Bả phồn hoa/2
HỒI THỨ HAI
Say mệt say mê, tìm ra tấm ảnh
Giả nhân giả nghĩa, khéo tính mưu sâu
Ông chủ hàng trẻ tuổi là Tạ-Thiếu-my đang đánh diêm hút xì gà, nghe đến đấy thấy bùi tai, liền hút dấn một hơi, sức khói thấm vào đến tim, trong bụng bỗng nẩy ra một kế, móc túi ra lấy một đồng bạc, bảo thằng nhỏ lại gần đưa cho rồi vỗ vai mà rằng:
— Mà thật là một đứa linh-lợi, lại khéo mồm khéo mép kể cho ta nghe được câu chuyện thú vị. Thế mày đã biết ảnh để chỗ nào thì lại lấy trộm đưa cho ta, ta sẽ đem chụp ra một tấm kính khác, tấm ảnh nguyên chỉ một loáng là có thể đưa trả được, làm như thế thì có thánh cũng không biết. Nếu làm được việc thì ta sẽ trọng thưởng cho. Thằng nhỏ mới nghe câu chuyện lấy trộm ảnh, hơi có ý ngại; kế nghe tấm ảnh nguyên lại đem trả thì tự nghĩ mình chỉ dụng công một chút mà hiện đã được đồng bạc, sau lại có trọng thưởng, tội gì không làm, liền vâng dạ nhận lời ngay. Thiếu-my nói:
— Việc nên làm gấp, ta đứng đây chờ. Thằng nhỏ biết ý. rón rén xuống tầng gác thứ hai đến ngay chỗ giường mình nằm Trong bụng vẫn đinh ninh vào là lấy được ngay, nào ngờ vừa bước chân vào thì trước mặt có một người chạy đâm sầm lại, nắm ngực quát lên rằng:
— Thằng này to gan thật! Ban ngày ban mặt mà dám vào đây ăn cắp. Thằng nhỏ giật mình kêu rú lên. Nguyên Lý-Hoa bấy giờ vừa ăn cơm xong nằm nghỉ trong giường. Đôi bên bè bạn đã lâu, thường đùa nghịch nhau luôn, cho nên nghe tiếng bước vào liền đứng lên dọa bỡn. Anh-nhỏ ta có tật giật mình thở lên hồng hộc mà nói:
— Không! không! không phải tôi.. Nói chưa dứt thì Lý-Hoa đã nắm cổ áo kéo vào bên giường, cười khúc khích mà bảo rằng:
— Nào! Có đem con vợ chưa ưới của mày ra đây cho ông nhìn no nhìn chán không? Thằng nhỏ bấy giờ trong lòng mới như cất gánh đầy đổ đi, ấp úng mà nói:
— Mày đừng mơ tưởng hão! Dê vừa chứ! Vợ hưa cưới của người ta như bông hoa mới chiếng, đã dễ mà cho mày được ghé mắt nom nhòm. Tuy nhiên có một cách đánh đổi, anh có bằng lòng không? Lý-Hoa ra ý ngần ngại mà rằng
— Cách thế nào? Thằng nhỏ nói:
— Anh đưa ảnh vợ anh cho tôi để tôi ngắm nghía thật thỏa thuê một buổi rồi sẽ đưa trả anh. Thế thì chiều nay tôi rủ con vợ chưa cưới của tôi đến một nhà hàng kia cho anh tha hồ mà ngắm. Đem người thật đổi của giả, anh có bằng lòng không? Thằng nhỏ nói đến đấy thì Lý-Hoa đã nhân khi bất-ý lấy ba ngón tay bẹo vào một bên má trắng-nõn mà rằng.
— Cái mồm mày nói lem lém! Ông ghê! Thằng nhỏ vội gạt ra Lý-Hoa cười khúc khích mà rằng:
— Cái má mày mũm mĩm cũng hơi giống má con quái nhà tao! nhân đùa toan ôm lưng thằng nhỏ mà vật xuống! Thằng nhỏ vội vớ lấy một cái đòn ngáng cửa giơ lên đánh. Lý-Hoa vừa cười vừa bỏ chạy, thằng nhỏ thừa thế đuổi theo, Lý-Hoa vội chạy xuống dưới gác. Thằng nhỏ quát với:
— Mày lên đây! Ông không đánh mày ông không phải giống người! Cúi nhìn xuống thì thấy lý-Hoa đã chải đầu xốc áo, trông ra ý tất tả sắp đi đâu, song còn ngảnh lại bảo thằng nhỏ rằng:
— Mày cứ việc chửi ông đi. Ông đi đến chỗ con vợ chưa cưới của mày nó hẹn ông đây. Mày tưởng ông không biết nó hẳn Nói xong rảo bước bước ra. Kỳ thực thì chàng đi thăm một người bạn, ai ngờ lại chính là dịp may cho thằng nhỏ. Thằng nhỏ mừng rơn, vội đóng kín cửa phòng, ròm ra ngoài, không thấy ai, liền móc chiếc thìa khóa « mở đâu lọt đấy » đến gần hòm của Lý-Hoa, « cách » một tiếng, khóa đã rơi ra ngoài; trông vào thấy tấm ảnh gói trong chiếc khăn tay lụa bạch liền thủ ngay vào bọc, rồi đó vội vàng đóng khóa lại bước lên trên gác tìm chủ Bắt đầu nó còn nói hợm;
— Mắt cậu rõ dòng quá! Vừa rồi con mở hòm thì tấm ảnh mỹ-nhân đã không cánh mà bay đâu mất, biết làm thế nào bây giờ? Thiếu-my thất trự mắng liền:
— Đồ mày thật vô dụng, không còn sai được việc gì! Thằng nhỏ mỉm cười mà rằng:
— Thưa đây ạ! Vừa nói vừa lấy tay chỉ vào trong bọc. Thiếu-mv vội vàng toan giật lấy, thằng nhỏ lùi lại mấy bước, cười vòi rằng:
— Cậu muốn được xem mặt con « hồ-tinh mặt ngọc », thì phi cho con cái gì quí báu lắm con chả đưa. Mỡ đã đến miệng mèo, khi nào còn chịu nhả ra, Thiếu-my liền trẩy viên lục ngọc, hình trái đào, chung quanh có nạm vàng, lấp lánh đeo ở trước ngực, vừa cười vừa bảo thằng nhỏ rằng:
— Đừng kè nhè nữa, ta thưởng cho đây. Thích nhé! Thằng nhỏ xưa nay chưa từng có những của ấy, cười híp cả mắt lại, vừa cảm ơn, vừa móc trong bọc lấy chiếc khăn lụa bọc tấm ảnh trân-trọng đưa cho Thiếu-my. Thiếu-my vội cầm lấy rở ra xem, nào ngờ chưa nhìn còn khá, vừa nhìn thấy mặt hoa thì ba hồn bẩy vía đã bạt đi đâu mất cả Một lúc lâu chàng mới định thần lại, bảo thằng nhỏ xuống gác. Thằng nhỏ vâng lời. Còn một mình chàng ngồi nhìn tấm ảnh mỹ nhân, thấy ăn mặc lối cung-trang đời xưa, đứng vịn tay vào gốc lê, lê nở đầy cành, tuyết in khắp đất; đầu đội một cái mũ thêu kim-tuyến, vòng hoa nặng cổ, châu báu đầy người; khuôn mặt trái xoan, mày lá liễu, mắt hai mý; mớ tóc mây mũ che không kín hết, lòa xòa xuống quá mang tai; miệng ngậm cười, má lũm đồng tiền; cặp sóng-thu lấp lánh đưa tình, đủ thu được hồn vía của kẻ đứng ngoài trăm bước; tà áo gió đưa, hơi để hở lần áo lót; gót sen xinh-xắn, rõ đáng chân vào hán ra hài. Thiếu-my ngắm đi ngắm lại, tâm thần mê mẩn, thật là « mảnh hồng nhan không thuốc mà say. » Sẽ đưa lên môi mà hôn, thì thấy sực những mùi phấn cùng mùi nuớc hoa, cái hương trời đó đưa lên mũi, ngấm vào tim, chẳng khác gì được uống rượu tiên, bủn rủn cả gân cả cốt; đương khi chưa nỡ dời tay, thì nghe đồng hồ trên tường đã điểm mười một tiếng, vội vàng đứng rậy mặc áo rồi thủ tấm ảnh đi ra. Một lúc trở về, thấy Lý-Hoa còn vắng liền ra hiệu cho thằng nhỏ lên gác, ném trả tấm ảnh rồi dặn rằng:
— Mày phải giữ kín. Nếu sau này có dịp gì tốt thì bảo ngay ta. Thằng nhỏ vâng dạ lui xuống, mấy hôm sau, ảnh đã rửa xong, chàng đem về ngắm nghía suốt ngày như bắt được của báu.
Không duyên chưa dễ tay cầm!
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.
Ước gì nhắn bó một hai.
Trong gang tấc lại cách mười quan sơn.
Được mấy hôm, Lý-Hoa lại xin phép về nhà, Thiếu-my có ý ghen, muốn mượn cớ ngăn trở liền mỉm cười mà nói:
— Tài trai ta bốn bể là nhà, ai lại đi làm xa mà cứ có chứng nhớ quê như thế! Hiện nay đầu xuân đông khách buôn bán quanh năm trông cả vào đấy, bác nên dầu lòng ở lại giúp cho bản hiệu, tôi sẽ tính hoa hồng cho bác, bác nghĩ thế nào? Vừa nói vừa nhìn trừng trừng đợi câu đáp lại Lý-Hoa sầm nét mặt mà nói:
— Thưa cậu, tôi đã vẫn nói: thà rằng không đi làm mà ăn mày nữa chứ thế nào mỗi tháng cũng phải một chuyến về thăm nhà. Nếu cậu cho tôi là khó bảo thì xin tính nốt tiền công tôi xin thôi việc. Thiếu-my nghe nói, tức lộn ruột, nghĩ bụng: thằng này ương ách quá, chồng con như thế thật hoài cả kiếp hồng nhan! Thế nhưng vì muốn rình miếng khác nên chàng đành nén tức để hòa giải cho êm chuyện, nhân ha-hả cười nhạt mà rằng:
— Ồ! tôi nói đùa đấy thôi! Bác đã nhất định về thăm nhà, tôi xin giúp ít tiền để thêm cặp cho rộng đồng tiêu. Chỉ mong bác đi nhanh về chóng cho. Khi ở nhà ra tôi sẽ có câu-chuyện này haỹ nói với bác Lý-Hoa cũng bớt giận làm lành, cảm tạ rồi lui ra. Thiếu-my liền tính trả tiền công, ngoài số tiền công lại đưa thêm năm chục đồng, và các thức đồ hộp để dùng trong khi đi đường, nói rằng làm ăn với nhau đã lâu, gọi là đôi chút để tỏ tấc lòng với người cũ. Lý-Hoa nhận lấy, trong lòng không sinh nghi chút nào cả. Chàng tự cho là cửa hàng ấy nhờ có chàng mà trong mấy năm, năm nào cũng lãi nhiều lắm; vậy thì món tiền này cũng là tay ta làm ra, chính là đáng cho ta được lấy; cho bấy nhiêu có thấm vào đâu. Hôm sau chàng liền về Quảng-châu, rồi đó mới theo lối về thăm quê cũ.