Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 11
I. Verbe đơn và kép
sửaChữ Hán | Âm | Nghĩa |
---|---|---|
請 | Thỉnh | Xin |
求 | Cầu | Cầu, xin; tìm |
請 求 | Thỉnh cầu | Demander, supplier |
要 | Yêu | đón; bắt bí |
要 求 | Yêu cầu | Exiger |
贊 | Tán | Giúp; khen |
成 | Thành | Nên, làm nên |
贊 成 | Tán thành | Applaudir |
組 | Tổ | Dóc, bện |
織 | Chức | Dệt |
組 織 | Tổ chức | Organiser |
召 | Triệu | Vời, mời |
集 | Tập | Nhóm |
召 集 | Triệu tập | Convoquer |
解 | Giải | Cổi, mở |
決 | Quyết | Làm cho dứt khoát |
解 決 | Giải quyết | Résoudre |
散 | Tán | Làm cho tan đi |
解 散 | Giải tán | Dissoudre |
分 | Phân | Chia |
配 | Phối | Sánh; hiệp |
分 配 | Phân phối | Distribuer |
製 | Chế | Cắt và may (áo) |
造 | Tạo | Dựng nên |
製 造 | Chế tạo | Fabriquer |
宣 | Tuyên | Rao ra |
言 | Ngôn | Nói |
宣 言 | Tuyên ngôn | Déclarer |
保 | Bảo | Giữ |
護 | Hộ | Cứu giúp |
保 護 | Bảo hộ | Protéger |
II. Cắt nghĩa thêm
sửaVerbe cũng có đơn có kép; như những chữ verbe kép ta học hôm nay đó, là ghép hai verbe đơn mà làm thành ra.
Đại để làm ra những verbe kép là để mà ngăn tách sự đại đồng tiểu dị (nuance) của mọi sự cử động cho khác hẳn ra. Như cầu xin là sự giống nhau, nhưng trong cách cầu xin có khác, thì phải nói 請 求 thỉnh cầu hay 要 求 yêu cầu để phân biệt trong khi mình muốn phân biệt.
Thêm một ví dụ nữa, lấy chữ 問 vấn là hỏi, hỏi gì cũng là hỏi cả, nhưng khi muốn phân biệt thì phải thêm một chữ nữa làm thành verbe kép để chỉ rõ ra: Hỏi có ý thăm thì nói thám 探 問 thám vấn hay 訪 問 phỏng vấn; hỏi có ý gạn thì nói 詰 問 cật vấn hay 問 難 vấn nạn; hỏi để coi có đúng với lời kẻ khác nói không thì nói 質 問 chất vấn; hỏi mà dọa nạt tra khảo như hỏi tù thì nói 鞫 問 cúc vấn...
Đó là nói những verbe kép nguyên có của Hán văn thì như vậy. Từ ngày có chữ Tây truyền qua, muốn dịch chữ Tây ra cho đúng, để nguyên những verbe cũ không đủ dịch, người ta phải ghép thêm mà làm verbe kép mới nữa; ấy là những verbe ta học hôm nay.
Những verbe kép vẫn ghép bằng hai verbe, nhưng cũng có khi ghép bằng một verbe với một adjectif. Ấy là như những chữ 改 良 (cải lương: améliorer), 廣 告 (quảng cáo: faire la publicité), 暗 示 (ám thị: suggérer), thì chữ 良 (lương là lành), chữ 廣 (quảng là rộng), chữ 暗 (ám là tối) đều là adjectif cả. Tuy vậy, khi nó đã đi với một verbe mà làm nên verbe kép rồi như vậy thì phải kể nó là một verbe mà thôi, chứ không kể nó là adjectif được nữa.
Chữ 要 nguyên đọc là yếu mà đây đọc là yêu. Yếu 要 là tiếng nom, nghĩa là chỗ ngặt, chỗ hiểm, tức như ta hay nói 要 地 (yếu địa), 要 處 (yếu xứ). Nhơn ở tiếng nom nghĩa nó như vậy, nên khi làm nó ra verbe, đọc là yêu, thì nghĩa nó là đón, là bắt bí, đều có dính với nguyên ý ở bên tiếng nom (đón hay bắt bí thì phải nhè chỗ ngặt).
Như nói đón đường người nào đó mà giết đi thì nói 要 之 於 路 而 殺 之 (yêu chi ư lộ nhi sát chi); ấy là nghĩa đón. (路 lộ là đường; 殺 sát là giết)
Lại đời xưa có người làm bề tôi mà đóng quân ở một thành kia, xin vua mình thế nọ thế khác, nếu không cho thì cử binh làm phản, như vậy kêu bằng 要 君 (yêu quân); ấy là nghĩa bắt bí. (君 quân là vua).
要 yêu tức là chận chỗ ngặt và bắt bí. Bởi nó có nghĩa như vậy nên mới ghép với chữ 求 cầu làm thành verbe kép để chỉ nghĩa xin mà có ý đòi cho kỳ được, không được không nghe.
Người mình hay lạm dụng chữ yêu cầu. Trong khi lạy lục người khác xin một việc gì mà cũng dám dùng chữ yêu cầu được đi. Như thế là thỉnh cầu, chứ có phải yêu cầu đâu. Nên phân biệt hai chữ ấy ở chỗ nầy: Vừa lạy vừa xin, xin mà không cho thì thôi: ấy là thỉnh cầu. Vừa dọa vừa xin, xin mà không cho thì làm dữ: ấy là yêu cầu.
III. Văn pháp
sửaVerbe pronomial
Verbe pronominal là verbe mà cái kết quả của sự hành động lại quật lại trên người hành động, họ phải chịu lấy. Những verbe ấy trong Hán văn có dùng mấy chữ pronom để trên verbe mà làm thành ra.
1/ chữ 自 tự (nghĩa là mình), chung cho ba ngôi số một. Như nói: 我 自 思 ngã tự tư (tôi nghĩ lấy tôi); 汝 不 可 自 棄 nhữ bất khả tự khí (mầy chẳng khá bỏ mình); (不 可 bất khả là chẳng nên); 彼 不 自 知 bỉ bất tự tri (nó chẳng biết mình). 知 (tri) là biết.
2/ chữ 相 tương (là nhau), chung cho ba ngôi số nhiều. Như nói: 吾 儕 相 信 ngô sài tương tín (chúng ta tin nhau); 汝 等 相 告 nhữ đẳng tương cáo (bọn mày bảo nhau); (告 cáo là báo); 二 人 相 抱 而 哭 nhị nhân tương bão nhi khốc (hai người ôm nhau mà khóc).
(Cũng có khi số nhiều mà dùng chữ 自 tự được, là khi mình coi cái sujet là một unité, không rẽ nó ra, và cũng tùy theo nghĩa của verbe. Vậy ta có thể nói 吾 儕 自 信 ngô sài tự tín, 彼 等 自 知 bỉ đẳng tự tri, v.v…)
3/ chữ 互 hỗ (là lẫn), cũng chung cho ba ngôi số nhiều.
Phải phân biệt 相 tương với 互 hỗ khác nhau như vầy: Khi nào chỉ muốn tỏ ra hai bên có quan hệ với nhau thì nói 相 tương đủ rồi. Nhưng khi nào cũng hai bên quan hệ với nhau mà lại muốn tỏ ra bên giáp quan hệ với bên ất và bên ất quan hệ với bên giáp thì phải nói 互 hỗ.
Vậy như 相 助 tương trợ (助 trợ là giúp) thì bên giáp giúp cho bên ất mà thôi, chứ bên ất không giúp cho bên giáp, cũng nói 甲 乙 相 助 (giáp ất tương trợ) được. (甲 乙 giáp ất). Nhưng khi nói 甲 乙 互 助 (giáp ất hỗ trợ) thì phải là khi muốn chỉ rõ ra giáp giúp cho ất, ất lại giúp cho giáp nữa.
Tuy vậy, ít khi nói một chữ 互 hỗ không mà thôi, phần nhiều nói 互 相 hỗ tương. Như 朋 友 互 相 助 bằng hữu hỗ tương trợ (= bạn hữu giúp đỡ lẫn nhau); (朋 bằng là bạn); 兩人 互 相 詰 問 lưỡng nhân hỗ tương cật vấn (= hai người gạn hỏi lẫn nhau). (兩 lưỡng là hai).
Lại ba ngôi số nhiều cũng có khi nói 自 相 tự tương. Là khi muốn chỉ rõ rằng trong một số nhiều ấy làm gì thì làm với nhau thì làm, chứ người ngoài không dính tới. Như nói: 汝 等 自 相 殘 殺 nhữ đẳng tự tương tàn sát (= bọn mầy tự giết hại lấy nhau); (殘 tàn là hại); 兄 弟 自 相 爲 仇 huynh đệ tự tương vi cừu (= anh em tự làm kẻ thù với nhau); (仇 cừu là thù).
Chú ý: Nhiều người hay lầm lộn chữ 互 hỗ với chữ 迭 (đọc là điệt). Tiện đây nên cắt nghĩa cho rõ mà phân biệt đi.
Như câu: 兩 人 互 相 爲 賓 主 (lưỡng nhân hỗ tương vi tân chủ), thế nghĩa là: hai người làm khách chủ lẫn cho nhau, người nầy làm chủ, người kia làm khách, và người nầy làm khách, người kia làm chủ. (chữ 賓 tân là khách, chữ 主 chủ là chủ). Trong câu đó nói hàm hỗn như vậy, chứ không có ý tách ra cho rõ về thời gian.
Cũng câu ấy nhưng đổi một chữ, nói: 兩 人 迭 相 爲 賓 主 (lưỡng nhân điệt tương vi tân chủ), thì nghĩa là: hai người đắp đổi làm khách chủ cho nhau, hết người nầy làm chủ, người kia làm khách, đến người nầy làm khách, người kia làm chủ. Ấy là có ý chỉ rõ về thời gian vậy.
Vậy thì 互 相 hỗ tương nghĩa là lẫn nhau, tức tiếng Pháp là réciproquement; còn 迭 相 điệt tương nghĩa là đắp đổi nhau, là l'un après l' autre.
IV. Thành ngữ dùng vào Quốc văn
sửa成 人 之 美 (thành nhân chi mỹ): Làm nên sự tốt đẹp của người khác. Nghĩa là thấy ai làm việc phải thì tác thành cho họ.
行 所 無 事 (hành sở vô sự): Làm cái điều vô sự. Nghĩa là nhân theo thời thế hoặc phương tiện mà làm một việc gì, không nhiễu hại đến ai, như là không có việc gì cả.
巧 者 勞 (xảo giả lao): Kẻ khéo thì nhọc. Ở dưới đó còn có câu:
拙 者 逸 (chuyết giả dật): nghĩa là: kẻ vụng thì khỏe.
利 不 及 害 (lợi bất cập hại): Làm một việc gì mà không tính kỹ thì bên lợi chẳng bằng bên hại.
V. Tập đặt
sửaVề verbe pronominal
Hãy dịch những đề nầy:
1/ Nước sông và nước biển thông nhau; 2/ Trai gái yêu nhau; 3/ Tôi nói với tôi; 4/ Người của hai nhà qua lại lẫn nhau; 5/ Chúng ta tự mình nghi kỵ lấy nhau; 6/ Anh em ghét nhau; 7/ Người của một nhà giành cướp lẫn nhau; 8/ Nó không tin nó; 9/ Hai người nhìn nhau mà cười; 10/ Ông cháu nối nhau.
Dịch xong xem nếu giống với với dưới đây là đúng:
1/ 江 水 與 海 水 相 通 2/ 男 女 相 愛 3/ 我 自 言 4/ 兩 家 之 人 互 相 往 來 5/ 吾 儕 自 相 疑 忌 6/ 兄 弟 相 惡 7/ 一 家 之 人 互 相 爭 奪 8/ 彼 不 自 信 9/ 兩 人 相 視 而 笑 10/ 祖 孫 相 繼