Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
2. Phủ dụ tặc sào

2. phủ dụ tặc sào.

Quyền hành rộng như thế, song không phải mỗi lúc nhà hiền triết Vương Dương Minh mỗi dùng đến. Tin nhiều hơn ở thuyết lương tri của mình phát minh ra, tiên sinh muốn thí nghiệm nó.

Bấy giờ tuy giặc ở Chương châu đã bình rồi, mà trong tỉnh Quảng Đông hãy còn nhiều tặc sào ở Lạc Xương 樂 và Long Xuyên 川 龍 Có nhiều quan đề nghị nên dẹp giặc nầy liền, Tiên sinh không nghe, bảo rằng cần phải đánh Hoàng Thủy, Thũng Cương đã. Sắp cất quân đi đánh hai nơi nầy, Tiên sinh lo cho quân giặc ở Lợi Đầu 洞 (gần huyện Long Xuyên) thừa lúc quan binh đi đánh xa mà ra nhiễu hại nhân dân. Bèn dùng mưu phũ dụ — Tiên sinh đưa thịt rượu, tiền bạc, vải bố để khao chúng. Lại đưa cả lời cáo dụ. Tiên sinh nghĩ rằng: cái tính của quân đạo tặc tuy là hung ngoan, nhưng chúng cũng biết sợ tru diệt. Vậy thì có thể chiêu dụ chúng — Nhưng chiêu dụ chỉ cảm được đứa vô cô, bị bức hiếp mà theo càn, chớ không hóa được bọn trường ác. Xem bài văn của tiên sinh biết tiên sinh không phải xa vọng;

« Bổn viện tuần phủ địa phương nầy, chức vụ chuyên lo dẹp sạch đạo tặc cho an dân. Khi mới lỵ nhiệm đã nghe các ngươi từng nhiều năm cướp bóc hương thôn, sát hại lương thiện Dân bị hại đến cáo báo suốt tháng không hở ngày nào Bổn viện muốn lập tức điều đại binh tiễu trừ các ngươi. Khi qua Phúc Kiến đốc chính khấu tặc ở Chương châu, ý định chờ ngày hồi quân sẽ quét sạch sào huyệt các ngươi. Về sau đã bình xong khấu tặc ở Chương châu, xét lại những tên giặc giết được bắt được, thấy trong số ngoài 7600 chẳng qua đương thời xướng ác chỉ có 50 đứa; theo nhập đảng ác không quá 4000 đứa; kỳ dư phần nhiều là vì nhất thời bị hiếp bức mà đi theo. Thấy vậy bất giác bổn viện sinh xót thương. Nhân đó nghĩ rằng trong sào huyệt của các ngươi há lại không có kẻ bị hiếp bức mà phải theo sao! Huống chi nghe rằng phần nhiều các ngươi cũng là con em nhà đại gia hẵn trong đó cũng có người thông hiểu sự thế, rõ biết sự lý — Từ khi ta đến đây chưa từng khiến một ai đến phủ dụ các ngươi, nếu hưng sư diệt tận các ngươi, thời há chẳng gần với sự « bất giáo nhi sát » hay sao? Làm vậy, thời ngày khác trong lòng ta sẽ còn mãi điển hám, Bởi thế, nay ta đặc khiển người đến cáo dụ các ngươi. Đừng nói rằng binh lực có cường, thời binh lực các ngươi lại cường hơn, đừng nói rằng sào huyệt có hiểm, thời sào huyệt các ngươi càng hiểm hơn nữa. Nay ta đã tru diệt cả không còn gì hết, các ngươi há không nghe thấy hay sao!

Phàm nhân tình đều lấy làm sỉ nhục không gì hơn được tự thân mình mang lấy cái danh làm đạo tặc; đều mà nhân tâm cùng lấy làm tức giận, không gì quá hơn nỗi khổ tự mình bị cướp giựt — Nay phỏng khiến có kẻ mắng các ngươi là đạo tặc, tất nhiên các ngươi vùng nổi giận lên — Các ngươi há lòng ghét cái « danh » xấu ấy mà thân lại chịu cái « thật » như thế sao? Lại phỏng khiến có kẻ đốt nhà cửa các ngươi, cướp giựt của cải các ngươi, bắt bớ vợ con các ngươi, các ngươi tất oán giận đến xương, thà chết mà báo cừu Các ngươi lại làm những đều như vậy cho người khác, họ không oán các ngươi đó ru? Lòng người đều như vậy cả, lẽ nào riêng một mình các ngươi chẳng biết hay sao? Đến mà phải muốn làm như vậy, tưởng ở trong cũng có đều bất đắc dĩ. Hoặc vì bị quan phủ bách bức các ngươi, hoặc vì bị cường hào đại hộ xâm phạm các ngươi, làm cho nhất thời các ngươi nghĩ sai lạc, lỡ lầm vào đảng, rồi sau không dám bỏ ra. Bao những nỗi khổ tình ấy đều rất đáng xót thương. Nhưng mà đều bởi các ngươi hối ngộ không thâm thiết. Các ngươi trong buổi đương sơ đi theo bọn giặc, ấy là người sống mà đi tìm đường chết, còn có lúc bỏ đường ấy được tất cũng bỏ đi. Nay muốn cải-hạnh lòng thiện ấy là người chết mà cầu đường sống, lại há không dám làm nữa là gì? Nếu các ngươi không chịu. như buổi đương sơ theo giặc liều mạng mà làm, cầu cải hạnh tòng thiện, thời quan phủ ta đây há có lẽ gì cần phải giết hại các ngươi sao? Các ngươi đã lâu ngày tập nhiễm thói ác độc. nhẫn tâm giết người, nên lòng quá ngờ vực. Các ngươi có biết đâu cái lòng của kẻ trên như ta, vô cố mà giết một con chó còn không nỡ thay, huống chi mạng người quan hệ đạo trời, nếu dễ dàng giết người thì trong cõi minh-minh tất có báo ương họa đến đời con cháu còn phải chịu. Nỗi gì mà phải muốn làm như vậy? Mỗi lúc vì các ngươi ta nghĩ ngợi đến đó, thường suốt đêm không thể ngủ yên. Ấy nào phải không muốn tìm một đường sống cho các ngươi đâu. Duy nếu thiệt các ngươi ngu muội cứng đầu không cảm hóa được, thời nhiên hậu bất đắc dĩ mà hưng binh, ấy không phải là ta giết các ngươi mà là trời giết các ngươi vậy. Nay nói rằng ta tuyệt nhiên không có lòng giết các ngươi cũng là nói dối các ngươi. Nếu nói rằng ta thật có lòng muốn giết các ngươi, lại cũng không phải bổn tâm của ta vậy. Các ngươi ngày nay tuy là tòng ác, mà trước kia cũng đồng là con đỏ của triều đình. Thí như một nhà cha mẹ sanh mười đứa con, mà tám đứa làm lành, có hai đứa bội nghịch muốn hại tám đứa kia, thời lòng cha mẹ ắt phải lo trừ khử hai đứa đó mà rồi sau tám đứa mới có thể an sinh. Con cũng đồng là con, lòng cha mẹ cớ nào muốn riêng giết hai đứa? Ấy là sự bất đắc dĩ vậy. Ta đối với các ngươi, chính cũng như thế. Nếu hai đưa con kia nhất đán biết hối ác thiên thiện, kêu khóc thú thật thời kẻ làm cha mẹ tất cũng xót thương mà dung cho. Là cớ sao? Cớ là không nỡ giết con vậy. Ấy là cái bổn tâm của kẻ làm cha mẹ. Nay được mà toại bổn tâm, mừng nào mừng bằng may nào may bằng.

Ta đối với các ngươi cũng lại chính như thế.

Nghe rằng các ngươi đi làm giặc cũng lắm nỗi đắng cay, mà cướp giựt không bao nhiêu, trong vẫn có đứa ăn còn đói, mặc chẳng lành. Sao lại không đem cái tinh lực cần khổ đi làm giặc mà dùng vào việc cày cấy, xoay qua việc bán buôn, có thể làm được no đủ giàu có, mà an hưởng dật lạc phóng tâm túng ý, du-quan trong thành thị, hoặc ưu du trong chốn dã điền. Hà có như ngày nay nơm nớp kinh hãi Ra, thời sợ quan, lánh thù; vào, thời ngừa bắt e giết; giấu hình náu vết, ưu khổ trọn đời, mà rốt lại rồi thân sẽ chết nhà sẽ tan, vợ con sẽ bị giết nhục, nào có tốt gì sao? Nếu các ngươi tự lường kỹ lại, biết nghe lời ta mà cải hạnh tòng thiện, thời tức khắc ta sẽ xem các ngươi là kẻ lương dân, vỗ các người như con đỏ, càng không truy cứu tội lôi đã qua của các ngươi. Như bọn Diệp Phương, Mai Nam Xuân, Vương Thọ, Tạ Việt, nay ta vẫn đãi như kẻ lương dân: Các ngươi há chẳng có nghe biết hay sao? Nếu các ngươi tập tánh đã thành rồi, khó bề sửa đổi, thời cũng do các ngươi mặc ý làm ra. Phía nam ta sẽ điều binh Lưỡng Quảng, phía tây ta sẽ điều binh Hồ Tương, rồi ta thân suất đại quân, vây sào huyệt các ngươi. Một năm chẳng rồi việc thời hai năm; hai năm chẳng rồi việc thời ba năm. Tài lực của các ngươi thời có hạn. binh lương của ta thời không cùng. Phỏng khiến các ngươi đều là cọp mọc cánh cũng chắc không thể trốn ra ngoài cõi trời đất cho được.

Ô hô! Ta há ưa giết các ngươi sao? Nếu các ngươi muốn hại lương dân của ta, khiến cho lương dân của ta rét không áo mặc, đói không cơm ăn, ở không nhà, cày không trâu, cha me tử vong, vợ con ly tán; mà ta muốn khiến dân ta lánh các ngươi, thời điền nghiệp đã bị các ngươi xâm đoạt, không thể còn đất mà lánh đi; muốn khiến dân ta đút lót các ngươi, thời gia tư đã bị các ngươi vơ vét, không thể còn của mà đút lót; đến nước như thế là các ngươi làm cho ta phải ra mưu, tất cũng phải giết sạch các ngươi mà rồi sau mới nên việc được.

Ta nay đặc khiển người phủ dụ các ngươi, gởi thịt rượu vải bô, tiền bạc, cho các ngươi cùng vợ con các ngươi, kỳ dư còn nhiều kẻ ta không thể thông đến được ta cũng một đường hiểu dụ tất cả. Các ngươi nên tự mưu toan cho hay đi! Lời ta đã cạn lời, lòng ta đã hết lòng. Như thế, mà nếu các ngươi không nghe thời không phải ta phụ các ngươi, mà là các ngươi phụ ta, ắt ta sẽ không có gì lấy làm hám hối vậy.

Ô hô! Dân đồng bào ta, các ngươi đều là con đỏ của ta. Lâm cùng mà không thể vỗ về thương xót các ngươi, cho đến đỗi phải giết các ngươi, thời ta đau đớn thay! đau đớn thay! Ta nói đến đây, bất giác trào nước mắt »

Vương Dương Minh đã có lần làm cảm động được một nhà sư, đến bỏ chùa mà về. Nay tiên sinh lại cũng muốn khêu gợi lương tri của con người một lần nữa. Lời dụ văn tha thiết tình thương xót kẻ vô cô. Quân giặc không thể cầm lòng cho đậu. Bấy giờ những tù trưởng như Hoàng Kim Sào 巢 金 黄, Lư Kha 珂 盧 dẫn chúng ra đầu thú nguyện liều chết báo ân. Duy đại tặc thủ là Trì Trọng Dung không chịu. Kinh luân thao lược tiên sinh gồm tài Tiên sinh sau nầy nếu thật « khí thể luy nhược, chất tánh vu sơ 疏 迂 性 質 弱 羸 體 氣 « tâm có thừa, tài chẳng kịp, chơn muốn tới mà sức chẳng dời 前 不 力 而 進 欲 足 逮 不 才 而 餘 有 心 »[1] triều đình cũng cho là lời nói khiêm tốn để thối thác, chớ không chịu nhận cho tay rường cột nước nhà ấy quả vì tật bịnh mà không kham đảm nhiệm việc binh nhung.

Xét công đã bình được Chương khấu, Triều đình cho tiên sinh thăng một cấp, và xuống sắc tưởng lệ.

  1. — Đều là những lời của tiên sinh