Đông Dương ngày xưa và ngày nay/Chương IV
CHƯƠNG THỨ IV
Các dân-tộc cần phải tiếp cận[1] với những dân-tộc có nghị-lực hơn và tài giỏi hơn để thêm phần phong phú.
Kết quả thứ nhất về cuộc đô-hộ Pháp.
Xem như trên thì chúng ta biết rằng những dân-tộc văn-minh phải dựa lẫn nhau, và phải bỏ đi một phần quyền-lợi mới giữ được quyền độc-lập, nghĩa là phải cư-sử như là một người hội-viên đối với các hội-viên khác trong hội vậy.
Một nước phải yếu-hèn quá là vì nhân-dân mất cả nghị-lực. Việc mất nghị-lực này sinh ra là bởi khí-hậu nặng-nề, bởi cái chính-phủ chuyên-chế, bởi nội-loạn và bởi ở gần với những dân-tộc còn rã-man. Như vậy thì thật là một việc rất lợi cho nước này là dựa vào một dân-tộc cường-thịnh và nhân-từ, và nhờ có sự bảo-hộ và sự che-trở ở ngoài, để làm việc mà loại dần dần tất cả những nguyên-nhân[2] nó làm cho mình hèn-yếu.
Như ngày xưa người Gô-Loa bị người La-Mã đô-hộ là vì trong nước có nội-loạn luôn nên tài-sản nhân-dân khánh-kiệt, lại thường khiếp sợ những sự xâm-chiếm của nước ngoài. Vì cuộc đô-hộ này nên về sau dân-tộc Gô-Loa thành ra một dân-tộc đông đúc hơn, giầu có hơn, và có tiếng tăm hơn dân-tộc La-Mã.
Ngày nay sự dựa vào một quốc-gia ngoại-quốc ở xa và công-minh thì rất tốt cho một quốc-gia đang thành-lập như cõi Đông-dương này. Thật thế, vì cõi Đông-dương có nhiều dân-tộc ở, mà dân-tộc đông-đúc hơn cả thì chỉ ở một phần nho nhỏ trong xứ thôi. Vậy thì có hai việc giải-quyết, một là việc chiến-tranh chinh-phục lâu dài, hai là có một dân-tộc phú-cường hơn cả các dân-tộc này đem sự thái-bình mà chộn lẫn các dân-tộc ấy lại với nhau.
Việc giải-quyết thứ nhất chỉ có dân-tộc nào hay đi chinh-phục, ưa trận mạc, chuộng nghề binh là làm nổi. Cái kết-quả của sự giải-quyết này, trong mấy thế-kỷ về sau, là những xứ mênh-mông dân-cư tán lạc và thành ra những bãi sa-mạc như người ta đã trông thấy ở Phi-Châu và Á-Châu trung-ương vậy.
Việc giải-quyết thứ nhì vừa làm cho các nòi giống thêm phần khỏe mạnh bởi sự lai giống và sự cần-cù, vừa làm cho nhân-dân đông-đúc thêm và giầu có thêm ra.
Việc tiếp-cận với những dân-tộc ngoài lại còn nhiều hiệu-quả hay nữa, và những dân-tộc nào văn-minh hơn thường là những dân-tộc thu-thập được những sự ảnh-hưởng khác nhau ở các nước ngoài.
Như nước Pháp thu-thập được cái tôn-giáo của người Hiệp-Bơ (Hébreux), tiếng nói và luật-pháp của người La-Mã, triết-học của người Hi-Lạp, những điều sơ-lược về khoa-học của người A-Rập, trí thực-dân của người No-Măng (Normands), những đức-tính về nghề binh của người Pha-Lăng (Francs).
Nhưng mà những dân-tộc ở xứ nóng đón rước những người ngoại-quốc ở xứ lạnh đến thì có một sự lợi khác nữa, là vì những người này có một cái nghị-lực và một sự cần-mẫn to hơn dân-tộc ở xứ nóng nhiều.
Vua Gia-long khôi-phục được ngôi vua là nhờ được sự lợi-dụng một số ít người Pháp và nhờ được những lời khuyên-răn của một người có tiếng là khôn ngoan và thông-minh là ông Bi-Nhu-Bê-Hen (Pigneau de Béhaine). Khi vua Gia-Long khôi-phục được ngôi vua rồi thì thu-phục cả nước Nam dưới pháp-luật mình, tổ-chức lục-binh và thủy-binh, lập tỉnh và xây thành. Vì vậy nên vua Gia-Long được người Anh đối-đãi như một ông vua một cường-quốc vậy.
Nếu những vua nối ngôi vua Gia-long mà cũng công-nhận người Pháp giúp việc quản-trị[3] trong nước như vua Gia-long thì có lẽ sự cộng-tác[4] ấy có nhiều hiệu-quả hay. Về sau phải có võ-lực mới thực-hành được sự cộng-tác ấy, nhưng sự cộng-tác này có sản ra được nhiều điều hay là vì nhân-dân lấy lẽ phải mà theo.Việc chiếm-lĩnh xứ Nam-kỳ, nhân-dân lấy làm hoan-nghênh lắm. Vì vậy nên chẳng bao lâu xứ này được tiến-bộ rất nhanh.
Ngày trước nhân-dân xứ Nam-kỳ chỉ trồng giọt những hoa mầu đủ sinh-nhai thôi, một vài người Tàu buôn xuất-cảng nhỏ nhặt lắm; cuộc thương-mại ở trong xứ vào tay bọn khách-trú cả; thương-chính trong xứ đánh thuế luân-chuyển hàng-hóa rất nặng, sở cho dân vay tiền lấy lãi rất nặng, những tầu ngoại-quốc đến Sài-gòn thật hiếm, những con đường tốt đẹp làm khi còn vua Gia-long thì hàu như không đi được nữa, đường thủy chỉ được độ sáu trăm ki-lô-mét thôi.
Lúc đầu Chính-phủ Pháp ở Nam-kỳ cố lấy lòng nhân-dân trong xứ nên cho nhân-dân hưởng đủ các thứ quyền-lợi.
Trong năm năm trời, nước Pháp không muốn bỏ xứ này, nên dù nhân-dân không tin, người Pháp cũng đã hết sức về việc chủng đậu cho nhân-dân để trừ bệnh đậu mùa và giảng-dụ cho công-chúng biết phép vệ-sinh để trống-cự với bệnh tả.
Về năm 1858 nhà cửa ở tỉnh Sài-gòn chỉ có những cái nhà sàn làm trên những cái lạch bùn lầy. Đến sau người Pháp họa địa đồ làm thành một tỉnh-thành to, lấp dần dần những lạch để làm những dẫy phố giài, có những con đường rộng rãi có cây cối um tùm. Trong hai mươi năm về sau, tỉnh Sài-gòn thành ra một thành-phố lớn có 16.000 nhân-dân. Về năm 1914, trước khi có sự chinh-chiến ở Âu-châu, thành-phố Sài-gòn có 75.000 nhân-dân, ngày nay có hơn 100.000 người ở. Tỉnh Chợ-lớn, tỉnh Mỹ-thọ, tỉnh Vĩnh-long rồi thì đến các tỉnh-lị khác cũng được chỉnh-đốn như thành-phố Sài-gòn, để cho nhân-dân được khỏe mạnh làm ăn và buôn bán được tiện-lợi. Từ khi người Pháp đến ở Nam-kỳ thì những tầu bè ở ngoại-quốc cứ thường đến Sài-gòn để mua thóc gạo và làm cho nhân-dân biết buôn bán với ngoại-quốc. Vì vậy nên những nông-gia càng mở-mang sự cày cấy của mình. Việc xuất-cảng gạo cũng vì vậy mà càng thêm quan-trọng.
Từ năm 1860 đến 1865 sự xuất-cảng gạo bằng tầu bè mỗi năm tới 50.000 tấn, từ năm 1870 đến năm 1875, mỗi năm được 268.000 tấn, và từ năm 1885 đến năm 1890, mỗi năm được 460.000 tấn. Từ năm 1895 đến năm 1900, cứ mỗi năm kể số chung bình là được 595.000 tấn, từ năm 1905 đến năm 1910, mỗi năm được 815.000 tấn, ngày nay sự xuất-cảng gạo mỗi năm được quá 1.300.000 tấn.
Về năm 1875 nhà ngân-hàng[5] Đông-dương lập thành, nên nhờ được sự cho nhân-dân vay tiền và việc lưu-hành tiền bạc mà sự tiến-bộ trong xứ tăng-tiến thêm lên.
Việc luân-chuyển bằng tầu bè chạy luôn luôn và nhất định ngày giờ đi từ Sài-gòn đến Sanh-ga-bô (Singapour), sang Âu-châu, sang Tàu, sang Nhật. Việc bưu-điện[6] ngày xưa chỉ để dùng về việc quan thì người Pháp tổ-chức lại thành một bưu-cục rất quan-trọng.
Về hồi quan An-nam cai-trị thì nhân-dân chỉ có quyền bàn đến việc trong làng, nay được dự đến việc công trong tỉnh-hạt hội-đồng và trong hội-đồng quản-hạt.
Về thời-kỳ đó, việc học-hành cũng đã mở-mang. Về năm 1886 ở Nam-kỳ đã có 411 cái trường vừa trường giậy chữ Pháp vừa trường giậy chữ Hán, có 111 ông giáo người Pháp và 582 ông giáo người Nam và có tất cả hơn 21.000 học-trò.
Xứ Cao-mên. — Xứ Cao-mên lúc đầu tuy cũng tiến-bộ nhưng không được nhanh chóng bằng Nam-kỳ. Sự tiến-bộ cũng như người ta khi ngã mạnh quá thì đứng lên khí chậm.
Việc nước Pháp muốn làm trước nhất ở xứ này cũng như là việc mà nhà thám-hiểm trứ-danh Ba-Vi (Pavie) gọi là sự « chinh-phục nhân-tâm »
Người Pháp lúc ấy chuyên-chú nhất về việc nghiên-cứu trong xứ, nên những nhà thám-hiểm đi khắp trong xứ Cao-mên và đi tới cả những miền người Xiêm chiếm-lĩnh nữa.
Kinh-đô xứ này về sau vua Nô-rô-Dôm (Norodom) đem đến đóng ở Nam-vang. Năm 1867 người Pháp dựng trên những đầm ao men bờ Bể-hồ (Tonlé sap) một cái tỉnh-thành nguy-nga làm cho các nhà du-lịch trông thấy cũng phải ngợi-khen.
Việc luân-chuyển bằng tàu thủy trong xứ cũng tổ-chức chạy luôn luôn thành chuyến nhất định. Năm 1893 nước Xiêm phải trả lại xứ Cao-mên những địa-hạt ở về phía Bắc và nước Pháp thay mặt nước Nam đòi lại tả ngạn sông Cửu-long. Việc luân-chuyển tàu thuyền chạy từ Nam-Vang sang Lào, lúc tổ-chức tuy gặp nhiều nỗi khó khăn, nhưng sau cũng có hiệu-quả hay.
Về năm 1907 nước Pháp bắt nước Xiêm phải hoàn lại cho Cao-mên những tỉnh Bát-tam-Bang và Xiêm-rê-Ấp.
Trong tỉnh này có cựu-chỉ đền Đế-thiên-Đế-thích (Ruines d’Angkor), đền này là một nơi kỳ lạ trong thế-gian. Đền này trước kia ít người biết đến, vì bỏ hoang trong nơi rừng rậm, đường lối đi vào rất là khó khăn. Người Pháp mở đường, chặt cây, phá bụi bao bọc cựu-chỉ. Những nhà bác-học khảo-cứu rồi thuật rõ cái lịch-sử kỳ-dị của cái cố-quốc Ca-me. Ngày nay những nhà du-lịch khắp trong thế-giới đến ngoạn-cảnh Đế-thiên-Đế-thích.
Nước Pháp lại dựng trong xứ Cao-mên nhiều nhà thương, làm thêm vào những nhà trường cổ ở chùa những cái trường vừa giậy chữ Pháp vừa giậy chữ Cao-mên và nhiều trường kỹ-nghệ nữa.
Xứ Lào và miền Anh-đô-nê-diên. — Cuộc chiếm-lĩnh của người Xiêm, như ta đã xem ở trên, làm cho những miền này trải qua một thời-kỳ đồi-tệ và đổ-nát. Nhất là ở miền Mọi vì rã-man quá nên loạn-lạc tứ tung, làng này đánh nhau với làng khác luôn luôn.
Người Pháp chiếm-lĩnh những nơi này trong mấy năm đầu chỉ chuyên chị về việc trị-an và việc làm cho dân có trật-tự và dìu dắt nhân-dân về việc an-cư lập-nghiệp. Người Pháp lại làm cho xứ Lào có việc vận-tải nhất định trên sông Cửu-Long, có đường giây thép, và trong các tỉnh to có nhà thương và trường học.
Những nhà thám-hiểm lại nghiên-cứu những thổ-sản, phong-tục và sử-ký trong xứ, rồi vẽ địa-đồ toàn xứ để dự-bị cho con đường tiến-bộ tương-lai xứ này vậy.
Trung-kỳ và Bắc-kỳ. — Việc dẹp-an hai xứ này mất nhiều thì giờ lắm. Một mặt phải trừ cho tiệt nọc bọn giặc cướp tàn-hại xứ Bắc-kỳ về năm 1880-1890 và trục-xuất bọn giặc Tàu ra ngoài biên-thùy. Một mặt thì các nhà nho và chính-phủ Nam-triều trong bao năm cứ lầm lẫn lòng ái-quốc với sự sợ hãi việc cải-lương.
Vì thế nước Pháp chỉ xin quyền tự-do buôn bán, mà phải nắm lấy cái chủ quyền trong xứ. Như vậy nên nhiều người bản-xứ cho người Pháp như kẻ cừu-địch của mình. Vì nước Pháp muốn tránh sự trách móc đó nên đã lâu năm lưỡng-lự không muốn thi-hành những việc cải-lương hình như trái với lòng dân-chúng. Cũng vì sự lưỡng-lự này nên ngày nay có nhiều người An-nam đem lời trách-móc nước Pháp.Ở Bắc-kỳ nhân-dân am-hiểu thời-thế hơn nên nước Pháp vừa đem quan dẹp giặc cướp để giúp việc trị-an, vừa có thể thực-hành ngay những công việc to trong xứ.
Chưa đầy bốn mươi năm, xứ Bắc-kỳ đã tiến-bộ lạ lùng. Trên bộ thì đường xe-hỏa lan ra nhiều tỉnh; trên các ngọn sông thì tàu thủy rất nhiều; sở giây thép thì tỉnh nào cũng có; việc tuần phòng giữ trật-tự các nơi tổ-chức rất là hoàn-bị, những binh-lính An-nam có những người tài giỏi đứng đầu, biết vâng lời người trên, hợp thành những cơ-ngũ thạo việc binh-đao; y-tế sắp đặt cũng hoàn-hảo, có nhiều nhà thương lớn, có những nhà thương chữa người bệnh phong, có những nhà hộ-sinh và một y-viện để trủng đậu. Nhiều nhà trường mở ra giậy thêm chữ Pháp để bổ-túc vào việc học của người bản-xứ đã có từ xưa, hai nhà trường kỹ-nghệ lớn dựng ở Hải-phòng và Hà-nội, trường Cao-đẳng mở ra để đào-tạo[7] những y-sĩ, những thú-y, những viên tham-tá chuyên-môn công-chính và để giạy cho những viên quan phụ mẫu sau này có một nền học-thức hoàn-toàn.
Những con đường cũ đều sửa sang lại cả; nhiều con đường mới mở nhưng mãi đến năm 1914 mấy gần giải đá hết.
Ngay lúc ấy những thương-gia, những nhà kỹ-nghệ và những thực-dân Pháp tuy gập nhiều sự khó khăn mà cũng thực-hành nhiều việc như khai mỏ, dựng nhà máy và khai-khẩn đồn-điền.
Trong những miền đã bao năm bị giặc-dã cướp phá tàn hại, người Pháp đến làm cho nhân-dân ở đấy lại vui lòng làm việc. Có nhiều người Pháp lại đem lời khuyên bảo và đem cái gương sáng của mình giậy bảo người An-nam.
Tỉnh Hải-phòng về năm 1885 là một cái làng dựng trên những đồng lầy, bốn mươi năm về sau thành một thành phố kỹ-nghệ có tới 100.000 nhân-dân và lại là một cái hải-cảng có nhiều tàu bè các nước đến đỗ. Thành phố Hải-phòng thật là cái công-trình của bọn thực-dân vậy.
Tỉnh Hà-nội thì nay thật là khác ngày trước nhiều, năm 1914 nhiều người ngoại-quốc trông thấy đã phải ngợi khen.
Tỉnh Nam-định, tỉnh Bắc-ninh, tỉnh Lạng-sơn và nhiều tỉnh khác nữa thật là những cái gương sáng về sự trật-tự và sự sạch-sẽ vậy.
Ở Trung-kỳ cũng có thay đổi nhiều những khí chậm không bằng Bắc-kỳ.
Thế nhưng mà trước năm 1914 những hải-cảng Nha-trang, Qui-nhơn, Hàn và Bến-thủy vì có nhiều tàu bè đến luôn, nên đều được thịnh vượng cả. Ở cửa Hàn có việc buôn bán chè rất lớn và ở bến tàu Vinh có việc buôn bán gỗ. Đường xe lửa nối xứ Bắc-kỳ với tỉnh Vinh, nối tỉnh Nha-trang với xứ Nam-kỳ, nối tỉnh Hàn và Đông-hà với kinh-đô Huế. Con đường xe lửa từ Đông-hà đến Vinh đã nghiên-cứu rồi. Việc bưu-điện thì đã có đến bốn mươi nơi vừa tỉnh vừa đồn.
Công việc người Pháp làm ở xứ này không phải chỉ chuyên về đường vật-chất, nhất là về đường tinh-thần lại chuyên-trị lắm.
Về cái thời-kỳ thứ nhất đó, người Pháp đã dựng những viện khoa-học có giá-trị như viện Bát-tơ (Institut Pasteur) ở Sài-gòn và ở Nha-trang, trường Viễn-đông-bác-cổ đã được nhiều ông nho-học bản-xứ và cả thế-giới tôn-trọng.
Nhiều nhà bác-sĩ đã nghiên-cứu về lịch-sử, về dân-tộc, về tiếng nói, về động-vật,[8] về thực-vật,[9] về sản-vật, đủ các thứ ở xứ này.
Nói tóm lại về năm 1914 nhờ về một số ít người Pháp mà toàn xứ bước lên con đường tiến-bộ. Lúc ấy có một việc xẩy ra, nhiều người Pháp trong bọn trên này phải về nước, làm cho những người còn ở lại, trong năm năm trời, sợ hỏng mất cuộc tiến-bộ đang hoàn-thành kia.
Nhưng trong lúc này lại xảy ra việc trái hẳn với sự lo sợ ấy.
Chú thích
- ▲ Tiếp-cận = gần gụi với nhau.
- ▲ Nguyên-nhân = căn do, cớ.
- ▲ Quản-trị = trông nom, coi sóc.
- ▲ Cộng-tác = cùng làm việc với nhau.
- ▲ Nhà ngân-hàng = ta thường gọi là nhà băng, nhà đổi bạc, nhận gửi tiền và cho vay tiền.
- ▲ Bưu-điện = sở giây thép.
- ▲ Đào-tạo = giậy dỗ cho thành tài.
- ▲ Động-vật = tất cả những loài vật trong một xứ.
- ▲ Thực-vật = tất cả những cây cỏ của một xứ.