Bả phồn hoa của không rõ, do Nhượng Tống dịch
Hồi thứ nhất

BẢ PHỒN HOA

HỒI THỨ NHẤT

Dăn việc nhà, ông-lão trông con,
Dò chuyện kín, thằng hầu nịnh chủ.

Thành phố Hương-cảng vốn xưa là một nơi hoang-đảo. Sau trận « Nha phiến chiến tranh », người Tầu mới đem nhượng cho người Anh. Người Anh liền xẻ đường lập phố, mở chợ thông thương, giây điện đường tầu, dọc ngang như mắc cửi; chẳng bao lâu mà một mảnh đất rừng-hoang cỏ-rậm, đã thành ra một nơi đô hội cửa nhà lộng lẫy, buôn bán chen đua Ngay bên đường phố chính Hương-cảng, có một cái hàng nước, đề hiệu là “Đào-hoa quán”, bánh làm ngon, trà pha khéo, có tiếng nhất trong miền Hương-giang. Chủ hàng họ Tạ, tên là Vân-my, tuổi đã ngoại sáu mươi; so cò bẻ măng, làm ăn kể ra ngăn nắp lắm. Ông lão ấy nguyên là người tỉnh khác, đến ngụ-cư ở Quảng-châu. Hiếm hoi được một trai, đặt tên là Thiếu-my, viên ngọc trên tay, chiều chuộng quá thành ra hoang toàng cũng quá. Năm ấy đã mười bẩy tuổi, theo học trong một trường nọ, chữ nghĩa kể cũng đã khá, song suốt ngày lêu lổng, vốn không thiết gì học hành.

Mùa đông năm ấy, Tạ-ông người đã yếu lắm, không thể kham được việc khó nhọc, nhân gọi Thiếu-my vào mà bảo rằng:

— Thày bây giờ già rồi. Nửa đời vất vả, làm thân trâu ngựa cho chúng bay! Sức đã kiệt, óc đã mòn, không sao gượng được nữa. Thày nghĩ: ở đời này có tiệc nào là tiệc không tan, có người nào là người không chết. Vậy sang năm thà định về ở nhà quê, tìm nơi xứng đáng hỏi cho con người vợ. Cửa hàng này về sau là của con cả. Công việc bề bộn, nay thày giao phó cho con. Con nên chăm chỉ làm ăn, đừng để phụ lòng thày trông cậy...

Nói đến đấy thì cơn siễn đã kéo lên, thở ỳ-à-ỳ-ạch... Một lát, lấy tay bấm chuông điện, gọi thằng nhỏ vào rồi nghiêm nét mặt mà bảo rằng:

— Mày mau ra gọi chú Tám-Trình cùng Lý-Hoa vào đây Ta có việc cần phải dặn.

Thằng nhỏ đi một lúc thì hai người kia đã theo nhau bước vào. Tám-Trình là tay tài-phú ở trong hàng, nguời đã nhiều tuổi lõi đời, bao nhiêu việc suy hơn tính thiệt hằng ngày đều do một tay chàng cả. Còn Lý-Hoa thì tuổi tuv trẻ nhưng nét mặt coi ra người đứng đắn làm thợ bánh ở trong hàng ấy các bạn đồng nghiệp ở Hương-cảng không ai là có hoa tay bằng chàng, cho nên tiền công đã cao mà ông chủ đối đãi cũng biệt nhãn.

Tám-Trình vào, làm ra bộ vui vẻ mà nói:

— Hôm nay coi ra ông đã khỏe, không thấy siễn như mọi hôm rồi.

Tạ-ông gượng cười, gật đầu đáp lễ lại hai người, rồi quay sang Tám-Trình mà nói:

— Tôi bây giờ già yếu lắm, vậy định sang năm sẽ về quê nghỉ, việc buôn bán giao cho thằng em và phiền các bác trông nom giúp. Tâm huyết nửa đời tôi ở cả đấy mà cơm áo một nhà tôi cũng trông cả vào đấy, tôi cũng sợ nó trẻ-tuổi chưa quen việc song đã chắc có các bác nên tôi cũng được yên lòng.

Nói đến đấy, lại quay lại Lý-Hoa mà rằng:

— Cái hoa tay của bác đã nổi tiếng gần xa. Chỗ thày trò cũ đừng thấy vắng tôi mà sinh bụng đứng núi này trông núi nọ.

Lý-Hoa chưa kịp đáp thì Tám Trình đã thưa lại rằng:

— Ông già thật, song vẫn còn sứ trai tưởng chưa nên về nghỉ vội mới phải. Thế nhưng ý ông đã quyết như vậy thì cậu nhà ta là người thông minh lanh lợi, việc trong hàng chắc là sẽ thu xếp được ra thổn ra vải. Chúng tôi đã chịu lời ủy thác thì phàm việc gì có thể gánh vác được sẽ xin hết lòng hết sức, ông bất tất phải bận lòng. Tay thợ bánh là Lý-Hoa cũng vâng dạ nhận lời. Tạ-ông nghe nói, ra ý cảm khích lắm, bắt tay hai người để tỏ bụng ân-cần ủy-thác. Hai người cúi chào rồi lủi thủi bước ra.

Năm mới sang. Trong chỗ ngựa xe tấp nập, phố xá huyên điền; đã pha thêm cái cảnh tượng pháo nổ đì đùng, tranh treo la liệt. Mồng hai tết, Tạ-ông đã thu xếp xong việc cửa hàng. Mấy bồ hành lý, dăm bọn thân bằng, tu-tu trong tiếng còi tầu, trên bến sông đã có một ông lão, đầu tóc bạc phơ, chắp tay chào lại mọi người rồi lủi thủi xuống tầu, đó chính là Tạ-ông đó. Tay thợ bánh Lý-Hoa, năm ấy hai mươi bốn tuổi, mặt mũi trai lơ, da dẻ trắng trẻo, mỗi khi rỗi việc lại một mình chải tóc ngắm gương, đóng quần diện áo, chứ không thèm đánh đan đánh lũ với các thợ thường. Chàng cũng người phương xa, ông cha mới di cư đến Tăng-thành. Từ bé đã học nghề làm bánh ngay, trời cho được cái khéo tay, phàm khách ăn bánh, uống nước, biết là món của chàng làm đều tranh nhau mà mua cho kỳ hết Thế nhưng chàng có một cái chứng lạ: Vợ mới cưới, chồng làm xa, nông nỗi ấy thật nên tội nghiệp! vì thế mà mỗi tháng lại xin phép thăm nhà một thứ, đi về vất vả, chẳng quản tần-phiền. Ông chủ nể là tay thợ khéo, đành cũng phải chiều cho muốn sao được vậy. Chàng thường bảo các anh em rằng:

— Làm thì làm, chẳng làm thì thôi, chứ cái chứng về với vợ thì tớ không sao chừa được! Ai nghe câu nói ấy cũng phải khúc khích cười.

Chủ hàng mới là Tạ-Thiếu-my lấy thế làm lạ. Mỗi khi Lý-Hoa về, chàng cố tình giữ lại, thì hắn lại khủng khỉnh dỗi xin bỏ việc làm. Một hôm Thiếu-my ngồi ở trong buồng kín, nhân vắng người mới hỏi tỷ mỷ thằng nhỏ đứng bên rằng:

— Tháng nào Lý-Hoa nó cũng về, bỏ trễ cả công việc trong hàng, thật là dở-hơi quá! Ta nghĩ thiên-hạ thiếu gì người đi xa, thiếu gì người có vợ, mà một mình nó lại quyến luyến như thế, chắc hẳn có duyên cớ gì lạ. Mày có biết thử nói cậu nghe.

Thằng nhỏ thoạt tiên không chịu nói, gạn mãi mới cố nhịn cười mà sẽ thưa rằng:

— Thưa cậu, đã đành rằng người ta ai cũng có vợ, thế nhưng vợ bác ta tuy con chưa trông thấy mặt song nhìn trộm bức ảnh thì thật là một trang sắc nước hương trời. Con có hỏi chuyện mấy người ở Tăng-thành thì họ thuật lại rằng: Vợ bác ta vốn con nhà nho, theo học trường nữ-học ở tỉnh, hình dong chải chuốt, nhan sắc tuyệt vời, nước da bóng bẩy nõn nà, không phấn sáp gì mà lúc nào cũng trắng đỏ như hoa hồng đương nụ. Người ta đồn rằng ngày xưa bà mẹ cô ta, khi có mang, nằm mơ thấy con « hồ-tinh mặt-ngọc » vẫy đuôi chạy vào trong màn, chợt tỉnh lại thì vừa lúc cô ta ra đời, oa oa lên tiếng khóc. Đến lúc lớn thành ra một người tuyệt sắc. Trong làng kẻ xa người gần, ai biết chuyện cũng đem cái tên « hồ-tinh mặt-ngọc » mà tặng cô ta.

Thiếu-my nghe nói, bâng-khuâng như mất lạng vàng! Gãi tai nghĩ ngợi giờ lâu rồi nằm lả vào chiếc ghế vải, nghiêm nét mặt mà hỏi:

— Vừa rồi mày nói đã được trông thấy tấm ảnh, câu chuyện đầu đuôi ra thế nào?

Thằng nhỏ đứng dịch lại gần, sẽ thưa:

— Giường con nằm ở liền với giường bác ta. Mỗi hôm đi ngủ, con lại thấy bác ta mở hòm lấy ra một tấm ảnh, để lại gần đèn ngắm nghía, thuỷnh thoảng lại ghé miệng hôn, rồi đó mới đặt tấm ảnh lên mặt mà ngủ. Con nằm ở màn bên này trông thấy, lấy làm lạ quá. Rình lúc bác ta đi vắng, mở trộm hòm ra xem bức ảnh thì quả nhiên là một tay nhan-sắc tuyệt-vời.

Nói đến đấy, Thiếu-my giật mình ngồi nhỏm rậy, cơ hồ không cầm đậu được lòng, song cũng làm ra mặt nghiêm mà nói:

— Thằng này đổ đốn ra rồi! Mở hòm xem ảnh, dò chuyện nói càn, sao mà to gan thế!

Thằng nhỏ sợ nín hơi không dám thở, Thiếu-my thấy thế, mới ôn tồn mà nói

— Thế nhưng chỗ bạn thân với nhau thì sự đó cũng thường tình, chẳng có chi là lạ. Về sau thế nào nữa? nói nôt ta nghe.

Thằng nhỏ liền nói tiếp rằng:

— Con nói thế chớ có phải mở hòm nhìn ảnh thật đâu. Nguyên là có một hôm nhân lúc bác ta say rượu, con liền tán con ma con mãnh, khoe con vợ-chưa-cưới của con để dụ bác ta. Quả nhiên bác ta trúng kế, lấy ngón tay trỏ kề vào mũi mà nói rằng: « Tiếc thay vợ tao không có ở đây, để cho mày rỏ rãi ra mà chết! » Con bĩu môi nói khích: Thưa phải! Con gái làng bác tôi đã biết: ở trong tỉnh tôi thấy họ vẫn đi xe than gánh nước nhan nhản ra đấy! Trông qua còn không ra hồn nữa là còn đẹp với ai. Bác ta tức lắm, mở khóa lấy ngay tấm ảnh ném ra trước mặt con mà rằng: Này mày hãy trông mặt thiên-tiên, đừng có lắc đầu le lưỡi thôi nhé! Con vội vàng cầm lấy xem, giả vờ tấm tắc khen ngợi. Bác ta vỗ vai con mà nói: Có bằng vợ chưa cưới của anh không? Con xin chịu thua và xin lỗi lại. Thiếu-my vội hỏi vặn:

— Mày chưa ráo máu đầu, nhà lại nghèo mà đã giạm vợ thật rồi sao? Thằng nhỏ đáp:

— Thưa không. Đó chẳng qua là cái kế của con, không thả săn-sắt sao bắt được cá-sộp. Đáp xong lại nói tiếp:

— Bấy giờ bác ta mới kể lai lịch sử của cô vợ. Thì ra vợ bác ta là con một ông đồ ở Tăng-thành. Ông đồ nhân dậy học ở Dương-thạch, đem cả vợ con sang và cho chị ta vào trường nữ-học. Chẳng ngờ khi thi lên lớp, lúc điểm danh phải ông Đốc chấm thi trông thấy, liền bảo đứng lại mà hỏi căn vặn đến nhà cửa. Hôm sau, ông Đốc đó nhờ một cô-giáo làm mối, xin đưa nghìn bạc cưới làm lẽ thứ hai. Ông bố vốn nhà nho gàn, không nhận lời. Ông Đốc giận lắm, mượn việc đuổi ra không cho học nữa Năm sau ông đồ đem vợ con về Tăng-giang. Thấy nhà Lý-Hoa cũng nhà khá trong làng, lại thấy bác ta cẩn-thận mà trông cũng có vẻ con người, liền đem con gái gọi gả, được hơn một năm thì làm lễ cưới, vợ chồng ăn ở rất là thân yêu. Chị ta có bắt buộc chồng phải theo đúng ba điều: Một là không được dóc tóc mà cũng không được để cho con nhài chải đầu. Khi gội thì phải gội nước của vợ đã gội thừa. Nếu không thì phải xõa tóc quì dài, như là kiểu kim-đồng lậy phật-bà vậy. Hai là không được ăn nằm với quân vô-lại trong làng, sáu giờ chiều là ở đâu cũng phải mò về với vợ. Nếu không thì phạt giam kín một ngày. Ba là không được làm công cho hiệu buôn gạo để bụi bặm bám vào đầy mình lại đem về làm bửn lây đến con người ngọc. Nếu không thì phạt phải trát phấn vào mặt, hay khi khâu vá cắn những mẩu chỉ thừa nhổ ra bắt phải ăn. Lý-Hoa vốn yêu mến hết lòng, bảo thế nào mà không phải chịu. Bây giờ ra làm công ở Hương-cảng cũng là vâng lệnh người vợ, vì chị ta cho rằng thành phố là đất hào hoa phong nhã, nhờ gió Âu-Mỹ, rửa óc quê-mùa, họa chăng không để tủi cho « mợ-trẻ ». Tuy nhiên, trong chỗ vô hình vẫn buộc chỉ cổ-chân thật chắc! Bởi vậy trong một vài tháng tất phải về nhà thăm vợ một lần...