Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ nhất/Triều họ Hồng Bàng/Hùng Vương
HÙNG-VƯƠNG
Con Lạc-Long-Quân không rõ tên húy. Đóng đô ở Phong-châu, tức nay là huyện Bạch Hạc[1]. Khi Hùng-vương[2] lên ngôi, dựng nước gọi là nước Văn-Lang. Nước ấy phía Đông giáp Biển-Nam; phía Tây tới Ba-Thục; phía Bắc đến hồ Động-Đình; phía Tây tiêp với nước Hồ-Tôn, tức nước Chiêm-Thành, mà là tỉnh Quảng-Nam ngày nay![3] Chia nước làm mười lăm bộ.[4] Rằng Giao-Chỉ; rằng Châu-Diên, rằng Vũ-Ninh; rằng Phúc-Lộc; rằng Việt-Thường; rằng Ninh-Hải; rằng Dương-Tuyền; rằng Lục-Hải; rằng Vũ-Định; rằng Hoài-Hoan; rằng Cửu-Chân; rằng Bình-Văn; rằng Tân-Hưng; rằng Cửu-Đức; cho các bề tôi cai-trị. Còn bộ Văn-Lang tức là nơi nhà vua đóng đô. Đặt ra tuớng văn gọi là lạc-hầu; tướng võ gọi là Lạc-tướng. Lạc-tướng sau lầm là hùng tướng. Con vua gọi là quan lang. Con gái vua gọi là mệ-nàng. Các quan coi việc gọi là bồ-chánh. Đời đời cha truyền cho con gọi là phục-đạo. Vua đời ấy đều gọi là Hùng-vương.
Khi ấy dân ở núi rừng thấy nước ở các khe các sông lớn, nhỏ, đều họp đông cá, tôm, bèn đem nhau bắt lấy mà ăn. Bị rắn và thuồng luồng làm hại, bèn tâu với vua. Vua nói: « Các giống mán ở núi, thực khác với loài ở nước. Chúng yêu cùng giống, ghét khác nòi, cho nên có nạn ấy! » Bèn sai nhân dân lấy vết mực vẽ các loài thủy quái vào mình. Từ đó thuồng-luồng trông thấy họ, không làm hại bằng sự cắn chết. Tục chổ mình của dân Bách-Việt chắc bắt đầu từ đấy.
Đời vua Hùng-Vương thứ sáu, về bộ Vũ-Ninh, ở làng Phù-Đổng (làng Gióng) có ông nhà giầu sinh một con trai. Hơn ba tuổi, ăn, uống, to béo, không biết nói, cười! Xẩy khi trong nước có giặc. Vua sai người cầu kẻ nào có tài lui được quân giặc. Hôm ấy đứa trẻ thình-lình biết nói, bảo mẹ nó mời sứ-giả nhà Trời (nhà vua) đến, và nói rằng: « Xin cho một thanh gươm, một con ngựa!... Nhà vua không phải lo chi cả! » Nhà vua cho nó thanh gươm, con ngựa. Đứa trẻ liền nhẩy ngựa, vung gươm đi trước. Quan quân theo sau, phá giặc ở chân núi Vũ-Ninh. Giặc tự-nhiên giở giáo đánh lẫn nhau! Số chết rất đông. Dư đảng quỳ lậy la-liệt, hô là tướng nhà Trời! Lập tức đều đầu hàng. Đứa trẻ nhẩy ngựa lên không mà đi! Nhà vua sai mở nơi vươn nhà nó ở, lập đền tuần-tiết thờ phụng. Sau vua Lý-Thái-Tổ phong là Xung-Thiên Thần-Vương. Đền thờ thần ở làng Phù-Đổng bên chùa Kiến-Sơ.[5]
Đời Chu-Thành-Vương, nuớc Việt ta, chưa rõ vào đời vua thứ mấy, mới sang sính bên nhà Chu. Xưng là họ Việt-Thường dâng con trĩ trắng[6]. Chu-công nói: « Chính lệnh không tới, quân-tử không coi người ấy là bề tôi... » Sai làm cỗ xe chỉ-nam, đưa đường cho trở về nước nhà.
Bấy giờ vào đời cuối... Nhà-vua có người con gái là Mệ-Nàng đẹp mà xinh! Vua nghe tin ấy, đến với Nhà-vua, xin cưới làm dâu. Nhà vua toan ưng theo. Hùng-hầu can nhà vua rằng: « Hắn muốn mưu lấy nước ta, mượn chuyện hôn-nhân là cớ đó thôi! » Vua Thục vì thế ngậm hờn. Nhà vua muốn tìm người đáng sánh đôi, liền bảo bầy tôi rằng: « Con ấy là giống tiên! Kẻ nào tài-đức gồm đủ mới có thể làm rể được! » Khi ấy thấy có hai người từ ngoài vào, lậy ra mắt ở dưới sân, xin được làm rể. Nhà-vua lấy làm lạ mà hỏi họ. Họ thưa rằng: « Một người là Sơn-Tinh. Một người là Thủy-Tinh... Đều ở trong bờ-cõi. Nghe tin nhà vua sáng-suốt có cô gái thánh, nên dám tới xin chờ mạng-lệnh... » Nhà vua nói: « Ta có một gái há dễ được hai rể hiền! » Bèn hẹn hôm sau, ai sắm đủ lễ cưới đến trước thì cho... Hai người hiền vâng dạ, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn-Tinh đem bạc, vàng, ngọc báu, cùng các món chim núi, muông đồng tới dâng. Nhà vua y hẹn gả cho. Sơn-Tinh đón về ngọn núi cao nhất trong dẫy Tản-Viên, ở đó... Thủy-Tinh cũng đem của cưới đến sau, hối hận không kịp... Bèn nổi mây, rấy mưa, dồn nước tràn rẫy, đem các thủy tộc đuổi theo. Nhà-vua cùng Sơn-Tinh dương lưới sắt chắn ngang thượng-lưu miền Từ-Liêm để chống lại. Thủy-Tinh theo lối sông khác, từ Lý-Nhân vào chân núi Quảng-Oai. Rồi ven bờ lên cửa sông Hát; ra sông Cái, vào sông Bờ đánh núi Tản-Viên!... Nơi nơi đào thành vực, thành đầm, chứa nước để tính việc đánh úp! Sơn-Tinh dùng phép thần-thông biến-hóa, gọi được nguời Mán, đem tre làm phên chống nước... Lại dùng nỏ để bắn... Các giống có vẩy, có mu, trúng tên chạy tránh, rút lại không sao xâm phạm nổi. Tục truyền Sơn-Tinh Thủy-Tinh về sau thành kẻ thù truyền kiếp! Hằng năm kỳ nước cả, họ thường vẫn đánh nhau![7]
Tản-Viên là núi cao nhất nước Việt ta! (?) Sự linh-ứng của Thần rất là nghiệm rõ! Mệ-Nàng đã gả về Sơn-Tinh, Vua-Thục cũng tức giận: dối lại con, cháu tất phải diệt vua Văn-Lang mà chiếm lấy nước! Đến đời cháu, là Thục-Phán, có sức-khỏe và mưu-lược, bèn đánh lấy mất nước Văn-Lang.
Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng:
Trong đời Hùng-Vương, lập Chư-Hầu làm phên giậu. Chia nước làm mười lăm bộ. Ngoài mười lăm bộ đều có các quan giúp việc, mà các con vua cứ thứ-tự chia nhau ra mà trị. Còn năm chục người con theo mẹ về núi, biết đâu là không cũng như thế? Chắc là mẹ thì làm vua mà các con thì đều làm chúa một phương: Cứ xem như các chúa Mường ngày nay có danh-hiệu Nam-phụ-đạo Nữ-phụ-đạo, thì hoặc-giả có lẽ như thế... Đến như việc Thủy-Tinh, Sơn-Tinh kể cũng quái lạ quá! « Tin cả sách chẳng thà không sách! » Tạm thuật truyện cũ để truyền lại lẽ đáng ngờ...
Trở lên triều họ Hồng-Bàng, từ Kinh-Dương-Vương, thụ-phong năm Nhâm-Tuất, đồng-thời với Đế-Nghi, truyền đến đời Hùng-vương cuối cùng, hết vào năm Quý-Mão, tức là năm thứ năm mươi bẩy đời Chu Noãn-vương, gồm có hai nghìn sáu trăm, hai mươi hai năm.[8]
Phụ-Chú
- ▲ Sách An-Nam-chí của Cao-Hùng-Trưng có chép: « Nguyên đất giao-chỉ khi chưa có quận, huyện, (chưa thuộc về Tầu) có ruộng-lạc theo nước trào lên xuống (ruộng đồng chiêm, do sa bồi)... Khẩn ruộng ấy là lạc-dân. Cai trị dân ấy là Lạc-vương. Giúp việc ông vua ấy là các Lạc-tướng. Đều ấn đồng, thao xanh. Gọi là nước Văn Lang. Lấy thuần-phác làm tục; thắt nút thừng làm trị, (không có chữ). Truyền được mười tám đời. » Nhà dã-sử chắc căn-cứ ở đoạn này, và nhặt thêm ít chuyện Mường mà chép ra chuyện Hùng-vương. Và chữ Hùng 䧺 có lẽ là chữ Lạc 雒 viết lầm, vì hai chữ chỉ sai nhau có một nét!
- ▲ Phong-châu, sử cũ chua tức là Bạch-Hạc. Theo Địa-lý-chí đời Đường thì Phong-châu gồm năm huyện. Theo Thái-Bình Hoàn-vũ chí của Nhạc-Sử đời Tống thì Phong-châu có quận Thừa Hóa xưa là nước Văn-Lang. Vậy thì Phong-Châu tức là địa-hạt các phủ Vĩnh-Tường, Lâm-Thao của tỉnh Sơn-Tây bây giờ. Lại huyện Sơn-Vị có núi Hùng-vương, đền Hùng-vương đủ làm chứng-cớ không thể chỉ riêng là Bạch-Hạc được. (K. Đ. V. S., cuốn đầu).
- ▲ « Đời Trần, đời Lê, trở về trước, bờ cõi (nước ta) Đông tới biển; Tây giáp Vân-Nam; Nam giáp Chiêm-Thành; Bắc giáp Quảng-Tây; Đông-Bắc giáp Quảng-Đông; Tây-Nam giáp Lão-qua (Lao-kay?). Tham-khảo những điều chép trong các sách Thiên-hạ Quận quốc-chí, Dư-địa chí (của Tầu), thì An-nam Đông giáp biển; Tây giáp Vân-Nam, Lão-qua; Nam giáp Chiêm-Thành; Bắc giáp Quảng-Tây: đại lược giống nhau. Tới các Thánh Quốc-Triều ta, gây nền ở cõi Nam. Rồi Thế-Tổ Cao-hoàng-đế ta, cả định châu thần, gồm có toàn quốc: Đông tới biển cả; Tây tiếp Vân-Nam; Nam giáp Cao-Man, Bắc kề hai Quảng. Bề rộng lớn của bờ cõi, trước đây chưa từng có. Vậy mà cách nhau với Động-Đình, Ba-Thục còn ở tuyệt xa! Vậy mà sử cũ chép nước Văn-Lang Tây đến Ba-Thục, Bắc tới Động-Đình, chẳng hóa ra sự thực sao? Ôi! Động-Đình giáp đất hai tỉnh Hồ, thực ở phía Bắc đất Bách-Việt. Ba-Thục thì còn cách Tuấn-Điền (nay thuộc Vân-Nam), không liền đất với nhau. Sử cũ dùng lời khoác lác, có lẽ cùng với việc vua Thục sau đây, đều là dĩ hư truyền hư, chưa từng xét lại! Huống chi mười lăm bộ chia ra, đều ở trong các quận Giao-Chỉ, Châu Diên, không một bộ nào ở miền Bắc cả. Đều đó đủ chứng ra là nói bịa vậy! » (lời các sử thần) « Xét như sách Đại-Thanh Nhất-Thống chí hiện nay thì Quảng-Tây gần nhau với Hồ-Nam, Hồ Bắc, Vân-Nam, Tứ-Xuyên, tức là đất Sở, Thục đời xưa. Nào biết rằng giáp-giới ra sao? Đại-để Việt-sử lâu đã thất-truyền, không biết theo đâu mà xét sửa, đại loại đều giống thế ». (Lời phê của vua Tự-Đức). (Cùng trong K. Đ. V. S., cuốn đầu), — Theo ý kẻ dịch xét ra, thì ở miền Nam nước Tầu ngày xưa có rất nhiều giống người ở lẫn với nhau. Người Tầu gọi chung là trăm giống Việt. Dòng-dõi của trăm giống Việt ấy một phần đã đồng-hóa với dân Tầu. Còn thì là những dân Thổ, Tầy (Thai), Mường, Mán, Dao (Yao), Xạ-phang, Lồ-lố, cùng Việt-Nam bây giờ. Địa-hạt của dân ấy là An-huy, Phúc-kiến, Quảng-Đông, Quảng-Tây, Quý-Châu, Vân-Nam, Bắc-Kỳ, phía Bắc Trung-Ký. Nếu quả có nước Văn-Lang thật thì dân trăm giống Việt khi ấy đã nhóm thành hai quốc-gia: một là nước Việt có vua Câu-Tiễn ở đời Xuân-Thu; hai là nước Văn-Lang. Trừ nước Việt ra rồi, đất nước Văn-Lang có thể gồm cả nước ta cùng một phần nước Tầu. Như vậy thì lời sử cũ là đúng. Chỉ có điều là một mớ những dân khác giống, khác tiếng nói, lại không có một thứ chữ chung, cùng ở với nhau về đời bấy giờ, chưa chắc đã gây nên được một quốc-gia to tát đến thế, dù là một quốc-gia phong-kiến, gồm có một trăm chư-hầu, hay quan-lang, phụ-đạo nữa!
- ▲ Mười lăm bộ, theo sách Dư-địa-chí của Nguyễn-Trãi (An nam vũ cống), do Nguyễn-Thiên-Túng chua thì: Sơn-Nam (Hà-nội, Nam-Định, Hưng-Yên ngày nay) là bộ Giao-Chỉ xưa; Sơn-Tây là hai bộ: Châu-Diên, Phúc-Lộc xưa; Kinh-Bắc (Bắc-Ninh) là bộ Vũ-Ninh xưa; Thuận-hóa (Từ Hải-Lăng thuộc Quảng-Trị đến Điện-Bàn thuộc Quảng-Nam) là bộ Việt-Thường xưa; An-Bang (Quảng-Yên) là bộ Ninh-Hải xưa; Hải-dương là bộ Dương-Tuyền xưa; Lạng-sơn là bộ Lục-Hải xưa; Thái-Nguyên, Cao-Bằng là đất trong ngoài bộ Vũ-định xưa; Nghệ-An là bộ Hoài-Hoan xưa; Thanh-Hóa là bộ Cửu-Chân xưa; Hưng-Hóa, Tuyên-Quang là bộ Tân-Hưng xưa; còn hai bộ Bình-Văn, Cửu-Đức thì khuyết. Nay xét sách Tấn-Chí: quận Cửu-Đức đời Ngô đặt ra, tức tỉnh Hà-Tĩnh ngày nay. Hồ Tôn sử cũ chua tức là nước Chiêm-Thành, tức tỉnh Bình-định ngày nay. (K. Đ. V. S., cuốn đầu)
Kẻ dịch xét: Các tên của mười lăm bộ chẳng qua cũng là thần-thoại! Nếu chúng ta công nhận có vua Hùng-Vương, có nước Văn-Lang, có những tên Quan-lang, Bồ-chánh, Mệ-nàng, thì đó là một quốc-gia của dân Mường, hay ít ra cũng do giống Mường là giống cầm quyền thống-trị. Vậy mà giống Mường thì là giống có riêng văn-tự ngôn ngữ. Sao tên các bộ lại đặt toàn chữ Tầu là một thứ chữ ngoại quốc mà khi có việc bang giao, phải dùng người thông ngôn hai lần mới hiểu nổi? Có một chút lý do gì chăng?
- ▲ Truyện này tức là chuyện « ông Thánh Gióng ». Đây chắc là chép theo sách Lĩnh Nam Trích Quái của Vũ-Quỳnh. Theo đó thì giặc khi ấy tức là vua Ân. Mà những thứ Thánh xin với Vua là một gậy sắt, một ngựa sắt. Sau khi nhồ cả từng bụi tre để lao ném quân giặc, Thánh đã cổi áo giáp ném lại núi Vũ-Ninh mà nhẩy ngựa lên Trời... Muốn biết nhiều về chuyện này thì nên đi xem hội Gióng... Ông Thánh ấy có thể có được. Và có thể là một bậc anh-hùng cứu-quốc đầu-tiên của dân ta, nếu ta bỏ tất cả cái gì có vẻ thần-thoại. Nhưng ta chớ trách người xưa sao lại bầy ra những cái sặc-sỡ, mông-lung ấy: Là thần-thoại thì phải thế! Ngay hai bà Trưng, trong thần-tích cũng chép là sau khi thua trận ở Cấm-Khê, hai bà liền cưỡi mây mà hóa về Trời! Như thế mới chiều được tính thích quái của loài người, cái tính đã bắt chúng ta dù chẳng tin một ly nào cũng vẫn ham đọc Tây-Du-ký cùng Nghìn lẻ một đêm! Điều cần nhớ là đừng lẫn thần-thoại với lịch-sử. Điều cần nhận xét là những sự-thực hay lý-do trong một truyện mê-ly hoảng-hốt!
- ▲ « Tân-Mão, năm thứ sáu đời Thành Vương nhà Chu, phía Nam đất Giao-Chỉ có họ Việt-Thường dùng người thông-ngôn ba lần mà tới, dâng chim trĩ trắng. Chu-công nói: « Ơn đức không đến, quân-tử không hưởng lễ của họ. Chính lệnh không tới, quân-tử không coi người họ là bề tôi. Người thông-ngôn nói: « Những người mồi da, vàng tóc ở nước tôi nói rằng: « Trời không gió dữ, mưa dầm; bể không nổi sóng: ba năm rồi... Ý-giả Trung-quốc có thánh-nhân chăng? » Vì thế nên đến chầu ». Chu-công dâng cúng lên Tông-miếu. Sứ-giả lạc mất đường về. Chu-công ban cho năm cỗ xe liền nhau, đều làm theo phép chỉ-nam... Sứ-giả cưỡi xe, qua ven biển Phù-Nam, Lâm-Ấp, đầy năm mà về tới nước mình ». (Sử-Ký của Tư-Mã-Thiên).
- ▲ Truyện này cũng chép theo sách Lĩnh-Nam Trích-Quái. Chúng ta ai cũng biết rằng trong các nhu-cần của loài người, có một món là cần hiểu-biết. Cho thỏa-mãn nhu-cần ấy, ngày nay chúng ta trông ở khoa-học. Nhưng xưa kia khoa-học chưa phát-đạt, các cụ ta phải trông ở huyền-học (métaphysique). Nhưng đời cổ-sơ thì huyền-học cũng chưa có nữa, người ta đành phải đem thần-thoại, cổ-tích mà làm quà cho nhau. Một đứa em nhỏ hỏi ta: « Tại sao con cá trê lại vẹt đầu? » Ta trả lời nó bằng cách kể lại truyện Cóc Trê... Hoặc nó hỏi ta: « Sao mùa này bươm-bướm nhiều thế kia? » Ta trả lời nó bằng chuyện vợ chồng ngâu của dân Thổ. Khi nó nghe đến đoạn «... Trời sai nọc chú trê ra, đánh cho bẹp cả đầu!... » Hay là đoạn: « Chồng Ngâu nắm áo giữ lại, nhưng vợ Ngâu nhất định dứt áo bay lên Trời... Những tà áo sặc sỡ đứt tung ra... Từng mảnh! Từng mảnh! hóa ra những con bướm bay sặc-sỡ... » Khi ấy, nó sẽ nhí nhoẻn cười ra vẻ đắc-ý lắm. Tính cần hiểu của nó đã thỏa-mãn rồi! Người xưa, đầu óc cũng thơ ngây khác nào em nhỏ của chúng ta. Khi họ muốn hiểu: Sao lại có con sông Đáy? Sao lại có hồ Tây? Sao hằng năm xứ ta lại có một mùa nước to tai-hại và gớm-ghê? Thì một câu chuyện Sơn-tinh, Thủy-tinh này đủ giải-thích hết cả cho họ. Sở dĩ có chuyện này, vì thế...
- ▲ Trong K. Đ. V. S. về lịch-số trị-vì của họ Hồng-Bàng, gồm hơn hai nghìn năm, các sử-thần đời Tự Đức, trong K. Đ. V. S. có nêu ra câu hỏi: Không biết sử-cũ căn-cứ vào đâu? Khi đã cho họ Hồng-Bàng là do « tác-giả bịa-tạc mà soạn ra », thì câu hỏi ấy có lẽ hơi thừa vậy.
Lời bàn của kẻ dịch
Theo như lời tác-giả, tập Ngoại-Kỷ về triều họ Hồng-Bàng và triều vua Thục là do mình mới thêm vào. Thêm vào bằng cách nào? Tác-giả đã bảo ta: « Tham-bác với Bắc-sử, Dã-sử; với các sách Truyện, Chí; cùng với các điều được nghe, được thấy, được truyền-dậy... »
Nói một cách khác, trong các sử cũ của ta, không hề có chép chuyện họ Hồng-Bàng cùng vua Thục. Hai chuyện đó là tự Ngô-Sĩ-Liên chắp nối « đầu cua, tai ếch » mà chế-tạo nên!
Đáng phàn-nàn là những chỗ « tham-bác » kia, họ Ngô không chỉ rõ gốc nguồn, để chúng ta phải mất công tìm-kiếm!
Các sử-thần về đời Tự-Đức, trong khi làm bộ Khâm-định Việt-Sử đã giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc tìm-kiếm ấy. Thì đây:
Bắc-sử mà ông Sĩ-Liên nói đó là mấy bộ Thông-giám Cương-Mục của Chu-Hy và Kim-Lý-Tường.
Dã-sử đó là Lĩnh-Nam Trích-Quái của Vũ Quỳnh. Truyện, Chí đó là Thư-truyện của Sái-Trầm, Thông-Chí của Trịnh-Tiều, An-Nam chí của Cao-Hùng-Trưng.
Được thấy đó chắc là đền vua Hùng ở Sơn-Vi, đền vua Thục ở Cổ-Loa.
Còn được nghe, được truyền dậy thì đích là ít thần-thoại, ít chế-độ của dân Mường!
Nól của tiên-tội, đầu têu ra việc này phải kể ông Vũ-Quỳnh. Trong sách Lĩnh-Nam Trích-Quái, ta đã thấy ông nói đến vua Hùng, vua Thục cùng mười lăm bộ của nước Văn-Lang rồi...
Ông Liên chỉ mất công nặn có hai pho Kinh-Dương-vương cùng Lạc-Long-quân. Và có cái can-đảm lớn là phụng-nghinh hơn hai chục ông vua cổ ấy từ lều dã-sử vào trong đền chính-sử!
Dù ngồi chỉnh-chện trong cái đền trang-nghiêm ấy rồi, người sau đối với các ngài ấy cũng khó lòng nẩy ra lòng ngưỡng-mộ. Trong Khâm-định Việt-Sử, người ta đã hạ hai cụ Kinh-Dương và Lạc-Long xuống! Còn tôi, tôi muốn mời cả vua Hùng, vua Thục trở về những am cỏ, lều tranh thuở trước. Vì tôi chẳng có một chút lòng tin tưởng gì về các ngài hết! Cho cả đến các ông Tầu Triệu-Đà, Sĩ-Nhiếp tôi cũng muốn khiêng các ông ra ngõ... Nói cho thực thì tôi muốn đốt phăng cả tòa đền Ngoại-Kỷ! Thú-vị gì cái việc dùng lối biên-niên mà chép những hành-vi rời-rạc của mấy ông Ngô khách truyền nối nhau ở các phủ Thái-Thú, Đô-Hộ trong đất nước này? Thay vào đó vài ba bài thông-luận có hơn chăng?
Thế nhưng ta lại nên nhớ ông Liên là sử-thần đời Lê... Và ở các nhà nho xưa, lòng trung ái cơ-hồ như thiên-tính... Huống chi vua của ông lại là Thánh-Tông, một kẻ rất sùng-nho, trọng-đạo. Với vua ấy, ông có thể yêu tha-thiết!.. Như trong lời tựa, ông đã muốn báo-bổ nhà vua bằng việc viết sử. Báo-bổ cách nào? Ấy là cách nhận ngầm dân Mường là chính giống Việt-Nam... Sao vậy? Bởi vì Lê-Lợi, Thái Tổ nhà Lê, chính là một người Mường... Nếu không là người Mường, sao có kế-thế làm phụ-đạo động Lam-sơn? Miền ấy, tới nay cũng vẫn còn là một miền Mường thuần-túy! Ấy là cái duyên cớ khiến nhà viết sử của chúng ta, đặt họ Hồng-Bàng lên đầu Ngoại-Kỷ.
Vậy, tôi chẳng những không trách ông mà còn cám ơn ông nữa...
Theo sử cũ, đặt Triệu-Vũ-đế lên đầu, tôi không thấy có ý-nghĩa gì ngoài tính-cách nô-lệ! Con người ấy vốn là một viên quan của vua Tần phái sang chiếm-cứ đất ta, hà-hiếp dân ta! Đối với ta, hắn là một kẻ thù! Sao có lẽ « thấy người sang bắt quàng làm họ? » Chẳng thà như ông Liên đặt họ Hồng-Bàng mơ hồ lên đầu sử, còn cho ta mơ-màng nghĩ đến nguồn gốc dân ta. Đó là chỗ tôi muốn cám ơn.
Vậy nguồn gốc dân ta ra thế nào?
Tôi thiết nghĩ về đời Hồng-Bàng, dân ta chưa thành một quốc-gia, mà còn ở sinh hoạt bộ-lạc, đại loại như dân Mường, dân Thổ ngày nay. Vua Hùng, vua Thục, nếu quả có, cũng chỉ là những tù-trưởng có thế-lực trong nhất-thời. Khác nào những chúa của dân Lào, dân Xá. Sở-dĩ các ông to lên, là nhờ ở các thần-thoại. Đối với dân ta, và cả những dân ở Nam bộ nước Tầu, người Tầu họ gọi chung là bọn Mán-Nam (Nam man). Hay là Bách-Việt, vì cớ nhiều giống người quá! Cái thần-thoại « trăm-trứng » kia là để giải-thích nghĩa Bách-Việt. Và cũng để tỏ tình liên-lạc của các giống Việt với nhau nữa.
Bầu ơi thương lấy bí cùng:
Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn.
Ý người đặt ra chuyện « trăm trứng » muốn ám-thị cho dân Bách-Việt: « Tuy khác phong-tục, khác bộ-lạc, khác tiếng nói, và kẻ ở miền núi, người ở miền biển nữa, tổ tiên ta vốn cùng một mẹ đẻ ra. » Khi ấy, trong trí dân ta đã hơi có quan-niệm về quốc-gia, dân tộc.
Khu vực của dân-tộc Bách-Việt ở trên tôi đã phỏng-đoán, gồm có An-Huy, Phúc-Kiến, hai tỉnh Quảng, Quý-Châu, Vân-Nam, Bắc-Kỳ và phía Bắc Trung-Kỳ. Họ có hai tục đồng nhất với nhau: một là chổ mình, hai là ăn trầu. Tục chổ mình ở ta hiện vẫn còn. Và từ đời Xuân-Thu, Chiến-quốc, dân nước Việt — ở miền An-Huy, Phúc-Kiến bây giờ—vẫn có tục ấy. Sách Trang-Tử cùng nhiều sách khác đều có nói đến truyện người nước Việt « Chổ mình, cắt ngắn tóc ». — Tục cắt ngắn tóc và vẽ mình này có lẽ chung cho những dân Việt ở các miền ven sông, ven biển, làm nghề chài lưới. Dân ta cũng là một trong các giống đó. Khi quân Minh sang, bắt buộc dân ta phải để tóc dài... Đủ rõ dân ta xưa ngắn tóc. Và hiện nay nhiều miền gần biển ta gọi là dân đường bể, hết thẩy trai, gái, trẻ, già đều cạo trọc đầu cả. Có lẽ hai tục ấy có quan-hệ với cách kiếm ăn dưới nước của họ chăng? Tục ăn trầu về đời Tống (?) còn thấy ở dân Quảng-Đông. Một thi-sĩ nơi khác (tôi đã quên mất tên) qua chơi Dương-Thành (Quảng-Châu) có làm bài thơ tức sự trong có hai câu:
門 前 少 女 牙 如 炭
路 上 行 人 口 似 羊
« Môn tiền thiếu-nữ nha như thán!
« Lộ thượng hành nhân khẩu tự dương »!
(Gái non trước cửa răng như mực!
(Khách bộ trên đường miệng tựa dê!)
Ấy tức là vịnh cảnh ăn trầu của dân bản-thổ. Xem thế đủ rõ dân An-huy, Phúc-kiến, và hai tỉnh Quảng ở Tầu ít ra xưa kia cũng cùng ta cùng thuộc về dòng Bách-Việt cả.
Như trên đã kể, dân Bách-Việt chia ở hai miền: miền núi và miền biển. Trong đám dân miền biển ấy đã đầu-tiên gây nên được một quốc-gia, ấy là nước Việt đã từng diệt nước Ngô ở đời Xuân-Thu. Cái quốc-gia thứ hai của người Việt đã tổ chức được là do dân miền núi. Ấy là nước Nam-Chiếu, ở vào đất Vân-Nam, Quý-Châu ngày nay. Mạnh-Hoạch đánh nhau với Khổng-Minh, chính là vị anh hùng của nước ấy. Với Trưng-Trắc, Ngô-Quyền gây mối, với Đinh-Bộ-Lĩnh mở nền thống-nhất, một quốc-gia thứ ba của dân Bách-Việt đã thành-lập, ấy là nước Việt-Nam chúng ta. Trong ba nước ấy thì chỉ có nước ta còn đến ngày nay. Nước Việt, nước Nam-Chiếu đã lần lượt bị người Tầu chiếm-lĩnh và đồng-hóa,
Nói tóm lại, giống người chúng ta ngày nay là một giống thuộc dòng Bách-Việt về miền biển và vẫn ở đất này. Trong bao nhiêu năm chung-đụng với người Tầu, sự lẫn giống cố-nhiên là có. Thế nhưng bảo chúng-ta hoàn-toàn là con cháu khách buôn, các lính thú ở Tầu sang đây, như ý nhiều người, thì quyết là không đúng. Vì nếu như vậy, sao tiếng nói của ta lại khác hẳn của Tầu về tự-pháp? Ví-dụ khi Hình-dong-từ mà người Tầu đặt trên danh-từ thì bao giờ ta cũng đặt xuống dưới. Tầu nói 好 花, thì ta nói là hoa đẹp; Tầu nói là 孝 子 賢 孫, thì ta nói là con hiếu, cháu hiền. Chúng tôi nghĩ: Nếu cùng là một giống thì tiếng nói có thể khác nhau về phương-ngôn, về thổ-âm, chứ chẳng có thế khác nhau về tự-pháp như thế được.
Ấy đại khái quan-niệm về nguồn gốc người mình ở tôi là thế. Mấy người ngoại quốc khảo-cứu về nhân-chủng ở ta còn có nhiều ức-thuyết nữa. Tổ-tiên ta, người thì cho từ Mân-Việt (Phúc-Kiến) sang; người thì cho tự Vân-Nam xuống; người lại bảo ở Mã-Lai qua nữa. Đó chỉ là những ức-thuyết chả có gì là chắc-chắn cả. Vậy, tôi hãy tin ức-thuyết của tôi...