Chuyến tầu đêm  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Lỡ bước sang ngang do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành. Có bản chép là Chuyến tàu đêm.

Gió lạnh nghe chừng đêm thấy sâu,
Mà chăn với gối mộng về đâu?
Qua sang một chuyến tầu đêm chạy,
Một chuyến tầu đêm chạy rất mau.

Những ánh đèn phai tựa nắng tà,
Toa này toa khác nối liền toa...,
Chập chờn như một con dơi lớn,
Như một oan hồn hiển hiện ra.

Tầu chạy hình như để chở buồn,
Chở người đi nhớ kẻ về thương;
Nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp.
Tầu chạy đêm nay có lạc đường?

Tiếng máy vang như tiếng sấm rền,
Chuyến tầu này biết có ai quen?
Biết đâu chả có vài tên bạn
Ở một ga nào vội vã lên?

Lững thững tầu đi mất nửa rồi,
Sao không dừng lại ở ga tôi,
Lấy mươi lăm phút cho tôi gửi,
Chút ít xuân xanh trả lại trời?

Mà mãi đêm nay mới nhớ ra:
Đời mình chẳng khác chuyến tầu qua.
Nhưng từ ga nhớn, từ ga nhỏ,
Đời chẳng làm cho lấy một ga.

Tầu biết bây giờ chạy đến đâu?
Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu.
Bỏ đây một chiếc tầu kiêng đỗ;
Chở một toa tim nặng oán sầu.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)