CHƯƠNG THỨ MƯỜI LĂM


Việc cải lương hương chính


Làng An-nam là một chính-phủ cộng-hòa nhỏ rất tự do. Việc chính-trị trong làng thì tùy theo tục-lệ, cho nên mỗi nơi một khác. Xưa nay thì những tục-lệ trong hương-đảng vẫn rất là chính-đáng. Thế nhưng tục-lệ hay thế nào thì dần dần cũng cải cách, sinh ra nhiều sự nhũng lạm, hoặc là có những tục-lệ không thích-hợp với sự nhu-yếu hiện-thời nữa. Ngày nay người ta năng đi lại hạt này sang hạt khác, quốc-dân đều lưu-tâm về những việc lớn trong nước, cho nên các làng đối với nhau, không xa-lạ như thuở xưa nữa. Lại nhờ về cái ảnh-hưởng do những tư-tưởng Âu-châu mà gây nên cái phong-trào mới: nhất là về hai cái lý-tưởng này: 1∘ Phàm những người chịu phần đóng góp trong làng, thì hàng xã chi-tiêu món gì đều phải hỏi ý-kiến người ấy trước: 2∘ những tiền của hàng xã đóng góp thì để chi tiêu về những việc công-ích của hàng-xã.

Thế nào là việc công-ích? Ngày xưa thì lấy việc húy-kỵ tổ-tiên, việc tế lễ, việc tuân-hành những cổ-tục cùng là cuộc trị-an trong hàng-xã là trọng. 1∘ nào là cuộc canh-phòng những gian-nhân ở ngoài, 2∘ nào là cuộc tuần-cảnh trong làng có những người nghèo khổ, hoặc có tính gian-đố, quen thói làm sự nhũng nhiễu. Những công-cuộc này thì phải duy-trì, không thể bỏ đi được. Thế nhưng, việc công-ích chẳng thế thôi đâu, lại còn nào là việc vệ-sinh, việc học-chính, đường-sá giao-thông. Về vệ-sinh thì cần phải có nước chong sạch để dùng về việc ăn uống, nhà cửa, phố xá phải sạch sẽ, phải có những vị thuốc để tẩy sạch những chỗ xú uế; những thuốc trị bệnh đau mắt; lại phải có những cô-hộ-sinh đã tốt-nghiệp, v.v. Việc học-chính thì phải có những giáo-viên để dạy học; và các giáo-viên để dạy các nghề; cùng là phải có những sách, v.v. Về đường đi thì trong các làng đều nên có những con đường lát gạch, có cầu, có phà để qua sông, và một con đường thực tốt từ trong làng ra tới quan-lộ.

Đó là những công-việc cần phải chi-tiêu đến một phần lớn công-ngân của hàng-xã mà xưa kia chỉ đem tiêu về việc linh đám cả; tiệc với đám thì chỉ một phần ít người được dự cuộc mà thôi.

Vì những lẽ đó mà nay có nhiều làng đã khẩn-cầu quan Thống-sứ chủ-trương và chỉ giáo về cuộc cải-lương hương-chính cho dân bản-xứ.

Một phố lát gạch ở Hữu-tư tỉnh Hàdông.

Ngày 12 août 1921, quan Thống-sứ đã công-bố để thi-hành hai đạo nghị-định. Một đạo nghị-định thì đặt ra điều-lệ hương-chính: 1∘) là việc tuyển-cử các chức-dịch trong hương-hội. 2∘) cái nhiệm-vụ của các hội-viên.

Đạo nghị-định kia thì đặt thể-lệ các sổ dự-toán; có kê ra những khoản thu mà nghị-định cho phép bổ bán ở trong làng. Như vậy thì những nhà đóng góp đều biết rằng món gì là phải tuân-hành và khoản nào là không ai cưỡng bách được. Trong nghị-định lại ấn-định về những số thu-nhập thì chi-tiêu về những khoản nào, để cho sự chi-tiêu không hỗn độn.

Cái mục-đích cuộc cải-lương hương-chính là để cho công-việc trong hương-đảng có trật-tự, minh-bạch và công-bằng, tránh khỏi những sự nhũng lạm, xa xỉ trong các khoản chi-tiêu.

Chính-phủ Bảo-hộ mong rằng người bản-xứ mà tập quen việc quản-trị trong hương-đảng thì sau này sẽ có tư-cách để đảm-đang những công-cuộc chính-trị của quốc-gia.

Thế nhưng phàm những công-cuộc cải-cách về phong-tục thì phải lâu ngày và khôn khéo lắm mới thành-hiệu. Vì thế chính-phủ Bảo-hộ không đặt lệ cưỡng-bách cuộc cải-lương hương-chính; nay mới thí-nghiệm trong những làng quan trọng; cuộc thí-nghiệm dần dần có công-hiệu thì cái chính-sách cải-lương sẽ truyền bá đi khắp các làng khác.

Ở nhiều làng thuộc về tỉnh Hà-đông, cuộc cải lương đã công-hiệu một cách rất là hoàn toàn.

Máy lọc nước ở Thanh-Liệt tỉnh Hadong.

Trông thấy những làng đã cải lương mà vui lòng hả dạ — như làng Thanh-liệt đã xây cái bể lọc bằng cát để lọc nước lấy ở các giếng. Có một cái bể để đựng nước lọc. Cái bể này xây kín để bụi bậm và ruồi bọ không lọt vào nước được. Lấy nước trong bể ra thì có máy bơm. Cách xa chỗ bể chứa nước lọc thì hàng xã có làm một cái chợ, có mái thực lớn. Trong làng, lại có một tràng học rất hợp cách và một ấu-trĩ-viên.

Ấu-trĩ-viên là gì? Là một nơi rào xung quanh, giả sử ở gần đình làng thì tiện lợi hơn cả, có cây lớn nhiều bóng rợp, lại có một gian nhà. Những trẻ con mà bố mẹ nghèo hèn, suốt ngày phải đi làm ruộng hay làm phu vắng nhà không thể chăn nuôi được thì đem gửi tại ấu-trĩ-viên.

Tại Ấu-trĩ-viên thì người bảo-mẫu — là người mà làng hay hội cấp lương cho — để trông nom những trẻ con. Người bảo-mẫu vốn đã quen việc săn sóc trẻ con thì hằng ngày lấy xà-phòng mà rửa dáy cho những đứa trẻ dơ bẩn, tập cho chúng nó quen tính sạch sẽ. Đứa trẻ nào đau mắt thì rửa mắt và cho thuốc. Hằng ngày thì người bảo-mẫu lại thổi cơm để cho đứa trẻ nghèo khó đều được ăn một bữa cơm nóng. Trẻ con được chăn nuôi như thế, tất ngày thêm mạnh khỏe. Trẻ con đương cái tuổi này mà không có người trông nom cho như thế, thì rất hại cho đường vệ-sinh. Chỉ vì trẻ con không có người chăn nuôi, săn sóc về sự vệ-sinh mà thường có những kẻ tàng tật, suốt đời phải nương nhờ hàng xã nuôi báo cô. Những trẻ con được chăn nuôi hợp phép vệ-sinh ngay từ thuở nhỏ thì trở nên những kẻ lao-động sức-vóc, hoặc làm ruộng, hoặc làm thợ để cùng nhau làm cho hàng-xã được thịnh đạt. Tại làng Thanh-liệt nay đương vận-động để làm một sở rặt có mái, ngay ở dọc sông.

Tại Khương-thượng thì Ấu-trĩ-viên rất là chỉnh-đốn, cho nên sự kết-quả thực là hoàn toàn. Làng này lại dạy làm các nghề mọn, vì không đủ ruộng để cho trong làng sinh nhai. Nay có gây ra nghề dệt thứ vải mường.

Những ấu-trĩ-viên ở làng Xuân-tảo và ở làng Đại-mỗ cũng đáng làm mẫu-mực cho các làng khác bắt chước.

Ở làng Hữu-tư, dân thì đông, mà ruộng thì ít, cho nên phải kiếm lợi khác, thường hay nấu rượu lậu. Vì thế hay có sự khó-khăn với sở Thương-chính, mà bị kiện luôn luôn. Làng này cũng đã cải-lương hương-lệ, cho nên để được khá tiền làm việc công-ích, như là: có con đường lát gạch dài hai ki-lô-mét; có nhà xí chung, có vườn công cho trẻ con chơi đùa. Có đặt ghế ở dọc bờ sông, để người đi lại ngồi nghỉ chân hay là hóng mát; có vườn giồng hoa tứ-thời; trong làng nhờ về những công-cuộc ấy, cho nên sạch-sẽ lắm.

Lại có lập ra những xưởng để dạy các thứ kỹ-nghệ như nghề chạm, nghề đóng các thứ đồ gỗ, nghề làm quạt và ô giấy theo lối Nhật-bản. Những nghề này lợi hơn là nấu rượu lậu, mà tiệt hẳn được những nỗi can thiệp với sở Thương-chính.

Từ nay các làng cải-lương vừa sạch-sẽ, vừa phong quang, vừa sung túc, thành ra những gương tốt cho các làng khác noi theo, khiến cho cuộc cải-lương hương-chính truyền bá đi khắp trong cõi, như là vết dầu nhờn trên mảnh giấy vậy.