Đài gương kinh của Tản Đà
17. — Chức-nghiệp

17CHỨC NGHIỆP

Sách có câu rằng: « Một vạn thửa ruộng tốt, không bằng một cái nghề mọn thường theo mình. » Là nói: người ta có một cái nghề ở trong tay, dẫu nhỏ mọn, nhưng thường theo luôn ở mình, không khi nào bỏ mất, cho nên xem quí hơn của nổi, của chìm. Vậy thời người đàn bà từ lúc còn con gái mà đã có chức-nghiệp, sau khi lấy chồng này, có nhẽ không cần phải nói đến. Dẫu thế, sự tiện-lợi mỗi chỗ hoặc mỗi khác mà tình-cảnh của người ta không giữ được nhất-định. Nếu chỗ ở quê chồng cùng tình-cảnh nhà chồng mà hợp tiện với nghề-nghiệp của mình từ lúc còn con gái, thời một sự đó không cần phải nói lại. Nếu hoặc hai cái đó có khác thời nghiệp cũ không theo được; nghiệp cũ không theo được, nhưng tất phải cũng có nghiệp, thời phải tùy theo cảnh-ngộ mà xoay cách làm ăn. Cái tài-đảm ở đó, cái khôn-ngoan cũng ở đó.

Người nguyên có chức-nghiệp mà khi về nhà chồng hoặc nên phải xoay đổi, thời những người trước khi chưa lấy chồng, chót không biết chức-nghiệp là trọng, đến lúc ấy, lại cần kíp là nhường nào! Than ôi! Nước đến chân mới nhẩy, đã là một sự đáng lo thay; nước đến chân mà còn vẫn dửng-dưng, cái chết đuối định mong ai vớt? Trong thiên-hạ, những kẻ lười xưa nay, được ngày nào, qua ngày ấy. Nghĩ đến mà đáng ngán! Nghĩ đến mà đáng khinh!

Phương-ngôn: Đến sông tùy khúc.

NÓI VẬT-LÝ. — Con ong là loài vật nhỏ mà biết lấy nhị hoa gây mật, phòng những khi không có hoa. Bởi nó có nghề-nghiệp như thế, cho nên không khi nào phải đói, mà lại có ích được cho người. Ong đã biết gây mật, lại tùy mùa nào, lấy hoa ấy thời trong nghề-nghiệp của nó lại có cách biến-thông. Cho nên ong mật người ta quí.

Còn như con ve, mùa đông chỉ sẵn sương thời ăn, đến mùa hè không có sương thời đói ngay. Cho nên con ve sầu.