Cái trình độ hiểu văn của nhà văn chúng ta

Cái trình độ hiểu văn của nhà văn chúng ta  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 12 (3. 12. 1933), trang 2-5.

Người thường xem văn, sự hiểu của họ phải có trình độ. Một bài văn, người này chỉ hiểu phớt được những chỗ dễ hiểu; còn người kia lại hiểu sâu hơn; người khác nữa, mới hiểu hết được những chỗ phải hiểu trong bài văn mà không có sai lầm sơ sót một chút nào hết. Tôi nói có trình độ, nghĩa như thế.

Nhưng đó là nói về người thường kia. Người thường thì sự xem văn thật không phải là cái nghề của họ, nên sự hiểu của họ có trình độ như thế cũng phải. Đến như đã là nhà văn với nhau, người này viết ra, ‒ trừ ra viết bất thành văn thì không kể, còn ‒ đã là viết được, một bài văn đã  có ý nghĩa, thì người kia tất phải hiểu hết những chỗ phải hiểu, chứ sao lại còn nói được rằng có trình độ? Ấy vậy mà nhà văn xứ ta, tôi xem như họ hiểu cũng còn có trình độ đấy, nghĩa là họ cũng không khác chi người thường đấy.

Nói như vậy, chắc người ta cho tôi là khinh người quá. Nhưng, chỉ có với kẻ không biết thì tôi mới chịu cái tiếng ấy mà thôi; còn với kẻ biết, tôi có thể tự đắc rằng ấy là tôi nói thật. Nói thật thì đâu có phải là khinh người?

Chỗ hiểu của người thường với người thường khác nhau là bởi sự ngẫu nhiên; nhưng chỗ hiểu của người thường với nhà văn khác nhau là bởi hồi bình nhật sự tu dưỡng về văn học có khác. Người thường là hạng người biết chữ, đọc được, viết được, nhưng bởi không lấy văn làm nghề cho nên chưa hề luyện tập về tu từ học và luận lý học. Đã là nhà văn thì không thế được. Nhà văn cả đời chỉ có việc xem văn và viết văn, lấy văn làm nghề, thì tất phải dự bị trong mình cho đủ những cái lợi khí của văn học: tu từ học và luận lý học, trước phải thông thạo đã rồi sau mới nên làm một nhà văn. Có hai cái học đó với không có, chẳng những khiến cho người ta viết văn khác nhau mà xem văn cũng khác.

Nhà văn chúng ta, tức là những người chuyên viết văn quốc ngữ ngày nay, phần nhiều chưa hề thiệp liệp đến hai cái học ấy, cho nên họ xem văn không khác chi người thường, họ hiểu văn cũng còn có trình độ, là sự không trốn tránh đi đâu cho khỏi vậy.

*

* *

Tôi đã nói thật thì không nên chừa ai cả. Rất đỗi như Huỳnh Thúc Kháng tiên sinh mà cũng còn hiểu câu văn không đúng chứ đừng nói ai.

Trong bài phê bình báo Tiếng dânPhụ nữ thời đàm số 6, có câu rằng: “Đứng đắn đến Tiếng dân là rất mực, còn khen gì nữa? Ai lại khen nước lỏng?”

Câu ấy, ai đã biết qua chỗ dạy về những điều mậu ngộ (les erreurs) trong luận lý học thì chỉ có thể hiểu được rằng: “Đứng đắn đến Tiếng dân là rất mực, không còn khen gì, cũng như lỏng đến nước là rất mực, không còn khen gì”, chứ không có thể hiểu khác, vì hễ hiểu khác thì ắt thành ra mậu ngộ.

Thế mà trong bài Huỳnh tiên sinh trả lời (!) ở Tiếng dân số 637, tiên sinh theo đó mà diễn dịch ra đến nỗi như thế này: “Nói chuyện Bành Tổ xem giếng thì tôi không tự biết tôi có thế không, chớ nói báo Tiếng dân do tôi chủ chương đứng đắn như “nước lã” thì tôi xin nhận”. Rồi từ đó sấp sau tiên sinh cứ hai chữ “nước lã” đó mà suy luận ra đến những “nước máy, nước lọc” chi chi nữa!

Rõ lạ thật! chữ “lã” ấy nguyên nó ở đâu mà tiên sinh đem vào được thế kia? Trong bài phê bình nói “nước lỏng” thì từ đâu tiên sinh lại sanh ra được chữ “lã” rồi nói rằng “tôi xin nhận”? “Nước lỏng” là một nghĩa, mà “nước lã” lại là một nghĩa khác, vậy mà tiên sinh bịa ra chữ “lã” rồi xin nhận, thế thì cái sự nhận ấy của tiên sinh có ăn thua gì đâu!

Theo luận lý học, khi hiểu chệch một câu văn như thế, người ta phải cho mình là có ác ý. Bởi vì để nguyên chữ “lỏng” thì vô sự, hiểu khác đi và bịa ra chữ “lã” mới có ý khinh mạn, đặng buộc cho người viết cái tội khinh mạn. Người viết nguyên không tội, mình buộc cho, còn gì nữa mà chẳng phải là có ác ý? Mà có ác ý là một sự quan hệ với đạo đức chứ phải chơi đâu!...

Không, luận lý học cấm người ta không được hiểu quàng hiểu xiên như thế. Ai hiểu như thế, cố nhiên là sinh ra nhiều điều mậu ngộ rồi, mà đôi khi cũng thành ra bất đạo đức nữa vì đã có ác ý.

*

* *

Thấy Huỳnh tiên sinh có điều rất đáng lấy làm lạ nên nhân thể tôi nói qua đó thôi, chứ bài này viết ra cốt vì bài của một ông bạn, không muốn để tên, ký là Người trong hoa, đã đăng ở số trước. Ông ấy cũng là một nhà văn, viết báo có tiếng, mà lại có cái bài toán là dư lời cả như bài ấy, cũng vì xem văn không hiểu tới nơi.

Do một ý tốt, là ý chữa lầm cho tôi, Người trong hoa đã viết một bài in gần chật ba trang báo; mà tiếc thay, nếu ông bạn tôi hiểu cả trong bài nguyên những chỗ đáng hiểu, thì thôi, hẳn không còn thừa công mà viết ba trang ấy, hoặc có viết cũng không làm gì đến ba trang!

Trước hết ông bạn tôi nói: “Trong bài ông (chỉ tôi) viết trước, có cho cái thuyết khoa học có tội là do bọn thủ cựu bên Tàu… Cái đó ông lầm”.

Hay nhỉ! Sao ông bạn tôi lại nói lẩm cẩm thế kia?

Phải, cái thuyết khoa học có tội là do bọn thủ cựu, tức là bọn phản đối khoa học bên Âu châu kia, có từ ba bốn thế kỷ về trước kia, thế mà bảo do bọn thủ cựu bên Tàu, là lầm thật. Song, ai nói thế thì mới bảo họ lầm; còn tôi không hề nói thế thì sao lại bảo tôi đã nói rồi bảo tôi lầm?

Nguyên văn bài của tôi về đoạn ấy thế này:

“Đáng bật cười thay cái nước Nam này, từ xưa đến nay phàm nó có cái gì đều có sau nước Tàu là nước “chú” nó ! Trong bài trước, tôi đã kể ra cái thuyết vật chất tinh thần là do bọn thủ cựu bên Tàu, thì hôm nay, cái thuyết khoa học có tội cũng lại do bọn ấy. Cái luận điệu của một số thức giả xứ ta như đã kể trên kia, dù bắt chước họ, dù không bắt chước, cũng là sau họ đến mười lăm năm…”

Ai sáng ý đọc qua đoạn đó ắt cũng thấy rằng tôi không bảo cái thuyết khoa học có tội là do bọn thủ cựu bên Tàu, mà tôi bảo người Việt Nam nói câu khoa học có tội là nói sau người Tàu. Không nói rõ ra, nhưng tôi có ý bảo rằng phàm chúng ta có cái gì cũng đều chịu ảnh hưởng của Tàu hết dù rằng cái ấy là gốc từ bên Tây. Tôi nói vậy là theo sự thực; sự thực quả có thế. Chúng ta biết có khoa học ở sau sự biết ấy của người Tàu, thì tự nhiên trong chúng ta có kẻ phản đối khoa học cũng ở sau sự phản đối ấy của người Tàu. Chính ý đoạn này của tôi là nhắc sơ qua cái gốc của sự phản đối khoa học ở xứ ta mà muốn nhận rằng người mình có chịu ảnh hưởng của bọn thủ cựu Trung Quốc, chứ không hề truy nguyên đến hồi kỳ thuỷ mà tìm cho thấy cái gốc của sự phản đối khoa học trong thế giới là ở đâu. Người trong hoa giờ này hẳn đã hiểu ý ấy rồi; nhưng, trong bài trước nó vốn rõ ràng ra đó chứ không phải hôm nay nhờ có giải thích mới rõ.

Ông bạn muốn phá lầm cho tôi đến nỗi ông bảo: “Còn lạ gì những chuyện các ông tổ khai sơn cho các khoa học bị thế lực của bọn thủ cựu làm lụy, nào sách bị cấm, nào người bị giết, bị giam…” Ông muốn chỉ cho tôi những ông tổ khoa học bị bách hại như Galilée đó chi? Nhưng trong bài của tôi, tôi có cần gì đến những cái sử tích ấy? Tôi xin hỏi ông: Galilée bị phạt quỳ, buộc phải tuyên ngôn giữa công chúng rằng trái đất không quay, đồng thời, những sách vở về học thuyết thiên văn của Copernic bị cấm, hai việc đều ở trong khoảng năm 1616, thế thì nó có dính dáng gì với người Việt Nam cho bằng một lời phỉ báng khoa học của Lương Khải Siêu? Khoảng năm 1616, người Nam ta chẳng những chưa biết có khoa học cũng chưa biết có Âu châu nữa, mà đòi đem chưng những cái sử tích ấy ra, hoạ chỉ có khoe với độc giả rằng mình nhớ sách!

Thế thì không phải tôi lầm mà tại ông bạn tôi không hiểu. Nếu biết luận lý học thì hiểu những chỗ này dễ lắm! Nó có quan hệ với luật đan ngôn là nói một phần và toàn ngôn là nói cả thảy. Tôi nói sự phản đối khoa học của người Việt Nam là nói một phần, tự nhiên tôi phải cho là chịu ảnh hưởng của người Trung Quốc; ông lại nói trật qua sự phản đối khoa học của cả thế giới là nói cả thảy, tự nhiên ông phải nhận đến gốc là bọn thủ cựu bên Âu châu. Ông làm sai ý tôi đi, rồi ong lại bảo tôi lầm. 

*

* *

Người trong hoa còn nói rằng tôi bác cái thuyết khoa học càng thịnh, giết người càng nhiều như thế là đủ rồi, tôi lại còn muốn chứng minh ra rằng khoa học càng thịnh giết người càng ít, muốn lập cái giả thuyết này cho thành cái luật thì không được. ‒ Bạn tôi ơi! Đó lại một điều ông không hiểu tôi nữa!

Khoa học càng thịnh, giết người càng ít, cái ấy mà có thể lập thành “luật” à? Tôi muốn lắm chứ! Nhưng, theo tôi, hiện nay thì tôi cũng không có ý lập nó làm một cái giả thuyết kia, đừng nói luật làm chi.

Xin đọc kỹ lại đoạn đó trong bài Khoa học không có tội thì rõ. Tất cả từ chữ “huống chi” sấp xuống, tôi chỉ dùng một cái phản thuyết phụ với đoạn trên để đánh đổ cái thuyết khoa học càng thịnh giết người càng nhiều bằng cách tiêu cực, chứ không để chứng minh cho cái thuyết khoa học càng thịnh giết người càng ít bằng cách tích cực. Vì chỗ đó cốt ý là để phá cái thuyết của bên địch, thế thì hoặc thá hoặc ví,[1] dùng cách nào cho lời bác luận càng thêm có sức thì dùng, lọ phải lập thêm một cái thuyết khác?

Người trong hoa bảo rằng những cái sử liệu như chuyện Hạng Vũ, chuyện Bồ Kiên, đối với nhà khoa học cũng còn phải phí công khảo đính lại rồi mới đem dùng được. Cái thái độ ấy vẫn là phải. Nhưng ở đây, tôi đã đem nó dùng làm xác cứ đâu, chẳng qua so sánh với lời buộc tội vô bằng của bên địch thì nói “vững chắc và mạnh mẽ bằng mười”, chứ tôi chưa hề tin nó cách tuyệt đối. Huống chi trên đó đã có câu: “lời phản luận ấy cũng không dựa được vào cái biểu so sánh nào”, thì đủ biết tôi không có ý lấy cái phản thuyết đó làm trọng vậy.

Ông bạn tôi cho đoạn ấy là vẽ rắn thêm chân, kỳ thực, chỉ để mạnh thêm sự lý đoạn trên thôi, chứ không gọi được là cái chân đã thêm vào. Còn ông nói sẽ làm cho người ta lầm thì có thể. Nếu ai cũng hiểu như ông cả thì quả có thể lầm thật!

Cuối cùng, Người trong hoa nói tôi như là đã nhận thấy cái nguyên nhân của sự kinh tế khủng hoảng hiện thời chỉ độc có một cái và đem đổ trúp cho mấy nước chưa có khoa học. Điều đó cũng lại sai với ý tôi.

Nguyên văn của tôi:

“Phải chi trên trái đất, nước nào cũng theo khoa học, chuộng máy móc, thì nước nào cũng chế tạo hàng hóa chỉ đủ cho nước ấy dùng, chứ có chế tạo nhiều ra làm chi, vì không đem bán cho ai. Cái này, mấy nước ươn hèn không biết trọng khoa học, lại ưa dùng sản vật của khoa học, nên những nước kia mới chế tạo ra cho nhiều mà đem đi bán. Sản vật dưa ra đến nỗi làm một cớ lớn cho cái nạn kinh tế khủng hoảng, nên đổ tội cho mấy nước ươn hèn ấy, sao lại đổ cho khoa học?”

Xin độc giả chú ý bốn chữ làm một cớ lớn. Bốn chữ ấy tỏ ra rằng tôi biết nguyên nhân của sự khủng hoảng không phải một cái mà có nhiều cái; và tôi chỉ đổ tội cho mấy nước ươn hèn có một cái ấy.

Ông bạn còn trách tôi về chỗ này không đúng với sự thực. Là bởi, dù nước nào cũng đều trọng khoa học, đều chế tạo được cả, là sự buôn bán quốc tế cũng vẫn cứ còn.

Cái sự thực ấy tôi há chẳng biết, mà tôi cũng chẳng toan xóa bỏ nó làm chi. Có điều thử nghĩ xem: cuộc buôn bán quốc tế giữa các nước văn minh với nhau thì vẫn giữ được mực thăng bằng, chứ không như các nước ươn hèn ngạch du nhập thì vổng lên mà ngạch du xuất thì chìm xuống. Xưa nay chỉ thấy các nước giành Thượng Hải, Bombay làm thị trường chứ có ai hề thấy nói giành Paris, London làm thị trường? Vậy thì cái sự thực về cuộc buôn bán quốc tế có thành ra vấn đề trong việc tôi đương nói đâu mà tôi phải nhìn đến nó?

Về chỗ khoa học với cuộc sanh hoạt loài người quan hệ cùng nhau, tôi có nói sơ ở cuối bài Mục đích của khoa học. Tôi đã lược giải rằng bởi tại cách phân phối bất quân. Thế nhưng mấy nước ươn hèn không hay chế tạo mà cứ mua dùng, là một cớ làm cho sản vật dư ra và gây nên nạn khủng hoảng, thì tôi vẫn nhìn là sự thực, vì nó là sự thực.

*

* *

Đến như ông bảo kẻ nói “Khoa học có tội” là ngu xuẩn, vì khoa học không phải loài người thì không có trách nhiệm. Câu ấy tỏ ra ông là một người câu nệ quá mà lại đương còn ngớ nghết trong đường văn nghệ nữa.

Thực ra thì nói “Khoa học có tội” không phải là ngu xuẩn gì cả; và là thông, chứ không phải bất thông đâu. Theo tu từ học, nhà làm văn có thể làm vật ra người được. Người ta nói được cây thông hát, bóng trăng dòm, xe ô-tô nuốt đường, và bao nhiêu con chồn, con chó, con gà của La Fontaine đều biết nói như người cả, chẳng qua dùng cái chước biến thông tức là làm vật ra người ấy. Vậy thì khi nói khoa học có tội, cũng là làm khoa học ra một con người, chứ có gì lạ đâu? Huống chi, khoa học vốn không trách nhiệm mà làm ra có trách nhiệm, thế là điều càng làm tôn nghiêm thêm cho khoa học, chẳng có việc gì mà bắt bẻ hết.

Lại còn cáo cùng với phá sản đều là chữ nho cả, mà cái nghĩa chữ cáo cùng chỉ như ta nói “kêu túng”, thì đem dịch chữ faillite, sao cho bằng chữ phá sản (vỡ nợ) là đúng hơn? Ông bảo nên dịch cáo cùng thì dễ hiểu, dễ hiểu làm sao mà nó không phải nghĩa?

Kèm thêm hai điều vụn vặt ấy là dứt bài, tôi xin nói: bài này của tôi thật có điều làm mếch lòng một ông bạn đồng nghiệp biết tiếng đã lâu. Nhưng hễ đã nói thật thì thế nào cho khỏi!... Lại ông viết cho tôi như một lá thư mà bài này tôi không làm lời phúc đáp, ấy là vì một cớ…

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. thá ví: tới lui; “nói thá nói ví”: nói tới nói lui, nói xa nói gần (H.T.Paulus Của: sđd.)