Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
IV. — Tìm đạo

IV.— TÌM ĐẠO

Được tạm lìa chánh trị, Vương Dương Minh lui về dưỡng bịnh ở Sơn Âm. Tiên sinh nguyên tịch ở gần sông Tiền-Đường, huyện Dư Diêu, phủ Thiệu Hưng, đất Cối-Kê, tỉnh Chiết-Giang. Nhưng sau phụ thân tiên sinh nhớ cảnh Sơn-Âm[1] non nước giai lệ, vả lại lớp trước ông bà cũng về đó ở phường Quang-Tướng 光 相 坊.

Cách Sơn Âm hai mươi dặm ở phía đông-nam có một cái động tên là Dương Minh 陽 明. Tiên sinh vốn yếu đuối bịnh hoạn, không sao quên được đạo dưỡng sinh, vào động ấy trúc-thất, ở hành thuật « đạo dẫn ». Nhân lấy hiệu Dương Minh, mà sau này đạo học chói lòa, huân công sáng rỡ, tên Thủ Nhân tự Bá An, người đời ít gọi, ít biết hơn cái hiệu của tiên sinh.

Hành thuật đạo-dẫn lâu ngày, tiên sinh được tiên tri. Một hôm đương ngồi trong động tiên sinh bỗng sai đồng bộc ra cửa Ngũ Vân 五 雲 bảo đi đón bốn người bạn đến thăm tiên sinh. Đồng bộc ra đi, quả gặp Vương Tư Dư 王 思 與 cùng ba người nữa tìm đến, Đồng bộc gởi rằng chủ nhân sai ra nghinh nhạ. Chúng lấy làm kinh dị, bảo tiên sinh đã đắc đạo. Bấy giờ tiên ginh cũng phi thường đắc ý. Nhưng không bao lâu về sau tiên sinh xét lại, mà thú nhận: « Ấy chẳng qua là sự bá-lộng tinh-thần, không phải thánh hiền đại đạo 此 簸 弄 精 神, 非 道 也, »

Sanh ra năm tuổi chưa biết nói, trộng lên chẳng kham ngồi học lâu, thường hay mộng mị, sau lại đau ốm luôn, nhưng thế lại thông minh hơn đời, Vương Dương Minh tiên sinh mà có tinh-thần bá-lộng âu cũng là đúng công lệ,

Theo biến-thái tâm-lý học ngày nay mà xét, thì chắc tiên sinh thuộc về hạng thượng trí visionnaire. Danh từ nầy đem tiếng « bá-lộng tinh-thần » của tiên-sinh dịch được đúng.

Ở trong động lâu ngày, quen thể tịch-tịnh, tiên sinh nảy ra ý xa lánh người đời, muốn trốn vào núi sâu rừng thẳm. Hềm vị còn bà nội còn cha, dứt tình chưa nỡ. Suy nghĩ mãi, bỗng một hôm ngộ ra mà rằng: « Tình gia đình sinh ra là có, nếu dứt được nó, thì là đoạn diệt chủng tánh. »

Năm sau qua Tiền Đường, và Tây-Hồ dưỡng bịnh, trong mình lần lần yên, lại nghĩ đến việc trở ra dùng đời. Tới lui các chùa Nam Bình 南 屏, Hổ Bào 虎 跑 ở huyện Tiền đường tiên sinh gặp một ông thầy tu học lối tọa thiền, ba năm miệng không nói, mắt chẳng nhìn. Tiên sinh lại gần lớn tiếng hỏi: « Hòa thượng suốt ngày miệng bô-bô niệm tụng gì thế? mắt trao tráo ngó nhìn gì thế? » Là ý kích động cái bổn năng của miệng của mắt[2]. Quả nhiên vị thiền tăng giựt mình, nhỏm dậy trông tứ phía, rồi cùng tiên sinh chuyện trò, Thừa cơ, tiên sinh hỏi cảnh gia đình. Thiền tăng đáp rằng hãy còn mẹ. Hỏi: « Nhớ chăng? » Thưa: « Vẫn nhớ không thể nào quên được. » Tiên sinh liền đem cái bổn tánh yêu mến cha mẹ ra mà giảng dụ cho Thiền tăng rơi nước mắt xưng tội. Hôm sau tiên-sinh trở lại hỏi thăm, thì vị thiền tăng đã bỏ chùa về mất rồi.

Ấy vừa tìm ra ở nơi mình cái tình gia đình khôn thể dứt, tiên sinh đã đem thí nghiệm nơi người khác Sau nầy chủ trương tri hành hiệp nhất, mà bây giờ tiên sinh đã thật hành đây.

Mùa thu năm giáp tí (1504) tiên sinh còn chưa trở lại quan trường, quan Tuần Án Giám-Sát Ngự Sử tỉnh Sơn-Đông là Lục Xứng đem lụa là lễ vật đến sinh tiên sinh về chủ-khảo hương-thí. Tiên sinh vui lòng nhận ngay. Vì lẽ nào, thì trong bài Sơn Đông hương-thí lục tự 山 東 鄉 試 錄 序 tiên sinh đã nói:

« Sơn Đông là đất của những nước Tề, Lỗ. Tống. Vệ đời xưa, mà là cố hương của Khổng phu tử Ta từng đọc thấy trong Gia Ngữ nói rằng những môn nhân cao đệ của phu tử đều là người các nước Tề, Lỗ, Tống, Vệ. Cho nên hằng ước nguyện có thuở nào qua đất ấy để xem Sơn xuyên linh-tú kỳ đặc... nhưng mà chưa gặp dịp có thể đi được » Giờ có dịp tốt như thế, tiên sinh không nỡ bỏ qua.

Kỳ thi hương nầy bao nhiêu những sách vấn đều do tiên sinh thủ bút mà ra cả. Thấy những vấn đế nghị về cái hại của đạo Lão, đạo Phật, nghị về kỷ cương trong nước không chấn khởi, nghị về cách dùng người, nghị về cách ngừa di địch người ta biết tiên sinh có cái học kinh bang tế thế và sẽ trở ra dùng đời. Nhứt là người ta biết tiên sinh đã lìa đạo Tiên đạo Phật.

Tháng chín năm ấy trở ra làm quan, tiên sinh được cải chức Binh-bộ Vũ tuyển Thanh-lại-ty Chủ Sự 兵 部 武 選 清 吏 司 主 事,

Năm sau, kỷ sửu (1505), môn nhân đến cầu học cùng tiên sinh ngày một đông. Thời bấy giờ học giả thiên nịch nơi từ chương ký tụng, không biết có cái học về thân tâm. Tiên sinh bắt đầu xướng đạo học ấy và khiến môn nhân phải lập chí làm thánh nhân. Đạo học tiên sinh xướng ra được có một người tri kỷ tán đồng Ấy là Trạm Nhược Thủy 湛 若 水 hiệu Cam Tuyền 甘 泉, Tiến-sĩ xuất thân, bấy giờ đương chức Hàn Lâm Thứ Cát Sĩ 翰 林 庶 吉 士. Hai người nhất kiến định giao, về sau không rời nhau trong tinh thần, mà cùng dựa nhau xương minh « thánh học »

Cuộc giao tình đậm đà ấy chưa được bao ngày tháng mà người phải gạt lụy chia tay.

Năm bính dần (1506) vua Vũ Tông mới lên ngôi niên hiệu Chánh Đức. Chẳng chuyên cần quốc sự, chỉ vui chơi săn bắn, sùng đạo Phật và miệt mài với chữ phạn (sanserit), mà thôi. Quốc gia đại sự đều phú cho quan Thái Giám là Lưu Cận 劉 瑾.

Lưu Cận nịnh hót hay. Vua muốn có ưng khuyển để săn, hắn cung cấp ưng khuyển. Vua muốn vui say ca vũ, hắn tìm ca kỹ dâng cho. Vì thế hắn được vua yêu chuộng lắm, mà uy quyền của hắn càng to-tác, chẳng một điều ác gì từ chẳng làm. Hơn ba trăm triều sĩ vì hắn bị hạ ngục.

Bấy giờ có một vị đại thần, tên Lưu Kiến 劉 建 dâng sớ khuyên gián vua Vũ Tông và xin tru lục Lưu Cận cùng bè đảng của hắn. Vua Vũ Tông không nghe theo, lại không cho Lưu Cận ra khỏi cung sợ gặp vị đại thần kia sanh chuyện. Lưu Kiến thấy tình hình như thế dâng sớ từ chức. Lưu Cận bèn thừa cơ kiểu chiếu lột hết quan tước của Lưu Kiến, Nam kinh có hai vị đại thần khác, là Đới Tiển 戴 銑 và Bạc Ngạn Huy 薄 彥 徽 lấy làm bất bình dâng sớ xin phục chức cho Lưu Kiến và tước chức vị của Lưu Cận. Vua Vũ Tông cho là cuồng vọng, hạ chiếu bắt giải hai vị đại thần ấy về Bắc kinh, tống vào ngục, Triều thần thấy tình hình như thế, chẳng một ai dám hở môi. Vương Dương Minh bất bình mới kháng sớ cứu hai vị đại thần. Trong sớ có lời: « Quân nhân thần trực. Đới Tiển và Bạc Ngạn Huy bởi dâng sớ mà bị trách. Như lời sớ có phải, bệ hạ cũng nên gia nạp; chưa được phải, bệ hạ cũng nên bao dung, để mở đường nói thẳng... Nay bệ hạ câu tù như thế... từ đây về sau, dẫu có việc quan hệ đến tông xã... bệ hạ còn nghe nào được lời thẳng để mà theo? Bệ hạ thông minh siêu tuyệt, nếu nghĩ đến đó há chẳng lạnh cả lòng hay sao? Phục nguyện bệ hạ truy thâu chiếu chỉ trước lại, cho Đới Tiển và Bạc Ngạn Huy trở về chức cũ... » Sớ dâng lên, Lưu Cận trông thấy cả giận, lập khắc bắt tiên sinh xử đánh bốn chục trượng, Tiên sinh chết ngất đi. Sống lại, bị giam vào cẩm y ngục. Ấy là việc tháng chạp năm bính dần. Bấy giờ đương mùa đông lạnh buốt. Lao ngục tối om, không chút hé mặt trời lấy gì có hơi ấm. Tiên sinh vốn người đau ốm lại mới bị bốn chục trượng, tình cảnh thống khổ là dường nào!

Đọc những bài thi tiên sinh làm trong lúc ngồi tù, rất nên chua xót.

Bài « Tuế mộ » của tiên sinh có câu:

Ngột tọa kinh tuần thành mộc thạch,
Hốt kinh tuế mộ hoàn tư hương,
Cao diêm bạch nhật bất đáo địa,
Thâm dạ hiệt thử thời đăng sàng...

兀坐經句成
忽驚歲暮還思鄉
高簷白日不到地
深夜黠鼠時登狀

Ngồi mãi tháng ngày thành gỗ đá,
Giựt mình, năm lụn, lại sầu quê.

Mái cao dò đất không tia sáng,
Chuột ác lên giường vẩn lúc khuya.

Ngục đường ngày nay làm cho tù nhân khổ vì những rệp, những rận, những dán cắn rứt thâu đêm. Tiên sinh khổ vì bầy hiệt-thử, chớp mắt được đâu nào! Xu xác đã điêu đứng như thế, mà tinh thần sao cho khỏi bàng hoàng. Xem trăng, tiên sinh than thở:

Khách tử dạ trung khởi,
Bàng hoàng thể triêm thường.
Phỉ vị nghiêm sương khổ,
Bi thử minh nguyệt quang.

客子夜中起
旁皇涕沾裳
匪爲嚴霜苦
悲此明月光

Xót người chổi dậy canh khuya,
Bàng hoàng rơi lệ đầm đìa thấm xiêm,
Sương gieo lạnh buốt không hiềm,
Sầu trăng đối mảnh gương Thiềm trong veo!

Con người nước biếc non xanh, ngao du tự thích, giam chơn trong bốn vách tường cao. tối lom-om, nhớ Cữu Hoa Sơn, Duong Minh động, lòng nào lòng chẳng não nùng. Mà trong cảnh địa ngục ở miền dương gian, ai có trải qua mới càng rõ nỗi:

Khổ ngày ngắn ngủi đêm trường dài ghê.

夜 長 晝 苦 短

(Dạ trường, trú khổ đoản)

Trong ngục u ám lạnh lùng ấy, để giết thì giờ bứt rứt, ngày ngày tiên sinh ôm bộ kinh Dịch đọc, tìm triết học tối cổ của nước Trung Hoa.

Tù cư diệc hà sự?
Tỉnh khiên cụ an bão.
Minh tọa ngoạn « Hy Dịch »
Tẩy tâm kiến vi áo

囚居亦何事
省愆懼安飽
瞑坐玩
洗心見微奥

Trong tù vô sự ấy mà thôi,
Ngồi rỗi ăn nhưng nữa tội trời.
Đêm quạnh gẫm suy lời sách « Dịch »
Gội lòng sạch, lẽ áo vi ngời.

  1. — Nay là Thiệu Hưng 紹 興. Cựu kinh đô của vua Việt Câu Tiển.
  2. — Lời cắt ngĩa nầy của ông Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục.