Giấc mộng lớn  (1929) 
của Tản Đà

Sách không ghi rõ năm xuất bản. Tuy nhiên, trong bài tựa có ghi ngày 19 Octobre 1928. Ở trang 41, tác giả có giới thiệu: Quyển này, Bản-cục chủ-nhân tự chép những sự kinh-lịch, cùng là những điều tư-tưởng, sự hành vi trong khoảng ba mươi bẩy năm, là từ năm lên năm tuổi đến năm nay là năm Kỷ-tỵ. Năm Kỷ Tỵ là năm 1929, vậy tác phẩm này được Tản Đà viết trong khoảng 1928-1929, xuất bản năm 1929.

TẢN-ĐÀ THƯ-CỤC

NGUYỄN-KHẮC-HIẾU





GIẤC MỘNG LỚN

BA MƯƠI BẨY NĂM NGUYỄN-KHẮC-HIẾU




Tous droits reservés



In lần thứ nhất
Giá bán: 0$30
 


Giấc Mộng Lớn

TẢN-ĐÀ THƯ-CỤC
NGUYỄN-KHẮC-HIẾU.



GIẤC MỘNG LỚN

Ba mươi bẩy năm Nguyễn-Khắc-Hiếu

Giấc Mộng Lớn


Tựa


« Còn giấc mộng lớn, đợi khi tỉnh rồi sẽ hay. » Cuối bài tựa quyển GIẤC-MỘNG-CON đã in ra năm xưa, có câu nói như thế. Song đến nay nghĩ lại, như giấc mộng con thời đến lúc tỉnh mới chép; còn giấc mộng lớn mà nếu cũng đợi đến khi tỉnh, thời thì giờ biết có hay không? Lại ông Trang-Chu có nói rằng: « Có sự tỉnh lớn, mà rồi mới biết giấc mộng lớn ». Nay dẫu chưa tỉnh, cũng đã biết là mộng, thời cần gì phải đợi đến lúc tỉnh mới chép. Chép giấc mộng lớn.

Giấc mộng lớn chép để làm gì? Giấc mộng con chép, thời giấc mộng lớn sao không chép, Nghĩ như người ta sinh ra đời, không ai dễ có mấy thân, cho nên mình yêu mình, là cái tình chung của nhân-loại. Mà cái tình yêu đó, không cứ đẹp hay xấu, hay hay dở. mà yêu thời cứ yêu. Bởi thế cho nên phóng ảnh truyền thần, đời càng văn-minh thời cái cách yêu mình cũng tiến bộ. Những cách đó, chỉ có hể mình chơi với mình về vật-chất, mình chơi với mình trong nhất sinh. Trăm năm ta lánh cõi trần, nghìn năm mình giữ tinh-thần chớ phai; chẳng qua là câu văn đề ảnh thời văn-chương như thế đó mà thôi, khó thay sự thực vậy. Hoặc giả luân-hồi có thực, kim-sinh mà lại có lai-sinh. thời cái ta sau ta, lấy đâu biết cái ta về trước. Cho nên đối với mình mà giấc mộng lớn chép.

Mình yêu mình, không cứ đẹp hay xấu, hay hay dở; người ta yêu nhau, thường cũng không cứ đẹp hay xấu, hay hay dở, mà yêu thời cứ yêu. Bởi thế cho nên hai người yêu nhau, thường cũng có tặng nhau bằng ảnh. Sự tặng đó, chỉ có thể đối với một số ít người có quen biết, mà chơi với nhau về sắc-tướng, chơi với nhau trong nhất thì. Còn như đối với đại-đa-số người có quen biết cùng là không quen biết, đem cùng nhau tâm sự trăm năm, thời phóng ảnh truyền thần khó thay hiệu lực vậy. Nghĩ tự Khối-tình-con xuất bản, lấy văn-chương làm bạn với ai ai; gần xa trong bốn phương giời, ta yêu ai đó là người yêu ta. Lại hoặc giả trăm nghìn năm sau nữa, ai yêu ta, ta chẳng được yêu cùng. thời, ai yêu, ta cũng ơn lòng, lấy chi báo đáp tấm lòng ai yêu. Cho nên đối với xã-hội mà giấc mộng lớn chép.

Vậy thời Giấc mộng lớn, là một tập kỷ-thực chăng? Hoặc có người hỏi chơi như thế, tác-giả thực khó giả lời: Đã gọi là mộng, thời sao được là kỷ-thực. Vậy thời giấc mộng lớn, là một cuốn tiểu-thuyết chăng? Hoặc có người hỏi chơi như thế, tác-giả lại càng khó giả lời: Có sự-thực mới chép, thời không phải là tiểu-thuyết. Thôi thời kỷ-thực hay tiểu-thuyết, tự độc-giả muốn cho sao thời là sao. Tác-giả chỉ cứ theo sự chiêm-bao mà tùy ý chép ra, không có mạch-lạc, không có qui-tắc, không kể việc khinh việc trọng, không hiềm cái dở cái hay, muốn lược thời lược, muốn tường thời tường, chẳng qua là một cuốn văn chơi, tưởng cũng không quan-hệ đến những sụ phẩm-bình của các bực đại-nhã cao-nhân vậy.

Vĩnh-Yên le 19 Octobre 1928

Nguyễn-Khắc-Hiếu

tựa

Giấc Mộng Ló’n

Giấc mộng lớn, từ năm lên bốn giở về trước không nhớ; nhớ từ năm lên năm, chép từ năm lên năm.

Năm mình lên năm tuổi, tức là năm Thành-Thái thứ năm, ở Nam-định vỡ lòng học chữ Hán. Khi ấy đi học, còn phải có người cõng, về nhà chỉ thích chơi chuồn chuồn. Trong năm ấy, học hết được một quyển Tam-tự-kinh, một quyển Ấu-học ngũ-ngôn-thi và một phần quyển Dương-tiết. Trong ba quyển sách ấy, thích nhất là quyển Ấu-học ngũ-ngôn-thi; trong quyển Ấu-học Ngũ-ngôn-thi thích nhất là hai câu hoa-cù hồng phấn nữ, tranh khán lục y lang. Cái bệnh đa tình từ đấy, cái lòng mê khoa-cử cũng từ đấy. Các nhà làm sách để dạy trẻ, cũng nên cẩn thận thay!

Hết năm lên năm, sang đến năm lên sáu, ở Nam-định lên Hà-nội, học Luận-ngữ chính-văn. Năm lên bẩy, lên tám, thời về quê nhà ở Sơn-tây, núi Tản sông Đà, từ đấy mới kết duyên non nước.

Trong thời-kỳ ấy, tư-tưởng hành vi, nhiều cái rất tự-nhiên. Lần thứ nhất mình thấy có đám ma, hỏi ra thời chúng nói là trong làng có ông cụ chết; trong bụng lấy làm rất lạ: người mà sao lại có người chết! Thấy chúng nói truyện làm nhà, cũng lấy làm rất lạ: nguyên tưởng những cái nhà người ta ở, là tự giời đất sinh nó ra như thế, sao lại có người phải làm nhà! Có một khi cùng những trẻ con trong họ, chơi làm sự hát chèo, mình đóng vai Từ-Thức, mặc một cái áo bằng cấp mà không có mặc quần; đến lúc cửi áo cẩm-bào để tha cho người tiên-nữ, cả chúng đều vỡ cười.

Khoảng năm mười một mười hai tuổi, học ông anh ở nhà, có câu đối ra rằng:

     攝 乎 大 國 之 間
Nhiếp hồ đại-quốc chi dan;

Đối:

     屹 如 巨 人 之 志
Ngật như cự nhân chi chí.

Năm mười bốn, ông anh bổ về làm giáo-thụ phủ Quảng-oai (thuộc Sơn-tây), mình theo về để học. Cuối năm mười tám tuổi đó là năm Bính-ngọ, theo ông anh về chấm trường thi Nam. Năm mười chín, lại theo ông anh về tu-thư ở Hanoi. Nhà chọ phố hàng Nón, mình đi học trường Qui-thức (Ecole modèle) ở phố Gia-ngư; bạn hữu mới bắt đầu giao du, con đường thân thế mới mở lối, thời có câu truyện ở hàng Bồ.

Ở hàng Bồ, số nhà hơn hai mươi về giẫy bên lẻ, có một người con gái ngồi bán hàng tạp-hóa, không biết có phải là tuyệt-sắc hay không, mà tự con mắt mình khi bấy giờ thời như ngoài người ấy không có ai là con gái. Mỗi buổi chiều tan học, ở Gia-Ngư về hàng Nón, trừ phi giời mưa gió, thường tất phải đi quanh qua hàng Bồ. Tấm lòng ao-ước, ngỏ cùng một người anh em bạn học đồng-canh. Người bạn đi nói giúp việc mối. Cứ bên nhà người con gái, thời việc có nhẽ song; bên nhà mình thời ông anh chỉ bảo một câu rằng: « nhà ta nghèo như thế, lấy đâu được song-mã mà cưới. »

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần-giới em nay chán nửa rồi!

Hai câu thơ in ở đầu quyển Khối-Tình-Con thứ nhất là mãi đến khi sau mới làm ra, mà cái cảm-tưởng thực phát đoan từ đấy. Tuy vậy, một sự thất-vọng đó cũng không dám lấy làm oán-vọng, vì một sự hy-vọng đó nguyên vẫn tự biết là xa-vọng; lại sự thất-vọng đó cũng chưa hẳn đã là tuyệt-vọng; lại cái lòng mê khoa-cử đương trọng, cho nên chữ tình duyên riêng để một bên.

Hết năm ấy, về ở quê, rồi sang học ở phủ Vĩnh-Tuờng (thuộc Vĩnh-Yên), là theo ông anh lại bổ về làm giáo-thụ ở phủ ấy. Ở Vĩnh-tường bốn năm năm, chuyên tâm về sự học. Mục-đích sự học ở khoa-cử, tiền-đồ khoa-cử có quan-hệ với tình duyên. Đến lúc thi hỏng luôn hai khoa mà ý-trung-nhân xuất giá, thời « đời đáng chán hay không đáng chán », cũng chẳng đợi cất chén quỳnh mà hỏi bạn tri-âm. Sau đó rồi mới có lúc ở chùa Non-tiên, tế nàng Chiêu-quân, sự thuộc năm Duy-tân thứ bẩy.

Chùa Non-tiên ở núi Non-tiên, về phận đất làng Tiên-Mai, thuộc phủ Mỹ-đức tỉnh Hà-đông, Chùa ở chân núi, núi trông xuống sông, sông có bãi. Trên núi có miếu riêng thờ chư vị tiên-nữ. Sông về khoảng mùa xuân thời có nhiều tầu thuyền đi lại đưa khách ở Hà-nam đi chùa Hương. Đứng trên núi trông về mặt trước thời ngư, tiều, canh, mục đủ hết. Chèo lên những cành cây to ở mỏm núi mà trông xuống khúc sông đó, thời chùa Hương phủ Lý, biết bao trần-khách vãng lai. Khi ở Non-tiên là nhân có một người bạn thân ở gần vùng đó, cũng lai là một ông bạn đồng-canh, thấy mình trong lúc vô-liêu-lại về chơi, cho nên vì nhau tìm cảnh thú giải phiền, mà chùa núi Non-tiên mới thành chỗ dung người yếm thế. Khi mới đến ở đó, đem vài bốn người học trò nhỏ theo học, để lấy kẻ sai khiến. Ngày cùng các thân-hữu đem rượu lên núi chơi, có khi đêm sáng giăng. cùng nhau ra rạo cảnh quanh chùa để đi tìm hồ quỉ. Trong khi đó. tự lấy làm phóng dật thanh cao, nhưng thực đã gần ra tâm-tật vậy. Đêm hôm rầm tháng ba, tế nàng Chiêu-Quân ở sân chùa, giết hai con gà làm cơm cúng, có đủ rượu, hoa, nhang, sáp, một người anh em bạn giúp việc, việc tế rất thành kính. Bài văn tế, nguyên văn bằng chữ nho rằng:


 尚饗 
 中庭魂兮歸些駕予與行 
 共悲同情爰陳菲禮望拜 
 窮士山西小生隔代異國 
 哉紅顏靈魂何依某天南 
 垂腥臊匪類弔祭伊誰傷 
 憾無期明月獨舉黯雲空 
 嗚呼 昭君芳骨有盡幽 
 孤眠傷哉紅顏伊胡乃然 
 胡地千年靑塚留恨黃泉 
 絕世命薄無天漢宮一別 
 祭之曰嗚呼 昭君色艷 
 國前代佳人昭君之靈而 
 芙荼洒饌敢祇告于 北 
 𡽫仙山山寺寓客某謹以 
維維新柒年春三月望日夜 

Bài văn đó, sau về đến Nam-định, quan huyện Nẻ-Xuyên dịch ra quốc văn rằng:

Cô ơi, cô đẹp rất đời,
Mà cô mạnh bạc, thợ giời cũng thua.
Một đi từ biệt cung vua,
Có về đâu nữa! đất Hồ ngàn năm.
Mả xanh còn dấu còn căm,
Suối vàng lạnh-lẽo cô nằm với ai.
Má hồng để tiếc cho ai,
Đời người như thế, có hoài mất không.
Khóc ai nước mắt giòng giòng,
Xương không còn vết, giận không có kỳ.
Mây mờ giăng bạc chi chi,
Hôi tanh thôi có mong gì khói nhang.
Ối hồng-nhan! hỡi hồng-nhan!
Khôn thiêng cũng chẳng ai van ai mời.
Giời nam thằng kiết là tôi,
Chùa tiên đất khách khóc người bên Ngô.
Tôi với cô, tôi với cô,
Trước sân lễ bạc, có mồ nào đây.
Hồn cô giá có ở đây,
Đem tôi đi với, lên mây cũng là...

Quan huyện Nẻ Xuyên, họ Nguyễn, tên húy là Thiện-Kế, tên tự là Thuật-chi, người làng Nẻ-độ ở Hưng-yên, sau lên ở Sơn tây. Ngài có tri huyện Tùng-thiện và Phúc-thọ, cho nên gọi là quan huyện. Ráng mặt ngài trông như người móm, cho nên tục thường gọi là ông huyện Móm. Ngài là một tay đại thi-hào trong áng quốc-văn mới đây vậy. Các văn thơ của Ngài hùng-hồn lỗi lạc mà nhiều vẻ khôi-hai, truyền tụng trong xã-hội cũng nhiều, nhưng bởi sinh-thời Ngài chỉ thích khẩu đọc chơi, không có chép ra thành biên, cho nên sau này không có tập. Như bài văn trên đây cũng là trong khi Ngài cùng mình ở chơi Nam-định, nhân mình đem nguyên-văn ra đọc, rồi Ngài tùy khẩu dịch luôn. Những bài khác của ngài làm ra trong khi ấy cũng còn có ít nhiều, tiếc không nhớ được mấy, nhớ có bài vịnh một trứng trăm trai rằng:

Lạ lạ con tiên với cháu rồng,
Biết đâu có có với không không.
Nếu hai nhăm triệu cùng cha mẹ,
Sao cưới xin nhau dám vợ chồng.

Cai sinh-nhai quốc văn của mình có hơn mười năm nay, thực từ trong lúc thanh-niên, có quan Huyện phát đoan dẫn đạo. Đến nay thời kẻ pha đầu bạc, người đã suối vàng, lá đỏ cành thu, cỏ xanh mồ cổ. Thương nhớ thay!

Sau lúc tế nàng Chiêu-Quân, từ giã các bạn Non-tiên, lại xuôi về Nam với quan Huyện, ở tựa một nhà đại tư-bản. Trong khi ấy ngoài sự làm thơ văn, chỉ mê thiết xem các thứ nhật-trình tầu. Cảnh-ngộ vô tình, mà cái cơ duyên báo chí sau này cũng phá đoan từ đấy. Hết xuân sang hạ, ở Nam-định về Sơn-tây, rồi vào ở tại ấp Cổ-đằng. Trong giấc phù-sinh, lại sinh xuất có một đoạn rất ly-kỳ quái ảo.

Ấp Cổ-đằng, địa-phận về hạt huyện Tùng-thiện, mà kể quyền sở-hữu thời là đất của ông Điêu-văn-Trì. Quan huyện Nẻ-xuyên, sau khi đã thôi sự làm quan, dủ bạn hữu các quan bỏ tiền ra mỗi người ít nhiều, nói với ông Điêu cho nhận một khu đất để lập ấp, công việc do Ngài trông coi, ông anh mình cũng có một phần mọn góp ở đó. Từ tỉnh-lỵ Sơn-tây vào Ấp, chừng độ 14 cây số, đất sỏi đường đồi. Trong ấp, có một cái nhà lá to, dưới là nhà ngang, là bếp; chung quanh nữa là các nhà điền-hộ canh-phu. Khi ấy việc ấp cũng không được phát đạt, cho nên quan huyện ít đi lại, chỉ giao cho người nhà trông coi. Mình từ khi ở ấp, bốn bề phong-cảnh, phải đâu như hàng Nón hàng Bồ, gió hót giăng cheo, rừng reo suối chẩy. Cái bụng chán đời đến cực-điểm, quyết mong tịch cốc để từ trần. Tiếc không nhớ là bắt đầu từ ngày hôm nào, thôi sự ăn cơm, chỉ khát không chịu được thời còn phải uống nước. Ba hôm như thế, sầu khổ không thể chịu được nữa, thời lại phải uống rượu. Rượu uống cũng uống xuông, mà uống đến thật say. Nguyên đã ba hôm không ăn, trong bụng hư-không, lại một phen say rượu mê ly, thành ra từ đấy về sau, khác hẳn từ đấy về trước. Bụng không biết no, không biết đói; người không biết vui, không biết buồn; chỉ cứ mỗi ngày một bữa rượu, hoặc uống xuông, hoặc ăn bằng một đĩa rau rưa nhỏ con, song rồi đem chõng ra nằm ở dưới cây ngọc-lan, nghe những con chim kêu trên cành cây, hoặc là xem những đám mây đi trên giời, con chim bay trên không, xem kết-cục đến đâu là hết. Ngày thanh đêm vắng, mới sinh ra làm nhiều những thơ văn quốc-văn. Các thơ văn trong buổi ấy, đến sau in ở hai quyển Khối-tình và Khối-tình-con thứ nhất về phần nhiều, mà trong khi đương ở Cổ-đằng, thực chưa có bụng nào viết văn để in vậy. Ở Cổ-đằng ba tháng, rồi theo mệnh lệnh gia-đình, phải về trên quê ở. Từ khi về ở quê, đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn; mỗi bữa ăn, hoặc là cái thủ heo, hoặc con gà, con vịt, hoặc con cá, tất toàn-thể đặt trong mâm với con dao đĩa muối; rượu thời uống hũ. không uống chai. Bữa ăn cũng rất là vô thường, nếu thuộc về phần đêm thời có khi thắp hai mươi tám ngọn nến, gọi là nhị thập bát tú; thắp bẩy ngọn nến, gọi là thất-tinh-đàn. Bữa ăn nếu về phần ngày, thời sau khi ăn song, tất phải có con dao thanh quắm, đi chém phạt ít nhiều cành cây, như không thế thời không thấy thú sướng. Lại như những con gà con vịt, nếu không được tự tay mình cắt tiết thời ăn không thấy ngon. Đương lúc ăn rau thời trong bụng sao mà thanh cao; đến khi ăn thịt thời sao mà sát-tâm đến như thế! Đương lúc ăn rau thời ở trong nhà đi ra sân, có khi phải vịn theo hàng ghế; đến khi ăn thịt thời sao mà khỏe mạnh lạ thường! Nhân nghĩ đến câu thực nhục giả dũng hãn, có khi là phải; ma sự ăn quan-hệ với người há nhỏ ru?

Ở nhà quê cũng vừa đúng ba tháng, rồi lại phải theo mệnh lệnh gia-đình, sang phủ Vĩnh-tường để ăn cơm. Trước khi ăn cơm, phải học tập ăn cháo. Một người đàn bà có quen biết là con gái quan tri ở phủ đó có nhắn lời hỏi thăm rằng: « ông ấm đã biết ăn cơm chưa? »

Trước sau trong sáu tháng giời không ăn cơm, nhất thiêt việc đời gác ra ngoài bụng. Từ lúc miếng cơm đã vào miệng, thời bao những trần-duyên tục-lụy, lại theo nhau cho đến kỳ-cùng. Năm Duy-tân thứ chín, vua Duy-Tân lập hậu ma mình cũng thành hôn. Đến nay đà ba bốn đứa con, cảnh ngộ ở đời cũng lại chẳng khác chi người khác; lo ăn lo mặc, kiếp phù sinh rút lại cũng như ai. Cho hay con người ta sinh ra đời, như đã bị ở dưới một cái qui-trình nhất định, dẫu có muốn ương với hóa-công mà thoát vòng đào-trú, khó thay!

Sang đầu năm sau là năm Duy-tân thứ mười, ông anh tạ thế; đến tháng năm năm ấy, một người cháu ruột lại từ trần. Cái tình cảnh bi thương trong gia đình, hợp với cái cảnh-ngộ bần hàn của thân thế, khiến cho kẻ chán đời chẳng được thời lại phải tùy thời tùy thế; mà sinh-nhai lối dọc đường ngang. Hai phen diễn kịch ở Hà-nội, Hải-phòng, cùng là các thứ sách truyện Khối-tình con, Giấc-mộng-con, Khối-tình chính, phụ, Đài-gương kinh, truyện, Lên-sáu Lên-tám, đều là những công việc làm ăn trong khoảng mấy năm vậy. Trong khoảng mấy năm ấy, ngoài công việc làm ăn, có hai sự đáng nhớ, một là sự học, hai là sự đi chơi.

Sự học, từ sau khi thi hỏng khoa nhâm-tử, thôi nghề khoa-cử, mới xem ra sách ngoài: nhưng cũng vẫn chỉ là những các sách cũ của Trung-quốc. Đến khoảng mấy năm ấy, thời mới xem rộng ra các thứ sách mới của người Trung-quốc dịch của người Thái-tây. Trong các thứ sách dịch ấy, có một quyển đáng nhớ hơn, là quyển Quyền-giới-luận. Quyển sách này, nguyên của người nước Anh là Mục-Lặc (Stuard Mill) làm ra, người tầu là Nghiêm-Phục đứng dịch. Mới xem hai bài tựa ở trên, trong bụng lấy làm lạ. Bài tựa của tác-giả, đại-ý chỉ nói rằng: « quyển sách này làm ra sau khi người vợ đã tạ thế, không có ai chữa lại cho nữa, cho nên kém hay. » Bài tựa của dịch-giả, thời câu cuối có nói rằng: « Quyển sách này sau khi dịch ra, đã đánh mất đi mấy năm, mà rồi lai tìm được, có lẽ là giời thương bốn vạn vạn đồng-bào Trung-quốc mà không nỡ bịt mất một cái tia sáng chăng? » Xem hai bai tựa như thế, rồi xem vào trong sách, thời tự thấy có ích cho mình về tinh thần tiến thủ. Sau khi đã xem quyển sách ấy, hơn trước khi chưa xem.

Sự đi chơi, từ năm Kỷ-dậu giở về trước, chỉ có loanh-quanh trong mấy tỉnh ở Bắc. Đến năm canh-thân là năm 32 tuổi, mới theo cùng một nhà tư-bản vào chơi đất Trung-Kỳ. Nguyên sự đi chơi, chủ ý là đi Huế, rồi nhân tiện vào Tourane. Tourane ở không đầy một ngày, Huế thời ở lâu mà cũng không có đi xem chơi được mấy chỗ; tóm lại cái lợi ích trong sự đi chơi ấy, được ở dọc đường về phần nhiều. Rộng mắt nhân dân sơn hải, mà nặng lòng chủng tộc giang sơn. Chèo lên đỉnh núi Hoành-sơn mà trông quanh ngoài bể trong non, có hơn như phục dưới đèn xanh, đọc một thiên luận thuyết tự tôn vậy.

Sau khi đi chơi Trung-kỳ về, vẫn ở nhà xem sách và theo làm các công việc sách vở như thường. Trong nhà có mẹ có vợ, sinh nhai đạm bạc, cũng tạm đủ yên vui qua ngày. Hằng khi dưới bóng tà-dương, một mình lơ-lửng trên con đường đê cao, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản. Một mối cảm-tình thanh thượng, lơ-thơ như tơ liễu chiều xuân. Cái tiểu-thuyết Thề-non-nước, « nước đi đi mãi không về cùng non », văn-ý thực phát sinh trong lúc ấy. Lại đôi lúc sông Đà mùa nước, nước rộng mênh mông, gió quốn mặt sông, sóng nhô giòng nước, cái cảm-tình phấn khích lại cũng theo với những sóng, sông, gió, nước, mà tưởng như phá lãng thừa phong. « Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán, cánh chim bằng chín vạn những chờ mong. » Hai câu trong bài hát miễu nói hỏi gió có lưu hành ở trong xóm bình-khang, cũng là những văn thơ lúc ấy vậy. Cái phúc thanh nhàn, giời bảo hãy hưởng qua như thế.

Sóng dợn sông Đà, con cá nhẩy;
Mây chùm non Tản, cái diều bay.

Năm 33 tuổi, tức là năm 1921, mới ra làm chủ-bút Hữu-thanh, diễn thuyết ở nhà hội Trí-tri, ấy là mới nồng đậm giao du với xã-hội. Làm chủ-bút Hữu-thanh sáu tháng, rất là vô công trạng; đến cuối năm ta năm ấy, có lời từ chức, lưu lại bốn câu thơ đăng báo rằng:

Mới nửa năm giời báo Hữu-thanh,
Biệt ly lai láng xiết bao tình!
Chút tình hữu ái không ly biệt,
Tiếng gọi đàn xa núi Tản xanh.

Ở Hữu-thanh thôi về, đến tháng ba năm sau là năm nhâm-tuất, Gia-từ khứ thế; việc tang song hết, từ biệt các ông già trong hương quán, lại ra đi tìm cách sinh-nhai. Từ ấy đến nay, tính ra đà bẩy tám năm giời, chưa từng về đến gia-hương; mây non Tản, sóng sông Đà, chỉ tưởng tượng xa trông mà nhận đó là nơi cố-hương vậy. Cùng năm ấy, khoảng tháng tám, Tản-Đà thư-điếm thành lập, là cùng với hai người anh em bạn, một ông Tú, một ông Kép, cùng nhau gây dựng lên. Tản-đà thư-điếm đến sau hợp với Nghiêm-Hàm ấn-quán, gọi là Tản-đà tu-thư-cục. Các thứ sách Đại-học, Kinh Thi, Quốc-sử huấn mông.... xuất bản vào khoảng mấy năm ấy.

Năm 1925, ở xã-hội phong-trào kích thích, cái công việc làm sách, tự nghĩ quá là thanh nhàn. Nằm lâu muốn dạy, mới đầu đơn Chánh-phủ, xin tạp-chí An-nam. Năm 1926, tiếp nghị-định của Chánh-phủ cho phép, mà người bạn cũ của các bạn độc-giả Hữu-thanh năm xưa lại có một phen trận bút trường văn sẽ cùng nhau tương kiến.

An-nam tạp-chí đã được phép, sự hành-động còn chưa có đồng tiền nào, nhưng trong chỗ nhà ở thuê tại một nơi thôn quê ở gần tỉnh-lỵ Hà-đông, lại thuê thêm một chỗ nhà riêng, mời một ông trợ-bút và dùng một hai người chép văn, hãy cứ làm công việc tòa soạn. Sau đó rồi mấy lần lên Vĩnh-yên, Sơn-tây để đi vay, vay không được đồng nào, tiền hành-phí đeo nợ mấy chục bạc. Một hôm ở Sơn-tây về Hà-nội, là ngày mồng 4 tháng 5 ta, năm Bính-dần, trước đoan-dương một buổi. Bữa ăn tối hôm ấy, ở tại nhà người anh em đồng-tỉnh, là nghị-viên làm thầu khoán, thuê ở phố Hàng-Lọng, số nhà 50, — 52. Trong bữa ăn có ba người, chủ-nhân với mình và một người khách nữa, người khách ấy thời tự mình không biết là ai. Khi rượu uống vừa say, đàm đạo đến công việc tạp-chí, mình tự thán một câu rằng: « Cái việc đáng có vài ba nghìn bạc mới làm được, ở mình thời nếu chỉ có một trăm đủ làm, mà không thể nào có, ở đời thật nhiều lúc đáng buồn! » Câu chuyện nói song, ông khách cùng ăn cơm cảm-khái hứa giúp một trăm bạc, hẹn đến tám giờ tối hôm sau thời đưa. Đúng tám giờ tối hôm sau, có một trăm đồng bạc ấy của ai, mà tạp-chí An-nam được xuất bản.

Một trăm đồng bạc của ông khách đưa cho tối hôm ấy, ngày hôm sau đem giả nợ tiền hành-phí đi vay cùng là chi-tiêu về hai chỗ nhà thuê ở làng Xa-la tỉnh Hà-đông, tất cả hết đi năm mươi đồng; còn 50$00 để tổ-chức báo-quán. Lâm thời báo-quán chung với chỗ nhà thuê ở của người anh em là chủ-nhân bữa ăn ấy, tức là nhà số 50 — 52 Hàng-Lọng; bàn ghế, giây nói tiện-nghi cả. Việc in thời châm-trước với nhà in ở Hàng-Bồ, được giả sau sáu mươi ngày. Việc quảng-cáo cứ đưa các báo-quán, tiền sẽ giả sau. Vậy chỉ phải mua một cái biển An-nam tạp-chí và hai cái bàn viết là bàn giấy tòa soạn và bàn giấy trị-sự, tất cả lại hết đi hai mươi nhăm đồng; còn hai mươi nhăm đồng, giữ làm lương thực ở Ha-noi, bốn người, mình và một ông trợ-bút, một người thư-ký, một tên bếp. Các công việc tiến hành ngay từ ngày hôm mòng bẩy tháng ấy, sau đoan-dương hai hôm. Trước khi tạp-chí được ra đời, chừng khoảng cách ba ngày, tiền quĩ của nhà báo còn có hai đồng bạc, ngoài sự ăn, các sự phải tiêu dùng về việc báo cũng còn có nhiều sự cần khẩn. Bất-đắc-dĩ phải cậy ông trợ-bút sang Bắc-ninh vay lãi. Đưa ông cầm một nửa số tiền quĩ, tiễn xuống chân thang mà dặn theo ông rằng: « Dẫu đến bốn mươi phân cũng vay. » Vay được hai mươi đồng bạc, lãi mười lăm phân, giữ qua trong ba ngày mà An-nam tạp-chí xuất bản.

Tạp-chí đã xuất bản, tiền tiêu vặt trong hằng ngày không phải lo. Rồi mà người anh em cùng ở để lại cho thuê cả cái nhà, mỗi tháng ba mươi nhăm đồng. Tiền nhà in mỗi tháng gần tới bốn trăm đồng. Tiền xắm xửa các đồ cần dùng trong tòa báo, cùng là chỗ gia-quyến ăn ở, tân-bằng vãng lai, trước sau lục-tục có tới ba trăm đồng. Tiền ăn tiêu hằng tháng không có sổ chi tiêu, một là tạp chí về công việc tòa báo, hai là nuôi người nhà người làm, ba là cung tiếp tân khách, lại hằng khi phóng phiếm vô íchi, mỗi tháng không biết là bao nhiêu. Vì mỗi tháng không biết bao nhiêu tiền chi tiêu, cho nên không bao lâu mà tòa tạp-chí An-nam lại như thể cái thành bị vây vậy.

Làm An-nam tạp-chí mười tháng giời, đáng ra phải có hai mươi số, sự-thực chỉ có mười số; tiêu hại tiền của xã-hội cũng đã lắm, rút lại lại không công-trạng gì. Khoảng đầu xuân năm đinh-mão, mưa xuân dữ, gió xuân không hòa, một cuộc chiến tranh của người an-nam[1] mới bố cục, An-nam tạp-ch tạm đình bản, cờ vàng đảo ngọn, phiêu-lưu tên lính đội tiền-phong.

Mỗi một phen ra đời, lại một phen thất bại; mỗi một phen thất bại, đầu tóc lại bạc thêm. Trong ngày hôm 11 tháng 3 ta (12 4-27), tính toán các công nợ nhớn bé, chỗ giả chỗ khất; song rồi họp các người làm trong tòa báo cùng người nhà, rượu trè đàn địch, ăn chơi xuốt đêm. Giời gần sáng, đem số tiền tối hậu còn mười bốn đồng bạc, chia làm hai, một nửa giao cho người cháu thân chu-trí vợ con để đợi có ngoại-gia ra đón, một nửa là số tiền hành-phí cầm đi; còn bao nhiêu đồ vật, cùng là những tạp-chí ế còn lại, các sách truyện thu-thập và mới in để định chấn-trỉnh Tản-đà tu-thư-cục, nhất thiết cho là vô-khả-nại-hà, mặc người nhà phân phó. Sáng hôm ấy là ngày 12 tháng 3 ta (13-4-27), ở Hanoi ra đi, tối đến Nghệ-an, sáng hôm sau đến Hà-tĩnh.

Phân vân xã-hội gia-đình,
Hơi men ướp dạ, giọt tình thấm khăn.

Hai câu đó là cái tình trạng trong lúc uống bữa rượu trưa ở trên hỏa-xa khi khỏi Ninh-bình gần Thanh-hóa; còn như từ Hà-tĩnh giở vào, thời bao nhiêu cái hoài-cảm ở Honoi đem đi, dần dần tiêu tán, chỉ một là bận về sự giao-tiếp, hai là mê thiết sự du-quan. Ở Hà-tĩnh, nghỉ chơi nhà ông chủ giây thép, trò truyện vui cùng các anh em sĩ phu đến thăm. Rồi hỏi thăm cảnh-thắng quanh miền, đi chơi núi Sót.

Cách tỉnh-lỵ Hà-tĩnh chừng 15 cây số, có cảnh núi Sót. Núi ở ra ngoài bể, tức là một cái cù-lao con, có đất có đá, có mạch nước hằng tuôn. Dân cư ở gần đấy bắc ống bương lấy nước ăn, cũng như các mỏ nước ở trên mạn ngược ngoài Bắc. Tỉnh thành Hà-tĩnh cũng ăn nước ở núi ấy, có đường sông vận tải về. Những thuyền đi tải nước, lệ được bán mỗi gánh một đồng su. Hôm đi chơi núi là ngày 14 tháng 3 ta (15-4-27), giời mưa dầm, đường khó đi, phải thuê một cái xe hai người cu-ly, vừa đẩy vừa kéo. Qua sở muốn Hộ-độ, vào thăm xem, nhưng hôm ấy vì giời mưa cho nên không có phu làm muối, rồi đi luôn ra bãi bể. Để xe ở trên bãi, thuê một chiếc thuyền con bơi ra. Gió to, bay cả phên thuyền đưa xuống nước. Nghĩ đến câu « cơn giông biển nhớn, mái chèo thuyền nan », mới hay thân thế con người ta vần truyển ra sao, quả-nhiên có tiền-định. Sang tới núi, chèo lên uống chơi mấy khẩu nước, rồi đứng xem phong-cảnh. Giời lại mưa to dữ, bất-đắc-dĩ phải xuống thuyền quay về. Khi đó ngồi trong thuyền uống rượu, trông lên trên dệ núi, thấy những đứa trẻ con giai gái chạc mười hai mười ba tuổi, lánh mưa gió núp ở dưới cạnh hòn đá to. Hỏi người bơi đò thời đấy là những trẻ con bên xóm[2] sang hái củi. Thuyền đã về tới bến, vào nghỉ chơi nhà người lái đò là ở trong một cái thuyền nhớn, uống nước, ăn thuốc lào; nhân nói truyện với chủ-nhân (chồng người bơi đò): muốn cúng ba đồng bạc để nhờ nhà chủ làm một cái lều danh con, phòng cho những trẻ con sang hái củi có chỗ núp mưa nắng. Người chủ thuyền, chạc chưa tới bốn mươi tuổi, không dám nhận hay không thế nào, chỉ xin mời ông cụ trưởng hàng xóm sang nói truyện. Một lát, thấy một ông cụ đầu bạc phơ, trông đến tám mươi tuổi giở lên, lại một bà cụ đầu bạc, cũng vào bực tuổi ấy, thời là hai vợ chồng ông cụ trưởng trong xốm cùng sang để nghe truyện. Ông cụ bà cụ đã cùng ngồi vào trong khoang, lại thấy đàn ông, đàn bà, trẻ con, kéo đến thật đông, đứng chen chật kín ngoài cửa thuyền, thời cũng là đến để nghe truyện. Đợi chúng đã yên tĩnh, mình mới thưa truyện với ông cụ bà cụ, cũng như ý nói với người chủ thuyền. Ông cụ khi mới nghe nói, cũng đáp lại không dám nhận, cho là: một thời sợ rồi việc quan hỏi đến có lỗi, hai nữa là hoặc có những đứa xấu bụng dỡ trộm làm củi thời cũng không thể giữ được. Nghe ông cụ nói như thế, mình phải nói kỹ rõ lại để mọi người cùng nghe rằng: về việc quan thời không lo, mình là một ông chủ tòa báo ở ngoài Bắc, nhân đi qua chơi xem phong-cảnh mà cúng ba đồng bạc để làm việc phúc đức, như thế thời người nhận tiền có việc gì mà ngại. Nhân đưa ông cụ một cái danh-thiếp, để có ai hỏi đến thời đưa ra mà nói là của người này cúng. Còn như sợ đứa nào ăn trộm, thời dẫu có như thế, cũng thôi không làm gì; nhưng ông cụ cũng nên nói truyện qua cho người trong xóm biết là của một người khách đi qua cúng như thế, thời có lẽ cũng không ai nỡ lấy trộm nào. Câu truyện nói đến thế, rồi ông lão mới vui-vẻ mà nhận lời cầm tiền, rồi bà lão cùng mọi người cũng mới vui-vẻ, các trẻ con rất vui-vẻ. Khi ấy, trước chỗ mình ngồi chừng có một hào tiền su, là tiền giả tiền đò còn thừa. Các trẻ con nhà lái-đò đến xin, cho mỗi đứa một su. Rồi còn lại su nào, các trẻ tự do tranh đến lấy. Những ông già người lớn thấy vậy, ai nấy đều của mắng con trẻ. Mình bảo cứ mặc trẻ cho vui; nhân nói truyện vui rằng: tôi năm nay ba mươi chín tuổi, ở nhà tôi cũng được hai đứa cháu giai, tuổi nó xuýt-xoát như thế này. Nay tôi đi chơi xa mà trông thấy những đứa trẻ đây, cũng coi như những đứa con của tôi ở nhà. Nói đến đấy rồi mình ôm lấy một đứa trẻ vào trong lòng, những đứa khác lại cũng tranh nhau sán đến để ngồi vào lòng mình, có đứa quần áo mũi nhãi rất bẩn-thỉu, mà trong khi đó cũng không kể sạch hay bẩn, mà yêu thời cứ yêu. Cơn vui đồng chủng đồng bào, tưởng như Ngư-phủ Đào-nguyên chưa hẳn có thú vui như thế vậy! Tan một cuộc vui đó, rồi đứng dạy từ biệt. Đầy thuyền tống tiễn, con cháu tiên rồng, hả cho ai tấm lòng xã-hội đã bao lâu; buồn cho ai vô trạng với quốc-dân, chỉ đoán trông con cháu rồng tiên gió mưa trên mặt nước.

Sáng hôm sau, ở Hà-tĩnh vào Huế. Chỗ Huế đã đi chơi lần trước, cho nên lần này qua, cũng không có gì hứng vị lắm; chỉ có thăm Bắc-kỳ-châu-phả, Nữ-công-học-hội, nghe ca lý trên sông Hương, đi xe giờ xem phong-cảnh, rồi nhân ở Huế chơi Thuận-an.

Cách Huế 15 ki-lo-mét, có phong-cảnh Thuận-an, tức gọi là cửa bể Thuận. Chỗ đó nếu bà già con trẻ đến chơi, có lẽ không lấy gì làm thú-hứng, mà cái giá-trị đối với người du-lãm, còn kém xa ở xứ Bắc chùa Hương. Tuy vậy mà những người con giai hơi có chút học vấn thời cũng nên biết qua, vì là một nơi thắng-cảnh có ở lịch-sử vậy. Nguyên từ ở Hà-tĩnh vào Huế, nghỉ hơi nhà một ông bạn độc-giả của An-nam tạp-chí, người làng Đa-ngưu ở Bắc mà làm việc sở lục-lộ ở Kinh. Hôm đi chơi Thuận-an, ông bạn bận ra sở làm việc, cho nên cử một người anh em bạn hành với mình, thuê một cái xe cùng đi. Rượu và các thức ăn, bà chủ-nhân chu-trí một cách rất hậu khách. Hơn bẩy giờ sáng ở Huế đi, khoảng mười một giờ đến cửa Thuận, ấy là ngày 18 tháng ba (19 avril 1927). Đến đó, xuống đò con đi ra, vì Thuận-an cũng là một nơi cù-lao, có xóm mạc. Lên hỏi thăm trong xóm, đi tới một chỗ có tường bao đã tàn hủy, quanh mãi về mặt trước là mặt trông ra bể, thấy cổng xây lối cổ, dữa đề to hai chữ 南 門 Nam môn. Hai bên dưới có câu đối rằng:

  臨 巨 浸 以 弘 量
Lâm cự tẩm dĩ hoằng lượng;
  柔 遠 方 而 養 民
Nhu viễn phương nhi dưỡng dân.

Bên hữu câu trên về phía trên, có hai chữ 御 製 ngự chế Bên tả câu dưới về phía dưới, có một giòng chữ

嗣 德 三 十 一 年 四 月 十 四 日

Tự-đức tam thập nhất niên, tứ nguyệt thập tứ nhật. Đó là những chữ đề về phần chữ nho. Lại trông lên ở trên hai chữ Nam-môn, cũng ở khoảng chính dữa, thời có một cái biển gỗ sắc. đen, trông cũng đã hơi cũ, có chữ tây đề rằng: Service forêtier Bồi-hồi chút lâu, rồi nghé vào trong cổng, thấy có người, nhân vào xin nước uống. Có một người ăn mặc lính ra tiếp, thời là lính kiểm-lâm, mà tức là người trông giữ cái khu đó. Trong lúc cùng ngồi chơi uống nước, trông lên có một tòa nhà to, nghe người lính nói truyện, thời chỗ đó nguyên xưa là hành-cung của đức Tự-đức, đến sau là sở quan binh của nhà nước Bảo-hộ, đến sau nữa là tòa điện-báo, sau nữa là nơi thừa-lương của quan công-sứ Thừa-thiên, hiện nay thời là nhà kiểm-lâm của mấy ông tây kiểm-lâm hằng khi có đi lại. Uống nước song, ra xem nhà bia, phải khuân bỏ các nong nia của nhà người lính để trong đó, rồi xem thấy bia của đức Giực-tôn, thơ Ngự-chế vịnh Thuận-an tám mươi vần. Đức Giực-tôn là ông vua hiếu văn, cho nên hay làm thơ, đến nay tuy thời-đại biến thiên, nơi hành-cung là sở kiểm-lâm, nhưng bia thơ ngự-chế vẫn còn vậy.

Xem bia song, từ tạ người lính kiểm-lâm rồi cùng nhau đi ra nhân hỏi thăm phong-cảnh, người lính trỏ đuờng đi lên đài. Đà là chỗ của Nam-triều đóng quân để giữ cữa Thuận-an khi trước. Đi một lát, gặp mấy ông cụ già trong xóm, lại hỏi thăm nữa, nhân cùng đứng cả lại nói truyện. Gần chỗ đứng nói truyện, có một cái mô con xây bằng gạch, trông đã hủy hoại, mấy ông cụ trỏ và nói rằng: đó là cái lò của các quan tây khi mới đến Thuận-an đắp để hầm bánh. Câu chuyện cũng còn muốn nghe nữa, song giời đã trưa quá, vội sự đi ra đài.

Cổng đài thật cao nhớn, đề ba chữ 鎭 海 關 Chấn-hải-quan. Nếu ai đi du lãm hồi xưa, thời trông lên rất uy vũ, mà có lẽ không dung-dị được vào. Khi đó chúng mình hai người vào, không thấy có ai hỏi, cũng không thấy có ai mà hỏi. Trong cổng, đất rộng có thể làm vườn ruộng, mà chỉ là bỏ hoang cho cỏ mọc. Ở dữa, một tòa nhà xây vuông rất cao nhớn, đó là đài. Chung quanh ở chân thành có những hình xây mui-luyện như cái chiếu tùm-hum, thời người bạn đồng hành bảo mình đó là những chỗ để thuốc đạn khi trước. Vào mãi đến sau đài, có một cái nhà danh nhỏ con, mà cũng không thấy có ai cả; chỉ ở dưới cái dàn bí xiêu vẹo, có một con chó con chạy ra cắn lắc-rắc. Cứ người lính kiểm-lâm và mấy ông cụ gặp ở đường đã nói truyện, thời ở đài có người gác, có nhẽ là đi vắng chăng? Trông vào cái nhà danh thời thấy cửa đóng mà không thấy có khóa, bất-đắc-dĩ phải đập cửa để hỏi. Đập gọi một lúc lâu, quả-nhiên ở trong có người dạy, thời chính là tên lính giữ đài mà ngủ trưa.

Chép đến đây, mừng có một sự rất may-mắn tự nhiên, là sao? Nguyên người lính giữ đài đó trước có đóng ở Huế, cho nên cùng với ông bạn cùng đi với mình có quen biết. Có một chút quen biết, mà trong sự đi chơi cũng có hơn.

Khi ấy người lính mời vào chơi uống nước, rồi dẫn khách lên xem đài. Mở cửa đài trông ra mặt bể, thật là mênh-mông bát-ngát, lại đương trưa giời nắng gió, khiến cho người du lãm dễ phát sinh cái cảm-tưởng sâu xa. Nền đài xây bằng đá, dưới có hầm, là của Nam-triều ta vật cũ. Phần trên, dui sắt, dầm sắt. thời chắc là của nhà nước Bảo-hộ mới làm sau, nhưng cũng đã dỉ đen, trông thành vật cũ vậy. Có một cái tủ to, trong chứa bát đĩa dao dĩa, những đồ dùng ăn cơm tây, hỏi người lính thời là đồ cần dùng của những học-sinh nam nữ của quý Đại-Pháp bảo-hộ ở Huế trong mấy tháng hè ra nghỉ đài. Mình hai người đi chơi hôm ấy, may không phải là ngày nghỉ hè, cho nên mới được hưởng cái hạnh-phúc tàn dư của Cô-Tô vậy. Lúc ấy, xem đồng-hồ đã tới một giờ chiều, đói và mệt, dở rượu và các thức đồ ăn, bầy bàn ghế, mượn bát đĩa, lại tần-phiền chủ-nhân cho một đĩa rau bí luộc, ăn một miếng, uống một chén, thật ngon; trông ra ngoài chỉ có bể cùng giời, rồi say tít lúc nào không biết. Khoảng ba giờ chiều, đương nằm ngủ say ở ngoài hiên bao-lơn. bị ông bạn đồng hành cưỡng bách đập dạy để đi về. Mặt giời đã sế dậm về còn xa, cho nên say đến đâu cũng phải tỉnh. Xuống đài, từ giã người lính gác rồi ra về, lại ngồi đợi đò một hồi lâu, hỏi nghe những người ở bến đò nói truyện, hợp với những câu truyện nghe mấy ông già gặp ở đường cùng là người lính gác đã nói, thời: chỗ Thuận-an đó, có hai xả. Thai-dương thượngThai-dương hạ thuộc huyện Hương-trà phủ Thừa-thiên. Dân cư có chừng trăm nóc nhà, lấy việc chài lưới làm sinh-nghiệp. Cũng có nhà làm việc buôn bán, thời cũng chỉ những thức cần dùng cho các nhà trong xóm, như dầu tây, mắm muối, diêm thuốc mà thôi. Quanh cù-lao, nghe người tây có định đánh một con đường ô-tô, có nhẽ cũng chỉ là sự chơi mát. Chính chỗ cửa bể trước thời đến nay cát lấp, chỗ cửa bể nay đó là luồng nước lại mới thông; nhưng bây giờ đi lại vắng tầu bè, chỉ là cái khu-vực của các ngư-ông ra vào hôm sớm. Trước kia hai nghìn quân đóng giữ Thuận-an, bây giờ một tên lính chấn hải. Thời đại xuy đi, giang sơn biến cải, thiên-công đa sự, nhân-sự vô thường. Người du quan mà khách văn-chương, khỏi sao tình-tự vấn-vương vậy. Về đến Huế, giời vừa tối. Tối lại đi chơi vào xem nhà hát tuồng. Cái quang-cảnh đông vui đầm ấm, thật là « thái-hòa võ trụ, ngọc-luật hồi xuân, trên chín lần mũ áo đai cân, dưới trăm họ âu ca cổ vũ. »

Ở Huế đã hơi lâu, sắp đi vào Đà-Nãng. Trước khi vào Đà-Nãng, có thăm hầu cụ Phan. Chỗ Cụ ở cách Huế nhiều ít, theo con đường Nam-giao lên tới, ở đó đã tiệm là phong-cảnh quê. Khi mình vào, thấy cụ đương nói chuyện với mấy người đàn bà con gái, ý là gia-quyến của cụ, dừng chân đứng ở dưới sân, rồi nhờ người đưa danh-thiếp lên. Cụ đứng dạy ra thềm để tiếp khách. Mình vái chào cụ rồi theo vào. Cụ bảo ngồi chơi ở ghế cạnh uống nước. Nghe Cụ đương dở nói chuyện với mấy người đàn bà con gái đó thời không phải gia-quyến, sau hỏi mấy thầy đồ ở đấy thời những người phụ-nữ đó là nữ học-sinh Quảng-ngãi và người mẹ ra đón mà vào thăm hầu Cụ khi trước mình. Đợi Cụ nói truyện với các người dứt nhời, rồi mình đứng dạy thưa rằng: « Chúng con ở ngoài Bắc, nhân muốn đi chơi vào trong Nam, tiện đường vào thăm hầu cụ, chúc cụ mạnh khỏe. » Cụ cũng bảo lại rằng: « Ừ, giang-sơn nước nhà, cũng nên đi cho biết. » Ngoài câu đó, cụ có hỏi qua về việc An-nam tạp-chí mấy câu. Rồi thấy có một ông cụ đến chơi, lúc mới, mình tưởng là khách quen của cụ, sau nghe nói thời cũng là một người ở Quảng-bình vào chơi với con học ở Huế mà đến thăm hầu cụ, cũng như mình và các người đàn bà con gái kia. Khi ấy mình đứng dạy đi xem các chỗ cụ ăn ngủ, thời trong nhà không có gia-quyến gì cả, chỉ có mấy người học-sinh còn trẻ tuổi ở biên chép những bài vở quốc-văn của cụ làm. Lại có sáu đứa học-trò coi chừng độ lên sáu lên bẩy tuổi, học song, sắp hàng để đi về. Hỏi những người học-sinh thời là các trẻ con nhà nghèo ở gần mà cụ bảo đến học cho vui, sự dạy thời do mấy ông học-sinh đó. Chỗ cụ ngồi chơi tiếp khách có cheo mấy bức ảnh vĩ-nhân hiện thời, lại cũng có những bức địa-đồ và các tranh cách-trí thời là thuộc về sự dạy học. Ngoài sân có cây đu thể-thao. Vườn dược lơ thơ, cây cối trông không có vun tưới. Xem qua khắp một lượt, vào chào cụ rồi ra về. Khi đó chừng đã hơn năm giờ chiều, ngồi trên xe trông lại, chỉ thấy trên nóc nhà gianh, ngang mấy chòm cây, bóng tà-dương nhạt lạnh lửng-lơ, có nhẽ là một bạn chí-thân thường năng đi lại với cụ Phan ta vậy.

Đến thăm hầu cụ Phan là 19 tháng ba ta (20-4-27), sáng hôm sau thời vào Tourane. Đi Tourane, cũng có một sự may, là nhân gặp một nhà tư-bản đã từng đưa mình đi chơi Huế khi trước; lần này gặp ở Huế, lại cùng đi Tourane. Dừng xe lên đính Hải-vân-quan, chơi xem cảnh thắng. Chỗ Hải-vân, kể như xưa cũng thật là hình thế. Quảng-nam với Huế, đường độc-đạo tương thông; cửa quan làm trên cao trông xuống đường, tức là ở ngoài Huế giữ trong nam kéo quân ra bắc. Tưởng như xưa đương hồi Nguyễn, Trịnh, Tây-sơn, đã bao nhiêu giọt máu đồng-bào, tưới cây thấm đất; đến nay thời cửa không tường đổ, họa chỉ là một nơi thắng-cảnh cho những khách du-quan. Trên cửa trước ba chữ 海 雲 關 Hải-Vân-quan; mặt cửa nữa sáu chữ 天 下 第 一 雄 關 Thiên-hạ đệ nhất hùng quan, sự tu-tạo đều về đời Minh-mạnh. Từ ấy đến nay thời nam bắc nhất gia, quan san vô sự, mây ngàn giăng bể, thơ thẩn cùng ai. Tiếc không được phong-lưu thanh nhàn, thường được cùng đôi ba bạn hữu hữu tình, cùng nhau đi chơi thăm những lũy cổ bia tàn, để quan san không tịch-mịch.

Vào Tourane, nghỉ ở nhà một ông phán làm việc ở sở Đoan mà cũng là người Bắc. Ở Tourane truyến này hơi lâu trước sau sáu bẩy hôm. vui cùng các sĩ phu, đi Faifo, vào Đồng-Dương, chơi Ngũ-hành sơn, thăm Quảng-nam thủy-cơ cục. Nay chép qua sự đi chơi Đồng-dương và Ngũ-hành-sơn.

Ngày 23 tháng ba ta (24-4-27), ở Faifo vào chơi Đồng-Dương là một nơi có di-tích của Chiêm-thành, nay thuộc phủ Thăng-bình tỉnh Quảng-nam, cách Faifo 40 cây số. Hôm đi chơi cũng nhờ có ông chủ rượu ở Faifo có xe nhà đưa đi. Tới Đồng-dương, viếng thăm phong-cảnh, xem chỗ đi-tích ấy, thời cung điện trùng-trùng, tượng lăn tường đổ, những cái tượng-hình đẹp khéo đã đem chứa ở nhà tích-cổ ở Tourane (Musé chiêm), đây chỉ còn mấy con voi đá vẫn đứng chơ ở dữa chốn tàn-cung, như vẫn tận trung cùng cố-chủ. Hỏi truyện những thôn-dân ở đấy thời trong làng hiện có hai họ, họ Trà và họ Phạm, vậy tức là những họ vua Chiêm khi trước còn có chép ở sử Nam ta, mà nghĩ cho đồng-hóa đã lâu, có nhẽ tự người nói truyện kia cũng không tự biết vậy. Hơn được kém thua, đào-thải lệ chung của tạo-hóa. Sợ thay!

Chơi Ngũ-hành-sơn là ngày 24 tháng ba (25-4-27), cùng với ông phán sở Đoan cùng Phu-nhân và một người bạn hành nữa cùng đi. Hôm ấy, chiều giời phong-quang, giòng sông êm-ái, thuyền nan nhẹ mái, thật có vẻ thanh nhàn. Bầu rượu túi thơ, khách chơi lối cổ; non xanh đá đỏ, cảnh những chờ ai. Trải xem các chỗ động Tàng-xuân, chùa Linh-ứng, chùa Vân-ứng, động Vân-không, chùa Tam-thai. đài Vọng-hải, rồi ăn cơm ở động Huyền-không. Khi đó uống rượu ngon, cao hứng thơ, mới được hai câu rằng:

Rủ nhau lên động Huyền-không,
Bụi trần chút sạch như không có gì.

Chợt nhớ mới rồi chơi trên chùa, xem biển yết-thị cấm những du-khách không được đề thơ trong các động, nghe ông sư nói truyện, vì các quan nhà nước thấy thơ đề nhiều quá, cho là làm bẩn cả động, cho nên có yết-thị nghiêm cấm. Vì thế bại hứng, chỉ được có hai câu.

Ngày 28 tháng ba (29 avril 1927), ở Tourane vào Qui-nhơn; 30 (1 mai 1927), ở Qui-nhơn vào Nha-trang, đều được các bạn sĩ phu có lòng thân ái. Phong-cảnh dọc đường, thời trong hai ngày đi xe hơi, cũng không thấy có gì lạ lắm; chỉ trên những quả đồi cao, đính rừng rậm, những cái tháp của người Hời[3] cùng những cái bia kỷ-công của vua Gia-Long xa xa đối nhau. Gần tới Nha-trang, có một cảnh rất đẹp: nước bể xanh biếc, những buồm thuyền đánh cá trắng phau, mỗi thuyền hai buồm, xa xa kết đội, thật là nhất hàng bạch lộ thượng thanh-thiên vậy. Ở Nha-trang ít lâu rồi đi xe lửa vào Saigon, đã là ngày mồng 4 tháng 4 ta, mồng 4 tháng 5 năm 1927.

Tới Saigon, nghỉ ở nhà ông hội-trưởng hội Bắc-kỳ ái hữu, có người anh em bạn cũ ở đó, thư nhàn đưa đi chơi các nơi. Duyên ngộ bất kỳ, được một ông chủ nhà in giúp cho một nghìn đồng bạc, để về chang-trải qua các công nợ ngoài Bắc, để thu-xếp cơ-cuộc vào Nam. Tính cuộc vào Nam có ba việc: một là đem An-nam tạp-chí vào Saigon, dựa sức nhà in đó để xuất bản; hai là đem Tản-đà tu-thư-cục vào Saigon, tổ-chức lại, để lập thành Tân-Việt tu-thư-xã; ba là ông chủ-nhân sẽ nhận đứng làm một tờ báo thời mình sẽ dự là một tay báo-bút coi về mục văn-chương. Việc thứ nhất là việc mình, việc thứ hai là làm chung, việc thứ ba tức là sự thù ân báo đức vậy. Chù tính xong, đáp tầu thủy về Bắc.

Bẩy đồng bạc vào Nam, một nghìn bạc ra Bắc, bảo là hạnh-ngộ thật hạnh-ngộ, mà sự-cơ trùng phức, thật cũng sinh có nhiều mối nghĩ về sau. Nay hãy chép qua những sự kiến văn giao-tiếp trên tầu bể.

Đi tầu bể bận này là thứ nhất. Cái tầu đó vẫn chỉ chạy Saigon với Haiphong, đến Tourane có đáp các hành-khách hàng-hóa lên xuống. Tâu bể mà đi hạng tư, cái giá-trị các quí-khách lại không được bằng như quí-khách hạng tư ở xe lửa. Một sự đi cầu tiêu và những khi giời mưa ướt, lúc khuân hàng ai có đã trải qua thời biết, bút mực đâu tả được cho cùng, Nhất là như những bữa ăn chiều hôm, trong các hạng trên. khách nhiều tiền, thời đèn sáng bồi hầu, tiếng đàn dịp nhẩy; ngoài chỗ hạng tư, những khách ít tiền đó, có nhiều bác ốm đau đói rách, cãi nhau, đánh nhau, đấm nhau đến chầy tai xưng mắt vì tranh nhau miếng thịt hòn cơm. Một nhà triết-học tây có nói rằng: « Người là giống động-vật bất tề ». Ừ mà sao bất tề đến quá thế! Trong các bác ốm đau đói rách, có một người như thể điên, miệng hát tay múa, làm ra bộ hành khất. Khi ấy mình đương nằm ở cái ghế vải xem sách, thấy như vậy, gọi lại, đãi một hào ăn quà. Rồi thấy người khốn-nạn ấy xụp xuống lạy một cách rất cảm tạ, mình lấy làm kinh quá, vội-vàng ngồi dạy, đỡ người ấy đứng dạy, không dám nhận một sự cảm-tạ quá tình. Than ôi, một hào chỉ bạc có là bao, mà ai hỡi nặng tình đến như thế! Nhân thế hỏi truyện ra thời bọn lũ cùng đi với người ấy, tất cả có hơn hai mươi người, ốm đau đói rách như nhau cả, mình ngỏ ý muốn cho khắp mỗi người một hào để ăn quà. Khi ấy, trong bạn đồng-chu có một người con gái ngồi cạnh mình, xướng lên câu truyện rằng: « Bây giờ nếu được hai người nữa, mỗi người cũng cho những người ấy mỗi người một hào, thời hay cho họ quá ». Mình hỏi lại ý nói là thế nào. Người con gái ấy lại nói rằng: « Trong những người này, có nhiều người quê ở về Thái-bình, Hưng-yên, mà về đến Hải-phòng thời không có đồng tiền nào mà đi tầu cho được về đến nhà. Nếu được có mỗi người ba hào thời họ có thể đi về đến nhà được ». Mình nói như thế cũng không khó, nhân tự nguyện cho mỗi người ba hào, mà nhờ ai đổi hộ lấy bạc hào để chia phát cho họ. Người con gái lại nói rằng: « Bây giờ mà cho ngay thời họ cũng lại ăn quà hết. Không bằng để đến khi gần ở tầu lên rồi hãy cho ». Mình nói sợ đến lúc ấy rối bộn rồi quên đi. Người con gái tự xin đến khi ấy sẽ nhớ để nhắc. Câu truyện mới có đến đấy, mà rồi từ đấy cho đến lúc lên tầu, trong khoảng hai ngày đêm. xã-hội đồng chu đốt với ai, ý hậu tình thâm, đáng cảm-hoài vô hạn. Muốn ăn soài, có người cho; muốn ăn rứa, có người ọt; muốn ăn hào, có người mở; muốn uống nước, có người đi đun. Không phải vua, không phải chúa, không phải là chủ nợ cho vay, mà sự tôn sùng xã-hội được như ai, trần-ai chưa may ai ai vậy! Tầu gần đã tới bến, lấy mười đồng bạc nhờ người đi đổi ở trong tầu, không thể nào có được mười đồng bạc hào. Mình muốn ủy giao cả số tiền ấy cho một người đầu bọn, hoặc là cứ ba người chia chung một đồng bạc, rồi lên bờ họ sẽ chia với nhau. Người con gái lại bảo cũng không được. xem như một vốc cơm miếng thịt, mà họ còn đánh nhau đến xưng mắt, thời nếu đưa như thế, chỉ người nào khỏe thời cướp được mà thôi. Câu truyện rất minh, mà tình-thái lúc ấy lại rất là nguy cấp. Bất-đắc-dĩ mình lại xướng thuyết rằng: nay sau lúc lên tầu, các người theo cả tôi về trong phố để chụp một bức ảnh chơi, song rồi sẽ đưa mỗi người ba hào làm tiền tầu về nhà. Công-chúng đều lấy làm phải. Không bao lâu, tầu tới bến, hành-khách cùng lên. Các người khốn khó ấy cùng xúm lại khuân hộ đồ của mình, như thể gia-đinh thủ-hạ vậy. Lên Haiphong, thuê hiệu Khang-ký chụp ảnh, cho tiển các người ấy rồi tương biệt. Bức ảnh ấy sau đem vào nam. Người con gái cùng nói truyện trên tầu, nghe quê ở về tỉnh Hưng-Yên, gọi là thị Hai, chừng khoảng mười bẩy tuổi. Một bọn người khốn khó thời đến nay vẫn không rõ quê nhà đâu ta, làm ăn chi đó, mà đi đâu về đâu?

Ở Saigon ra truyến ấy, trước hết là chang-trải các công nợ nhiều ít, sau rồi đi thăm những bà con anh em. Đến chơi một ông bạn ở Hanoi, cùng nói truyện về sự-thể tạp-chí. Nghe ông bạn ấy nói thời mới hiểu ra rằng: Nguyên An-nam tạp-chí, cứ nghị-định cho xuất bản ở Bắc-kỳ. Nay dẫu muốn in ở bên tây cũng không sao, nhưng phát hành tất phải ở Hanoi. Vậy thời ra mình vào nam mà tòa báo ở bắc, đã là một sự chẳng tiện thay! Lại mỗi kỳ tạp-chí in ra, đóng hòm gửi tầu thủy ra Bắc để phát hành, phiền phí thực không thể chịu nổi. Vậy, tất muốn cho Tạp-chí được như ý, trừ phi xin được phép Chánh-phủ cho rộng quyền xuất bản không cứ ở tại nam Bắc-kỳ, mà như đó há phải một sự dễ! Việc Tạp-chí tính không ra sao, mà số tiền nghìn bạc đã tiêu mất quá nửa. Cái nợ chung chung nợ cả xã-hội, nghĩ chưa bằng cái lụy riêng riêng lụy ai. Thôi tính sao cũng có thế mà thôi, xếp gồng gánh hãy vào nam truyến nữa.

Ngày 10 Juillet, ở Bắc lại vào Nam, gặp truyến tầu ở tây sang mà lại trở về tây, khách hạng tư cũng được có nhân-cách, không như đi cái tầu chỉ chạy Haiphong với Saigon. Lại các người làm tầu nhất thiết là người tây, cũng thấy nghĩa nhân-loại bình-đẳng. Sau khi đã vào tới Nam thời thứ nhất là việc Tạp-chí, không có kết-quả gì; thứ hai là việc thư-xã, cục-thế chưa định; không bao lâu mà ông chủ-nhân nhà in nhận làm tờ báo, thời các việc tính trước, chung qui thực-hiện duy có câu thứ ba. Về làm sao, ở làm sao, hành trỉ khứ lưu, đã bán cái tự-do từ trước. Thần trí hôn mê thời sinh nhiều ngộ-điểm, lại còn cho người đem gia-quyến tự Bắc vào Nam. Mới hay con người ta, các cảnh-huống hay dở, nhất thiết tự mình làm; oán giời trách người, chỉ là không tự biết vậy. Ngày 1 Octobre 1927, nhận việc phụ-bút ở Đông-pháp thời-báo, phần nhiều viết về mục văn-chương, lương mỗi tháng một trăm bạc. Chủ-nhân lại cấp thêm cho mỗi tháng một trăm, là rồi sẽ tính về công-việc thư-xã. Mỗi tháng hai trăm bạc ăn tiêu, bất-như-ý mười phần đến tám chín; cờ vàng dấu đỏ, bắc nam thân thế ngậm-ngùi ai. Người ta trong lúc buồn, lại hay nghĩ sinh nhiều cái buồn, như mình ở Nam khi bấy giờ, nhớn thời nhớ An-nam tạp-chí, bé thời nhớ những thức ăn ở Bắc, cây rau húng Láng, quả chanh thơm. — Từ Huế giở vào không có chanh, không phải thật là không có chanh mà chanh không có vị, nhân nhớ đến chữ quất du Hoài nhi bắc vi trỉ. — Sang mồng một tết năm mậu-thìn, nghĩ mình tuổi đã bốn mươi mà luân-lạc tha-hương, vờ-vờ đóm-đóm, nhân có mấy câu thơ xuân-cảm rằng;

Cuộc thế xoay quanh đất một hòn,
Sông chưa cạn đó, núi chưa mòn.
Dân hai nhăm triệu ai người lớn,
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Bài thơ này đến khi ở Nam ra, qua Nha-trang, ngồi trên xe hơi trông xuống bể, có nối rằng:

.... khói mây mờ mặt biển,
Lo đời sương tuyết bạc đầu non.

Lại sau khi đã ra Bắc, chơi Hải-phòng, một người anh em bạn hộ cho hai chữ ở đầu câu thứ năm rằng:

Cám cảnh ...

Thế là bài thơ vẫn chỉ được có sáu câu, còn hai câu thất bát đến nay vẫn chưa có.

Dồn bao nhiêu cái cảm-tưởng khoảng đầu xuân năm ấy, mà tấm lòng nhớ Bắc không một khắc nào nguôi. Lại nghĩ như bấy nhiêu lâu Đông-pháp văn-chương, tạm báo đáp tri-âm vạn nhất. Ngày 14 Février 1928, tức là 23 tháng riêng năm mậu-thìn, lên tòa báo Đông-pháp có lời với chủ-nhân xin thôi. Ngày 18 Février, bỏ vợ con ở lại Nam-trung, bẩy đồng bạc vào Nam khi xưa, lại cũng bẩy đồng bạc ra Bắc.

Tối đến Nha-trang, có thơ rằng:

Xóm Gà[4] tan giấc, rạng vừng ô,
Tối đến Nha-trang rượu một hồ.
Trợ-bút đã xin từ bác Diệp,
Phụ-trương để lại cậy thầy Ngô.

Dám quên Đông-pháp người tri-kỷ,
Riêng nhớ An-nam bức địa-đồ.
Hai truyến chơi xuân thìn với mão,
Khi ra còn nhận những đường vô.

Qua Nha-trang, Qui-nhơn, ra Bình-định, lưu-liên ở lại hàng cơm, lại đề-huề một bọn con ca Huế có đến bốn năm người. Giời sinh ra cái tính phong-lưu, dẫu trong lúc phong-trần không thể rướch đi được. Ở Bình-định, thăm thành cũ Qui-nhơn, xem đền thờ ông Vũ-công-Tính. Hỏi người giữ đền ấy thời trong thành hiện nay có ba thôn: Nam-an, Bắc-thuận, Bả-canh, việc chính-trị thuộc phủ An-nhân. Dân cư canh tác, tịch mịch yên hàn, tưởng như hồi Nguyễn-Nhạc năm xưa, chỉ đó tà-dương còn điếu cổ. Ngày mồng 8 tháng hai ta, chơi Phú-phong, chỗ đó sở ươm dệt rất lớn, địa-phận thuộc huyện Bình-khê. Gần đó có đền thờ làng Kiên-mỹ, nghe nói là rất thiêng; lại lạ vì trong đền nói có ba ngôi khám, khám không có bài vị; mỗi ngày tế lễ, tế không có văn, chỉ người chủ tế đứng đọc miệng. Không biết lễ-tục ở Trung-kỳ hoặc có khác với ngoài Bắc hay sao, khắp xứ Bắc không nghe nói có nơi nào như thế. Do sự ngờ lạ, muốn vào lễ để xem thực hư; cũng để thêm tài liệu du-quan, đăng vào tạp-chí An-nam sau này lại xuất-bản. Nhân biện vàng nhang làm lễ, một người bạn hành cùng đi. Tới đền, chừng đã năm giờ chiều. Đền lợp bằng gianh, không có ngói. Trước sau sân vườn cỏ mọc, rất là hoang vu. Nghe xã-trưởng và người thủ-từ nói, trừ phi dân có đại-tiệc, không dám mở cửa đền. Vàng sáp đã mua, bất-đắc-dĩ đặt nhang-án ở ngoài thềm làm lễ, thảo thảo khấn rằng:

  謹告 
希惟鑒格 
聖靈   
恭瞻   
因過此地 
民阮克孝 
北圻山西 

Lễ song, giời đã gần tối, giăng non lên, qua con đò con về Phú-phong, gặp người xã-trưởng xã ấy lại ở huyện mới về, có lời mời lên chơi quan Huyện. Quan huyện Bình-khê, nghe nói ngài là họ tôn-thất, đỗ cử-nhân. Khi mình tới huyện, khoảng hơn bẩy giờ tối, đưa danh-thiếp vào trước. Ngài cho thắp hai đèn long-mã để tiếp khách, chén trè, cốc rượu, rất phong-nhã với người du-quan. Trong khi ngồi nói truyện, lược luận về báo chí ở ba kỳ, rồi lại túng đàm đến những văn-chương của cổ-nhân, Hán, Đường, Tống. Trông lên đồng-hồ đã chín điểm, mình đứng dạy xin lui về chỗ chọ ăn cơm. Bữa ấy uống rượu say, lại cùng người bạn hành đi chơi chỗ hát tuồng gần đó. Mình ngồi ghế nhất chính dữa, trên sân hát thấy có hai người kép hát đã có tuổi, mũ áo ra lạy. Xem qua một lát, riêng thướng ba đồng bạc rồi ra về. Sáng hôm sau là tháng hai ta, ngày mồng 9.

Buổi sáng ngày mồng 9 tháng hai, đi chơi Chinh-tường, là xem mả phát-tích của nhà Tây-sơn. Nguyên ở Phú-phong, nghe nói mả phát-tích của nhà Tây-sơn cách đấy ít nhiều ki-lo-mét, hiện nay quan quách đã đều bị quật bỏ, mà con bò ngó tới cũng phải chết, các tổng lý làng gần đi qua không xuống ngựa, tính mạnh thiệt-thòi. Lạ thay! sự địa-lý biết có hay không; quỉ thần dẫu thiêng, đâu có đến như thế. Vậy thời chính là cái sự-lý thuộc về nhà triết-học phải xét, mà cũng là cái công việc của các nhà báo-bút nên coi vậy. Hôm ấy đi chơi, cùng một người bạn hành và một người thổ-trước thuê hai xe cùng đi, chiều giời râm mát. Tới đó, gọi là núi Long-cương 龍 岡, nghĩa là cái núi hình con rồng. Hai bên hai dãy núi chạy ra, đều có tên riêng cả. Bên trước, dữa chỗ núi Long-cương ấy, xa trông có một chòm cây rậm, còn chung quanh là cánh đồng cao. Người thổ-trước nói truyện bảo mình rằng: Nguyên xưa đây là rừng rậm cả, đến sau dân cư phá dần làm ruộng, nay duy còn chỗ chòm cây ấy chính là chỗ mả nhà Tây-sơn. Ai có qua xem, thường chỉ đứng như đây xa trông, không mấy người dám tới. Nghe nói xong, mình tự xuất chúng cùng tới, cả một người phu xe nữa là bốn, cắt giây dẹp gai, vào tới tận chỗ mả. Thấy hai cái huyệt không còn đó, cái trước cái sau, đá xây thật cổ, cỏ rác lắp đầy, ngoài ra cũng không thấy có gì lạ. Xem song, cùng nhau trở ra, cũng phá được một sự nghi hoặc cho chúng. Lại đứng ở trước chỗ chòm cây, trông ra mặt bể, thời đồng rộng bao la, cận-sơn viễn-sơn, trùng trùng mặn nhạt. Nghĩ cho địa-lý không đáng tin là có, mà cũng chưa hẳn nên vội bảo là không vậy.

Về Phú-phong. lại xem qua chỗ ươm dệt, rồi trở ra Bình-định. Từ ở Phú-phong ra Bình-định, lại ngồi chung một xe với ông bạn bạn-hành. Dọc đường, có một người mặc áo the, đội nón long, cưỡi ngựa, khi đi trước, khi đi sau. Lại một người nữa đi xe đạp, mặc áo ngắn vải vàng, cũng đi trước đi sau như vậy. Gần hết hạt Bình-khê, sang địa-phận An-nhân, lại gặp hai cái xe, cả đàn-bà đàn-ông, tức là bọn ca Huế ở hàng cơm còn thiếu tiền chưa giả, nhân cùng quay về cả Bình-định, tiền xa hậu mã. diễn thành tấn kịch phong-lưu. Mình hôm ấy về đến tỉnh Bình, đi xe thẳng vào nghỉ dinh quan Bố.

Quan Bố-chính Bình-định, là một người hán-học có danh tiếng. Mình được biết từ khi ở Hà-nội, ngài mới về cung chức trong khoảng vài ba hôm. Tha hương ngộ cố-tri, người đời xưa cũng lấy làm một sự khả-hỷ. Tối hôm ấy nghỉ nhờ ở trong dinh quan Bố. Sáng hôm sau, theo quan Bố sang dinh quan Tổng-đốc. Buổi trưa, quan Bố cho một người lính đem áo nỉ cùng đi với mình về Qui-nhơn[5]. Trưa hôm ấy, nghỉ ở ô-ten Lê-Vạn-An. Ba giờ chiều vào tòa, thời các quan ta có đủ cả ở trước mặt quan Sứ. Quan Công-sứ hỏi mình rằng:

— Ông đi chơi, có giấy căn-cước không?

Mình bẩm có. rồi nhân tiện đưa cả giấy nghị-định tạp-chí ra trình. Ngài xem song, bảo rằng:

— Nếu ông đi chơi có đủ những giấy má như thế này, thời qua đâu, dù những chỗ hèn mọn như thôn quê mà họ có hỏi, ông cũng nên đưa cho họ coi.

Mình bẩm rằng:

— Xã-trưởng làng Kiên-mỹ thời chúng tôi có định đưa, nhưng họ không giám coi, còn quan huyện Bình-khê thời không thấy ngài hỏi.

Quan Công-sứ lại hỏi:

— Ông đi chơi đó, chỉ là xem cho biết, hay có ý gì không?

— Bẩm, chúng tôi là người làm báo, nhân đi qua đâu muốn xem biết, cũng để hoặc có đăng vào Tạp-chí về sau.

— Vậy thời ông chỉ đi đấy, hay còn định đi chơi những đâu?

— Bẩm còn mấy chỗ nữa ở trong hạt Qui-nhơn, Bình-định- mà chúng tôi muốn đi.

Quan Công-sứ hỏi những đâu. Mình kể ra những chỗ danh thắng ở trong tỉnh-hạt ấy.

Khi ấy, các quan ta ngồi im cả, bỗng thấy quan Tổng-đốc hỏi rằng:

— Anh có định đi nữa thật, hay là chỉ nói bướng?

— Bẩm không phải nói bướng, chúng tôi định đi thật.

— Anh có tiền không mà đi?

— Bẩm, tôi không có tiền.

Quan Công-sứ cười mà hỏi rằng:

— Ông không có tiền, thời lấy gì mà đi?

— Bẩm, tôi còn đợi các anh em ngoài Bắc có gửi mandat vào cho, thời mới có tiền đi.

Khi ấy, các quan cùng buồn cười; duy có quan Tổng-đốc không có vẻ cười, ngài nhìn vào mình mà bảo rằng:

— Chỉ nói bướng!

Quan Công-sứ lại hỏi:

— Nếu ông còn ở lâu lại ở Qui-nhơn, Bình-định, thời ở tại đâu?

Mình trỏ vào quan Bố mà thưa rằng:

— Có lẽ chúng tôi ở trong dinh quan Bố.

Quan Sứ gật đầu nói rằng:

— Như thế thời tiện lắm. Nếu ông có đi chơi đâu, nên nói truyện qua quan Bố biết.

Mình xin vâng, rồi chào quan Công-sứ và các quan ta, rồi lui ra; về ô-ten, đợi ở nhà hội-thương, đáp ô-tô quan Lãnh về Bình-định.

Đến Bình-định, giời đã tối, lại về ở trong dinh quan Bố. Ăn cơm song, sáng giăng xuông, mặc một cái áo trắng đi ra chơi phố để mua soài; bỗng ngoảnh lại đằng sau, thấy có một người lính thời tức là tên lính trong dinh. Mình hỏi thời người lính ấy đáp rằng: « Quan cho đi theo để hầu ngài. » Nhân tiện nhờ anh lính đưa đến chỗ hàng có soài, mua mấy quả rồi về. Từ sáng hôm sau giở đi, ở luôn trong dinh, ngày hai bữa ngồi hầu cơm quan Bố, song rồi nằm xem sách, hoặc chơi thơ-thẩn ở vườn hoa, chân không bước ra khỏi dinh nữa. Hai ba hôm như thế, thần-tình rất là buồn-bã. Gặp lúc có các quan Phái-bộ ở Huế sang viếng con vua Lào, qua Bình-định, quan Bố-chính phải tiếp. Ngài nhân bận về việc công, ít thì giờ tương tiếp, cho nên khuyên mình trở về Bắc, mà cũng đừng đi chơi đâu nữa cho tốn tiền. Khi ấy, cái hứng du-quan cũng đã tàn, nghe lời Quan-Bố bảo là phải. Sáng hôm sau, ngài cho một tên lính lại đem áo nỷ đỏ đi tiễn mình ra đến Quảng-ngãi. tiền vé xe hơi từ Bình-định ra Quảng-ngãi quan Bố giao tên lính lấy cho cả. Mờ sáng, ngồi trên xe, xe đã gần chạy, thấy ông bạn bạn-hành chơi Phú-phong cùng người chủ hàng cơm phố Bình-định và các người đào kép bọn ca Huế đều ra tiễn. Khi ấy thảo thảo tương biệt, mà đến sau có nhiều khi nghĩ lại, nghĩ đến ông bạn bạn-hành đó, nhớ ai ai có nhớ mình? Sau đó rồi ở Quảng-ngãi đáp xe hơi ra Tourane, truyển hỏa-xa về Bắc.

Hơn mười năm bút sắt bút lông, hao giấy mực chẳng ích gì cho xã-hội;

Trải ba xứ đường xe đường bể, chụi râu mày còn thẹn mãi với giang sơn.

Về Bắc-kỳ, bắt đầu ra tới ga Phủ-lý, giây thép đã đánh trước, các anh em bà con ở Phủ-lý ra đón, rất là đông vui. Phục Phủ-lý ít lâu, rồi lên thăm Hanoi; bán dẻ mấy thứ sách, nhờ miếng đất làm nhà ở Vĩnh-Yên. Ba gian nhà cỏ, nửa mẫu đồi cây, hoa nội chim rừng, đèn giăng quạt gió, có thể cho là một đoạn đại-kết-thúc ba mươi sáu năm Tản-đà Nguyễn-khắc-Hiếu vậy.

Nguyên miếng đất đó, là một cái mỏm đồi, góc gò, thuộc thôn Yên-Lập, xã Định-trung, huyện Tam-dương, tỉnh Vĩnh-yên. Đường ô-tô ở Hà-nội lên Tam-đảo, đến đó rồi quanh lên về tay hữu; dẽ về tay tả thời là đường qua con đường sắt ra tỉnh, rồi đi lên Việt-trì, Tuyên-quang. Ngoài đường ô-tô, bên dưới có cái đầm, gọi là đầm Láp, tức là lấy tên theo tên chữ của thôn Yên-lập; tục gọi chỗ đó tổng danh là dốc Láp, cũng nghĩa thế, Trông về phía tây, chính là núi Tản-viên Sơn-tây. Đối với Tản-viên, bên này là Tam-đảo. Cùng phía Tam-đảo mà ở gần ngay trái đồi cao gần đó, cách có một con đường ô-tô, là văn-miếu thờ đức thánh Khổng. Về phía Tản-viên, chỗ đồi cao cây lớn, thế chấn cả toàn tỉnh, thời là dinh quan công-sứ Vĩnh-yên. Dưới chỗ dinh quan Công-sứ Vĩnh-yên, một khu bình-địa về bên đây, là phố là chợ. Bên kia chợ, bên này đầm Láp, một con đường sắt cao cao đó, ấy là đường xe hỏa tự Hanoi qua đó đi Việt-trì, Yên-bái, Lào-cai; ga Vĩnh-yên ở về phía nam đó. Trông về phía nam, tức là mặt Hanoi thời một con đồi cao chụi, ba khúc nằm ngang. Ngoài con đồi chụi ấy, xa trông tuy cũng có mỏm núi cao, chòm cây xanh, song tưởng như mặt biển chân giời, Thái-bình dương, Ấn-độ-dương, con đường vô hạn. Bên trong miếng đất ấy, có nhiều nóc nhà gianh nhỏ cũ, tức là thôn Yên-lập dân cư. Phía trước về bên trong, một khu rừng rậm cây cao, cũng là liên-khu mà chủ-nhân lưu lại để hằng năm lấy củi. Nguyên mình từ lúc lên tìm kiếm chỗ đất đó, chỉ là trải phong-trần đã lắm, muốn chui hình náu bóng chốn rừng xanh cây rậm, để tiện cùng vợ con ăn rưa muối ngô khoai. Lại khổ vì cái sinh-nhai quốc-văn còn tất phải liên-lạc với mấy chỗ nhà in ở Hanoi, thời không thể ở xa được lắm, như các nơi Phú-thọ, Lào-cai. Hiện nay Vĩnh-yên Dốc-láp với Hanoi khứ hồi, mỗi ngày bốn chuyến xe lửa, hai chuyến xe hơi, thật là tiện sự vãng lai vậy. Những cảnh vật ở quanh miếng đất đó, các thứ hoa thiên-sản để vui lòng đẹp mắt, thời có như hoa dẻ hoa mua, mà giầu sang hơn hết là thứ mẫu-đơn núi; các thứ cây thiên-sản để ngồi râm nghỉ mát thời có như cây sòi, cây bứa, như chân-chim, thừng-mực, mà bốn mùa xanh tốt, lại sẵn nhất là châm-trai. Mỗi buổi sáng, mặt giời đông nổi lên trên trái núi, chim rừng kêu bên tai. Mỗi buổi chiều, châu bò các thôn lạc cận tại đàn lũ ăn trên đồi. Mỗi buổi trưa giời nắng, những đàn bà con gái bên phố bên chợ ra tắm dặt phơi phóng ở đầm Láp, như một đàn thủy-điểu cùng nhau ve-vẩy mà nghỉ ngơi. Mỗi buổi sáng, buổi trưa, cùng buổi tối về tháng hè giời nực, mùa chơi Tam-đảo, lại tưởng như lúc ở Saigon năm trước, mà đây thời ếch kêu quành dốc tiếng xe hơi.[6] Mỗi tháng ta ngày chẵn, các xe lao-động đi Hương-canh, Tam-lộng, lộc-cộc lạch-cạch từ ba bốn giờ sáng ở ngoài con đường đá. Mỗi tháng ta ngày lẻ, phiên chợ Vĩnh-yên đó, khoảng tám chín giờ sáng, các dân lao-động gánh củi, gánh lá, gánh nứa, gánh thóc, từ con đường Tam-đảo đi xuống; các xe vận-tải vận tải hàng hóa do con đường Hanoi đi lên chỗ dốc đó, hai bên tấp-nập những người. Thật san lâm mà thành thị! thật hùng hồn, cao nhã, thanh u, sầm tịch mà đông vui. Miếng đất đó, nếu về tay lão-phố như ai, rất không lợi giồng rau giồng quả; song mà thuộc về kẻ văn-nhân thi-sĩ, thời rất là có ích, có giúp cho văn-hứng thi-hoài. Ngày 13 tháng 3 ta năm mậu-thìn, mình lên Vĩnh-Yên đưa tiền gửi chủ-nhân, để nhờ sự làm nhà. Ngày 18 tháng ấy, bắt đầu cuốc đất đắp nền. Ngày 14 tháng 6, đem hai kẻ gia-đồng lên bắc bếp nấu ăn, tức là hôm thứ nhất mới về ở nhà mới, có bài đề vách, văn bằng chữ nho rằng:

 戊辰年夏季六月十四        傘沱 
 西南北人也又何能役志於輪奐以將歌哭於斯也哉 
 於予室而室於天下庶幾不小矣不然君子居無求安而余也東 
東亞聖人之後塵揖西歐羣哲以分席亦未可知也是則余將有望 
 可知也此後而余之文躡 
 東下未可知也此後而余之文支一木於大厦屹砥柱乎頽波未 
 玄鶴有清響未可知也此後而余之文屹傘山以西峙沛瀘河而 
 鴈橫大江長松秀冬嶺未可知也此後而余之文如夏雲多奇峯 
 余亦知其所止者歟入此室處自今以始矣此後而余之文如孤 
 且傘圓三島對峙相雄啼鳥野花均足以助人清興則立隅之止 
雄王故都而永安亦山西地也余之卜居於是也亦惟愛其僻焉况 
 之西山西之一文人也峯州我 
 亦與有存焉者其居使之然也余何人東亞之南南越之北北圻 
 獨處一室之中存英倫之南則知天演論之作固出於赫氏而室 
 讀中國俟官嚴氏所譯英儒赫胥黎天演論之首句有曰赫胥黎 

Giấc mộng lớn nguyên mới định chép đến bài đề vách đó. Dưới ba chữ nhan quyển, đề là « Ba mươi sáu năm Nguyễn-Khắc-Hiếu » Sau hết quyển. có phụ bài thư rằng:

Gửi người tri-âm.

Chu-Kiều-Oanh có nói rằng: « Con người ta ở đời thường hay lấy ít tri-âm làm giận, mà không biết thực tự mình đã phụ biết bao người tri-âm ». Ai tri-âm? tri-âm là ai? Ai tri-âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy. Nghĩ như: rau sắng chùa Hương, tấm lòng thơm thảo; phong-thư núi Ngọc, hậu ý ân cần. Bắc nam nam bắc đôi lần, đường bao nhiêu rậm bấy nhiêu phần tình thâm. Ai tri-âm, tri-âm là ai, ai tri-âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy[7].

Tôi nay về nằm chỗ nhà gianh ở Dốc-Láp, cũng chẳng kém « rừng xanh một giải, sớm sương non tối lại giăng ngàn ». Bảo rằng thanh cũng thanh, bảo rằng nhàn cũng nhàn, song mà như những khi đêm tàn giăng lặn, sớm phá sương tan, trưa nắng ve ngâm, chiều hôm mây họp, nghĩ nhớ đến ai ai trong bốn bể, nỗi u-sầu khôn dễ tả nên thơ. Lại hằng khi tưởng đến công việc An-nam tạp-chí, lại xem thấy những lời chúc mong của ai trong bức thư in ở đầu tạp-chí số mười. mà cái lo đường xa gánh nặng, sông cái thuyền nan, lại đòi phen như gợi như khêu vậy. Nhớ ngày nào còn đương viết bài chiến tranh tiến-thủ của người An-nam khoảng đầu xuân năm Đinh-mão, thấm-thoát từ ấy đến nay, xuân Đinh-mão đã qua, xuân Mậu-thìn lại tới; xuân Mậu-thìn đã mất, xuân Kỷ-tỵ lại hồ tàn. Gan vàng nung đốt lửa than, đèn xanh tóc bạc luận bàn cùng ai. Phòng văn có lúc thảnh-thơi, viết mấy lời, gửi cùng ai, người tri-âm.

Mùa xuân năm Kỷ-tỵ
Nguyễn - Khắc - Hiếu
Vĩnh-yên Tonkin

Từ khi lên Vĩnh-yên, công việc văn bút không làm được mấy, chỉ là chắm-chúi về sự xửa-sang, ngoài thời bận giao tiếp với dân xã. Hằng khi theo chủ-nhân ra lễ ở đình dân đình xóm, nghi vật nên như sao, nhất-thiết theo lời chủ-nhân bảo. Mặc áo thụng xanh vào lễ thánh, rồi uống rượu với các cụ bàn nhất, người giang hồ mà phong-thú thôn quê. Trong khi đó, mình rất lấy làm vui; chủ-nhân cũng tỏ lòng tương thân, thường có nói muốn kết làm anh em ruột. Về công việc xửa sang thời vôi gạch không có, nhưng mà sân vườn cổng ngõ, rào lũy đường lối, đài núi hồ ao, cũng rất là công phu, các thứ cây cần dùng, như tre, chuối, bưởi, mít. rau, đậu, chanh, ớt; các thứ cây chơi cảnh, như tùng, bách, ngô, trúc, lan, huệ, hồng, sen.. đại-lược đã tiệm đủ. Các thứ cây thiên-sản mà bồi thực cho xanh tốt, thời thứ nhất là châm-trai; bổ thêm cây rừng thời duyên lũy giồng móc. Từ cổng ngoài vào cổng trong, tới sân, đánh con đường đi ô-tô, lượn quanh hồ sen, lẩn dưới gốc cây rừng, hai bên đường viền bằng mẫu-đơn núi. Quanh sân cũng viền mẫu-đơn núi mà hồng, huệ viền theo. Dữa sân dưới, có một cái mô đất thiên-nhiên, sẵn cây rừng mà tùng bách bổ thêm, chở đá bên kia đồi đắp thành núi đá. Ở sân trên, chỗ cao nhất, đắp một cái đài tròn bằng đất, là cái thú đăng cao. Bên cạnh đài, về phía trước, giáp một khu những cây châm-trai đương nhớn, là chỗ để làm mấy gian nhà học, để lấy nơi thanh tĩnh làm văn. Bên cạnh đài, về phía sau, giáp với lũy tre, còn chỗ để đào thêm một cái hồ con, xây vôi cát để giồng sen nuôi ếch. Bao nhiêu cái công phu sang xửa như vậy, chẳng qua muốn được có một chỗ ở tạm tạm như ý, để làm văn làm sách; rồi mới tính đến những công việc in sách, ra tạp-chí; tinh-thần vật-chất, giả nợ xã-hội lấy ít nhiều. Thân thế có hơi thư, rồi mới đem thời nhật tâm tư, liệu theo về công việc triết-học. Cái tâm-sự ở Vĩnh-yên khi đó như thế, mà không ngờ sự dữ tâm vi. Tạo-hóa ghen chi kẻ bất tài, mà đột-nhiên quá nửa đêm hôm 23 tháng 3 ta, mưa bão đổ nhà, vợ con nguy ách. Sau đó rồi chỉ những bôn tẩu y thực không song; lại vẫn mê về sự xửa sang, hơi vay mượn phiền lụy ai được ít tiền ít thóc nào, bớt cái ăn cái mặc của người nhà, để chi dùng về công nhật. Hết tháng ba, qua tháng chín, bao nhiêu cái lo phiền khốn nhục, chỉ nhờ mỗi buổi sáng chơi cùng cây cỏ, giải tán thanh tiêu. Vậy mà không ngờ đâu tạo-hóa vẫn còn quá ghen chi với kẻ bất tài, lại đột-nhiên khoảng hai mươi tháng chín, sau lúc ăn cơm chiều, tiếp chủ-nhân ra chơi, thịnh-nộ đuổi phải đi nơi khác. Nhân-tình thế-cố, thật không còn biết ra làm sao! Đêm hôm ấy nghĩ buồn, họp người nhà tính cuộc đi về ở Hải-phòng, thôi cũng tiện công việc in sách. Sáng hôm sau có quan huyện Tam-dương xuống chơi, mình nhân đem câu truyện định về ở Hải-phòng cùng quan huyện nói truyện. Quan huyện rất là tán thành. Ngài lại nói kỹ về các nhẽ tiện-nghi, như Hải-phòng cũng có nhiều nhà in, cả nhà in ta, nhà in khách; sự thuê nhà cũng tiện hơn Hà-nội, vì nhà dưới với nhà gác riêng hẳn nhau; các thức ăn thời chỉ có gà vịt đắt mà thôi, còn như tôm cá rất rẻ, như cá song thời lại rẻ mà ngon. Trong khi quan Huyện nói truyện, có đủ cả chánh phó tổng, chánh phó hương-hội, lý-trưởng Định-trung và địa-chủ; quan Huyện đứng dạy thời các người cũng cùng ra. Mình tiễn khách ra khỏi cổng, quay về, một vùng cỏ hoa đã gần như không chủ, xanh, vàng, đỏ, trắng, tươi tốt cùng ai. Thu xếp trong ít hôm, sáng ngày 27 tháng chín, ở Vĩnh-yên đứng dạy đi Hải-phòng, truyến xe tối đã về nơi Hải-cảng. Lạ thay! một kẻ bần-nho không có thước đất nào. trước sau đem hơn hai nghìn đồng bạc, vừa ăn tiêu, vừa sang xửa, tô điểm khu đồi ở Định-trung, một khi bỏ đó như không, ở mạn rừng lại chôi về mạn bể. Nhân sinh phù thế, bịt mồm ai, ai dễ nhịn cười chăng? Sự tuy buồn cười mà nghĩ cũng đáng tiếc, tiếc vì cái chỗ ở như Hách-tư-Lê như nay đã không có, thời cái học-nghiệp như Hách-tư-Lê sau này biết có không? « Văn-học kiêm triết-học », có nhẽ thẹn cùng ai trong Giấc-mộng-con: nếu chỉ lấy hai chữ « văn-sĩ » gói cái đời phù-sinh, thời thật đáng thương vậy. Tuy vậy, nhưng nay cũng hãy biết:

Trăm năm cõi tục còn dài,
Con đường vô hạn trên đời còn xa...

GIẤC MỘNG LỚN

Ba mươi bẩy năm Nguyễn-Khắc-Hiếu

Quyển này, Bản-cục chủ-nhân tự chép những sự kinh-lịch, cùng là những điều tư-tưởng, sự hành vi trong khoảng ba mươi bẩy năm, là từ năm lên năm tuổi đến năm nay là năm Kỷ-tỵ; tức là muốn đem một phiến tiểu-ảnh của mình kính đưa cùng các bạn tương thân tương ái ở gần xa, không nề có quen biết hay không quen biết. — Văn-thể có khác Giấc mộng con.

傘陀書局叢書
聀夢𡚚 
          阮克孝撰


海 防 阮 鏡 公 司 印 字 舘

   




Chú thích

  1. Bài xã-thuyết An-nam tạp-chí số 10.
  2. Xóm làm nghề chài lưới, tức ở Bắc gọi là xóm vạn.
  3. Giống người Chiêm-thành.
  4. Xóm Gà là chỗ trọ ở trong Nam khi ấy, thẳng đường xe điện cách Saigon chừng bằng Ngã-tư-sở với Hanoi.
  5. Ở Trung-kỳ, những tỉnh gần bể, dinh các quan ta vẫn đóng ở tỉnh lỵ cũ, gọi là «thành»; dinh quan Sứ cùng các sở như kho bạc, thời thường đóng riêng ở trên bể, gọi là «chợ». Thành với chợ, cách nhau thường hơn 10 kilomètres, như Bình-định với Qui-nhơn, Khánh-hòa với Nha-trang. Dinh quan tây đóng trên bể, ý là lấy sự mát.
  6. Trong khi ở Saigon, bài thơ nhớ các bạn độc-giả của An-nam tạp chí, ó câu: Ếch kêu đầy phố tiếng xe hơi.
  7. Tôi hai lần vào Nam ra Bắc, chỉ có bẩy đồng bạc, đi đường bộ la-đà du lãm, hoặc nửa tháng, hoặc gần tới một tháng giời, mà cảnh-huống dọc đường vẫn thường được phong-lưu tự thích, chẳng là nhờ xã-hội mà sao. Tiện đây xin có mấy lời cảm tạ chung, riêng ai với ai, thời ai tự biết với ai vậy.


 

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)