Đài gương kinh của Tản Đà
2. — Hiếu-thuận

2. — HIẾU THUẬN

Phàm người, con gái cũng như con giai, ai có thân đều là của bố mẹ sinh ra cả. Cứ hãng lấy một sự sinh mà nói, cái thân người con ấy đã là của bố mẹ sinh thời tức là của bố mẹ có; đã là của bố mẹ có thời dẫu làm khổ cái thân con cho bố mẹ được sướng, làm nhọc cái thân con cho bố mẹ được nhàn, thực cũng là một nhẽ rất tự-nhiên. Huống chi, sau lúc thân con mới sinh ra, bố mẹ khốn khổ là nhường nào, không cần kể, chắc ai cũng đã biết; lại từ khi thân con oe oe tiếng khóc, cho đến ngày mai-mái tóc xanh, bố mẹ khó nhọc là nhường nào, không cần kể, chắc ai cũng đã biết. Cái khốn khổ ấy, ai đền cho cái sướng? Cái khó nhọc ấy, ai đền cho cái nhàn? Có nhẽ trông vào người thiên-hạ được ru? Vậy, phàm người ai biết nghĩ, nghĩ đến chữ “cha sinh mẹ dưỡng” thời nên ở sao cho xứng chút tình làm con.

Người con gái, công-danh, sự-nghiệp, không có mong được như con giai thời muốn đền cái sướng cho bố mẹ về sự hiển vinh, nghĩ thật là rất khó; mười tám, đôi mươi, đã về làm dâu một nhà khác thời muốn đền cái nhàn cho bố mẹ về sự hầu hạ, cũng không được bao lâu. Cho nên phần hiếu-thuận của con gái, nhiều ở trong lúc còn con gái.

Đạo hiếu-thuận của con gái, ở cái gần, không cần ở cái xa, ở cái nhỏ, không cần ở cái nhớn. Cơm lành canh ngon, quạt nồng đắp lạnh, rãi lòng tấc cỏ, báo đáp ba xuân. Nay ví thử, lấy những bộ đạp nia đụng thúng mà đền công sỏ áo mớm cơm, đem những câu cảu-nhảu cằn-nhằn mà giả nghĩa tiếng ru trên võng thời bụng người con gái kia nghĩ sao?

Thời-ngữ[1]: Người ta, ai gặp chút khổ-sở, hay kêu cha kêu mẹ. Một tình mong ơn mãi đến già mà bụng biết ơn thường mất từ khi bé.

DẪN TRUYỆN.Đề-Oanh, con gái út Thuần-vu-Diễn là quan đời nhà Hán. Vu-Diễn phạm phải tội nhục-hình[2], bị bắt giam ở ngục. Nàng tự nghĩ không có cách gì cứu được bố, bèn đến cửa nhà vua dâng tờ thư trần tình, nói: « Thiếp thương cho kẻ đã chết không thể sống lại được, kẻ bị hình không thể liền lại được; dẫu muốn đổi lỗi sửa lại mình cho được mới mà không có cách theo. Vậy thiếp xin gán mình vào làm con ở của nhà-nước để chuộc tội cho cha; khiến cho được sửa mới mình lại.» Vua xem tờ thư, thương tình, rồi tha không cho tên Diễn và bỏ phép nhục-hình.

  1. Thời-ngữ — 時 語 — Câu nói của người hiện-thì.
  2. Nhục-hình – 肉 刑 — Phép làm tội có cắt chém đến da thịt, như cắt mũi, chặt chân...