Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 12

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 12 (17 Octobre 1936), trang 4 - 5.

I. Verbe kép sửa

Chữ Hán Âm Nghĩa
陰 謀 Âm mưu Toan tính thầm kín với nhau
暗 殺 Ám sát Lén mà giết
暗 指 Ám chỉ Ý định chỉ vào ai đó mà không nói rõ tên
虐 待 Ngược đãi Đối đãi một cách bạo ngược
樂 觀 Lạc quan Xem việc đời thấy vui
悲 觀 Bi quan Xem việc đời thấy buồn
別 待 Biệt đãi Đãi cách đặt biệt
平 分 Bình phân Chia cho bằng nhau
甘 端 Cam đoan Đành lòng mà đoan ước
生 擒 Sinh cầm Bắt sống
光 臨 Quang lâm Khách đến nhà (nói cách lịch sự)
隱 居 Ẩn cư Ở ẩn
小 住 Tiểu trú Ở không lâu
假 寐 Giả mị Ngủ thiu thỉu
永 訣 Vĩnh quyết Chết
長 逝 Trường thệ Chết
利 用 Lợi dụng Dùng một cách có lợi cho mình
結 婚 Kết hôn Lấy nhau làm vợ chồng
離 婚 Ly hôn Ly dị nhau
旅 行 Lữ hành Đi đường
拜 命 Bái mạng Lạy mạng vua
投 機 Đầu cơ Lừa dịp thủ lợi
勝 陣 Thắng trận Đánh giặc mà thắng
敗 北 Bại bắc Đánh giặc thua mà chạy
絕 交 Tuyệt giao Tuyệt nhau, không làm bạn nữa

II. Cắt nghĩa thêm sửa

Trong bài học tuần trước có nói verbe kép dùng hai verbe mà ghép lại, nhưng cũng dùng một verbe với một adjectif; hôm nay nói thêm rằng: cũng có dùng một verbe với một nom.

Khi dùng một adjectif thì adjectif ấy đã trở nên như adverbe vì nó phụ nghĩa cho một verbe. Tuy vậy, cũng không kể nó là adverbe được nữa, mà phải kể nó là verbe kép, bởi nó đã hiệp với verbe kia mà làm thành ra một chữ một nghĩa. Nghiệm thế nầy thì đủ biết: những verbe kép ấy nếu đem dịch ra tiếng Pháp thì cũng chỉ nói một chữ, như 虐 待 ngược đãimaltraiter, 利 用 lợi dụngexploiter.

Verbe kép ghép với một nom cũng vậy nữa, cũng không còn kể nom ấy là nom mà chỉ kể là một verbe kép. Theo một sự chứng nghiệm như trên đó: 結 婚 Kết hônmarier, 離 婚 ly hôndémarier.

Từ chữ 陰 謀 âm mưu trở xuống 17 chữ là verbe kép ghép bằng một verbe một adjectif; từ chữ 結 婚 kết hôn trở xuống 9 chữ là ghép bằng một verbe một nom.

Chữ âm ở mối tiếng nom thì nghĩa là khí âm, giống cái; đối với dương là khí dương, giống đực. Còn ở mối tiếng adjectif thì  âm nghĩa là tối,  dương nghĩa là sáng.

Chữ cam là ngọt, đối với khổ là đắng. cam lại có nghĩa là đành lòng (nghĩa nầy cũng do nghĩa trên mà ra, ý nói đối với một vật nào đó, chẳng cứ nó đắng hay ngọt thế nào, mình cũng cho là ngọt đi, thế là đành lòng đó). Đoan là đoan ước, đoan hạn, chữ 甘 端 cam đoan hay dùng trong giấy má việc quan.

quang là sáng; lâm là đến. Có khách quý đến nhà mình, mình cho là sự vinh quang rực rỡ, ấy là nói cách lịch sự, tôn trọng. Verbe nầy chỉ dùng được cho ngôi thứ hai (2e personne) mà thôi.

Ở làm khách tại nơi nào năm bảy tháng một năm, có thể dùng được chữ 小 住 tiểu trú. Trú  là ở, tiểu  là nhỏ. Ở nhỏ nghĩa là ở ít.

giả là không thật, đối với chân, là thật.

mỵ là ngủ. 假 寐 giả mỵ cũng như ta nói ngủ gà ngủ vịt.

quyết là từ giã trong khi biệt nhau mà tỏ ý rằng về sau không gặp nhau nữa. vĩnh là dài, là đời đời; đời đời từ giã không gặp nhau, tức là chết.

trường đây cũng như vĩnh thệ là đi qua một lần mà thôi. (Như nói 水 逝 thủy thệ, tức là nước chảy, vì nước chảy qua một lần rồi thôi, không chảy lại nữa, cho nên nói thệ). 永 訣 vĩnh quyết長 逝 trường thệ đều là verbe kép để thế cho chữ  (tử là chết).

Vua ra mạng lịnh bổ cho ai chức quan gì, hay là ban cho ai vật gì, thì người nhận lấy phải vào lạy vua, kêu là 拜 命 bái mạng.

投 機 đầu cơ tức tiếng Pháp là spéculer.

bại là thua. bắc vốn nghĩa là phương bắc mà cũng có nghĩa là "xây lưng lại". Đây là theo nghĩa sau, hễ thua chạy thì xây lưng lại.

III. Văn pháp sửa

Mode impératif

Ta đã biết trong Hán văn, về verbe, không có modetemps như tiếng Pháp; cho được phân biệt modetemps, Hán văn chỉ dùng những chữ gọi là "hư tự" (Hư tự 虛 字 nghĩa là chữ trống, tức như những chữ thuộc về mấy mối tiếng préposition, conjonction, adverbe). Tuy vậy, về mode impératif thì lại có một cái hình thức cho ta nhận thấy được, nên chỉ ra cho biết.

1/ Khi một chữ verbe neutre đứng làm một câu, không sujetcomplément chi hết, ấy là impératif. Như:

陽 貨 謂 孔 子 曰 : 來! 予 與 汝 言 (Dương Hóa vị Khổng Tử viết: Lai! Dư dữ nhĩ ngôn) Nghĩa là: Dương Hóa bảo Khổng Tử rằng: Hãy đến! Ta sẽ nói cùng mầy). ( hóa, vị, Khổng, viết)

Thế thì chữ laiimpératif.

Một sự ta thường thấy trước mắt: trong khi cúng tế gì, học trò lễ xướng “Hưng!” (hưng là đứng dậy), “Bái!” (bái là lạy),  “Quỵ” (quỵ  là quỳ), ‒ những chữ ấy đều là impératif cả.

2/ Khi một chữ verbe actif đi trước chữ chi, làm thành một câu, không có sujet, ấy cũng là impératif.  Như:

冉 有 曰: 既 庶 矣, 又 何 加 焉? 曰: 富  之! 曰: 既 富 矣, 又 何 加 焉 ? 曰: 教 之! (Nhiễm Hữu viết: Ký thứ hĩ, hựu hà gia yên? Viết: Phú chi! Viết: Ký phú hĩ, hựu hà gia yên? Viết: Giáo chi!). Nghĩa là: Nhiễm Hữu rằng: Đã đông rồi, lại thêm gì vào đó nữa? Đức Khổng rằng: Hãy làm cho chúng giàu đi. Rằng: Đã giàu rồi, lại thêm gì vào đó nữa? Đức Khổng rằng: Hãy dạy chúng đi!

(Hai câu trên đây ở sách Luận ngữ. Câu trước, khi Dương Hóa gặp đức Khổng giữa đường, y kêu ngài nói chuyện. Câu dưới, khi Nhiễm Hữu cầm xe cho đức Khổng qua nước Vệ, thấy dân cư đông đúc, thầy trò nghị luận với nhau như thế. (Các từ mới: Nhiễm, Hữu, , thứ, , hựu, , gia, yên, phú)

Thế thì chữ phú và chữ giáo đó đều là impératif. (Hai chữ chi là thế cho dân nước Vệ).

Ngoài ra, khi có để sujet thì lại thêm adverbe vào để làm ra impératif, có hai cách: một là khuyên giục; một là cấm ngăn.

Cách khuyên giục thì dùng chữ (nghi), chữ (tu) và chữ (đương), đều có ý bảo người ta phải thế nọ thế khác, nhưng chữ (đương) thì có ý nặng hơn chữ kia.

Như nói: 汝 宜 自 思 nhữ nghi tự tư (Mầy phải nghĩ lấy mình); 少 小 須 勤 學 thiếu tiểu tu cần học (Trẻ nhỏ tua siêng học); 吾 儕 當 愛 國 ngô sài đương ái quốc (Chúng ta phải yêu nước).

Cách cấm ngăn thì dùng chữ () và chữ (vật). Hai chữ đều có nghĩa là chớ, là đừng, mà chữ  vật ý nặng hơn.

Như: 汝 毋 面 從 nhữ vô diện tùng: Mầy chớ theo trước mặt (mà sau lưng thì phản đối) (chữ tùng); câu nầy ở kinh Thư; 非 禮 勿 言 phi lễ vật ngôn: Điều chi chẳng phải lễ thì chớ nói. (chữ  lễ); câu nầy ở Luận ngữ.

IV. Văn liệu sửa

Hôm nay, thế cho món thành ngữ − vì sợ lâu thì nhàm đi −, lấy phần nhiều những chữ học rồi, ghép lại mỗi "lời" từ bốn chữ trở xuống để học cho biết, kêu bằng “văn liệu”.

Văn liệu là tài liệu để làm văn. Nó là lời người ta thường đặt, nhưng chưa phổ thông bằng thành ngữ. Những văn liệu nầy chuyên để ứng dụng trong khi làm văn chữ Hán, nhưng lời nào dễ hiểu thì cũng có thể dùng vào Quốc văn được.

步 月 (bộ nguyệt): Đi dạo dưới trăng. Đáng lẽ nói 步 於 月 下 (bộ ư nguyệt hạ) mà nói tắt đi như thế.

出 洋 (xuất dương): Lời nầy xưa kia dùng để chỉ nghĩa ra khơi, nghĩa là thuyền đi biển mà không đi theo dựa bờ, ra đến ngoài khơi lận. Hoặc nói 放 洋 (phóng dương; phóng là thả) nữa, cũng là nghĩa ấy. Nhưng từ khi các nước phương Đông ta giao thông với phương Tây đến giờ, hai chữ nầy lại chỉ nghĩa là đi ra ngoại quốc, như nói 出 洋 遊 學 (xuất dương du học; du, học). Vì như nước ta, nước Tàu, nước Nhật mà đi ra ngoại quốc thì đều phải vượt biển cả.

臥 遊 (ngọa du): Nằm mà đi chơi hay là đi chơi bằng sự nằm. Nói về người ở nhà không đi đâu hết mà trong nhà có địa đồ, có sách, nằm một chỗ mà coi thì cũng như đi chơi. ( du là đi chơi).

割 愛 (cát ái): Cắt cái mình yêu hay tiếc. Ví dụ mình có vật gì, mình thích nó lắm, mà có người bạn xin đi, vì nể bạn quá mình phải tặng cho, dù mình yêu tiếc mấy cũng phải dứt tình.

行 屍 走 肉 (hành thi tẩu nhục): Cái thây đi được, khối thịt chạy được. Ý nói con người ngu, bất tài vô dụng, chỉ có cái xác thịt cử động đó mà thôi ( thi là thây người chết).

V. Tập đặt sửa

Đặt 5 câu về mode impératif với cách khuyên giục, nghĩa là dùng những chữ nghi, tu, đương.

Đặt 5 câu về mode impératif với cách cấm ngăn, nghĩa là dùng những chữ vô, vật.

Đây làm sẵn 10 câu bằng tiếng ta mà đặt theo lối đặt câu thường; rồi người học cứ theo từng câu đó mà đổi ra chữ Hán và thêm adverbe vào để làm thành mode impératif.

1/ Anh em yêu nhau; 2/ Con yêu cha mẹ, lại kính cha mẹ nữa; 3/ Người trong một nhà bảo bọc lẫn nhau; 4/ Người ta thường tắm gội; 5/ Trẻ nhỏ kính người già.

1/ Mầy đi giữa đường; 2/ Chúng bay ra cửa; 3/ Cha mẹ ngờ con mình; 4/ Một người vào trong núi; 5/ Anh em tự làm kẻ thù với nhau.

Làm xong coi theo đây mà biết mình làm trúng hay trật.

1/ 兄 弟 宜 相 愛 2/ 子 宜 愛 父 母, 又[1] 宜 敬 之[2]

3/ 一 家 之 人 宜 相 保 護 4/ 人 須 常 沐 浴

5/ 少 小 當 敬 老 人

1/ 汝 毋 行 路 中 2/ 汝 等 勿 出 門 3/ 父 母 勿 疑 其 子 4/ 一 人 勿 入 山 中 5/ 兄 弟 勿 自 相 爲 仇

   




Chú thích

  1. hựu nghĩa là lại.
  2. Chữ  chi nầy chỉ lại cha mẹ, cũng như trong tiếng Pháp dùng chữ les để chỉ lại tiếng nom số nhiều ở trên.