Đôi nhạn  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Lỡ bước sang ngang do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành.

Tặng anh chị L.

Một bông cúc nở trong vườn vắng,
Gió lạnh ngàn phương lướt thướt về.
Lá úa dần mòn rơi rụng hết,
Sương mù giăng mắc lụa lê thê.

Sông quạnh, tóc huyền buông lả lướt,
Nàng buồn đưa mắt hững hờ trông:
Một hai ba cánh buồm nâu ngả,
Biển dậy mầu xanh sóng trập trùng.

Bỗng ngang biển thẳm, ngang trời thẳm,
Một chấm đen rồi hai chấm đen.
Đôi vợ chồng son: đôi nhạn nhỏ,
Bay về tổ ấm mớm hương duyên.

Sông yêu bốn cánh chèo khoan nhặt,
Cố đẩy đò yêu đến bến yêu.
Tuy gió lạnh về, sương lạnh xuống,
Thì mùa thu lạnh biết bao nhiêu!

——————

Môi nàng tự thuở son tô đỏ,
Chưa nở lần nào với ái ân...
Nhưng tự thuở son tô đỏ má,
Má kia nước mắt thấm bao lần.

Bởi đâu? hay bởi đôi chim nhạn,
Đã mỉa mai nàng phận lẻ loi?
Tẻ lạnh buồng hương nàng với bóng,
Ngày ngày nhìn mãi nhạn chung đôi.

Thê lương thấm mãi hồn son trẻ,
Bóng vợ chồng chim ám ảnh nàng.
Chăm chỉ người ta đan áo rét,
Lâu rồi nàng đã bẻ que đan.

Khi lẻ loi thân, khi mắt lệ,
Mải nhìn đôi nhạn luyến nhau bay.
Khi lòng là một nơi hoang đảo,
Đan áo cho ai những lúc này?

——————

Nàng như chờ đợi, như mong ngóng
Ở mãi đâu đâu một sự gì...
Nhưng chẳng bao giờ đưa đến cả,
... Tiếng chân ngựa dẵm, lặng im nghe!

Tiếng chân ngựa dẵm trên đường sỏi...
Nghệ sĩ: anh chàng của bốn phương,
Sương xuống lạc đường, trời lạnh lắm!
Tối rồi, mưa mãi, ngựa chùn cương...

Bạn hãy cùng tôi cùng tưởng tượng,
Một gian phòng nhỏ kín then sương.
Mấy cành củi nỏ thi nhau cháy,
Than đỏ tung lên nắm bụi hường.

Những câu tâm sự, câu tâm sự...
Đã thốt ra từ miệng ái ân.
Bên đống than hồng, người khách trọ,
Má hồng như má gái đương xuân.

... Rồi một ngày sương, hai ngày sương,
Ngựa hồng chưa thấy thắng yên cương.
Ái ân làm ngắn ngày lưu luyến,
Cắt đứt bao nhiêu vạn dậm đường.

——————

Kể từ thu ấy mỗi thu sang,
Tôi thấy nàng đan áo vội vàng;
Tôi thấy nàng nhìn đôi nhạn nhỏ,
Bằng đôi mắt đẹp của yêu đương.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)