IV.— Kết-luận

Nói tóm lại, ở trong công-việc vận-động, cốt nhất là sức tự-động của phụ-nữ. Muốn biết đường xa hay gần, thì không chi bằng chính thân mình đứng dậy ra đi, một ngày đi đường, công-hiệu hơn một năm đọc sách địa-dư. Muốn biết nghề khéo hay vụng, không chi bằng thực-tập lấy nghề. Một năm tập nghề, công-hiệu hơn mười năm học trường công-nghiệp. Bởi vì: trí-thức nếu cầu ở người dậy thì trí-thức là trí-thức của người, mà mình không bao giờ khỏi vòng ỷ-lại; âu là cầu trí-thức ở nơi mình thực-tập, thì trí-thức ấy là mình tự-đắc, mà mình mới nên một người tự-cường. Mình muốn nấu ăn cho sành thời mình phải xuống bếp, mình muốn buôn-bán cho sành, thời mình phải vào chợ, chị em ta muốn trí-thức cho rành, thì xin thực-hành lấy những chủ-nghĩa như trên kia.

Người xưa có câu nói rằng: « Kinh nhất biến, trưởng nhất tri. » Nghĩa là: « Trải qua một phen sự-biến thì thêm được một món trí-khôn ». Tục-ngữ ta cũng có câu rằng: « Có đứt tay mới hay thuốc. » Bây giờ ta cứ giữ lấy những chủ-nghĩa ta mà ráng sức thực-hành. Nhân luyện-tập mới nảy ra khôn-khéo, nhân thất-bại mới đẻ ra thành-công, có lo gì trí-thức mình chật-hẹp nữa đâu!

Tôi thấy những người hữu-tâm, ở đời bây giờ, bàn đến vấn-đề phụ-nữ, thì chỉ lo vì không trí-thức; bàn đến vấn-đề trí-thức phụ-nữ, thì chỉ lo vì không có giáo-dục. Than ôi! Dựa cửa tối ngày, chỉ những lo trời sập; đắp chiếu tối ngày, chỉ những lo đường dài, nghĩ cũng đáng tức cười thiệt!

Muốn hay bơi mà không giám xuống sông, muốn hay trèo mà không thèm lên núi, có bao giờ được đâu! Bây giờ ta cứ xuống sông, ta bơi liều thì chẳng bao lâu mà nghề bơi cũng phải thạo; ta cứ lên núi, ta trèo bướng, thì chẳng bao lâu mà nghề trèo chắc phải nhanh.

Xin chị em ta cứ cầu trí-thức ở nơi thực-hành, không cầu trí-thức ở nơi giáo-dục, bởi vì đời bây giờ những cơ-quan giáo-dục rặt là cơ-quan hủ-bại, cầu với gia-đình thì gia-đình quá mù-mịt; cầu với quan-phủ, thì quan-phủ quá tối-tăm; họ đương ra sức bưng-bít trí-thức mình; có ai là người mở trí-thức cho ta, chỉ có trong thời thần lương-tri của mình, ngoài thời phong-triều mới của thế-giới. Thần lương-tri đó tức là đèn soi đêm; phong-triều mới của thế-giới đó tức là chuông thức ngủ, chị em ta còn phải ỷ-lại vào ai nữa đâu? Vậy nên tôi nói rằng: « Nhứt-thiết công-việc vận-động chỉ trông vào sức tự-động của các chị em. »

HẾT