Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính
Ca ngâm khúc điệu

7.— CA NGÂM KHÚC ĐIỆU.— Ca ngâm khúc điệu là những bài hát, có khúc có điệu, thể cách khác nhau cũng nhiều, có điệu 4 chữ, có điệu 5 chữ, có điệu 7 chữ, có điệu không cứ dài vắn chừng nào, có điệu mỗi câu đệm một chữ « hề », có điệu phải hợp vào bài đàn, phải buộc theo các tiếng cung, thương, giốc, trủy, vũ tức là những tiếng hò, sừ, sang, sế, lưu, ú, cống v.v.

Điệu 4 chữ nên gọi là tứ tự ca, điệu 5 chữ nên gọi là ngũ tự ca, điệu 7 chữ nên gọi là thất tự ca, điệu bất cứ dài vắn nên gọi là tràng đoan cú ca, điệu có chữ « hề » nên gọi tạm là cổ thế ca. Còn như những bài buộc theo tiếng đàn nên gọi chung một tiếc là ca khúc. Nay mỗi thể trích ra một bài hoặc một vài đoạn văn cổ như sau này:


Tứ tự ca
Bài ca « Minh lương » của vua Thuấn.
Nguyên văn

Nguyên thủ minh tai!
Cổ quăng minh tai!
Thứ sự khang tai!

Ngu thư

Dịch văn

Nhà vua sáng thay!
Bày tôi hiền thay!
Mọi việc yên thay!


Ngũ tự ca
Bài ca « Chính khí » của ông
Văn-thiên-Tường.

Nguyên văn (trích một đoạn)

Thiên địa hữu chính khí,
Tạp nhiên phú lưu hình.
Hạ tắc vi hà nhạc,
Thượng tắc vi nhật tinh.
Ư nhân viết hạo nhiên,
Bái hồ tắc sương minh,
Hoàng lộ đương thanh di,
Hàm hòa thổ minh đình,
Thời cũng tiết nãi hiện.
Nhất nhất thùy đan thanh.

(Cổ văn)


Dịch theo lối lục bát

Một vừng chính khí xưa nay,
Lưu hình rộng khắp dưới dầy trên cao.
Trên cao kia những giăng sao,
Dưới dầy san sát biết bao sơn hà.
Hạo nhiên[1] ở tại người ta,
Nở ra dường khắp mấy tòa mờ xanh.
Đương cơn hoàng-lộ[2] thanh bình,
Ngậm mầu trước chốn minh-đình[3] ai hay.
Khi cùng mới tỏ lòng ngay,
Mỗi người một vẻ chép đầy sử xanh.


Thất tự ca
Bài ca « Tràng-hận » của Bạch-lạc-Thiên.
Nguyên văn (trích một đoạn)

Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc,
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc.
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,
Dưỡng tại thâm cung nhân vị thức.
Thiên sinh lệ chất nan tự khí,
Nhất chiêu tuyển tại quân vương trắc.
Hồi đầu nhất tiếu bách mỵ sinh,
Lục cung phấn đại vô nhan sắc.

(Cổ văn)


Dịch theo lối song thất lục bát

Vua nhà Hán nhớ người sắc nước,
Năm lên ngôi ao ước những ngày.
Họ Dương có gái sinh thay!
Nuôi trong cung cấm ai hay phẩm bình.
Người nhan sắc trời sinh sao bỏ,
Một sớm mai gập gỡ quân-vương.
Miệng cười trăm vẻ nở nang,
Sáu cung son phấn kém đường điểm tô.


Tràng đoản cú ca
Bài ca đề bức tranh sơn thủy của Ngô-dung.
Nguyên văn (trích một đoạn)

Nhật bất lạc hề, nguyệt tràng sinh,
Vân phiến phiến hề, thủy linh linh.
Kinh niên hồ-điệp phi bất khứ,
Lũy tuế đào-hoa kết bất thành.
Nhất phiến thạch,
Sổ châu tùng.
Viễn hựu đạm,
Cận hựu nùng.
Bất xuất môn đình tam ngũ bộ.
Quan tận giang sơn thiên vạn trùng.

(Cổ văn)


Dịch theo nguyên điệu

Thỏ không lặn hề ác không tà,
Mây pháp phới hề nước tuôn ra.
Bướm nọ quanh năm bay vẫn đó,
Đào kia trải tháng nở còn hoa.
Vầng đá trắng,
Khóm thông già.
Mầu nhạt nhẽo,
Vẻ đậm đà.
Không ra khỏi cửa năm ba bước,
Xem hết non sông muôn dặm xa.


Cổ thể ca
Bài ca thương nhớ cha mẹ.
Nguyên văn

Ai ai hề sinh ngã cù lao,
Hải chi khoát hề thiên chi cao!
Cung tử chi chứ hề vị báo ty hào,
Hà kỳ kiều mộc hề phong dao dao!
Nhất khứ thiên lý hề bộ thiều thiều.

Mộ mộ hề chiêu chiêu,
Hà dĩ giải ưu hề, ngã tâm điêu điêu!
Tuy nhan như tiếu hề điện như kiều.
Nãi thương tâm hề, hận vị báo ư chung tiêu!


Dịch theo nguyên điệu

Thương thương hề sinh ta nhọc nhằn,
Bể rộng minh mông hề trời cao vô ngần.
Ngờ đâu cây cao hề gió động lay thân!
Dường tít nghìn dặm hề xa lánh cõi trần.
Sớm tối hề lần lần,
Sao cho khuây khỏa hề, ruột đau như rần!
Dù ngoài mặt hề tươi như hoa xuân,
Mà thâu đêm hề, quặn đau khúc ruột tư thân.

   




Chú thích

  1. Hạo nhiên là khí trung nghĩa.
  2. Hoàng lộ là đường lớn, tức là thiên hạ.
  3. Minh-đình là triều-đình lúc thịnh.