Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ ba

HỒI THỨ BA

Nghe tán dời nhà ra hải-cảng
Nể lời y hẹn đến cao-lâu

Người vợ Lý-Hoa tên là Quan-đoàn. Cái tên ấy là khi nàng học ở tỉnh có một tay chính-khách muốn tòm-tem đặt hộ. Khi về nhà chồng, hòm dương chất đầy những sách, song cũng chẳng có mấy quyển khá, phần nhiều là tiểu thuyết, thơ ca cùng sách học ở nhà trường. Tăng-Thành là một miền ít người đi học, nhất là về con gái, vọc vạch được mấy chữ đã là nổi danh nữ-sĩ rồi! Vì vậy nàng có mở một trường học tư, dậy cho các chị em áo vải quần nâu, chễm chệ đã lên ngôi cô giáo! Thường khi nàng vẫn ăn mặc lối đạo-cô, điểm nhạt đôi mày, trông thực không kém gì một vị tiêu-sa trên trần thế. Chỗ ngồi bầy cũng nhã, ngoài bút nghiên ra còn có đôi lọ cắm mấy cành đào, cành mận. Lúc ngồi dậy học, người ngoài trông tưởng đâu như Phật-bà mới giáng. Bởi vậy các học trò gái thường gọi là đức « Ngọc-Quan-Âm. » Tết ra, học trò còn nghỉ, ông chồng vừa về. Cỏ nội pha xanh, hoa vườn đua nở; con oanh học nói, tơ liễu buông mành; tình sinh cảnh, cảnh sinh tình, thiều-quang chín chục riêng dành phần ai... Lý đã khéo làm bánh, mà nàng cũng là một tay nấu nướng có tài, ngày vắng ngồi rồi, cặp uyên-ương lại thi khôn thi khéo với nhau, thường thường là mỗi người tự chế một thứ bánh mới; thuốc pha, bột nặn phải thật là tinh tươm Lúc đem thi, ai được thì thưởng cho chiếc túi thêu, giải lưng lụa hay là đồng tiền vàng; ai thua thì phải phạt làm đầu bếp. Vợ quấn khăn thủ-dìu, chồng xắn quần móng-lợn, thổi cơm làm món ăn để phụng dưỡng mẹ già. Có khi lại giắt tay nhau ra chơi ngoài đồng, bướm theo hương tóc, hoa giắt mái đầu, vợ hát mấy câu hoa-tình, chồng đập dịp họa lại. Người miền ấy phong tục còn như đời thái-cổ, chỉ có vợ chồng nàng là dám chơi bời tự do như thế hàng xóm trông thấy, vẫn cho là gở, bên tai đầy những tiếng ong-ve. Vợ chồng nàng nghe thấy lại bịt mũi cười thầm, thường diễn thuyết với mọi người rằng: Vợ chồng là đạo trời sinh, theo lệ « thiên diễn » nên như thế, nếu không thì ra gỗ đá chứ còn ra người sao được.

Túi đàn cặp sách đề huề.
Ngày xuân lắm lúc quên về với xuân.

Chồng yêu vợ mến, nay lữa mai lần, thấm thoắt tháng hai đã đến. Một hôm nàng cười mà bảo chồng rằng:

— Cậu ở nhà với tôi thì vui thật, thế nhưng để ông chủ ở Hương-cảng người ta mong đợi thì sao? Chàng ra ý lên mặt mà rằng:

— Tôi với ông chủ đã có giao hẹn trước: nếu tôi về nhà thì không được hỏi gì đến. Vả chăng tôi làm cho hiệu ấy phát tài to lắm, cho nên ông chủ nể, mà tôi dễ vòi. Nàng nói:

— Tuy nhiên, nhác việc ham vui cổ-nhân vẫn lấy làm kiêng. Ông chủ đãi mình tử tế, mình lại càng phải chăm-chỉ để đền ơn người ta. Vậy nên thu xếp sang ngay, thấm thoát đến tháng ba bấy giờ sẽ lại xin phép về quê tảo mộ. Tôi muốn cậu đi ngay ngày mai. Chàng nói:

— Để rồi xem trong lòng hình như không cho lời vợ nói là phải.

Được mấy hôm thì có thư ở Hương-cảng đến, chàng biết là thư dục đi, ném đấy không xem. Nàng sốt ruột cầm kéo cắt ra coi thì trong có hai mảnh hoa-tiên, nét chữ viết đằng-tả coi ra ý trân-trọng lắm. Nàng liền sẽ hé đôi hàm răng ngọc, cất tiếng đọc lên, thư rằng:

« Lý-đại-huynh nhã giám: Từ ngày cách mặt, chốc đã mấy tuần. Chắc hẳn cửa nhà vui vẻ, làng xóm bình yên mặt ngọc thêm hương, áo xanh hầu rượu, cái lạc thú gia đình kể sao cho xiết. Bản hiệu từ tết đến na, kể hơn năm ngoái, những khách đến xơi nước, ai cũng bảo các đồ nước phi tay thày Lý làm không khéo, thường thường căn vặn, nói thực tốn nhời. Đó cũng là cái hoa tay của ông anh mà cũng là cái vinh-hạnh cho bản-hiệu. Ông anh về mới hơn mười hôm nay, chắc bận việc nhà, có đâu dám dục; thế nhưng lúc này là lúc cần thiết, bán đắt buôn may, không nên lỡ dịp, sau này lờ lãi, chúng tôi có phần thì ông anh cũng có phần, xin chú-ý cho. Bởi vậy dám viết giấy mời, mong ông anh mau mau sắp sửa hành trang. Bên này cảnh-xuân chiều khách, trong trường náo nhiệt thiếu gì cuộc mua vui. Lạo-thảo mấy lời, nóng lòng mong đợi. Nhân tiện gửi lời thăm bà-chị và kính chúc vạn-an ».

Quan-đoàn đọc xong, cau mày, chịp miệng, sa sầm nét mặt mà nói rằng:

— Cậu ngồi rỗi-mồm thường đem tôi làm câu chuyện nói đùa với anh em phải không? Giống đàn ông thật không trông cậy được việc gì hết! Lý-Hoa ngạc nhiên, không hiểu câu vợ nói. Quan-đoàn lại nói tiếp:

— Đời thuở nhà ai viết thư lại viết những câu « mặt ngọc thêm hương, áo xanh hầu rượu » cùng là « gửi lời thăm bà chị » là nghĩa lý gì! Lý-Hoa cười sằng-sặc mà rằng:

— Ô-hay! thế mà cũng gắt ư? Chẳng qua mợ đương bực mình với tôi, nên bới bèo ra bọ, vạch lá tìm sâu, chứ anh em thân, người ta mới hỏi thăm đến mợ, hà tất phải dằn dỗi Nếu vậy thì lần sau tôi bảo họ viết thư đừng có dây mợ vào đấy thì thôi chứ gì Quan-đoàn nói:

— Cậu nói lạ! cậu trên có cha mẹ, dưới có chú bác, anh em, sao bạn cậu không hỏi thăm ai mà lại để ý riêng đến một mình tôi? Bụng dạ họ không tử tế gì đâu, cậu ạ! Lý-Hoa khuyên giải không xong vội nói lảng đi chuyện khác. Sáng hôm sau, Quan-đoàn thu xếp áo quần, chải rẽ đầu tóc cho chồng, rồi làm gà đặt rượu tiễn chồng đi Hương-cảng.

Tấc lòng cố quốc tha hương
Mối sầu sẻ nửa bước đường chia đôi

Chàng sang đến Hương-cảng, trong lòng thường uất-ức không vui Cả ngày nặn bánh cho nhà hàng, trong khuôn bánh đôi khi cũng lẫn cả ảnh con người tuyệt sắc. Lệ hàng-nước cứ chín giờ thì đóng cửa, chàng nghỉ việc là lại tay cầm tấm ảnh. Đằng đẵng canh dài, mộng hồn lận đận, mở mắt ra thì cửa hàng đã mở, tiếng gót giầy trên thang gác đã lạt-xạt, bất giác lại vuốt ngực thở dài. Một hôm lên tầng gác thứ tư lục hàng. Tủ hàng cao quá phải bắc thang trèo. Tình cờ nhìn sang phòng Thiếu-my thấy đèn điện sáng trưng, nín hơi ròm sang xem thì thấy Thiếu-my ngồi cạnh giường cũng cầm một tấm ảnh con, liền tay ngắm nghía biếng nằm, thuỷnh thoảng lại để môi hôn, tay run lẩy đẩy; trong lòng lấy làm lạ, tự nghĩ người trong thiên-hạ nghĩ cũng quái! có lẽ mình có chứng « sám vợ », nó cũng có chứng « sám vợ », mình sớm hôm nhìn ảnh, nó cũng sớm hôm nhìn ảnh hay sao? Nghĩ thế rồi bỗng buột miệng khúc khích cười. Ngay lúc ấy thì phòng bên đèn lửa bỗng tối sầm, lặng ngắt không nghe tiếng gì nữa. Chàng soát hàng xong cũng âm thầm lần xuống chân thang.

Chẳng bao lâu đã đến tiết Thanh-minh, tiếng quyên rỏ máu, như gọi người về; khách xa nhà lại động lòng quê, chàng lại xin phép chủ về nhà mấy bữa. Thiếu my ưng lời ngay, không kỳ kèo gì cả Chiều hôm ấy sai đầu bếp mua một miếng thịt nai, một con cá chép và mấy món ǎn ngon miệng nữa, lấy một chai rượu sen Sơn-đông, cùng ngồi đôi đánh chén với Lý-Hoa. Uống cạn mấy chén, Thiếu-my mới cất tiếng nói rằng:

— Chúng mình ăn ở với nhau bấy lâu, ý hiệp tâm đầu, trạc tuổi lại cùng đương trà trai trẻ. Bởi vậy vắng bác mấy hôm là tôi lại bồi hồi tưởng nhớ. Nay ta nên uống thật say một bữa, vui vầy trước mặt còn hơn mong mỏi sau lưng..

Tan tiệc, hai người giắt tay ra bờ bể đi dong, vừa đi vừa nói chuyện. Bấy giờ trăng sáng mới lên, mặt bể sóng cồn, trông như nghìn vạn con rắn vàng lặn lội. Hai người cùng ngồi xuống một tấm ghế đá. Câu chuyện đã mặn, Thiếu-my cười, thủng thỉnh mà rằng:

— Tôi với bác như chân như tay. Mỗi tháng về nhà một lần, tôi cũng không dám giữ bác. Thế nhưng đi lại như thế tưởng cũng phiền cho bác lắm. Chi bằng đem cả gia quyến ra đây?.. Lý-Hoa lắc đầu mà rằng

— Thưa cậu, tôi có đâu được phong lưu như cậu, trong tay đã sẵn đồng tiền, muốn sao được vậy. Đất đô-hội tấc đất tấc vàng, con nhà nghèo lấy tiền đâu mà ở được đây. Thiếu-my nói:

— Ở đây tốn kém thật, song nhiều no ít đủ, cũng ở như người. Những nhà buôn thúng bán mẹt trong thành phố này có phải ít đâu Huống chi bác làm cũng khá tiền, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tưởng cứ dọn ra là tiện. Lý-Hoa nói:

— Các món khác thì không ngại, chỉ khổ một nỗi nhà đắt, biết làm thế nào? Thiếu my gãi đầu gãi tai một chút rồi vỗ vế mà rằng:

— Được Không ngại! tôi có một cái nhà gác, ở ngay sau cửa hàng. Xưa nay vẫn cho thuê, chỉ có tầng gác thứ tư còn bỏ không, bác dọn ở đấy cũng được. Lý-Hoa nói:

— Giá tiền mỗi tháng cậu lấy bao nhiêu? Thiếu-my nói:

— Bác túng, tôi thu xếp giúp bác còn vẻ thay. Nhà tôi tuy không giầu, song đã đến nỗi nào phải lấy tiền thuê nhà của một người bạn cũ. Bác đem nhà ra ở đây giúp việc luôn cho cửa hàng tôi, thế là tôi đã mãn nguyện rồi. Lý-Hoa nghe nói, vội vàng cảm tạ.

Hôm sau hai người cùng đi xem nhà, thấy sạch sẽ phong quang, lại liền ngay với Đào-hoa-quán. Trên nóc lầu có bắc một cái dàn hoa lớn, bên dưới có bầy các chậu hoa nhỏ cùng một hòn non bộ nhỏ, coi cũng ưa nhìn. Lý-Hoa thích lắm, tối đến viết thư về trước báo tin. Sau mấy hôm mới về nhà tảo-mộ. Công việc đã xong, liền thu-vén đồ đạc, cùng với mẹ già, vợ dại một con hầu, một người vú, cùng ra Hương-cảng, dọn đến ở từng gác thứ tư kia. Từ đấy sớm đi tối về, vợ chồng hú-hý cùng nhau, không phải cái khổ tương-tư như trước nữa.

Dưới trăng quyên đã gọi hè.
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Mỗi khi có rỗi, Lý-Hoa lại đưa vợ đưa mẹ đi chơi các công-viên cùng các nơi danh thắng; phong cảnh quê nhà dẫu đẹp, song có đâu được phồn hoa như phong cảnh quê người.

Một hôm đi chơi về, Lý-Hoa bỗng thấy một thằng nhỏ ở trong hàng đưa đến một bức thư, mở ra coi rồi quanh lại bảo vợ rằng:

— Cậu chủ có lòng tốt, mời chúng ta đúng năm giờ chiều mai đi ăn cơm. Mợ cũng bằng lòng đi chứ? Người vợ nói:

— Xấu hổ chết! Đàn bà con gái, cùng ngồi ăn uống với bạn đàn ông, trông còn ra thể thống gì. Lý-Hoa sẽ vỗ vào vai vợ mà rằng:

— Sao mợ lại nghĩ thế? Trước kia lúc đi học, giao thiệp với con trai, chắc mợ cũng chẳng lạ gì. Vả chăng chủ người ta có bụng tử tế, chối không đi tưởng cũng không tiện. Người vợ vuôn vai ngáp, liếc mắt nhìn chồng mà nói:

— Tôi mệt lắm, ý cậu muốn thế nào tôi cũng xin vâng. Lý-Hoa liền cầm bút viết hai chữ vào cuối thư rằng:

« Xin vâng ».

Viết xong giao cho tên người nhà kia cầm về Tên người nhà về rồi, Quan-đoàn bỗng quay lại hỏi chồng rằng:

— Ngày thường cậu vẫn khen ông chủ những là tử tế thế nọ, trung hậu thế kia, chẳng hay tên họ là gì mà tư cách thế nào sao chả nói qua cho tôi biết? Người chồng nói:

— Cậu ta năm nay tuổi mới ngoại đôi mươi, người nho nhã lắm, thường muốn kết với tôi làm anh em, nhưng tôi nghĩ kẻ giầu người nghèo, chơi trèo không tiện, cho nên không dám nhận. Quan-đoàn nói:

— Tôi vẫn thấy bạn bè chơi thân với nhau, lúc tử tế thì anh anh em em, thân như ruột thịt, thế mà chỉ trong chớp mắt đã ra ý người rưng nước lã, gặp nhau chẳng muối chào; tổng chi có tiền thì khăng khít, không tiền thì sơ sài Yêu nhau lắm lại cắn nhau đau, cậu đừng có « thấy người sang bắt quàng làm họ » mà rơ lắm đấy. Lý-Hoa gật đầu.

Hôm sau mới trưa ra, Quan-đoàn đã điểm trang son phấn sắp sửa áo quần, so với mọi ngày, sang hơn nhiều lắm. Chải chuốt vừa xong, thì người vú đã vào thưa rằng ông chủ đã cho người đến mời, hai chiếc xe đã đứng chờ ở cửa. Lý-Hoa vội vàng sắp sửa, rồi đó giắt tay vợ đi xuống, con hầu gái đi theo sau. Vợ chồng mỗi người ngồi một xe, kéo thẳng đến một hàng cao-lâu rất sang ở ngay bờ bể. Đến nơi, ba người xuống xe bước vào, người nhà hàng cúi đầu chào rồi đưa vào một gian phòng nhỏ. Gian phòng đó có đặt thang máy, hai vợ chồng và con hầu vừa đặt chân vào thì thang đã kéo lên. Quan-đoàn lảo đảo đứng không vững, phải tựa vào chồng. Lên mãi từng thứ tư máy mới dừng, trông ra bài trí rất sang, tưởng thế gian không có mấy nơi được thế. Nàng hơi gắt chồng mà nói:

— Cậu đến ác! Không nói cho tôi biết trước có thang máỳ, làm cho tôi sợ hết cả hồn Người chồng không đáp, đưa mắt nhìn quanh, thì bỗng nghe có tiếng gọi rằng:

— Tôi đây kia mà! anh Lý! anh Lý!