Vương Dương Minh/Phần nhất/VII-A-1

Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
1. Bình giặc Chương Châu

1. Bình giặc Chương châu

Tháng giêng năm sau, đinh sửu (1517) ngày 16 tiên sinh mới tới Cam châu liền khai phủ. Trước khi đánh dẹp tiên sinh phải tổ chức lại trị an cùng quân đội. Về cuộc trị an, tiên sinh thi hành phép « thập gia bài 十 家 牌 ». Cứ mười nhà biên làm một bài, khai liệt tên họ, quân tịch, tuổi tác, nghề nghiệp, của những người trong mỗi nhà. Mỗi ngày có người chuyên trách đến mỗi nhà xem xét thấy có kẻ lạ mặt khả nghi lập tức báo quan thẩm cứu. Phỏng có nhà nào giấu giếm kẻ khả nghi như vậy, thì tất cả mười nhà cùng một bài phải chung chịu trách nhiệm. Một phía khác tiên sinh cáo dụ các bực phu lão hãy khuyên con em lấy những đều phụ từ tử hiếu, huynh ái đệ kỉnh, phu hòa phụ tùy, trưởng huệ ấu thuận, mà cư xử cho nhà nước dễ bề cai trị, cho phong tục thành tốt đẹp. Về việc quân binh, tiên sinh khiến trong bốn tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, các quan binh bị hãy tuyển lấy trong mỗi huyện lối mười hay tám, chín kẻ mạnh dạng, lanh lẹ, gan dạ hơn hết cho nhập đội. Đại ước hai tỉnh Phúc Kiến và Giang Tây, mỗi tỉnh lấy chừng năm sáu trăm tên tốt ròng như thế; hai tỉnh Quảng Đông, Hồ Nam, mỗi tỉnh lấy độ bốn, năm trăm mà thôi. Ở trong đám đã lọc lừa như thế, rồi lại chọn lấy những kẻ xuất chúng, cử làm tướng lãnh. Ý tiên sinh là binh không cần đông, mà cần ròng, cần luyện. Những kẻ hèn yếu có giữ lại trong quân đội thời cho sung vào đám công binh, lo việc làm lụng bếp núc giúp sĩ tốt, không khiến cầm thương lên ngựa. Các binh ròng đã huấn luyện thành thục, lại chia ra các đạo, hoặc để thú đồn, hoặc để phòng-tiệt những nơi hiểm trở mà thôi. Binh sĩ ấy được quyền ứng biến xuất-kỳ, gặp đâu đánh đấy, không phải phiền đến đại quân. Đạo tặc nhân mà lần lần biết sợ, còn lương dân có chỗ trông cậy bớt lo

Khi phụng mạng đi tựu chức, dọc đường, ngày mồng ba tháng giêng, ngang qua Nam Xương, tiên sinh đã có nghe tin giặc nổi dậy ở Chương châu (Phúc Kiến). Tiên sinh gấp đường đến Cam Châu. Vừa đến nơi tiên sinh liền di-văn cho ba tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây phải dự bị khắc kỳ khởi binh. Khai phủ vừa mười ngày, tức nghị tấn binh. Nhưng tiên sinh không đi đánh vội, mà ung-dung tổ chức tiêm-tất đã. Qua tháng hai tiên sinh mới động binh. Dưới cờ có 5000 người. Khi ấy đại dinh đóng tại Trường Phú Thôn 長 富 村. Gặp giặc đại chiến một phen, chém giết rất nhiều. Giặc rút lên cự thủ ở núi Tượng Hồ
象 湖. Tiên sinh dẫn binh đuổi theo đến Liên Hoa Thạch 蓮 花 石 bèn phong lủy, chờ binh Quảng Đông đến lại kéo vây Tượng Hồ Giặc thấy thế cấp súc giải vây mà chạy Chư tướng xin tiên sinh điều lang binh, chờ thu sang sẽ lại đánh. Tiên sinh không nghe, bảo rằng: Dùng binh phải tùy thời, biến tại hô hấp. Vừa khi binh Phúc Kiến tiếp đến, tiên sinh dẫn lên đóng đồn ở Thượng Hàng, làm ra bộ bất chiến. Rồi mật sai kẻ đồn phao lên rằng tiên sinh sắp hoàn sư chờ đến tiết thu sẽ tái cử. Một mặt khác thì lại mật sai các đạo binh chia làm ba nẻo, chờ đến đêm 19 tháng 2 ấy, nhân lúc trăng chưa mọc, còn tối trời, cùng ngậm tăm giồn lên vây Tượng Hồ đoạt lấy ải khấu. Y kỳ, binh xông đến. Giặc thất hiểm, lại lên giữ một từng núi cao, bốn bề như vách dựng, vận gỗ chất đá, cố chết mà cự chiến. Rạng ngày quân binh phấn dũng kịch chiến. Từ giờ thìn tới giờ ngọ tiếng hò hét dậy đất động trời. Bỗng kỳ binh của ba tỉnh theo đường gian-đạo đột-ngột leo lên núi reo vang, giặc kinh hãi tan vỡ chạy chết. Quan-quân thừa thắng đuổi theo. Binh Phúc Kiến phá được hơn 30 sào-huyệt của giặc ở Trường Phú thôn; binh Quảng Đông phá được 13 sào-huyệt của giặc ở Thủy Trúc 水 竹 và Đại Trùng Khanh 大 重 坑. Giặc bị chém giết có hơn 7000 đứa Còn phù lỗ[1] và khí giới lương thực đã về tay quan binh thời không sao xiết kể.

Thế là mũi giặc lưu khấu hoành hành những hai mươi năm trời, ở miền Chương Châu Nam An chỉ trong ba tháng mà dẹp sạch sành sanh. Tháng tư đã ban sư.

Thành công một cách rỡ ràng như vậy tiên sinh không tự túc. Mà vừa cuốn giáp, thời tháng sau đã bắt đầu tổ chức lại quân đội. Tiên sinh cho rằng: phép tập chiến không gì hơn hành ngũ, phép trị chúng không gì hơn phân số.[2] Bởi thế, sắp đi tập các binh, tiên sinh trước lập binh-phù

Cứ phân 25 người làm một ngũ 伍, trong mỗi ngũ có một viên tiểu-giáp 小 甲; 50 người làm một đội 隊, trong mỗi đội có một viên tổng-giáp 總 甲; 200 người làm một tiệu trong mỗi tiệu có một viên tiệu-trưởng và một viên hiệp-tiệu 協 㗂; 400 người làm một dinh trong mỗi dinh có một viên dinh quan và một viên tham-mưu 參 謀; 1200 người làm một trận 陣 trong mỗi trận có thiên-tướng 偏 將; 2400 người làm một quân trong mỗi quân có phóng-tướng 副 將. Số thiên-tướng, không nhất định khi lâm trận tùy nghi định đặt.

Tiểu giáp chọn kẻ nào tài lực hay hơn hết trong các ngũ mà lấy ra. Tổng giáp chọn kẻ nào tài lực hay hơn hết trong hàng tiểu giáp mà lấy ra. Tiệu-trưởng thì lại chọn trong số ngàn trăm nhà nghĩa quan, kẻ nào tài thức hơn người mà cử lên chức ấy. Phó tướng có quyền phạt thiên tướng; thiên tướng có quyền phạt dinh quan, dinh quan có quyền phạt tiệu trưởng; tiệu trưởng có quyền phạt tổng giáp; tổng giáp có quyền phạt tiểu giáp; tiểu giáp có quyền phạt các người khác trong ngũ.

Tuyển binh xong, lại cấp cho năm người một cái bài biên rõ tên họ tất cả hai mươi-lăm người cùng trong một ngũ, khiến cho họ liên lạc nhau mà luyện tập. Ấy gọi là ngũ-phù. Trong mỗi đội làm ra hai cái bài chỉ biên số hiệu không biên tên họ; một cái đưa cho Viên tổng-giáp, một cái giữ lại nơi bổn-viện, ấy gọi là đội-phù. Trong mỗi tiệu cũng làm ra hai bài, vẩn chỉ biên số hiệu, một cái đưa cho tiệu trưởng, một cái giữ lại nơi bổn viện. Ấy gọi là tiệu phù. Trong mỗi dinh cũng làm ra hai bài, vẫn cũng chỉ biên số hiệu, một cái giao cho dinh-quan một cái giữ lại nơi bổn viện. Ấy gọi là quan phù. Phàm ra trận thời phát phù cứ số hiệu mà hành, để phòng ngừa gian nguy.

Cách lập binh phù của Vương Dương Minh, sánh với cách tổ chức quân đội ở Âu châu ngày nay không khác gì mấy.

Ngoài việc binh-bị, tiên sinh lại sắp đặt cuộc trị an. Tiên sinh thấy giặc tuy đã dẹp rồi, nhưng đồ đảng hãy còn nhiều, nên chi sớ tấu xin thiết-lập huyện trị. Lời sớ tấu nói rằng: « Giặc bàn cứ ở Hà Đầu, cùng hung cực ác. Đã phải động tam-quân, hiệp sức hai tỉnh mới dẹp yên được. Nếu bây giờ không sớm tính xa, thời chẳng qua trong vài năm thế giặc lại nổi dậy. Cái hoạn đạo tặc trong một nước, ví chẳng khác bịnh tật trong một người.

Hưng sư chinh thảo, ví chẳng khác phép châm cứu, thang dược để công trị. Mà đặt huyện vỗ dân, ví chẳng khác phép ăn uống điều dưỡng. Nếu chuyên công trị, mà không vụ điều dưỡng, thời bịnh sẽ theo gót mà phục khởi, chừng ấy dẫu cho tài Biển Thước, Thương Công cũng không có thuật gì trị được nữa ».

Theo tiên sinh thời chốn Hà Đầu 何 頭 là chỗ yết hầu của các tặc sào, nên đặt huyện ở đó. Còn Phường Đầu 枋 頭 cũng như cửa miệng của Hà Đầu, thời nên dời Tuần-kiểm-ty 廵 檢 司 ở Hà Đầu về đó. Triều đình y tấu, đặt huyện Bình Hòa tại Hà Đầu[3].

Về kinh tế tiên sinh dâng sớ xin cho muối được lưu hành như xưa. Nguyên năm Chánh Đức thứ sáu (1511) lịnh cho muối Quảng-Đông và Phúc Kiến đã có đóng thuế rồi khi ngang qua Chiết Mai Đình 折 梅 亭 thì đến các phủ Cát An 吉 安, Viên Châu 袁 州 (nay là Nghi Xuân 宜 春) và Lâm Xuyên 臨 川 nhà nước lấy 10%; mà ở Cam Châu 贛 州 thời được buôn bán tự do khỏi phải nạp sưu thuế gì nữa. Muối Quảng Đông Phúc Kiến, không có đi ngang qua Chiết Mai đình, thời đến Cam Châu phải nạp 10%. Cách đánh thuế muối như thế được tiện việc cho nhà nước và cho cả nhà thương mãi. Song đến năm Chánh Đức thứ chín (1514) lại có lịnh hạn chế muối Quảng Đông, chỉ cho bán đến Cam Châu mà thôi, không cho xuôi dòng sông đi xuống các phủ Cát, Viên, Lâm Từ khi lịnh nầy ra đến giờ (1517) dân cư trong ba phủ ấy phải ăn muối đất Hoài 淮 (Giang Tô). Muối đất Hoài phải ngược dòng sông chở đến, đường đi gành đá lởm chởm, rất hiểm trở, nên chỉ đến tỉnh thành (Nam Xương 南 昌) thương thuyền đều dừng lại. Dân cư trong ba phủ Cát, Viên, Lâm, vì thế phải chịu nỗi khổ cao-giá. mà cuộc buôn bán cũng trở ngại lắm. Cấm muối Quảng Đông vào cảnh giới Cát, Viên, Lâm có hại cho dân như thế, mà không có lợi chi cho nhà nước cả. Tại Cam Châu muối Quảng Vân được lưu hành. Mà Cam Châu cùng mấy phủ Cát, Viên, Lâm địa-lý tương-liên, đường nước đi không quá một ngày. Bọn gian thương vẩn lén chở muối từ Cam Châu đến các nơi kia, cũng bán giá đắt cho dân-cư mà nhà nước mất sưu thuế. Thảng-hoặc nhà nước cũng có bắt được một hai đứa giao thương mà chín tám vẫn ngoài vòng pháp luật.

Từ 20 tháng 11 năm Chánh Đức thứ sáu (1511) cho lưu hành muối Mân Quảng, đến cuối tháng 5 năm Chánh Đức thứ chín (1514) nhà nước thâu thuế muối được hơn 40. 840 lượng. Trong mấy năm ấy chi phí về quân bị cho địa phương nầy chỉ có 38. 290 lượng. Vậy số thuế muối đủ cung cấp cho quân binh.

Xét những điều lợi hại như thế, ngày rằm tháng 6 năm Chánh Đức thứ mười hai (1517) Vương Dương Minh dâng sớ xin cho muối Mân Quảng được lưu hành vào mấy phủ Cát, Viên, Lâm như trước kia. Sớ được phê chuẩn.

Đặt huyện trị, cho muối lưu hành tiên sinh đều xin được như ý cả rồi Còn một điều thưởng phạt quân binh, tiên sinh thấy cũng cần lắm. Tiên sinh bèn dâng sớ, nói rằng: « Quốc gia vẩn có phạt điển, vẩn có thưởng cách. Nhưng mà phạt điển chỉ hành sau khi đã tham-đề, không hành lúc lâm-trận đối-địch; thưởng-cách chỉ hành trong những thuở đại quân chính-tiểu, không hành trong những khi tầm thường dụng binh. Đời xưa, thưởng không để qua lúc, phạt không để xong việc. Qua lúc mới thưởng, cùng với không thưởng cũng như nhau. Xong việc mới phạt, cùng với không phạt cũng như nhau. Huống chi, qua lúc lại không thưởng, xong việc cũng không phạt, thời lấy gì tề-nhất nhân-tâm, tác hưng sĩ-khí?... Được lấy phép tru thưởng của đại quân mà hành trong lúc bình thời, như được lịnh kỳ, lịnh bài, để tiện nghi hành sự, mà binh không tinh, giặc không diệt thời thần xin cam tội chết ». Binh-bộ Thương thơ là Vương Quỳnh, vốn người đã quí yêu tín nhiệm và đã tiến cử tiên sinh thấy sớ dâng lên, bèn phúc tấu xin hãy theo lời thỉnh của tiên-sinh. Tháng 9 tiên sinh được cải chức Đề-đốc Nam, Cam, Đinh, Chương đẳng xứ Quân-vụ, khâm-cấp kỳ bài đắc tiện nghi hành sự.

提 督 南 贛 汀 漳 等 處 軍 務 欽 給 旗 牌 得 便 宜 行 事,

Sắc dụ có những lời: « Địa phương Nam-an, Cam-châu, tổng Giang-Tây, cùng với hai phủ Đinh, Chương tỉnh Phúc Kiến, với bốn phủ Nam Hùng, Thiều Châu 韶Triều Châu 州 潮 Huệ Châu 州 惠 tỉnh Quảng Đông, với Sâm Châu 州 郴 Quế Dương tỉnh Hồ quảng[4], cùng giáp cận với nhau, núi non liên tiếp. Trong đó đạo tặc nổi dậy không kể là lúc nào, săn đàng đông chúng lẩn sang đang tây, đánh đàng nam chúng chạy lên đàng bắc. Ấy nhân vì việc địa phương không thống thuộc tỉnh nào, tỉnh nầy nạnh tỉnh nọ, khó xử trí. Trước đây có đặt ra một viên Đô-ngự sử tuần-phủ địa phương ấy, coi việc đánh dẹp đạo tặc nhưng mà trách nhiệm không chuyên cứ phần nhiều theo nhân tuần cẩu thả, không hay thân minh thưởng phạt để tưởng lệ lòng người, hóa nên đạo tặc nảy nở ra nhiều, mà địa phương phải mang họa. Nay nhân có sớ tấu của ngươi và có binh-bộ phúc tấu sư lý, đặc mạng cho ngươi đề-đốc quân-vụ, thường trú tráp tại Cam châu hoặc Đinh châu, song vẫn phải đi qua các xứ kể trên để vỗ về quân dân, sửa sang thành trì, ngăn ngừa gian tệ. Nhất ứng binh mã tiền lương sự nghi, đều được tiện nghi khu hoạch, cho đủ quân hưởng. Nhưng mà khi có đạo tặc phát sanh, thời nghiêm đốc các binh bị, thú bị, thú tuần cùng các quân vệ hữu ty, thiết pháp điều binh tiểu sai. Bất câu văn chức vũ chức nếu tại quân tiền có sái phép.... đều được lấy quân pháp bắt tòng sự. Đạo tặc bắt sống được, tra hỏi minh bạch rồi, được phép chém đầu răn chúng... Ngươi làm phong-hiến đại-thần nay chịu mạng mới nầy càng phải liêm năng cương quả, tẩy sạch những sự tích-tệ đặng mà giúp triều đình đã có ý uỷ nhiệm cho ngươi, bằng như vi bội thời sẽ có chỗ trách cứ... »

Ấy là Vương Dương Minh nghiễm nhiên làm một chức toàn quyền ở xứ Giang Tây.

  1. Quân bị bắt.
  2. Tức như người Langsa nói: Diviser pour régner.
  3. Huyện ngày nay vẫn còn thuộc đạo Đinh Chương, tỉnh Phúc Kiến
  4. — Hồ Quảng xưa gần hai tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc.