Đại Việt sử ký toàn thư/Tập I/Ngoại kỷ/Cuốn thứ nhất/Triều họ Hồng Bàng/Kinh dương Vương

KINH DƯƠNG-VƯƠNG

Húy là Lộc-Tục, dòng dõi họ Thần-Nông

Nhâm-Tuất, năm đầu.

Xưa cháu ba đời Viêm-đế họ Thần-Nông là Đế-Minh sinh ra Đế-Nghi. Rồi đó sang tuần phương Nam, đến rẫy Ngũ-Lĩnh, tiếp được Vụ Tiên-Nữ, sinh ra Vương (Lộc-Tục). Vương là bậc thánh, trí, thông, minh. Đế-Minh yêu quý lạ, muốn cho nối-ngôi. Vương cố nhường cho anh mình, không dám vâng mệnh. Đế-Minh vì thế lập Đế-Nghi làm con nối dòng, trị phương Bắc. Lại phong Vương làm Kinh-Dương-Vương, trị phương Nam, đặt tên nước là Xích-Quỷ[1] (quỷ đỏ) Vương lấy con gái chúa Động-Đình tên là Thần-Long, sinh ra Lạc-Long-Quân.

Xét sách của đời Đường có chép: «... Khi ấy có người đàn bà chăn dê, tự nói là con gái nhỏ của chúa Động-Đình, gả cho con thứ chúa Kinh-Xuyên, bị chồng duồng dẫy... Gửi thư nhờ Liễu-Nghị tâu với chúa Động Đình... » Vậy thì ra Kinh-Xuyên cùng Động-Đình đời đời gả con cho nhau, kể đã từ lâu...[2]

  1. Người Tầu tự cho mình là văn-minh, và người giống khác là dã-man, là quỷ. Cho mãi đến đời gần đây, họ còn gọi người da trắng là Dương-quỷ, Bạch-quỷ. Như vậy, rất có lẽ đời xưa họ gọi người mình là Xích-quỷ. Vì ta ở phương Nam mà theo thuyết Năm-Hành của họ thì xích (đỏ) là mầu của phương Nam. Nhưng có lẽ nào vua nước ta lại tự đặt lấy một cái tên xấu-xí như vậy? Chuyện này chắc là tự các nhà Dã-sử bịa ra! Nhưng bịa ra cũng là có căn-cứ! Họ đã căn cứ vào truyện thần « Phù-Đổng Thiên-Vương » trong sách Lĩnh-Nam Trích Quái của Vũ-Quỳnh. Theo đó thì thần đã đánh nhau với giặc Ân... Và vào sử Tầu, có chép truyện Cao-Tông đời Ân « đánh nước Quỷ-phương, ba năm không được! » Nhà Dã-sử ấy đã tinh-nghịch đổi chữ Quỷ-phương ra chữ Xích-quỷ cho nó thêm mầu-mè, thế thôi!
  2. Lời tâu của bọn Phan-Thanh-Giản, sử-thần đời Tự-Đức: «... Xét trong Sử-cũ, triều họ Hồng-Bàng, có nói đến Kinh-Dưong-Vương, Lạc-Long-quân, là bởi Thượng-cổ đời hãy còn mù-mịt, tác-giả bịa-tạc mà soạn ra. Lại e không có gì là đáng tin, bèn mượn truyện Liễu-Nghị đời Đường của nhà tiểu-thuyết để làm ấn-chứng! Ôi! Kinh-Dương thuộc về đất Tần! Động-Đình thuộc về ​đất Sở! có quan-hệ gì với ta? Huống chi những chuyện quái-gở, quá ư hoang-đường! Căn-cứ vào đâu mà nghiễm-nhiên đặt làm những vua bắt đầu lập ngòi, dựng nước?... » (Khâm-định Việt-Sử, cuốn đầu).— Các nhà tin đồng-bóng nước ta ngày nay có ba vị Thánh-mẫu: Đức-mẫu Lê-Giáng-Tiên, tức Liễu-Hạnh công-chúa; đức Chúa Mường Lê-Mại đại-vương tức Thượng-Ngàn công-chúa; và đức mẫu Thoải Cung công-chúa, tức là vợ Liễu-Nghị và con vua Động-Đình. Liễu-Hạnh công-chúa mới có từ đời Hậu-Lê. Thoải-cung công-chúa mới có từ sau đời Đường. Vậy trước tiên mới có Thuợng-Ngàn công-chúa. Vị này không rõ có từ đời nào, song có bọn bộ-hạ là Tá-chầu Mường, Hữu-chầu Mán. Vậy ta có thể tin là vị thần của dân Mường và Mán. Dân Mường Mán thờ vị thần ấy trước. Rồi sau khi có chuyện Liễu-Nghị mới thờ thêm đức Mẫu-Thoải... Từ khi có đức Mẫu Thoải mà trong óc họ có những tên Kinh-Dương, Động-Đình. Rồi câu chuyện họ Hồng-Bàng do đó mà ra. Xem như những chuyện Quan-lang, phụ-đạo, mệ-nàng, bồ-chính chép về Hùng-Vương, đều là những chuyện của dân Mường ngày nay, ta càng tin họ Hồng-Bàng là một thần-thoại của dân Mường. Nhà Dã-sử, nhà Quốc-sử của ta đã lượm lấy thần-thoại ấy và thêm-thắt vào ít nhiều thôi vậy! Nhưng như thế họ đã ngầm công-nhận giống Mường là người anh em rặt giống nhất của chúng ta...

    ​Đọc đoạn sử-án của họ Ngô về chỗ này, ai mà không phải tức cười? Chúng tôi thật không ngờ một ông sử-quan đời trước lại có được cái đầu óc thơ-ngây đến thế! Và lại có một lối lý-luận không lý-luận chút nào đến thế!