Mục đích của khoa học

Mục đích của khoa học  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 10 (19. 11. 1933), tr. 4- 6.

Bài này, tôi có ý viết tiếp theo bài "Khoa học không có tội" đã đăng ở Phụ nữ thời đàm số 6, để trọn một cái thuyết.

‒ Về mặt đạo đức hay kinh tế, khoa học đều không có tội cả; lẽ ấy đã nghe được rồi. Nhưng từ hồi khoa học có ra và thịnh lên đến giờ, coi ý loài người càng chuốc thêm lấy những sự chật vật, rộn ràng, nguy hiểm hơn hồi trước, như vậy thì khoa học được cái gì? có ích cho loài người gì đâu mà chuộng nó làm chi? ‒ Hẳn có kẻ hỏi tôi như thế.

Muốn mấy lời trên đó được rõ hơn, họ kể ra: Những thợ trong xưởng máy càng lem luốc và khó nhọc hơn thợ mộc thợ rèn của ta; những khách bộ hành trên xe hỏa xe hơi, bỏ ăn bỏ ngủ, có đâu thanh nhàn bằng ông bà ta ngày xưa đi đường bằng cặp cẳng; còn nói chi máy bay lâu lâu lại sa cánh, ô-tô chốc chốc lại xuống ruộng, khiến người ta cả ngày gần kề một bên cái chết, thì còn gì là lạc thú nhân sinh? Những điều ấy há chẳng phải gây ra đều từ khoa học? Thế thôi thì cũng nên vứt nó đi đừng có tiếc!

‒ Khoan đã! Tôi phải bình tâm tịnh khí và xin họ cũng phải bình tâm tịnh khí như tôi, rồi cùng nhau mở lịch sử ra, truy nguyên cho biết cái mục đích gây dựng xã hội loài người là ở đâu. ‒ Lịch sử này chẳng phải lịch sử nào lạ. Là lịch sử của một dân tộc lớn phương Đông mà người Việt Nam ta hơn nghìn năm nay đã phụng làm kinh điển. ‒ Khi đã biết cái mục đích gây dừng xã hội loài người ở đâu rồi, khắc biết khoa học cũng có mục đích mà cái mục đích khoa học chẳng qua cũng ở đó. Thế thì chẳng nên lấy cớ nó là thế này, nó là thế kia, những cái cớ không quan hệ mấy, mà lững lờ đối với khoa học hoặc đến vứt bỏ nó, hầu làm trái với cái mục đích trang nghiêm thần thánh là cái mục đích của sự gây dừng xã hội loài người.

Hôm nay tôi xin giở những đồ cũ ra mà ôn lại, vì những cái cũ này nó đã quen quá với người mình làm cho ai nấy quên lững nó đi. Ấy là tôi muốn đem những lý thuyết trong kinh Thư, kinh Dịch ra mà chứng minh cho khoa học.

Trong kinh Thư, Đại Võ khuyên Đế Thuấn rằng: "Việc chánh ở nuôi dân". Rồi tiếp rằng: "Phải chánh cái đức của họ; phải lợi đồ dùng của họ; phải hậu sự sống của họ". Một câu trước, nguyên văn là "Chánh tại dưỡng dân政 在 養 民, ba câu sau là "Chánh đức, lợi dụng, hậu sanh正 徳, 利 用, 厚 生; mà ba câu sau tức là phương tiện của câu trước và cũng là mục đích của câu trước vậy.

Việc chánh trị chỉ ở sự nuôi dân, tức tôi goi là gây dựng xã hội loài người. Mà nuôi dân bằng cách nào? Phải bằng cách như ba câu sau ‒  ấy tức là phương tiện. Nuôi dân đến bậc nào? Phải đến bậc như ba câu sau ‒  ấy tức là mục đích.

Chánh đức, nghĩa là làm cho cái đức của dân ‒ cũng tức là mọi người trong xã hội ‒ được chánh; nói theo danh từ hiện hành, nó thuộc về phần đức dục, tức là về đạo đức luân lý, một vấn đề ngoài khoa học, xin để riêng ra. Ở đây tôi cốt trọng bốn chữ lợi dụng, hậu sanh.

Lợi dụng là làm cho đồ dùng của dân được tiện lợi. Bất kỳ vật gì, động đâu có đó: muốn ở, có nhà; muốn mặc, có áo; muốn khỏi thả bộ trên đường trường, có xe; muốn vượt qua sông lớn, có thuyền…

Hậu sanh thì lại còn cao hơn lợi dụng một từng nữa, nghĩa là làm cho sự sống của dân càng thêm hậu, càng thêm đầy đủ, càng thêm sung sướng. Cái nhà chỉ để tránh mưa nắng không đủ; phải cho cao và rộng, rực rỡ và đồ sộ, hầu cho người ở trong đó được thỏa thích hơn. Cái áo chỉ để che thân, không đủ; phải cho dày để ấm hơn, cho mềm để êm hơn, cho có màu có sắc để đẹp mắt hơn. Cái xe cái thuyền cũng vậy, có sức đủ làm cho khéo cho đẹp đến đâu, càng làm cho khéo cho đẹp khiến người dùng nó càng lấy làm khoái đến đó.

Đại Võ và Đế Thuấn là hai vị mà nhà nho tôn bằng thánh nhân, thì các ngài muốn như vậy đó. Tôi xin làm thông ngôn lần nữa cho càng rõ hơn: Giả như một bên hỏi: Nuôi dân thế nào? Một bên trả lời: Nuôi dân là cốt làm cho dân được sung sướng. ‒ Đó, hai ông thánh đời xưa của nhà nho bàn với nhau như thế.

Lý luận thì thế, đến ra thực sự, các ông thánh ấy đã làm được đến đâu? Chúng ta khá mò đến kinh Dịch thì thấy.

Kinh Dịch nói: "Đời xưa Bào Hy làm ra cái lưới để săn và đánh cá. Thần Nông làm ra cái cày cái bừa và dạy người ta cày bừa. Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn làm ra áo xiêm; làm ra thuyền và chèo; lại bắt ngựa cỡi, bắt trâu kéo để lợi cho thiên hạ; lại dứt gỗ làm cái chày, đào đất làm cái cối, muôn dân nhờ đó mới giã gạo được mà ăn; lại uốn cây làm cái cung, chuốt cây làm cái tên, muôn dân thấy vậy mới sợ và phục. Đời thượng cổ ở nơi hang và đồng nội, sau rồi thánh nhân mới bày ra nhà cửa, trên có kèo cột, dưới có nền móng để tránh gió mưa. Đời thượng cổ người ta chết thì lấy củi bó lại rồi đem bỏ ngoài đồng, sau thánh nhân mới bày ra cái quan cái quách và chôn trong đất…"

Cứ như bản dự án mà Đại Võ và Đế Thuấn đã thảo ra, dưỡng dân cốt tại lợi dụng và hậu sanh, thì các ông Thánh mới vừa nói đó thật chưa hề làm tới phần hậu sanh, chỉ mới làm tới phần lợi dụng mà cũng chưa làm trọn. Làm trọn phần lợi dụng, phải đợi đến đời con cháu chắt chít các ông thánh ấy rồi đến ông bà ông vải chúng ta và chúng ta đây.

Thật thế, cái cối bằng đất đào ra, thì giã sao cho trắng gạo bằng cái cối đá mà thợ đá giữa chúng ta đã làm? Cái cung cái tên của Hoàng Đế dùng mà bắn Xuy Vưu, thì sao cho mạnh và tin bằng khẩu súng nạp hậu của Nguyễn Huệ dùng mà bắn bọn quân Tôn Sĩ Nghị? Suy ra đến cái lưới, cái cày, cái bừa, áo xiêm, thuyền chèo, xe cộ, cho đến nhà cửa, quan quách của các ông thánh ấy làm ra, mỗi một cái đều là vụng về, thua các đời sau không biết mấy. Duy được cái bày đầu ra thì các ông ấy là thánh; còn nhân đó mà sửa sang cho càng thêm tinh xảo thì ông bà ông vải chúng ta với chúng ta đây lại là phàm!

Mặc dù thế nào, cái thuyết tiến hóa rành rành ở trên lịch sử không thể cãi được, mà ở đây lại càng không cãi được lắm. Từ cái cối bằng đất lên cái cối bằng đá, là một sự tiến hóa. Từ cái cung cái tên lên đến khẩu súng nạp hậu, cũng lại một sự tiến hóa nữa. Hết sức tiến rồi, tất nhiên phải nhờ khoa học để tiến thêm lên. Thế thì lại từ cái cối đá lên cái máy xay, từ khẩu súng nạp hậu lên khẩu súng nạp tiêu cùng những đạn hạt lựu, đạn trái phá, đều là sản vật của khoa học đấy, mà cũng đều là sự tiến hóa không thể từ chối được vậy. Lẽ này đợi đến đoạn sau sẽ nói rõ hơn.

Sự lợi dụng còn có chừng, chứ đến hậu sanh thì không có chừng. Ông hay bà trong lúc nồng nực, quạt cái quạt mo cũng đủ mát, nhưng chắc không vui lòng mà dùng nó bằng dùng cái quạt bồi bằng giấy; cái quạt bồi giấy lại không bằng cái quạt bồi bằng the; cái quạt bồi the còn phải cầm mà quạt, cũng chưa sướng bằng cái quạt treo trên trần có người ngồi kéo. Ấy là tôi chưa nói đến cái quạt điện, vì phải để dành nó cho khoa học.

Các ông thánh đời xưa, hay ông bà ông vải chúng ta, hay chúng ta đây, miễn cưỡng lắm chỉ làm được hai chữ lợi dụng mà thôi; còn hậu sanh, hai chữ không có chừng ấy, chúng ta không theo kịp, chúng ta phải nhường cho khoa học. Thế thì khoa học là để mà hậu sanh, để mà làm cho mọi người sống trên đời này được sung sướng càng thêm sung sướng, chứ có gì đâu? chứ có làm sao đâu?

Nói một sự đi đường. Ngày xưa ở Hà Nội vào Huế, người hèn đi chân, người sang đi cáng, cũng đều phải mất non một tháng mới đến nơi. Đi cáng thì có sướng hơn đi chân thật, nhưng sao cho sướng bằng đi xe hỏa hay xe hơi là đồ sản vật của khoa học? Mất ăn mất ngủ chỉ trong một đêm một ngày, chứ khi vào đến nơi  rồi lại được ăn được ngủ, há chẳng hơn ngày trước cheo leo trên đèo Ba Dội, dật dờ giữa truông Nhà Hồ đến những hăm mấy ngày trời? Không đợi nói nhiều, kể về phần sung sướng ‒  chứ phần tiện lợi thì đã đành rồi, không nói ‒ thì những đồ sản vật của khoa học thật đã làm cho người ta sung sướng. Ở các thành phố, có người đã thề không thèm đốt đèn điện, nhưng về sau thua buồn rồi cũng phải đốt. Không đốt nó làm sao được mà nó sáng và sạch sẽ hơn mọi thứ đèn dầu? Lại có người sợ xe hơi nguy hiểm, không đi, sau thấy nó làm cho sướng quá: nháy mắt đã đến nơi, được thấy vợ thấy con liền, không đi là dại!

Tôi đã nói hai chữ hậu sinh không có chừng: cho là sung sướng rồi, còn sung sướng hơn; cho là sung sướng hơn rồi, còn sung sướng hơn nữa… không biết đâu là cùng là cái dục vọng của sự sống. Nhưng, theo kịp cái dục vọng ấy, chỉ có khoa học. Thế thì, sự máy bay đổ, ô-tô úp ngày nay mà ta nhận là nguy hiểm ấy, tôi dám chắc, năm mười năm nữa nó sẽ dứt đi, ngồi trên ô-tô hay máy bay cũng vững chãi như ngồi trên giường ở nhà cho mà xem. Bởi vì cái dục vọng của người ta là ở sự bình yên ổn thỏa thì khoa học nó cũng sẽ theo kịp mà làm cho người ta được bình yên ổn thỏa.

Nói cho vừa phải, đừng tưng bốc quá, tôi muốn nói khoa học chỉ là cái phương tiện để làm cho người ta sung sướng, để đạt đến cái mục đích hậu sanh của Thuấn, Võ đã chỉ ra mà từ xưa đến nay các bậc thánh cho đến các bậc phàm đều chưa hề làm được cho trọn vẹn.

Thế thì nó có làm sao đâu mà người đời lại đeo theo phản đối khoa học? Ở ngày nay mà phản đối khoa học, thế thì ở ngày xưa, hồi đương náu mình trong hang và giữa đồng nội mà có kẻ làm cung làm nhà ra, thiên hạ chẳng đã phản đối kẻ ấy sao? Hồi đương bó thây bằng củi đem ném ngoài đồng mà có kẻ bày quan bày quách ra, thiên hạ chẳng đã phản đối kẻ ấy sao? Nhưng không, người ta chẳng những không phản đối những kẻ ấy mà lại tôn là thánh, thì những kẻ nhờ khoa học phát minh ra cơ khí đời nay, mặc ai nói thế nào, tôi cùng những người đồng ý kiến như tôi, cứ tôn họ là thánh. Hay! phản đối làm sao kia? Làm sao lại nhè sự tiến hóa là sự không cãi cọ được cũng không từ chối được mà phản đối kia?

Làm cho sự sống của loài người sung sướng càng thêm sung sướng, ấy là cái mục đích của khoa học. Nhưng ở đời có kẻ sung sướng, có kẻ không sung sướng, nghĩa là có kẻ được hưởng ân huệ của khoa học, có kẻ không được hưởng, là tại làm sao? Vấn đề này phiền phức lắm mà nó lại riêng ra một việc khác, không nói nhập trong bài này được.

Nhiều người đã đổ cho sự ấy là tại cách phân phối bất quân. Mà phân phối bất quân là thế nào? Làm thế nào phân phối cho quân hầu người nào cũng được hưởng ân huệ của khoa học? Ấy là thuộc về vấn đề kinh tế. Đợi một ngày kia các nhà đại kinh tế sẽ giải quyết xong. Mà không chừng, hiện nay họ đã bắt đầu giải quyết rồi.

PHAN KHÔI