Đài gương kinh của Tản Đà
4. — Hữu ái

4. — HỮU-ÁI

Ở với chị dâu

Một giọt máu đào tươi mát ấy, ngấm cho khắp một vòng hữu-ái thời có lan đến các chị dâu. Người con gái, đạo hữu-ái, thường-tình để lỗi nhất là sự ăn ở với chị dâu. Nhời ngạn có nói rằng: « Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng. » Cay nghiệt thói đời, xem một câu ấy đã hơn vẽ.

Thói đời cay nghiệt, chẳng qua vì: người chị dâu kia, nguyên không máu mủ gì mà cũng chen lẫn vào trong vòng ruột thịt. Cho nên kẻ em chồng điêu ác, càng cậy mẹ yêu chiều bao nhiêu, càng lành-tranh chua-chát bấy nhiêu; cái ăn việc làm, đặt không nói có, làm cho đến phải sầu phải tủi, khóc vụng thương thầm. Người anh giai thường biết thế mà không tiện ra nhời, bà mẹ đẻ thường bởi thế mà có chỗ thất đức, trong nhà cửa thường vì thế mà lắm sự không hòa. Sướng chi những thói chua cay, sao không nghĩ lại.

Sao không nghĩ: một người đàn bà ít tuổi đó, nguyên cũng liễu bồ bạn gái, lại trên có bố mẹ hỏi, cưới, mới về cùng anh mình làm lứa đôi; lúc khuya sớm, việc cơm canh, đã giúp đỡ trong sự hầu hạ được nhiều mà cửa nhà của cha mẹ gây dựng về sau, người ấy là người lo liệu. Cho nên chung bóng xuân huyên, họp thềm lan huệ, không máu mủ cũng gần như máu mủ, không ruột thịt cũng gần như ruột thịt; nào phải như hàng tổng với kẻ cướp mà ghét thù cho cam?! Vậy nên suy một bụng ăn ở với anh em, chị em mà nể trọng thân yêu, chẳng mười thời chín, chẳng cả thời nửa. Ở với chị dâu lúc làm gái, nên nghĩ đến lúc đi làm dâu.

Thời-ngữ: Con gái ở nhờ nhà con dâu.

NÓI VẬT-LÝ. — Đời mỗi ngày văn-minh, nghe người ta có phép đẵn cành cây nọ đem tiếp vào cây kia, như đẵn một cành đào đem tiếp vào cây mai, cắt một cành chà đem tiếp vào cây si mà liền được, sống được, cũng ra hoa có quả. Cây cỏ là loài vô-tri, chỉ nhờ khí mạch mà tiếp lại với nhau được như thế. Những người con gái ở tệ với chị dâu, chớ nên bảo cái cây là vô tình.