Đài gương kinh/3
3. — HỮU-ÁI
Ở với anh em chị em
Người ta không giống như gỗ, đá, cho nên có thân-tình. Có thân-tình, cho nên có thân-thích. Người con gái, trong lúc còn con gái, dưới hai thân thời đến anh em, chị em là thân hơn. Cớ vì cùng bố mẹ đẻ ra, giọt máu trước, giọt máu sau, dẫu đều thành hình riêng, nhưng tia mạch vẫn là một. Môi hở răng lạnh, cho nên em ngã chị nâng. Nhân một mối lòng tự-nhiên ấy mà sinh ra một đạo hữu-ái trong luân-thường. Anh em, chị em, nên phải thân yêu nhau, nhường nhịn nhau, bênh vực nhau. Anh em, chị em thân yêu nhau, nhường nhịn nhau, bênh vực nhau thời bố mẹ được vui lòng mà khí nhà hòa vượng; khí nhà hòa vượng thời giầu sang không tan nát, nghèo khó không lụn-bại; miếng cao lương phong-lưu càng đượm, bát canh rau thanh đạm mà ngon. Người con gái kia, không bao lâu đã đem cái bụng thân yêu về cùng với chồng con thời trong khi xum vui dưới bóng dâu, ngày tháng càng nên quí.
Đạo thánh tiêu hao, thói đời ghẻ lạnh, máu mủ như nước lã, ruột thịt như người dưng; đồng tiền phân bạc làm cho thân ra sơ, nhời ăn tiếng nói làm cho lành hóa giận. Một tấc lòng son đã đen bạc thời sau nữa ruộng nương nhà cửa, khó chi sinh kiện tụng oán thù? Thương thay mà nghĩ lại sợ thay! Có anh em, chị em, chớ để đến bận lòng cha mẹ.
Phương-ngôn: Anh em như chân như tay.
NÓI VẬT-LÝ. — Cây đậu, dẫu nó không biết gì, nhưng cũng có khí mạch, cho nên có mọc, có nhớn, có sống, có chết. Trong một cây đậu ấy, thân cây, lá cây và hột, cùng chung một khí mạch. Thế mà người ta lúc luộc đậu, thường hay lấy chã[1] nó để đun. Nghĩ chẳng thương thảm cho nó ru? Vậy xưa có bài thơ rằng:
Người ta luộc đậu, đun bằng chã,
Đậu ở trong nồi khóc lã-tã.
Khóc rằng: đôi ta cùng gốc lên,
Sao nỡ đốt nhau chi vội quá!
Bài thơ đó là của một người buồn vì nỗi anh em.
- ▲ Cây đậu đã đập lấy hột, còn thân cây phơi khô để đun, tiếng xứ Đoài gọi là chã.