai mới tạnh.

Ô-mã-Nhi lại sai quân ra đào, quân ra đến nơi thì thấy vết đào hôm trước, lại lấp nguyên như cũ, lấy làm kinh hãi; nhưng vì phụng tướng lịnh không dám trái, lại phải đem thuổng cuốc xúm vào phá gạch đào đất. Đang hì hục đào thì lại thấy giời u ám, gió thổi ù ù, sấm chớp mưa to, sét đánh luôn ba bốn tiếng, lại chết mất năm, sáu người.

Quân sĩ chạy về báo với Ô-mã-Nhi. Ô-mã-Nhi kinh hãi vô cùng, ngồi ngẫm nghĩ một hồi, không biết dùng cách gì mà đào cho được. Đêm hôm ấy Ô-mã-Nhi nằm nghỉ trong trướng, mơ mơ màng màng, bỗng thấy một tướng to nhớn, mặt mũi hung ác, mình mặc áo giáp vàng, tay cầm lưỡi tầm sét, mắm miệng trợn mắt, bước sấn vào trong trướng, thét lên rằng:

— Ta phụng mệnh thượng-đế sai giữ Chiêu-lăng, mày sao dám đến xâm phạm? Tội mày đại ác, mai sau quyết không tránh khỏi lưới giời!

Nói đoạn, cầm lưỡi tầm sét bổ vào đầu Ô-mã-Nhi một cái. Ô-mã-Nhi kinh hồn hú lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy, ngồi run một giờ lâu mới hoàn hồn.

Ô-mã-Nhi tỉnh rồi, trên đầu nghe vẫn tê buốt. Nghĩ ngấm trong giấc chiêm bao, biết là vận nhà Trần còn vượng, có linh thần ủng hộ, từ đó không dám sai quân đào nữa, muốn rút quân về với Thoát-Hoan.

Hôm sau, Ô-mã-Nhi thu xếp cất quân xuống thuyền về ra mắt Thoát-Hoan, thuật lại truyện trước. Thoát-Hoan nửa tin nửa ngờ, muốn sai quân lại đào lượt nữa.

Tích-Lệ can rằng:

— Việc ấy huyền hoặc thế nào không biết, nhưng tôi thiết tưởng đại-quân chỉ nên đánh lấy Thăng-long, bắt được thủ-tướng nhà Trần là đủ định xong Nam-quốc, can gì phải giận lây đến một nắm xương khô?

Thoát-Hoan nghe nói có nhẽ mới thôi.

Nhân dân ở cạnh đấy, thấy Ô-mã-Nhi rút quân đi rồi, mới rủ nhau ra sửa sang xây lại lăng, làm lễ yên thần.

Có người báo tin ấy về Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương lập tức sai quan về sửa sang lại cho chỉnh đốn, dùng lễ bái tạ thiên địa, tổ tôn, rồi bàn mưu định kế đánh Thoát-Hoan.

Đó là:

Vận nước dẫu nhờ thần thánh giúp,
Việc người cốt tự trí mưu nên.

Chưa biết việc sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.