Xứ Bắc kỳ ngày nay/18
CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM
Người Bắc-kỳ ở ngoại-quốc
Người Bắc-kỳ xưa kia không dám đi ra ngoài địa-giới bản-xứ; không có người nào là có gan đi Trung-kỳ hay là Nam-kỳ. Như vậy thì ai mà có cái tư-tưởng đi ngoại-quốc bao giờ. Xưa kia cũng có người bản-xứ ở tại nước Xiêm, nhưng toàn là những người vì tôn-giáo, vì việc nội-loạn, hoặc là can án, phải đem thân đi ra ngoài bờ cõi để lánh nạn, chứ không phải là tự-do mà đi ngoại-quốc đâu.
Ngày nay, Đại-pháp đã làm cho người bản-xứ rất can-đảm về cuộc mạo-hiểm. Ở Đại-pháp nay có nhiều người Annam. Người bản-xứ nay đều cho là được sang Đại-pháp cũng như một sự hạnh-phúc vậy. Hoặc là đi du-học ở Đại-pháp, hoặc là để học các nghề, hoặc là đi theo người Đại-pháp nào làm thơ-ký, hay là làm bồi bếp. Trong khi chiến-tranh có 10 vạn người Đông-pháp, phần nhiều là người Bắc-kỳ đi sang Đại-pháp để dự cuộc chiến-tranh, làm việc trong các nhà máy, hay là làm việc thuốc thang cho những binh-sĩ bị-thương. Lại kể mấy nghìn người bản-xứ tùng-chinh ở nơi chiến-trận.
Tại Trung-hoa, ở những đất nhượng-địa của Đại-pháp như Thượng-hải và Thiên-tân cũng có hơn một nghìn lính bản-xứ; ngạch lính cảnh-sát này có đủ thế-lực để giữ yên trật-tự trong các phố cùng là khiến cho người Trung-hoa phải tuân hành lệ-luật. Có nghìn người Bắc-kỳ đi Thượng-hải để bán các hàng thêu.
Nhà soạn sách này lại có gặp nhiều người Bắc-kỳ buôn bán ở Sourabaia, thuộc về đảo Java, là thuộc-địa của nước Hà-lan.
Thế nhưng tại Úc-châu thì người Bắc-kỳ có một cái địa-vị rất là quan-trọng.
Úc-châu là một cõi quần-đảo, có nhiều những đảo lớn, cách xa Hải-phòng kể hàng đôi ba mươi ngày đi tàu biển. Những đảo ở Úc-châu thì đất rất tốt, khí-hậu lại điều-hòa. Một phần lớn những đảo này là thuộc-địa của nước Đại-pháp. Chỉ hiềm nỗi dân-cư ít ỏi lắm. Nhiều đảo thì dân-cư cũng mọi dợ như là dân Mọï ở miền nam Trung-kỳ.
Các nhà điền-chủ Đại-pháp ở Úc-châu có tuyển mộ người nhà-quê ở Bắc-kỳ, cho đem cả gia-quyến sang để giúp việc nông-phố. Việc nông-phố ở Uc-châu thì không cần phải khó nhọc, vì là giồng rừa; giồng café và cây Ca-cao. Người Bắc-kỳ sang làm ở Uc-châu thì mỗi gia-quyến có một cái vườn lớn để giồng các thứ rau và các thứ cây có quả. Đất ruộng rất tốt, loài gia-súc rất nhiều. Người Bắc-kỳ tới sinh-nghiệp ở những xứ xa xôi này thì kiếm được nhiều tiền, lại đều được khỏe mạnh. Xứ Bắc-kỳ rồi ra bán được nhiều hàng-hóa sang Uc-châu, gây nên một mối thương-lợi vĩnh viễn sau này.
Như thế, xứ Bắc-ky sẽ có ảnh-hưởng truyền đi những nước ngoài, khiến cho người Bắc-kỳ đều có giá-trị lớn đối với liệt-quốc vậy.
Nhưng muốn được như thế, nếu chỉ có kẻ lao-động, cùng là người làm ruộng và những thương-khách đi ra ngoài cõi thì cũng chưa đủ. Phải sao cho người ngoại-quốc trông thấy trong những người Bắc-kỳ ở những nước ấy thì có những hạng người học-thức nữa, như là thày-thuốc, thú-y viên, các nhà kỹ-sư cùng là những người làm quan nữa. Trong các thuộc-địa của Đại-pháp ở tại Uc-châu, hiện nay đương cần đến thày-thuốc, các nhà chuyên-môn về công-chính, cùng là những người làm việc sở bửu-điện. Vậy những người thiếu-niên bản-xứ phải cố học hành để sau nầy đương nổi những chức-vụ đó, mà hiện nay những người Đại-pháp ở những nước xa xôi ấy vẫn để giành phần cho người nước Nam này. Giả sử một ngày kia, ở các tàu biển có những quan đốc-tơ bản-xứ thì vẻ vang cho xứ Bắc-kỳ dường bao.