Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ nhất/Triều họ Hồng Bàng/Lạc long Quân

LẠC-LONG-QUÂN

Húy là Sùng-Lãm, con Kinh-Dương-Vương.

Nhà vua lấy con gái Đế-Lai là nàng Âu-cơ, sinh ra trăm trai. Tục truyền là sinh ra trăm trứng.[1] Ấy là tổ của Bách-Việt (trăm giống Việt).

Một hôm vua bảo Âu-Cơ rằng: « Ta là giống Rồng! Nàng là giống Tiên! Thủy, Hỏa khắc nhau, sum-họp thực khó!... » Bèn cùng nàng ly-biệt nhau... Chia năm chục con theo mẹ về núi; năm chục con theo cha ở miền Nam. Có sách chép là về Biển-Nam. Phong người con cả là Hùng-vương, nối ngôi vua.

Sử-thần Ngô-Sĩ-Liên bàn rằng:

Lúc Trời, Đất mới mở-mang, gây dựng, có giống do khí hóa-sinh ra... Ấy tức như vua Bàn-Cổ. Có giống do khí hóa sinh ra, rồi mới có giống do hình hóa-sinh ra... Không giống nào là không do ở hai khí Âm và Dương. Kinh Dịch dậy rằng: « Trời, Đất ấp-ủ: muôn vật nẩy nở... Trai, gái góp tinh; muôn vật hóa sinh... » Cho nên có chồng, vợ rồi mới có cha, con. Có cha, con rồi mới có vua, tôi. Nhưng mà các bậc thánh, hiền sinh ra, tất khác với người thường... Ấy là bởi Trời xui-khiến... Nuốt trứng chim én mà sinh ra tổ nhà Thương... Dẫm vết chân người Khổng-lồ mà gây nên tổ nhà Chu... Ấy đều là chép chuyện có thực thế!... Dòng-dõi họ Thần-Nông là Đế-Minh được Vụ-Tiên-Nữ mà sinh Kinh-Dương-vương, ấy là Thủy-Tổ dân Bách-Việt! Vương lấy nàng Thần-Long (rồng thần) mà sinh Lạc-Long. Lạc-Long lấy con gái Đế-Lai mà sinh-dục có điềm lành trăm trai. Ấy chính vì thế mà gây dựng được nền nước Việt ta đó chăng? Xét về Ngoại-kỷ sách Thông-Giám (sử Tầu) thì Đế-Lai là con Đế-Nghi! Cứ theo chuyện chép ở đây thì Kinh-Dương-Vương là em Đế-Nghi. Vậy mà lại giâu-gia với nhau! Ấy là vì đời còn hồng-hoang, lễ-nhạc chưa tỏ-rõ cho nên thế đó chăng?

  1. Lời phê của vua Tự-Đức: « Kinh Thi có câu: « Con trai kể trăm... » Ấy là tán-tụng có nhiều con trai mà thôi, xét sự thực cũng chưa đến thế... Huống chi là trăm trứng! Quả vậy thì lấy gì cho khác với chim, muông? Dù chuyện nuốt trứng chim én, dẫm vết chân người Khổng Lồ, cũng chưa quái gở quá như vậy! Chuyện này có lẽ cũng như những chuyện mình rắn đầu người (Phục-Hy), mình người đầu trâu (Thần nông) cùng một lối hoang đường bịa-tạc đó chăng? » (Khâm định Việt sử, cuốn đầu). — Đọc đoạn phê này, đem so sánh với lời bàn của họ Ngô về truyện này, ta thấy từ họ Ngô đến vua Tự-Đức, trí phán-đoán của các nhà nho nước ta đã tiến được một, vài bước...