Đài gương kinh/1
1. — NGHĨA CHỮ CON GÁI
Người, có đàn ông, đàn bà. Nói bên đàn bà.
Đàn bà, trừ một hạng giang-hồ giăng gió không kể, còn bao những người chính-đính có khuôn-phép thời khi chưa lấy chồng giở về trước, gọi là con gái.
Người con gái, dẫu cha mẹ sinh thành, tính-khí tư-chất có khác nhau, cảnh-ngộ an-bài, giầu sang nghèo hèn có khác nhau, nhưng cùng lứa đầu xanh tuổi trẻ, nương bóng xuân huyên, như một tấm lụa còn đương mắc ở trên khung cửi. Tấm lụa kia, dẫu chưa biết sau này may quần cắt áo ra làm sao; nhưng giữ sao cho trong sạch, không nhơ nhọ chút nào, dệt sao cho tốt vẹn, không dướch lỗi chút nào, để đợi ngày nấu trắng nhuộm hồng, mũi kim đường chỉ thời mới đáng giá cho sợi tơ. Tấm thân người con gái chính cũng như thế.
Cho nên lúc làm gái, duyên phận hay dở chưa đến thời bụng dạ còn thanh-minh, công việc lo liệu chưa đến thời ngày giờ còn nhàn rỗi. Đem cái bụng dạ thanh-minh ấy mà tu-tỉnh nết-na, lo gì không có đức; lấy cái ngày giờ nhàn rỗi ấy mà học tập làm ăn, lo gì không có tài. Có đức, có tài thời là một người con gái hiền; một người con gái hiền thời sau sẽ là một người đàn bà hiền; một người đàn bà hiền thời chồng con được trông cậy, bố mẹ được vẻ-vang, trong phúc trạch cho cửa nhà, ngoài danh-giá với làng nước. Quý lắm thay! trong thủa làm gái, đời người chia tư có một góc. Khó lắm thay! trong thủa làm gái, bé không vin, cả gẫy cành.
Phương-ngôn[1]: Một năm được mấy mùa xuân!
NÓI VẬT-LÝ.[2] — Một đời người con gái, xem có giống như cây đào. Cây đào kia, hoa đẹp là nhường nào! Quả ngon là nhường nào! Nhưng tất từ khi nó còn bé, có công người vun gốc và bắt sâu thời sau mới được thế. Sự vun gốc đó, tức như người con gái học tập làm ăn cho có tài; sự bắt sâu đó, tức như người con gái tu tỉnh nết-na cho có đức. Vậy có một bài nhời cây đào tự ngâm rằng:
« Thân em tên gọi cây đào,
Đẹp tươi hoa thắm, ngọt-ngào quả xanh.
Lá non mơn-mởn trên cành,
Cành non yểu-điệu như hình gái tơ.
Từ khi em bé đến giờ,
Bắt sâu vun gốc cũng nhờ tay ai.
Em trông con gái những người,
Khôn-ngoan đã sẵn có giời phú cho.
Thế mà nếu chẳng hay lo,
Biết đâu rồi nữa không thua cây đào? »