Khoa học không có tội
Tiếp theo bài "Bác cái thuyết: văn minh vật chất và văn minh tinh thần"[1] đăng ở trang 4-5, số 4 của Bản báo, tôi viết thêm bài này để phá toang cả một sự lầm lớn của phần nhiều thức giả nước ta ngày nay.
Theo như bài trước, nước ta ngày nay có một số người vì muốn vớt lại thể diện cho Đông phương, nhất là cho tổ quốc, nên chủ trương rằng văn minh Tây phương là văn minh vật chất, văn minh Đông phương là văn minh tinh thần. Kỳ thực không phải vậy; xem các luận chứng (arguments) tôi đã dùng mà bác cái thuyết ấy của họ trong bài trước thì rõ ràng lắm; vả những luận chứng ấy rất vững chãi, như là cất nhà trên tảng đá, dù họ có tài hùng biện đến đâu cũng chẳng làm cho nó lung lay.
Tuy vậy, đám bại quân ấy, đuổi nó chạy khỏi chỗ này, nó lại toan cứ hiểm ở chỗ khác. Họ đã câm đi trước mặt chân lý, không còn sức nào mà cứu viện cho cái thuyết "tinh thần, vật chất" của mình được nữa rồi, họ lại chực gây sự với khoa học.
Chẳng là tôi có nói: Hết thảy vật chất của Tây phương đều ra từ khoa học, mà khoa học tức là phần tinh thần đó, thế thì văn mình của Tây phương chẳng phải tinh thần là gì? câu ấy xác đáng lắm, không cãi được, chắc họ sẽ tránh cái mũi nhọn ấy đi, mà đổi thế công sang đường khác, họ nói rằng: "Thôi, dụt cái khoa học của anh đi, đừng chưng nó ra nữa, nó là kẻ có tội mà!"
Rồi họ mới lòi ra: nào những khoa học càng thịnh, giết người càng nhiều, vì nó mà gây nên cuộc đại chiến tàn hại năm 1914-1918; nào những khoa học càng thịnh, sự sống của loài người càng khó, vì nó mà mới có cái hoạ kinh tế khủng hoảng mấy năm nay…
Tóm lại, họ cho khoa học là một vật bất tường cho loài người. Dù hằng ngày họ ngồi xe ô tô, họ ưa cái sáng của đèn điện hơn đèn dầu, họ chịu cái mát của quạt điện hơn quạt giấy, họ cũng cứ rủa sả khoa học mà lên án nó: Khoa học là kẻ có tội!
Ai hay đọc báo, có phải từng thấy cái luận điệu ấy choán mất một phần lớn trong những bài nghị luận của báo ta không? Đám văn sĩ xoàng, có biết đâu đến những vấn đề này mà nói; cái luận điệu ấy lại thường thường ra bởi miệng những người mà chúng ta tôn là thức giả. thế mới đáng lo!
Tôi còn nhớ, báo "Đuốc nhà Nam", trong số Tết năm 1932, khi chưa được phép lưu hành ở Bắc, có bài xã thuyết của ông Nguyễn Phan Long viết, cũng là kể tội khoa học ra. Tôi không nhớ đầu đề bài ấy là gì, chỉ nhớ chắc rằng trong đó ông có ý trách móc khoa học, duy khác với các luận giả khác một điều, là ông làm án nó mà làm án bằng một cách tình nghi. ông Nguyễn Phan Long, cái sức học sức biết của ông cũng đáng nể lắm chứ; thế mà đối với khoa học cũng còn như vậy, nữa là kẻ khác!
*
* *
Đáng bật cười thay cái nước Nam này, từ xưa đến nay, phàm nó có cái gì đều có sau nước Tàu là nước "chủ" nó! Trong bài trước tôi đã kể ra cái thuyết "vật chất tinh thần" là do bọn thủ cựu bên Tàu, thì hôm nay, cái thuyết "khoa học có tội", cũng lại do bọn ấy. Cái luận điệu của một số thức giả xứ ta như đã kể trên kia, dù bắt chước họ, dù không bắt chước, cũng là nói sau họ đến mười lăm năm; rồi đến có kẻ như tôi ra phản đối cái luận điệu ấy, thì cũng lại ở sau bọn phản đối của nước tàu − vì ở Tàu bấy giờ cũng có một bọn phản đối để bênh vực cho khoa học − dù nói theo bọn ấy hay không, không kể, mình cũng vẫn cứ như con ngựa chịu "đi nước hậu"!
Năm 1919, sau cuộc Đại chiến, Lương Khải Siêu sang du lịch các nước Âu châu. Lúc về đến tổ quốc, có đăng một bản du ký lên Thái bình dương tạp chí, gọi là "Âu du tâm ảnh lục". Trong đó có một đoạn tả sự thống khổ của dân Âu châu sau cơn binh cách rồi kết luận bằng bốn chữ "khoa học phá sản". Từ đó, hầu như cả một dân tộc Trung Quốc là dân tộc mới vài mươi năm nay khuynh hướng về khoa học bao nhiêu, bây giờ trở khinh rẻ và gớm ghiếc khoa học bấy nhiêu. Lương tiên sinh không phải là người thủ cựu, mà lại có sự xét đoán như thế, thật cũng đáng lấy làm lạ!
Bản du ký ấy truyền bá ra rồi, nhất là câu "khoa học phá sản" lưu hành ra rồi, một bọn học giả Tàu như phát điên, anh nào cũng đòi đem cái văn hóa cổ của Trung Hoa sang mà cứu vớt mấy trăm triệu dân da trắng, vì họ đổ cho một phần loài người mang màu da ấy rày đã sắp tới kỳ tiêu diệt! Cái thái độ ngông cuồng đó, nếu chẳng có người chữa cho thì cho đến năm nay vẫn còn cũng nên.
Bấy giờ trong bọn phản đối có Ngô Trĩ Huy, người đã già mà tư tưởng vẫn trẻ, ông ấy viết nhiều bài trên báo mà công kích họ Lương thật riết. Thậm chí có lần ông ta độc mồm rủa Lương Khải Siêu già rồi sao không chết rấp, để sống dai mà nói bậy, làm báo hại bọn thanh niên! Người đã chữa cho cái thái độ ngông cuồng của một bọn học giả Tàu, tức là Ngô Trĩ Huy vậy.
Các lý thuyết của họ Ngô dùng để phản đối câu "nói bậy" của họ Lương, tản mác ra trong nhiều bài luận đã in thành sách, tiếc rằng những sách ấy hiện tôi không có trong tay, cho nên, chỉ nhớ được chừng nào, nhặt lấy chừng nấy còn thì tôi lấy ý kiến mình thêm vào để làm những lời biện hộ như dưới này cho khoa học.
*
* *
Lương Khải Siêu nói "khoa học phá sản" với bây giờ người ta nói "khoa học có tội" thì cũng đồng một nghĩa. "Phá sản" hay "có tội" cũng chia làm hai phương diện: một là về đạo đức; một là về kinh tế. Cái tội của khoa học về đạo đức tức là: bởi nó mà những súng cối chay, hơi ngạt, trái phá cùng những đồ binh khí khác đã chế tạo ra, giết người nhiều hơn hồi chưa có khoa học. Cái tội về kinh tế tức là: bởi khoa học đã phát minh những máy móc, cướp nghề làm bằng tay; và máy móc chế tạo hóa hang ra nhiều quá, ối lại bán không hết: hai cái nguyên nhân ấy nhập lại với những cái khác nữa thành ra cái nạn kinh tế khủng hoảng.
Mới nghe qua, người thường, ai cũng phải nhận cho lời buộc tội ấy là có lý. Nhưng nếu là một nhà khoa học chân chánh, nghĩa là một người ăn nằm luôn trong cái phương pháp khoa học, thì đối với hai điều buộc tội đó, chẳng ai hề phục tình bao giờ. Vì người ta còn có cái lẽ của người ta nữa, mà cái lẽ ấy đem nói ra đây, người biết phải, thôi, không ai còn cãi lại.
*
* *
Bằng cứ vào đâu mà nói được rằng khi khoa học ra đời rồi thì nó giết người nhiều hơn hồi chưa có khoa học? Muốn biết điều ấy cho đích xác, duy có làm thế nào lập ra được một cái biểu so sánh: nước Pháp ‒ ấy là ví dụ ‒ từ năm 1330 đến năm 1430 so với từ năm 1830 đến năm 1930, hai cái thời kỳ sau ‒ thời kỳ có khoa học rồi ‒ số người bị chết về chiến tranh nhiều hơn thời kỳ trước ‒ thời kỳ chưa có khoa học, ‒ thì cái luận chứng ấy mới có thể tin được. Nghĩa là về không gian đồng nhau, về tời gian đồng nhau, mà số này vượt lên trên số kia, lấy con số làm chắc, mới gọi được là "nhiều hơn". Nay vì sách vở thiếu sót, bất kỳ xứ nào cũng đã chẳng biết dựa vào đâu lập được cái biểu so sánh ấy, vậy mà cứ ngồi vênh mồm lên nói "nhiều hơn, nhiều hơn", người nào có ít nhiều luận lý học trong đầu, chẳng khi nào nghe được.
Người ta thấy ngày nay một trận đánh nhau chết đến hàng ngàn hàng vạn, kể cả một cuộc đánh nhau như cuộc Đại chiến 1914-1918, chết đến hàng triệu, rồi hoa mắt lên mà cho là nhiều; nhưng không ai hề chú ý đến sự lấy không gian thời gian làm cái mực so sánh, thành ra lời kết luận sai xa với sự thực mà không hay. Sao chẳng nghĩ lại mà xem: đánh nhau trường trải bốn năm, bao nhiêu cường quốc đều là dịch quốc, bao nhiêu nơi cả lục lẫn thuỷ lấy làm chiến trường, mà bảo số tử vong không đến hàng triệu sao được? Nếu đem cuộc Đại chiến ấy mà so với trận Nguyễn Huệ và Tôn Sĩ Nghị đánh nhau, trong chỉ có một đêm mà lanh quanh thành Hà Nội, thì tài gì chả nhiều hơn?
Huống chi, đời xưa dù khoa học chưa có, chứ cái máu giết người hẳn là hăng lắm, cho nên họ giết nhau cũng không phải là ít. Hạng Vũ chỉ trong một tối mà chôn đến bốn chục vạn hàng tốt nhà Tần; Bồ Kiên kéo binh sang đánh Tấn một trăm vạn mà lúc về chỉ còn có mấy trăm… Thiếu chi việc như vậy còn chèm bẻm trên sử sách, quả thật đời nay chẳng có một trận đánh nào bị chết nhiều đến thế, sao người ta bỏ đi, không kể?
Cho đến nước ta đây, đời vua Minh Mạng, lúc quân triều hạ thành Gia Định, thành bị bọn Nguyễn Hữu Khôi chiếm cứ đã ba năm, rồi trong chốc lát mà giết những ba ngàn dư đảng, chôn thây một đống em em hòn núi, đống ấy có người nhận cho là cái đồi ở góc vườn phủ Toàn quyền bây giờ. Hãy ghi lấy cái sử tích ấy, rồi hỏi từ lúc nước Pháp là nước thịnh khoa học, chuộng cơ khí, sang đây đến giờ hơn 70 năm, coi có lần nào giết người nhiều bằng lần ấy không? Các ông thế nào không biết, chứ tôi, tôi quyết là không có.
Vậy thì tôi lại có quyền mà nói trái lộn lại. Tôi nói: Khoa học càng thịnh hành chừng nào thì sự giết người lại càng ít hơn hồi chưa có khoa học chừng nấy. Lời phản luận ấy của tôi tuy cũng không dựa được vào các biểu so sánh nào, nhưng theo chứng cứ trên lịch sử thì cũng đã vững chắc và mạnh mẽ bằng mười lời buộc tội của bọn kia.
Theo lịch sử đã vậy rồi, mà theo tâm lý, câu ấy còn có thể tin được nữa. Hễ những đồ giết người càng nhiều, càng khéo, sự giết người càng dễ dàng, thì người ta lại càng sợ tổn hại cho nhân loại mà không dám đánh nhau. Quả thế, này, việc trước con mắt: Nhật chiếm Mãn Châu, làm khó chịu cho Liệt cường biết mấy, giá thuở trước thì đã đập nhau lung tung rồi, thế mà hai năm nay, cuộc đại chiến Thái Bình Dương còn ngần ngừ chưa chịu vỡ, thế chẳng phải sự giết người dung dị nó làm cho họ chớp gáy là gì? Kể trực tiếp, chẳng khi nào là ơn; mà kể gián tiếp, đó thật là cái ơn của khoa học. Ấy thế mà người ta cho là tội!
Về phương diện đạo đức, khoa học chẳng có tội gì rồi; mà về phương diện kinh tế, nó cũng chẳng có tội nữa. Trái lại, làm cho kinh tế bị khủng hoảng cả và thế giới mấy năm nay, cái tội ở những nước nào chưa có khoa học, như nước Việt Nam này là một.
Phải chi trên trái đất, nước nào cũng theo khoa học, chuộng máy móc, như nước Anh, nước Pháp, nước Mỹ, nước Nhật, nước Đức cả, thì nước nào chế tạo ra hàng hóa chỉ đủ cho nước nấy dùng, chứ có chế tạo nhiều ra làm chi, vì không bán cho ai. Cái này, mấy nước ươn hèn, không biết trọng khoa học, nên những nước kia mới đua nhau chế tạo ra cho nhiều mà đem đi bán. Sản vật dư ra đến nỗi làm một cớ lớn cho cái nạn kinh tế khủng hoảng, nên đổ tội cho mấy nước ươn hèn ấy, sao lại đổ cho khoa học?
Các nước mạnh họ còn giành nhau cái chợ để bán hàng mà đánh nhau nữa kia. Lịch sử đã công nhận điều đó là nguyên nhân xa của cuộc Đại chiến 1914-1918. Thế thì cả cái tội về kinh tế đến cái tội về đạo đức cũng đều là tội của mấy nước ươn hèn kia, chứ không phải tội của khoa học. Bởi vì, nếu mấy nước đó cũng có khoa học để chế tạo ra sản xuất mà dùng lấy, thì làm gì đến nỗi các nước kia giành đó làm thị trường mà có sự đánh giết nhau?
Bây giờ đó, khoa học không có tội rồi, tội ai?...
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Bài ấy nguyên đầu đề là "Văn minh vật chất với văn minh tinh thần". Cái bài như thế mà lập đầu đề như thế thật là vô nghĩa − vô nghĩa nhất là chữ "với". Thế mà từ lúc viết ra cho đến lúc in xong, tôi sơ ý không nghĩ đến. Nay đã nhận thấy sự sai lầm, tôi xin làm như cải chánh mà đổi lấy cái đề trên đây. − P.K. (nguyên chú)