Vấn đề phụ nữ/III
III. — Phụ-Nữ-Vận-Động
Phụ-nữ vận-động là một việc cần-thiết trong xã-hội đời bây giờ, nhưng món ta muốn bắt tay vào làm việc vận-động, thời trước phải nhận cho minh-bạch những đều nầy:
1° Phải biết phụ-nữ là một hạng người không thiếu được ở trong loài người;
2° Phải biết phụ-nữ là một suất dân không thiếu được ở trong dân nước.
3° Phải biết phụ-nữ là một bộ-phận rất lớn ở trong xã-hội.
Ba đều đó đã biết được rành-rỏi rồi có thể định được cái phương-châm vận-động.
Phương-châm vận-động có bốn điều.
1° Mở-mang về đường trí-thức của phụ-nữ.
2° Liên-kết đoàn-thể của phụ-nữ.
3° Chấn-hưng chức-nghiệp của phụ-nữ.
4° Nâng cao địa-vị của phụ-nữ.
1) Bốn điều trên kia đã nói đó, rất cần-cấp là điều thứ nhứt, tức là mở-mang về đường trí-thức của phụ-nữ.
Đi con đường muôn dặm, trí-thức là con mắt nhìn đường, nếu mắt mù thời minh-mông dặm quạnh, chỉ những nghe mà kinh hồn; lên ngồi tháp chín tầng, trí-thức là cái chưn bước bậc, nếu chưn què thời chót-vót đỉnh cao, chỉ những trông mà khiếp vía, trí-thức phụ-nữ còn thấp-hẹp như bây-giờ, mà đã nói “Nữ-Quyền” thiệt là quá vội. Vậy nên muốn nói nữ-quyền tất trước phải mở-mang về đường trí-thức.
Các chị em ơi! Đã biết mình là một hạng người mà không phải trâu ngựa hay chưa? Đã biết mình là một phần quốc-dân mà không phải con hầu đứa ở hay chưa? Đã biết bạn đàn-bà con-gái là một bộ-phận lớn ở trong xã-hội mà không phải « ký-sinh-trùng » hay chưa?
Than ôi! Mấy nghìn năm lịch-sử, bưng tai che mắt, trói chân, buộc tay, dạy-dổ ở trong gia-đình chỉ là dạy-dổ cho làm trâu ngựa. Đòn ách của cha mẹ, giây cương của ông chồng có « tắc tắc » thời mới dám đi, có « tới tới » thời mới giám bước. Trót một đời người chỉ là một bộ máy bị-động mà không được tự-động một tí nào. Vì bưng quá kín mà mắt phải thêm mù, vì bít quá dày mà tai phải thêm điếc; trí-thức bọn phụ-nữ ta còn mong gì được cao xa nữa! Gần mấy năm nay, đàn-bà con-gái cũng đã có ít nhiều người biết ham học, nhưng thử hỏi trong khi học đó có một thì giờ nào bàn-bạc đến cách làm người không? Có một chương-trình nào giảng đến cách làm quốc-dân không? Có một người thầy và bạn học nào giãng đến nghĩa-vụ ở xã-hội không? Xét cho kỹ đến nội-dụng, thăm cho thấu đến tâm-lý, chẳng qua một vài chai nước bông, một vài hộp phấn sáp thêm lợi-ích cho tuồng oanh vẻ yến, năm ba chữ a. b. c., một, vài tiếng « bông-sua » « mét-xì » thêm trang-điểm cho bầy trăng bạn gió.
Học-hành như thế, dạy-bảo như thế còn trí-thức gì hay đâu? Huống gì hoàn-cảnh chung quanh thì tối đen như mực, mây-mù xã-hội thì dày nghịt như màng! Các chị em ta hãy còn trách-móc vào cha anh nữa ru, hãy còn trông ngóng vào quan thầy nữa ru? Gương trí thức ta, nếu ta không mài cho trong, còn ai là người mài hộ? Đèn trí-thức ta, nếu ta không khêu cho rạng, còn ai là kẻ khêu giùm? Trông tiền-đồ của các chị em, thời trí-thức các chị em cũng chỉ duy các chị em mình tính lấy cách mở-mang, tìm lấy đường mở-mang mà không cầu hỏi đến người ở ngoài. Đó thật là một cái đạo-lý rất phải, mà cũng là một cái kế-hoạch rất hay.
Người Tây nói rằng: « Giây trói-buộc ở tay mình, thì tất phải lấy tay mình mà tháo-mở ra. » Nghĩa là muốn mở cái giây trói-buộc ở tay mình, không có thể cậy sức người khác được. Hiện đời bây giờ người ta đương ra công bưng-bít trí-thức chị em, các chị em há phải không tay chưn, không đầu óc mà đành lòng chịu mãi thế ru? Lưới trùm trước mặt ta, ta không cổi thì ai cổi? Đinh đóng bên tay ta, ta không rút thì ai rút? Bà Rô-Lăng (Mme Roland) bà Răn-Đa (Jeanne d’Arc) há phải một non sông nước Pháp mới đúc nên, cô Trịnh-Dục-Tú, Bà Hà-Hương-Ngưng, há phải một trời đất Trung-Hoa mới sản-xuất! Xin các chị em dùng sức tay chưn mình thề chống-chỏi với ma hắc-ám, dùng sức đầu óc mình thề đua-đuổi với bạn văn-minh, dùng cái sức tự-động của mình mà mở-mang lấy trí-thức mình; gương mình mình mài cho sáng, sẽ soi khắp các bạn quần-thoa; đèn mình, mình treo cho cao, sẽ dọi khắp cả phường cân-quắc, có khi nhả lưỡi, « Phật-bà thuyết-pháp » mà mở tai cho những món kẻ chợ, nhà quê; có khi múa tay « Thiên-nữ tán hoa » sẽ mở mặt cho món buồng sâu, hang tối; thổi lò văn-hóa sẽ đúc nên nàng Thu-cận vô-danh, luyện đá anh-hùng, để mài nên chị Mộc-Lan bất-tử. Trí-thức phường phụ-nữ ta, họa có một ngày nở như hoa, ra như giống, mống như măng, thiệt chỉ trông vào sức tự-động của các chị em mà không cần nhờ gì ai cả.
2. — Bây giờ mới nói đến cách liên-kết đoàn-thể của phụ-nữ
Đoàn-thể ở nước ta dầu phe trai còn ít ỏi lắm, huống gì phe gái, nhưng việc thiên-hạ đã chắc đâu con-gái mà không hơn con trai ru? Hoa mùa xuân chưa nở, khi đã nở thì muôn tía nghìn hồng, sóng thủy-triều chưa lên, khi đã lên thì tràn sông lấp hói. Đoàn-thể của phụ-nữ, ai bảo rằng không kết-hợp được đâu? Tuy-nhiên, nói về phần lý-luận, thời đoàn-thể của phụ-nữ vẫn không khó gì, mà xét về phần sự-thật thời đoàn-thể của phụ-nữ thật chưa tầng thấy, đó há phải việc không làm được đâu, mà thực chỉ vì không hay làm mà thôi. Kìa bầy ong xây nên đoàn mà làm được ổ, kìa bầy kiến nhóm nên đội mà xoi được hang, nó chỉ vì phòng-vệ mình nó mà đoàn-thể nó không bao giờ tan, huống gì trí-thức bạn phụ-nữ ta, có lẽ thua ong kiến nữa sao?
Nhưng sở-dĩ không làm nên đoàn-thể được thời chỉ vì có hai lẽ: một thời vì lòng lợi-kỷ quá nặng mà chưa nghĩ điều lợi-ích chung; hai là vì tính tập-quán quá sâu, mà không dám nghĩ đến việc cải-cách. Vì hai chứng bịnh đó mà đoàn-thể phụ-nữ khó gây nên, vẫn có thế thiệt.
Nhưng muốn chữa hai chứng bịnh đó cũng không khó gì, xin các chị em, trong thời hỏi với thần lương-tri của mình, ngoài thời hấp lấy tư-tưởng mới của thế-giới, bảo rằng lợi-kỷ có gì lợi hơn khôi-phục quyền người nữa đâu? Muốn khôi-phục quyền người tất phải nhóm hợp cả thảy người đồng một lòng, đều một sức bẻ, đôi cái gông « vô-đạo », chặt đứt cái xiềng « bất-nhơn », khiến cho cái ma cướp-bóc quyền mình, phải lượm tay, cúi đầu mà nhường mình lên đài bình-đẳng. Bấy giờ mới khôi-phục được quyền người. Việc lớn-lao như thế, há phải một cô nào, một bà nào làm được xong rư? Nhóm trăm, nghìn tai, mắt lại làm thông-minh, kết trăm, nghìn chân, tay lại làm thế-lực, gây nên một đoàn-thể cho dày-dặn, cho vững-vàng, dắt nhau đứng dậy, sẽ dựt lấy quyền người, quyền người đã khôi-phục tức là khôi-phục được quyền của mình, khôi-phục được quyền của mình có lợi gì lớn hơn nữa? Theo như lòng lợi-kỷ của chị em, thì chắc cái việc kết-hợp đoàn-thể, ai nấy cũng hoan-nghinh mới phải, là bởi vì kết-hợp đoàn-thể đó tức là bắc một cái thang cho ta lên tháp nhân-quyền đó vậy. Nhưng còn khốn-khổ vì một nỗi, người ta yêu thường, giữ cũ, quen nhát, sẵn lười, vết tập-quán từ xưa tới nay, muốn một mai cải-cách vẫn chưa dễ. Tục-ngữ thường có câu: « Cơm ai đầy nồi nấy », lại có câu « Chuột bầy không đào nên lỗ » Chị em ta phải biết rằng những đều tập-quán đó làm tai-hại cho dòng họ ta không biết là bao nhiêu. Ngày xưa còn đang giấc mê say, cho nên nỗi phải ăn nhờ ở mướn, ngày nay đã biết phương tự-lập, sợ gì không đổi lối, thay đường, kìa tập-quán há có phải thiên kinh địa nghĩa gì đâu, chẳng qua khi chúng mình dại thì tập-quán mới bó-buộc được mình, bây giờ món mình đã khôn-ngoan, thì phải lấy chí-khí mình mà đánh đổ tập-quán. Cái câu « Chuột bầy không đào nên lỗ » đó chị em chớ có nghe, những món râu mày nộm kia, nó đánh lừa bắt nạt các chị em, mà chị em nỡ đem vóc thông-minh, tài lanh-lợi của mình để đứng vào vòng trâu ngựa mãi mãi. Theo như các lý-luận trên đó, thì kết-hợp đoàn-thể phụ-nữ là một việc cần-cấp ở đời bây giờ. Nếu muốn khôi-phục quyền người, việc đó lại càng cần-cấp lắm.
3. — Lại còn có một vấn-đề cũng cần-cấp lắm, là vấn-đề Phụ-nữ chức-nghiệp, vì muốn liên-kết đoàn-thể mà vấn-đề chức-nghiệp của Phụ-nữ không có thể bỏ suông mà không kể đến.
Xưa nay hễ một đoàn-thể nào, tất phải có một món chức-nghiệp của đoàn-thể ấy, sẽ làm nền móng cho đoàn-thể, vậy sau đoàn-thể mới được vững-bền mà huống gì đoàn-thể của phụ-nữ thời lại cần có chức-nghiệp lắm, bởi vì đã gọi rằng một đoàn-thể tất phải nhóm-họp từ năm người cho đến mười người, cho đến trăm người, nghìn người, vạn người; rất nhiều thì kể có vạn người sắp lên, rất ít cũng phải kể mười người sắp xuống, có thế mới là thành một đoàn-thể, mà một đoàn-thể đó há có lẽ nhóm-họp nhau mà ăn rư? Nếu như thế thì đậu mỗi người mấy cắc bạc mà quà bánh, rượu chè; hao mỗi người mấy thì giờ mà trăng-hoa cười-cợt. Lúc đầu thì vì lợi mà nhóm, chẳng bao lâu thì lợi hết mà tan; bắt đầu thì tìm thú mua vui, kết-quả vui chưa xong mà buồn đã tới, tiếng reo cười vừa ở trong cửa mà tiếng chửi mắng đã bay khắp láng diềng, cuộc vui vầy chưa kịp mở-mày, ma sầu khổ đã theo tận gót. Ôi! đoàn-thể mà chỉ đoàn-thể như thế, âu là không đoàn-thể chẳng hơn ru? Thì-giờ nên báu-quí mà nỡ vất vào giấc chiêm-bao, tiền của đáng giặt-giè mà nỡ đeo vào đường vô-ích. Cái tệ-hại không chức-nghiệp đó, nếu chị em ta không gấp lo chữa đổi, thì bao giờ kết được đoàn-thể đâu! Vì vậy vấn-đề chức-nghiệp của phụ-nữ là một vấn-đề rất quan-trọng ở trong vấn-đề đoàn-thể phụ-nữ đó vậy. Cứ nguyên-lý Trời Đất sinh ra vạn vật, hễ một giống vật gì tất sẵn trao cho một cái chức-nghiệp; con tầm kia không ai thưởng mày-đay cho nó, mà nó cứ siêng quay tơ, con nhện kia không ai đánh ba-toong (bâton) vào nó, mà nó cứ chăm dăng lưới. Gà siêng gáy đêm, nó có mong gì phẩm-hàm đâu? Ong siêng gầy mật, nó có mong gì tiền của đâu? Trời sinh ra nó đã có cái chức-nghiệp sẵn rồi, đó là trí-khôn tự-vệ của nó mà cũng là sức tự-động của nó. Vật còn như thế, huống gì người mà không có chức-nghiệp được sao? Quá ngán cho thế-tục đời bây giờ, thường xem người ở nể, ngồi không làm sang trọng, mà xem người lao-tâm, lao-lực làm thấp hèn; mà lạ thứ nhất lại là phường phụ-nữ; khi trẻ thì ỷ-lại vào cha mẹ, khi lớn thì ỷ-lại vào chồng con. Vì ỷ-lại mà sinh ra nết ăn chơi, vì ăn chơi mà càng thêm tính ỷ-lại. Khi năm ba người ngồi lại, chẳng đánh bài đánh bạc, thời đối mách, đối lai, không bao giờ có đoàn-thể hay, thì tất-nhiên có đoàn-thể xấu.
Suy cho đến nguyên-cố thời chỉ vì không có chức-nghiệp mà thôi. Tuy cũng có một vài người, sẵn tính siêng-năng, chăm đường làm-lụng, suốt đêm tối ngày ngồi trên bàn cung-cửi, quên ăn quên ngủ, chăm những việc tơ-tầm; chức-nghiệp họ tuy chưa lớn-lao gì, tuy chưa ảnh-hưởng gì đến xã-hội, nhưng mà so với món nuôi ngón tay thắp bút, chuốt bộ tóc seo gà, nhởn-nhơ đủng-đỉnh cho ra dáng bà quan, lơ-lửng dông-dài cho đúng tuồng cô cả, thời họ vẫn đáng khen không biết chừng nào, mà lại bị những mắt cận-thị của những món tầm-thường, miệng đảo-điên của phường bạc-ác, trở lại xem những người làm ăn khó-nhọc, kể cho bực khổ-cực hư-hèn. Than ôi! Có chức-nghiệp mới là loài người, có chức-nghiệp mới là nghĩa-vụ làm đàn-bà con-gái, kể về đường sinh-hoạt, thời tất phải có chức-nghiệp mới hay lâu dài; kể về việc xã-hội, lợi-ích chung thời lại cần phải mỗi người có mỗi chức-nghiệp.
Đời xưa có câu nói rằng: « Một người trai cày, mười người ngồi mà ăn; một người gái dệt, muời người xúm mà mặc. »
Muốn nhà giàu nước mạnh, quyết không thể được đâu. Vì vậy, tất phải nhiều người cầy thì xã-hội mới được đều no; tất phải nhiều người dệt thì xã-hội mới được đều ấm; mỗi người có mỗi chức-nghiệp, đó là hạnh-phúc cho xã-hội không biết bao nhiêu. Nói trái lại thì, nhiều người không chức-nghiệp là tai-hại cho xã-hội không biết bao nhiêu, mà thảm-hại thứ nhứt lại là đàn-bà con-gái.
Thử xem những người: khi còn cha, còn mẹ thì thong-thả, phong-lưu, khi nhờ chồng, nhờ con thời bảnh-bao, lòe-loẹt; chẳng may cha mẹ mất, chồng con không, thời sinh-hoạt đã không trơn mà thân-danh cũng hỏng trớt. Xưa vẫn cô nầy thím nọ, nay hóa ra đĩ nọ bợm kia, bán da-thịt làm sinh-nhai, mượn phấn-son làm nghề-nghiệp, kể đáng đau, đáng khóc ở trong loài người, có gì thảm hơn thế nữa.
Thưa các bà, các cô thím, các chị em, thử đặt lòng vào thế-đạo, thử ghé mắt vào nhân-quần, còn ai bảo rằng: phụ-nữ chức-nghiệp là không cần-thiết được đâu!
Vả lại, cứ nguyên-lý xã-hội-học, thời không kể phe trai hay phe gái, ai cũng phải có mấy câu này:
MỘT RẰNG: Ai nấy cũng phải hết cái sức mình làm được, ai nấy cũng được lấy cái giống mình cần-thiết;
HAI RẰNG: Ai đã ăn thời phải làm, ai có làm thời có ăn;
BA RẰNG: Hễ những người không lao-động thì không được ăn.
Xem như những câu đó, thiệt chí công-bình, thiệt rất chính-đáng, há có lẽ đâu: con trai có làm mới được ăn, mà con gái thời lại không làm mà cứ được ăn ư?
Thế mới biết rằng, chức-nghiệp của phụ-nữ, tức là tính-mệnh của phụ-nữ, mà những người phụ-nữ nào không có chức-nghiệp, ấy là một giống sâu mọt rất to trong xã-hội.
Phụ-nữ tất phải có chức-nghiệp còn nghi-ngại gì nữa đâu!
Tuy-nhiên, có một lẽ: chức-nghiệp có dễ có khó, có nhỏ có to, việc gì dễ và nhỏ, thời một hai người có thể làm xong; việc gì khó và to, thời tất phải trăm đầu, nghìn não, muôn chân, ức tay, mới có thể cất nổi. Chị em ta, nếu không bàn tới nữ-quyền thì thôi, nhược-bằng bàn tới nữ-quyền, muốn sánh-địch với nam-quyền thời tất phải tính một chức-nghiệp gì khó và to, ngang xem bốn bể, dọc kể nghìn thu, chức gì đây, nghiệp gì đây? Món râu mày đã chịu nhát cam hèn, thời phường khăn yếm ta quyết bay trên chạy trước, có như thế mới mong nói được nữ-quyền, là bởi vì cái nữ-quyền đó không phải xin-xỏ với ai, mà ai cho, cũng không lẽ thua kém với ai, mà ai nhượng.
Tục-ngữ có câu: « Có cứng mới đứng đầu gió. » Chị em ta thử tìm-kiếm một chức nghiệp gì cho to và khó ta làm chơi.
Thân bồ-liễu há có hèn đâu, xúm cả mười ngón tay mà dệt-thêu sông núi, miệng yến-anh há có nhược đâu, múa tung ba tấc lưỡi mà hò hát sấm mưa. Chị em nếu biết chức-nghiệp của phụ-nữ là rất có lợi-ích với nhân-quần, là rất có ảnh-hưởng với thế-giới, thời dầu khó bao nhiêu, dầu to bao nhiêu, xin chị em quyết lấy sức tự-động của chị em; óc ta nghĩ dược, thời miệng ta cứ nói phô; miệng ta nói được, thời tay chân ta cứ hoạt-động, để coi xem những món trai kia họ thế nào?
Tuy nhiên, chị em phải biết, muốn làm một việc khó, tất phải nhóm góp vô-số việc dễ mới làm nên, muốn làm một việc to, tất phải nhóm góp vô-số việc nhỏ mới làm nên. Nghề thêu hoa trổ gấm chẳng phải là sang đâu, nghề giặt áo vá giầy chẳng phải là hèn đâu! Người chân lấm tay bùn, chẳng phải là hạ-lưu đâu! Người mắt rồng mày phụng, chẳng phải là thượng-phẩm đâu! Góp vô-số giọt nước mới thành nên bể lớn, sông sâu; góp vô-số đá hòn, mới thành nên non cao, núi lớn. Vậy nên muốn cất nổi việc to và khó, tất phải những người lao-động.
Nói tóm lại, muốn giải-quyết vấn-đề đoàn-thể phụ-nữ, tất trước phải giải-quyết vấn-đề chức-nghiệp phụ-nữ; mà muốn giải-quyết vấn-đề chức-nghiệp phụ-nữ, tất trước phải chú-ý ở chức-nghiệp lao-động.
4. — Nâng cao địa-vị phụ-nữ
Bây giờ lại bàn đến địa-vị của phụ-nữ. Như ba đoạn trên kia đã nói đó, trí-thức của phụ-nữ tăng-tiến lên một phần, thời địa-vị của phụ-nữ tất cũng nhích lên một phần; đoàn-thể của phụ-nữ đã dầy-dặn lên một phần, thời địa-vị của phụ-nữ cũng bền-vững lên một phần. Chức-nghiệp của phụ-nữ đã một ngày càng phát-đạt, thời địa-vị của phụ-nữ tất cũng một ngày thêm hoàn-toàn; địa-vị của phụ-nữ đến lúc bấy giờ, dầu ai muốn không nhắc cao, mà không thể nào ép xuống được nữa. Chẳng những ở trong gia-đình, như những quyền quản-lý gia-tài, quyền thừa-kế sản-nghiệp, con-trai đàn-ông đã không giám độc-chuyên; mà ngoài ra nữa đến quốc-gia, đến xã-hội, thế nào cũng phải nhường cho đàn-bà con-gái chiếm một phần. Khi cuối cùng, chắc là tôn và ty, quí và tiện, cái giai-cấp đó phải mất đứt. Kết-quả được như thế, há phải tình-cờ mà được đâu? Thực chỉ vì ba cái tạo-nhân:
MỘT LÀ: Trí-thức của phụ-nữ so với phe trai có lẽ sâu-xa hơn;
HAI LÀ: Đoàn-thể của phụ-nữ so với phe trai có lẽ bền-chặt hơn;
BA LÀ: Chức-nghiệp của phụ-nữ so với phe trai có lẽ tăng-tiến hơn.
Lá cờ ưu-thắng, đã nắm vào trong tay các bạn con-gái đàn-bà; thời những món công-tử bột, anh-hùng rơm, thế-tất phải tự-nhiên mà nhượng-bộ; quyền của người đàn-bà con-gái lúc bấy giờ mới hoàn-toàn. Quyền phe gái đã hoàn-toàn, thời địa-vị phe gái muốn không nhắc cao mà không thế nào được.
Vì vậy, các chị em ta muốn hái quả ở tương-lai, tất phải lo trồng cây ở hiện-tại; muốn gặp mùa xuân mà gặt bông, tất phải trước mùa thu mà gieo giống. Ngày tháng bây-giờ là ngày tháng gì? Chính là một cơ-hội tốt cho chị em ta lên đường vận-động đó vậy. Hiện nay ngoài thời gió sóng nhân-quyền của các nước sùng-sùng, sục-sục, dục cho ta có chân thời muốn nhẩy, có cánh thời muốn bay, ở trong thời tình-hình oan-khổ của đồng-bào chát-chát chua-chua, xui cho ta dầu ngon không thể ăn, dầu ngọt không thể uống. Có cơ-hội như thế mà chị em không gấp lo vận-động còn chờ lúc nào nữa đây?
Tuy-nhiên, sóng nhào trời cuộn-cuộn, sức dẹp sóng há phải sức tầm-thường; gió cuốn đất ào-ào, gan chống gió tất phải gan liều-lĩnh. Chị em ta nếu muốn thực-hiện cái công vận-động, há lẽ năm ba tờ giấy loại, một vài câu nói suông mà được đâu, tất phải có tư-tưởng cho rất cao, mới có thể đẻ ra sự-thực, tất phải có thủ-đoạn cho rất giỏi, mới có thể thành-công. Vậy tôi mới xem-xét học-thuyết cả Đông, Tây, so-đọ đạo-lý cả cũ mới, điều gì nên lấy, điều gì nên bỏ, việc gì nên cách, việc gì nên theo, cầu cho đúng cách tự-cường, tự-lập của các chị-em, chỉ hộ cho các chị em một cái đường-lối như sau nầy:
A) Cải-cách những tập-quán xưa;
B) Phế-trừ những lễ-giáo hủ;
C) Thực-hành nhũng chủ-nghĩa mới.
Ba điều đó, nói tắt lại tức là: « Nữ-giới cách-mạng », nghĩa là làm những việc cải-cách thuộc về phe gái. Bây-giờ lại theo từng điều mà giải-thích cho kỹ-càng như sau nầy:
A) Giải-thích điều thứ nhứt tức là: « Cải-cách những tập-quán xưa ».
Tập-quán chẳng qua là tai quen nghe, mắt quen thấy, miệng quen nói, xui nên nỗi những việc lầm-lỗi đó in vào óc người, lệ như: miệng quen hút thuốc thời lấy thuốc làm ngon, kỳ-thực, thuốc có công-hiệu gì đến vệ-sinh đâu; miệng hay ăn trầu, thời lấy trầu làm thích, kỳ-thực, trầu có bổ-ích gì đến no ấm đâu; đầu quen để ót tóc, thời lấy cao ót tóc làm đẹp, tay quen để móng dài, thời lấy dài móng tay làm đẹp, kỳ-thực, đầu sinh nhiều chí, tay trữ nhiều dơ, làm hại cho vệ-sinh, có ích gì đâu? Đó là những việc nhỏ-nhen, suy ra việc to lớn thời cũng như thế.
Ở vào nước giã-man, thời quen những tập-quán giã-man, ở vào vòng hắc-ám, thời quen những cái tập-quán hắc-ám. Ta thử nghĩ, nước ta đã có gì là không phải giã-man, hắc-ám hay chưa, thời ta biết tập-quán nước ta xưa nay, tuy cũng có ít nhiều điều hay, mà kỳ-thực phần nhiều là dở cả, mà tập-quán dở thứ nhất là ở trong gia-đình, tôi xin trích-cử những việc rất lớn:
a) Như quyền gả chồng lấy vợ, chỉ theo ở lòng cha mẹ mà không theo ở lòng con, thậm-chí đem con-gái làm mồi nịnh-hót, bán con-gái để làm mồi phát-tài; tục-ngữ có câu: « Nhà giàu bán ló (tức là lúa), nhà khó bán con ». Dầu có người con-trai tài-hạnh đến bao nhiêu, vẫn người con-gái rất bằng lòng, nhưng chỉ vì không làm mồi nịnh-hót cho cha mẹ được, không làm mồi phát-tài cho mẹ được, thời con cũng phải cắn răng chịu chết, gạt nước mắt thầm mà thôi, việc tập-quán dở đó, đã giết oan vô-số dâu tốt, vợ hiền, đó là một cái tập-quán nên cải-cách.
b) Như gia-tài, sản-nghiệp của cha mẹ, tất phải để lại cho con-trai, mà con-gái lại không có quyền thừa-kế, nhà nào sinh con-gái mà không sinh con-trai, thời đặt con-trai thừa-tự được giữ lấy gia-tài, mà không để cho con-gái. Xin thử hỏi con-trai là con mình đẻ ra, con-gái không phải con mình đẻ ra hay sao? Việc đó nói theo về đạo-lý vẫn không công-bình, nói theo về pháp-luật vẫn không chính-đáng, sở-dĩ từ xưa tới nay không ai dám cãi, cũng chỉ nhân vì tập-quán dở mà thôi, đó là hai cái tập-quán nên cải-cách.
c) Như những việc làng việc họ, việc giao-tế, nhứt-thiết đàn-bà, con-gái không được dự vào. Tuy cũng có người tài cao, đức tốt, học rộng, biết nhiều, so với con-trai, ngoài bộ râu, không gì là kém cả, mà cũng mắc một câu « Phụ-nhân vô ngoại-sự » nên quanh năm chôn dưới bếp, trót đời nhốt trong buồng, có lẽ đâu con-gái là bầy heo hay sao? Cớ gì không được bàn-bạc tới việc ngoài, không được múa-men ở trên trường thiên-diễn, không được gánh-vác những việc to-tát ở trên đời? Cái tập-quán dở nên cải-cách, đó là ba điều.
B) Giải-thích điều thứ hai tức là:« Phế-trừ những lễ-giáo hủ »
Xưa nay ở trong gia-đình, ở ngoài xã-hội, sở-dĩ thắt-buộc đàn-bà con-gái, chỉ có mấy cái lễ-giáo hủ làm chạc mũi mà thôi. Xin ai thử nghĩ, lễ-giáo rất to, rất nặng-nề, có gì hơn « nước có vua » mà bây giờ bên Âu, bên Mỹ cho đến nước Trung-Hoa ở Á-Đông thời hai chữ « quân-thần » đã bỏ trót, mà những nước bỏ quân-thần đó, có thấy gì là bất-đạo, vô-lý đâu? Mới biết rằng, lễ-giáo không phải là Trời Đất bày-đặt ra, mà chỉ là theo ở thói đời, tùy thời tùy thế, mà sinh ra thế.
Lễ-giáo nước ta, có những điều rất kỳ-quái như những câu: « Nam, nữ thụ thụ bất thân », nghĩa là: « Con-trai, con-gái không được đem tay mà trao chịu cho nhau. » Lại như câu: « Nam, nữ bất đồng-tịch nhi tọa », nghĩa là: « Con-trai với con-gái không được ngồi chung nhau một chiếu ». Lại như cha mẹ bảo con, dầu trái mấy cũng phải theo; con cãi cha mẹ, dầu phải mấy cũng là tội bất-hiếu; như những điều đó, thiệt không ra lễ-giáo gì, bảo giống người đó là giống súc-vật hay sao? Nếu không phải là giống súc-vật thời trai với gái, ai nấy cũng là loài người, ngồi chung với nhau một chiếu đã đến nỗi tội-ác gì; thân lấy tay trao, chịu với nhau đã đến nỗi xấu-xa gì? Kể những phường du-đãng, những món tà-dâm, ong bướm xằng-xiên, trăng-hoa đường chợ, đó mới là xúc-vật mà thôi.
Nếu bầy-bạn với nhau mà không bao giờ quên đạo-đức, đi đứng với nhau mà không bao giờ bỏ khuôn-phép, nói với nhau mà rặt là nói những việc chính-đáng, làm với nhau mà rặt là làm những việc hay, thời có cớ gì mà trai gái không làm bầy-bạn với nhau được? Thử nghĩ, ở trong nhân-quần, ở trong xã-hội, một nửa bộ-phận là phe gái, một nửa bộ-phận là phe trai, ví như một mình con người, tất phải có tay tả và tay hữu, một quả địa-cầu, tất phải có nửa đông và nửa tây. Bây giờ lại bỏ bộ-phận đó cách-tuyệt nhau mà không liên-lạc, thế thì mình con người mà cắt một tay, quả địa-cầu mà cắt một nửa, có lẽ còn được sao? Xem như châu Âu, châu Mỹ, trai với gái học chung nhau một trường, ngồi chung nhau một nghị-viện. Trình-độ người nước ta, vẫn chưa có thể so-sánh được họ, nhưng mà mở đường giao-tế cho phe trai với phe gái, những con gái nào chí-khí giỏi, tính-nết lành, tự nhận mình là một bực hào-kiệt không râu, thời lễ-giáo hủ ngày xưa xin chị em phải ra sức phế-trừ ngay mới được.
Tôi nói thế, không phải vì những phường trai hư mà nối giáo cho giặc, cũng không phải vì những món gái xấu mà vạch đường cho kiến nhoi, tôi chỉ ước-ao cho các chị em làm nên một hạng người rất cao-thượng, sẽ để làm gương cho các anh em. Ái-tình vẫn có, mà ái-tình cho trong-sạch mới là ái-tình; bầy-bạn vẫn có, mà bầy-bạn cho chính-đại, quang-minh mới là bầy-bạn. Các chị em ta được như thế, thời phế-trừ những lễ-giáo hủ, tôi thiệt trông mong ở các chị em.
C) Bây giờ lại giải-thích điều thứ ba tức là « Thực-hành những chủ-nghĩa mới. »
Chủ-nghĩa mới những điều gì?
a) Độc-thân sinh-hoạt chủ-nghĩa;
b) Cộng-đồng sinh-hoạt chủ-nghĩa;
c) Gia-đình giải-phóng chủ-nghĩa.
a) Bây giờ bàn về chủ-nghĩa thứ nhứt, tức là « Độc thân sinh-hoạt chủ-nghĩa ».
Trước kia đã nói rằng, nữ-quyền tức là nhân-quyền, mà nhân-quyền là khi Trời sinh ra đã sẵn có, vì cớ sao mà phường đàn-bà, con-gái lại mất hẳn cái quyền làm người, thì chỉ vì có hai cớ:
MỘT LÀ: Vì đàn-bà con-gái tất phải ỷ-lại vào cha mẹ;
HAI LÀ: Vì đàn-bà con-gái tất phải ỷ-lại vào chồng con.
Mình đã ỷ-lại, trông nhờ vào người, nên người mới bắt-buộc được mình, đè-nén được mình, mà quyền mình mới không có thể giữ được. Nay muốn giữ được quyền mình, thời không phương-pháp gì hơn chủ-nghĩa « Độc-thân sinh-hoạt ».
Độc-thân sinh-hoạt là mình dùng năng-lực của mình, mình làm ra cơm mình ăn, mình làm ra áo mình mặc, mình làm ra nhà-cửa mình ở. Dầu có cha mẹ, mà mình vẫn không phiền-lụy gì đến cha mẹ; nếu không có cha mẹ thì mình cũng đủ sức tự-lập lấy thân mình, mình đã không nương-dựa vào cha mẹ, lọ là nương-dựa vào chồng nữa đâu. Phỏng khiến có người con-trai nào, chí-khí cũng như mình, tư-tưởng cũng như mình, có năng-lực hay tự-lập cũng như mình, thời cùng họ thắt cái giải đồng-tâm, kết cái duyên tri-kỷ, hình-thức tuy là phu-phụ, mà tinh-thần vẫn là anh em, vậy thời ta mới làm bạn với họ; nếu không thế thời, ta giữ chủ-nghĩa bất-giá như bà Triệu-Ẩu nước ta ngày xưa; bà trót một đời người, làm một người con gái không chồng, mà họ tên vẫn rỡ-ràng trong sử sách, đó chẳng phải là anh-hùng hào-kiệt ở trong bạn gái hay sao? Thử nghĩ, thân nghìn vàng của các chị em, giá thước ngọc của các chị em, nỡ theo đòi phường cá chậu, chim lồng mà cho họ giầy-vò cái xác thịt, thà gìn-giữ lấy loan cô, hoàng lẻ, sẽ để mình sung-sướng về phần tinh-thần. Thiệt như thế, thời cha mẹ đã không bắt-buộc được mình, mà lại non-nước tức là chồng, hào-kiệt anh-hùng tức là bạn, sung-sướng một đời người biết là bao nhiêu! Đó tức là « Độc-thân sinh-hoạt chủ-nghĩa ».
b) Bây giờ lại bàn đến chủ-nghĩa thứ hai, tức là « Cộng-đồng sinh-hoạt chủ-nghĩa ».
Bởi vì trên kia đã bàn về chủ-nghĩa độc-thân, chủ-nghĩa ấy đã thực-hành thời mình làm, mình ăn, mình ăn, mình làm, không ỷ-lại vào ai, không phiền-lụy đến ai, cũng không ai bắt-buộc được mình, thiệt là rất mực tự-do, tự-tại.
Nhưng có một lẽ, người ta ở đời tất phải có bầy-bạn trai có bạn trai, thời gái tất cũng phải có bạn gái. Chị em ta vẫn không phải bà-vãi ở trong chùa, mà cũng không phải cô-tu ở nhà phước, có lẽ đâu một mình với bóng, võ-võ ve-ve mà xong được một đời người đâu! Nếu như thế mà xong được một đời người, thời cũng không bổ-ích gì đến quốc-gia, không giúp-đỡ gì đến xã-hội, thiệt là oan-uổng cái công Trời Đất đã sinh ra chị em rồi đó. Vậy nên, lại phải có một chủ-nghĩa nầy, tức là chủ-nghĩa « Cộng-đồng sinh-hoạt ». Độc-thân là cầu cho được tự-do của một mình, cộng-đồng là cầu cho được lợi-ích với xã-hội. Hai chủ-nghĩa đó, kể qua thời hình như trái nhau, kỳ-thực là giúp nhau cho hoàn-toàn mỹ-mãn. Lẽ như: ở trong các chị em có những người nào thích về « Chủ-nghĩa độc-thân » thời ta rủ nhau kết-hợp làm một đoàn-thể riêng, hoặc là đoàn-thể về tinh-thần, hoặc là đoàn-thể về chức-nghiệp; hoặc chung nhau lập một tiệm buôn, hoặc chung nhau làm một điếm thợ. Có áo giặt, ta giặt chung với nhau; có giầy vá, ta vá chung với nhau; có máy dệt, ta dệt chung với nhau; có hàng bán, ta bán chung với nhau; vui trò-truyện khi gió kép mưa đơn, tỏ tâm-sự khi trời cao đất quạnh; chị nặng-nề thời em chia gánh, em đắng ngọt thời có chị nếm chung; cái thú-vị cộng-đồng sinh-hoạt đó, làm bổ-ích cho độc-thân sinh-hoạt biết là bao nhiêu! Cổ-ngữ có câu rằng: « Tam nhân vi chúng » nghĩa là: « Ba người cũng đã thành một đoàn-thể đông rồi. » Bởi vì người ăn ở chung với nhau, dẫu chỉ ba người, mà chí-khí in nhau, tư-tưởng in nhau, chức-nghiệp làm ăn lại cũng in như nhau, thì cái việc cộng-đồng sinh-hoạt đó, sung-sướng về phần tinh-thần có lẽ gấp mười, gấp trăm cái sung-sướng về phần xác-thịt, có sợ gì “Chủ-nghĩa độc-thân sinh-hoạt” không làm được đâu! Vậy nên “Chủ-nghĩa cộng-đồng sinh-hoạt” đây phải cập liền với “Chủ-nghĩa độc-thân sinh-hoạt” mà xin các chị em ở trong một thì giờ nầy, gấp lo thực-hành lấy hai điều đó, mới có thể mong nữ-quyền mình được phát-đạt. Ví như làm thuốc, có phương công lại có phương bổ; ví như đánh giặc, có quân chính lại có quân kỳ; chủ-nghĩa cộng-đồng sinh-hoạt đó, tức là phương bổ ở trong phương thuốc, quân kỳ ở trong nhà binh; cái kế-hoạch vận-động ở trong vấn-đề phụ-nữ, hai chủ-nghĩa đó, thiệt không thiếu được.
c) Nay lại bàn đến chủ-nghĩa thứ ba, tức là « Gia-đình giải-phóng chủ-nghĩa »
Theo lý-luận của nhà triết-học, với tính-chất sinh-hoạt của loài người, thời gia-đình là chật-hẹp hơn gia-tộc, gia-tộc lại chật-hẹp hơn quốc-gia, quốc-gia lại chật hẹp hơn xã-hội. Nhưng cái đạo-lý đó, hiện nay chưa có thể nói được với chị em. Nhưng tôi cũng chỉ cứ tình-hình hiện-tại của chị em, thời cái giây chuyên-chế, cái ngục giã-man như gia-đình ta ngày nay, thiệt không gì khổ hơn nữa.
Tục-ngữ có câu rằng: « Nuôi lợn lấy mỡ, nuôi con đỡ chân tay »; lại có câu: « Nhà giàu thương chó, nhà khó thương con. » Thế thời gia-đình xem con không khác gì lợn và chó. Tục-ngữ lại có câu rằng: « Gái có chồng như gông mang cổ ». Thế thời gia-đình xem vợ không khác gì đứa tù! Cái xiềng-khóa ở gia-đình, nếu một ngày giải-phóng không xong, thì những chủ-nghĩa đã bàn trên kia, chỉ là nói suông, mà không có thể thực-hành được. Vườn tự-do có bao giờ cho chúng ta nhẩy-nhót, đài bình-đẳng có bao giờ cho chúng ta chơi-bời; muốn độc-thân mà không ai cho mình độc-thân; muốn cộng-đồng mà không ai cho mình cộng-đồng. Những chủ-nghĩa bàn trên kia, tất trước phải giải-quyết vấn-đề gia-đình mới có thể đạt được mục-đích, vậy nên chúng ta phải yêu-cầu cho gia-đình giải-phóng. Nhưng cái cách giải-phóng đó, cầu cha mẹ giải-phóng cho mình có được không?—Không được hẳn! Hay là cầu chồng, con giải-phóng cho mình có được không? — Không được hẳn! Thế thì, chỉ duy chị em mình tự tìm lấy cách giải phóng mà thôi.
1) Giải-phóng về quyền kết-hôn. — Kết-hôn nếu không thuận lòng con, thì cha mẹ không nên có quyền áp-bức, bởi vì người chồng đó là người chung-thân ở với mình, tất-nhiên phải do mình kén-chọn. Những việc cha mẹ đem con làm mồi nịnh-hót, đem con làm mồi phát-tài, cái giây sắt buộc đó, phải chặt đứt ngay, đó là một việc nên giải-phóng.
2) Giải-phóng về quyền chức-nghiệp. — Nếu chức-nghiệp không hợp với chí-nguyện của con, thời cha mẹ không nên có quyền cưỡng-bức, bởi vì cái chức-nghiệp đó, phải tùy ở tài-sức và tư-tưởng con. Tài-sức nếu không xứng, thời chức-nghiệp đó làm không nên; tư-tưởng nếu không hợp, thời chức-nghiệp đó làm không thỏa. Vậy nên làm con, tất phải có chức-nghiệp, mà chức-nghiệp tất phải mặc lòng con kén-chọn. Giá-phỏng lòng con muốn làm những chức-nghiệp trong-sạch, mà cha mẹ cố bắt làm những việc nhuốc-nhơ; lòng con muốn làm những chức-nghiệp nặng-nề, mà cha mẹ cố bắt làm những việc rẻ-rúng, đó là một sự trói-buộc rất vô-lý, có giải-phóng được cái giây trói-buộc ấy thời chức-nghiệp phụ-nữ mới có thể tùy tài, tùy sức, mà ai nấy cũng tinh và cần; món anh-hùng, hào-kiệt ở trong nữ-lưu có thể xuất-hiện được. Đó là việc thứ hai nên giải-phóng.
3) Giải-phóng về quyền gia-sản.— Quyền gia-sản ở nước ta, từ xưa tới nay, chỉ trọng phe trai mà không kể đến phe gái, thiệt là một việc đại bất-công-bình. Thường thấy nhiều nhà, con trai thì cờ bạc quanh năm, chơi-bời trót tháng, đem vườn, ruộng, tiền, của cha mẹ để cho mình mà vất vào trường du-đãng. Tuy cũng có một vài người con-gái siêng-năng, cần-kiệm, chăm-chỉ làm-ăn, mà chỉ vì không được có quyền hưởng gia-tài, nên nỗi phải chịu phần thua-thiệt. Đó thiệt là một cái giây sắt buộc ở trong gia-đình, tất phải giải-phóng mới là công-lý. Nhà nào có con-trai, có con-gái, nên trai, gái xem như nhau; nhà nào có con-gái, không có con-trai thì gia-sản, hoặc của mẹ, hoặc của cha nên cho con-gái được có quyền thừa-kế.
⁂