Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
III. — Thuở tìm học

III.— THUỞ TÌM HỌC

Năm Hiếu Tông, Hoằng Trị nguyên niên, mậu thân (1488) tiên sinh mười bảy tuổi trở về quê ở Dư Diêu đất Việt. Tháng bảy năm ấy tiên sinh cưới vợ ở Hồng Đô 洪 都 (là Nam Xương, tỉnh Giang Tây) Phu nhân là con của Gia Dưỡng Hòa 諸 養 和, khi ấy làm quan Bố-chánh. ty Tham-nghị 布 政 司 參 議 tỉnh Giang Tây. Tiên sinh sang Hồng Đô ở trong quan-thự chờ làm lễ cưới. Ngay bữa hiệp cẩn, cậu tân-lang đâu mất tích. Người cha vợ phải sai quân đi tìm đến hôm sau mới bắt gặp, mời về. Hỏi ra thì tiên sinh nhàn hứng dạo chơi, quá bước vào Thiết-Trụ cung 鐵 柱 宮, gặp một người đạo sĩ, được nghe thuyết minh thuật dưỡng sinh, đối tọa đàm luận, mê thiết mà quên có lễ đuốc hoa đương chờ.

Ở nơi quan thự có những mấy rương giấy trắng. Ngày ngày tiên sinh lấy ra tập viết chữ, cho đến lúc ra về thì không còn một tờ nào. Mà nhân đó thơ pháp của tiên sinh đại tấn. Nên nhớ rằng viễn tổ của tiên sinh có người đã để nét bút vô giá ở thiếp Lan Đình. Đến tiên sinh cũng lại có riêng lối chữ được trứ danh. Ông Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, trong Nam Phong tạp chí có viết:

« Thậm chí nghề viết chữ của người Nhật bản, cũng phần nhiều học viết như lối Dương Minh.

... Lối chữ Dương Minh thì thường viết liền nét, thường có khi một dòng chỉ có một nét trông như hình mây khói long xà, có cái tinh thần hoạt động, mà thể-thế vẫn chính-đại, pháp-độ vẫn cẩn-nghiêm. Vua Khang Hy đã có lời phê: « Thư diệc thông thần ». Nghĩa là Vương Dương Minh không những nhân phẩm đã cao-siêu, học thuật đã thâm thúy, công nghiệp đã kỳ-vĩ, mà thư pháp cũng huyền-thông biến-hóa, vào cõi thánh-thần. Ấy Dương Minh tiên sinh không những học thuyết thiên cổ, mà thư pháp cũng thiên cổ vậy ». (Nam Phong, số 108, tháng août 1926).

Sau nầy giảng học, tiên sinh thường bảo với học trò rằng; « Ta lúc mới tập viết chữ, cứ theo cổ-thiếp mà phỏng ra, thì chỉ được cái hình chữ mà thôi. Về sau cất bút lên không dám khinh suất hạ liền xuống giấy, mà ta ngưng tư tĩnh lự, nghĩ ra hình chữ ở trong lòng trước, bao giờ được cái thần của nó rồi mới xuống bút vạch ra. Như thế lâu mãi rồi mới biến thông được phép viết ».

Tiên sinh đối với phép viết chữ trịnh trọng như thế, cho nên càng lấy làm đắc ý khi đọc thấy Trình Minh Đạo nói: « Ta khi viết chữ rất kính-cẩn. Nào phải cần chữ tốt. Chỉ vì thế mới là học ».

Tiên sinh, sau nầy, cùng học giả luận sách vật, thường lấy đó làm chứng cứ. Trình Minh Đạo đã không cần chữ tốt, lại còn tập chữ làm chi? Sẽ biết rằng cổ nhân tùy thời, tùy sự, chỉ học tại nơi con tâm. Tức như một sự viết chữ, hễ tâm ấy mà tinh-minh, thì điệu chữ tốt cũng đã gồm có ở trong rồi ».

Tâm! Nó sẽ là nền mống, trên đó Vương Dương Minh xây dựng lâu đài học thuyết vĩ đại, lộng lẫy ở giữa cõi Á-đông.

Tâm nghĩ ra thần chữ, bút vạch nên hình, tri hành tịnh tấn, hiệp nhất không chia lìa, Cái mầm trí-lương-tri của Vương Dương Minh đã nảy ra từ đó.

Cưới vợ rồi tiên sinh ở gỡi rễ tại Hông Đô trên một năm. Tháng chạp năm kỷ dậu (1489) mới đưa Gia phu nhân về Dư Diêu. Thuyền đến Quảng Tín 廣 信 (nay là Thượng Nhiêu 上 饒 tỉnh Giang Tây) nghe có Lâu Nhất Trai 婁 一 齋 giảng học tại đó, tiên sinh ghé lại yết kiến. Họ Lâu vốn là một nhà lý-học trác việt, bấy lâu tiên sinh vẫn sùng bái. Hai người cùng đàm luận về thuyết cách vật trí-tri của Tống nho, rất khế hiệp, nhất là về chỗ cùng bảo nhau rằng có thể học làm thánh hiền được.

Năm sau (1490) Long Sơn tiên sinh cáo quan về Dư Diêu để tang thân phụ. Thừa nhàn mới giảng tích kinh nghĩa cho con cùng cho ba người em con nhà chú và một người em rể. Ngày Vương Dương Minh tập khóa nghiệp tối lại đọc chư kinh tử sử, thường quá nửa đêm mới đi ngủ. Bốn người kia thấy văn tự của tiên sinh ngày một tấn tới, thẹn mình chẳng kịp Sau rõ ra, mới nói: « Hắn đã lòng ngoài cử nghiệp, bọn ta bì sao được! »

Tiên sinh đối đãi với người hay nói bông đùa. Một hôm hối hận, tập lại ngồi đoan chỉnh và ít nói cùng nói ít lời, Bốn người đồng học không tin. Tiên sinh chánh sắc, mà nói: « Tôi trước phóng dật, nay biết lỗi rồi. » Từ đó bốn người kia cũng lần lần liễm dung. Năm nhâm tý (1492) tiên sinh hai-mươi-mốt tuổi, thi hương ở Chiết Giang đỗ cử nhân.

Bấy giờ mãn tang Trúc Hiên tiên sinh, Long Sơn tiên sinh trở ra làm quan, lại về ở Bắc Kinh. Dương Minh tiên sinh theo hầu cha. Tại kinh sư mới đọc khắp các di thơ của Châu Hy. Tiên sinh thấy tiên nho bảo rằng một cộng cỏ, một chồi cây, đều có bao hàm chí lý. Nhân nơi quan thự có trồng nhiều trúc, tiên sinh mới thử theo thuyết tống nho mà cách trí giống trúc. Nhưng hết sức trầm tư không ra lý gì cả, mà lại phát bịnh. Tiên sinh bèn tự yên ủi: Âu là thánh hiền cũng phải có phận mới làm được. Khi ấy mới xoay lại học từ chương, chuyên lo khoa cử. Chẳng may năm sau, quí sữu (1493), vào hội-thí bị hạ đệ. Hàng tấn-thân với Long Sơn tiên sinh là bạn làm quan cùng nhau, hay tin chẳng vui ấy, đều đến an ủi con ông Trạng. Ông Tể-tướng Lý Tây Nhai đùa rằng: « Anh năm nay không đỗ khoa tới chắc là sẽ giành Trạng nguyên. Đâu anh thử làm một bài phú lấy đề « khoa tới trạng nguyên » xem chơi. » Vương Dương Minh tiên sinh vãy bút thành chương. Chư lão đều kinh thán: « Thiên tài! Thiên tài! » Trong bọn có người đố kỵ, lúc ra về bảo rằng: cho thằng nhỏ nầy mọc lên thì nó sẽ chẳng xem chúng mình ra gì đâu. Quả thật đến khoa bính thìn (1496) người ấy dìm tiên sinh. Các bạn thân trong đám đồng học, có người lấy sự thi hỏng làm hổ. Tiên sinh an-ủi mà rằng: « Đời lấy sự thi hỏng làm hổ. Tôi thì tôi lấy làm hổ là sự vì thi hỏng mà động tâm. » Thức giả nghe đều kính phục.

Khoa bính thìn hỏng rồi, tiên sinh trở về Dư Diêu kết thi xã ở chùa núi Long Tuyền. Trong thi xã có ông quan về hưu là Phương Bá Ngụy Hãn người bình thời lấy hùng tài tự phóng, mà đối với tiên sinh cũng khiêm nhường. Hễ ở Long Sơn được câu thi văn nào hay, đều tạ ơn tiên sinh, mà nói rằng nhờ tiên sinh mới có được

Tiên sinh thi hỏng không động tâm. Nhưng cũng hơi chán nghề thi văn. Ngoài cuộc từ chương thi phú ở Long Sơn, tiên sinh lại lưu tình đến binh pháp. Ấy cũng bởi hoàn cảnh.

Bấy giờ là năm kỷ tỵ (1497). Ngoài biên thùy báo động gấp rút. Triều đình mới suy cử tướng tài. Tiên sinh nuôi lòng đoạt vũ-cử, nhưng nghĩ rằng Triều đình đặt ra khoa ấy chỉ lấy được những người cỡi ngựa, bắn cung, múa giáo hay giỏi, mà không kén được kẻ có tài thao lược để có thể thống ngự ba quân. Tiên sinh bèn cố học binh pháp. Phàm bao những bí-thơ yếu quyết của binh-gia, tìm thấy được ở Kinh Sư, tiên sinh đều nghiên-cứu đến tinh-tường. Mỗi lúc có gặp tân-khách yến-ẩm, xong tiệc rồi, tiên sinh tất đem những quả, những hột bày ra trận thế để bàn mưu-mô chiến lược làm vui.

Song le lòng muốn đoạt vũ cử của tiên sinh không được thể lực giúp vào. Tiên sinh vốn bẩm chất yếu đuối như đã nói trên đây. Mà tự tuổi tráng niên về sau lại càng bịnh hoạn. Cho nên tiên sinh ưa nghe, ưa nói chuyện dưỡng sinh Năm mậu ngũ (1498) tiên sinh hai-mươi-bảy tuổi, đương ở Kinh-sư. một hôm đọc văn của Châu Hy, mà thấy được rõ mối đạo. Thượng sớ cho vua Tống Quang Tông, Châu Hy có lời nầy; « Cư kỉnh trì chí, vi độc thơ chi bổn; Tuần tự trí tinh, vi độc thơ chi pháp[1], 居 志, 讀 書 本, 循 序 致 精, 爲 讀 書 之 法. »

Đọc lời ấy tiên sinh hối ngộ. Bấy lâu tiên sinh không tuần tự, không trí tinh: Khi thì học văn, khi thì học vũ khi thì mô phật, khí thì chuộng tiên Tiên sinh nhất nguyện học theo Châu Hy, cư kỉnh trì chí và tuần tự trí tinh. Nhưng sao rốt lại cũng thấy vật lý và bổn tâm vẫn hãy như còn chia lìa làm hai. Tiên sinh mới càng trầm uất. Tư tưởng mãi lâu, bịnh cũ trở lại. Tiên sinh càng tin rằng thánh hiền phải có phận mới làm được. Bởi nên thêm chán đời. Nhân nghe có vị đạo sĩ thuyết minh thuật dưỡng sinh, tiên sinh có ý muốn trốn đời vào núi học đạo.

Song le đó mới là ý muốn mà thôi. Vì năm sau, Hiếu Tông, Hoằng Trị thập-nhị niên, kỷ vị (1499) tiên sinh vào xuân-vi, đỗ Đệ-nhị-giáp Tiến-sĩ xuất-thân, tức là đỗ Hoàng Giáp. Bấy giờ tiên-sinh hai mươi tám tuổi. Được bổ đi tập-chánh nơi Công-bộ. Mùa thu năm ấy phụng Khâm sai đến Hà Giản 河 間 (tỉnh Trực Lệ) đốc tạo phần mộ của Uy Ninh Bá, Vương Việt 威 寧 伯, 王 越, là một vị công thần nhà Minh đã phá được giặc Thát Đát ở Uy Ninh. Với một số công nhân rất đông, tiên sinh tất không dùng đến quả đến hột như trước nữa. Mà mỗi lúc rồi công nghĩ việc tiên sinh bắt họ ra day diễn bát-trận-đồ. Khi làm xong công trình người trong phủ Uy Ninh Bá đem nhiều vàng bạc lụa là đưa lễ tạ. Tiên sinh không nhận. Người ấy bèn lấy thanh gươm của Uy Ninh đeo ngày trước đưa tặng. Tiên sinh đón rước ngay.

Sao lại từ khước những của kia mà nhận lấy thanh gươm này? Ấy bởi trước khi thi đỗ Hoàng Giáp, tiên sinh có lần nằm chiêm bao thấy Uy Ninh Bá đưa tặng bữu kiếm, giờ thấy sự ăn với điềm báo mộng, nên lấy làm đắc ý.

Trong năm ấy có sao chổi mọc ra. Lòng người đều xao xiếng, ưu uất, không biết sẽ có họa hoạn gì xảy đến hay chăng. Hoằng Trị Hoàng đế cũng lấy làm lo lắng. Mới xuống chiến khuyên dân chúng tu tỉnh Lại nhân biên thùy lỗ khấu nổi dậy. Hoàng đế mang tướng xuất sư.

Vương Dương Minh đọc chiếu động lòng ái quốc, mới dâng sớ điều trần, trong có lời: « Chúa ưu thì tôi nhục. Cho nên có được một vài ý kiến không nỡ nào chẳng dâng lên ngự lãm ». Tiên sinh cho rằng có đại hoạn là vì những kẻ đại thần, ngoài thác danh thận trọng lão thành, mà trong thì toan kế quyền cao lộc cả, ăn của đút lót, dìm kẻ cương trược chánh đại, làm thành phong tục khiếp nhụ. Tiên sinh điều trần tám việc về biên vụ. Một: Súc tài để bị cấp: bấy lâu vũ cử chỉ là kẻ có tài cỡi ngựa, bắn cung, đăm giáo, mà chưa có ai đủ thao lược để thống ngự ba quân, nên giờ phải súc tài, để bị cấp. Hai: xã đoản để dụng trường: người vốn có sở đoản sở trường, không nên vì có chỗ sở đoản mà không dùng đến, Ba: bớt quân để đỡ tốn: binh quí tinh, bất quí đa. Bốn: lập đồn điền để cấp dưỡng quân binh: bởi binh sĩ lấy sự ăn làm đầu, không lương thực không còn binh sĩ: nhưng cấp dưỡng nhiều thì dân nghèo cho nên phải bắt quân tự cày cấy, mà mỗi tên tự lấy sức mình nuôi mình Năm: hành pháp để chấn uy, Sáu: phu ân để khích oán: chẩn tuất cô quả, cho những gia đình có người vì nước nát thân không sinh lòng oán vưu. Bảy; quyên tiểu, để toàn đại: quân sĩ có điều sơ thất nhỏ nhặt, hãy bỏ qua đi, chỉ trông việc đại thành mà thôi. Tám: nghiêm thủ, để thừa tệ: xét tình thế Trung quốc nên tự thủ, vì thế giặc đương kịch liệt; Trung quốc cố thủ chừng nào, thì hồ lỗ sẽ yếu hèn chừng nấy; bao giờ binh sĩ có thừa khí nhuệ, giặc có đuối sức, kéo binh đánh sẽ mau thành công.

Vương Dương Minh đã thân trải qua biên tái điều tra rõ ràng về hư thật của hồ lỗ, nên thảo sớ được phi thường thiết thật khẩn yếu. Nhưng mà thời ấy gian thần đương lộng quyền, vua lại hèn yếu, cho nên chung qui sớ của iên sinh dâng lên không có kết quả gì cả. Chẳng qua là nhân sớ đó mà thanh danh của tiên sinh càng to. Người người đều cho rằng tiên sinh có kiến thức cao, có gan dạ lớn.

Hoàng đế, thật ra cũng nhận rõ và cũng trọng tài năng của tiên sinh, nên mới trao cho tiên sinh chức Hình-bộ Vân Nam thanh-lại-ty chủ sự và nấy cho tiên sinh đến vùng Trực Lệ, Hoài An (tỉnh Giang Tô) thẩm lục trọng tù.

Tiên sinh tánh liêm khiết. Gặp việc đoán định chẳng chút hàm hồ. Tội phạm được tiên sinh thẩm phán, đều đội ơn tạo hóa. Tiên sinh rất mực công bằng. Xét tội đáng giảm thì giảm, đáng tha thì tha, mà đáng tội thì cương quyết trừng phạt.

Sứ nhiệm xong rồi tiên sinh thấy mình được thanh nhàn. Hốt nhiên động lòng non nước. Tiên sinh vốn sẵn có tư tưởng xuất thế từ trước, một muốn độc thiện kỳ thân mà thôi. Bèn dạo chơi thưởng phong cảnh núi Cữu Hoa 九 華, thuộc tỉnh An Huy 安 徽, ngụ ở hai chùa Vô Tướng 無 相 và Hóa Thành 化 成. Bấy giờ là năm tân dậu (1502), tiên sinh ba-mươi tuổi.

Trong bài phú chơi núi Cữu Hoa, tiên sinh phát tiết nỗi bão phụ trong lòng, có những câu:

Ngô ninh bất dục trường anh ư khuyết hạ, khoái bình sinh chi uất-đào?
Cố lực vi nhi nhậm trọng, cụ phúc bại ư hoặc tao.
Hựu xuất vị dĩ đồ viễn, tương vô tiệu ư tiêu-liêu,
Ta hữu sinh chi bách ải đẳng diệt một ư phong bào!
Diệc phú quí kỳ hề vi? do vinh thuấn chi nhất triêu.

吾 甯 不 欲 請 長 纓 於 闕 下,
快 平 生 之 鬰 陶,
顧 力 微 而 任 重,懼 覆 敗 於 或 遭,
又 出 位 以 圖 遠,將 無 誚 於 𪁎 鷯.
嗟 有 生 之 追 隘,等 減 没 於 風 泡,
亦 富 貴 其 奚 爲,猶 榮 舜 之 一 朝,

(Ta sao chẳng muốn áo mũ xuê-xang ở nơi Triều, để khuây nỗi bình sinh bứt rứt? Chỉ vì đoái lại sức hèn mà nhậm trọng, sợ có ngày rồi sẽ gặp gãy đổ (mà nguy).

Bỏ địa vị mình, để mưu cuộc lớn-lao sao khỏi để cười cho giống chim tiêu-liêu (chỉ tự túc với một cành con).

Than ôi! Kiếp phù sinh chật-vật, mấy lúc mà tiêu tan như bong-bóng sóng xao Thời, giàu sang nữa mà làm gì? Chẳng qua cũng như kiếp hoa thuấn, nở sớm tàn chiều).

Chán đời như thế lại gặp ở núi Cữu Hoa vị đạo-sĩ Thái Bồng Đầu 蔡 蓬 頭 đàm tiên-thuật rất hay, tiên sinh luyến mộ, lấy khách lễ mà cung kỉnh xin theo học đạo. Nhưng đạo sĩ bảo: « Chưa được ». Tiên sinh nghĩ rằng chắc vì có đông người nên đạo sĩ không chịu dạy cho. Vời đạo sĩ vào hậu đường, tái bái thỉnh giáo. Đạo sĩ cũng lại bảo: « Chưa được ».

Tiên sinh vật-nài mãi. Đạo sĩ bảo: « Ngài tuy ở hậu đường có lễ long trọng, nhưng chung cuộc sẽ không quên được ngôi quan ngôi tướng. » Nói xong, đạo sĩ cười mà từ biệt.

Lại nghe ở động Địa Tạng 地 藏 có dị-nhân đắc đạo cao huyền, tiên sinh tìm đến, thì dị-nhân chính đương lúc ngủ say. Tiên sinh ngồi xuống một bên, giây lâu sẽ lấy tay khe khẽ vỗ vào chân dị-nhân. Dị-nhân thức dậy, quái lạ, hỏi: « Đường đi hiểm trở, làm sao đến được đây? » Hai người bèn đàm luận. Câu chuyện động đến tối-thượng-thừa. Dị nhân nói: « Châu Liêm Khê, Trình Minh Đạo, ấy là hai người tú-tài giỏi của nhà nho đấy. » Ý bảo rằng tiên sinh nên học nho của Châu Trình là được rồi, bất tất phải đi tìm tiên phật. Tiên sinh hiểu ý, cáo từ ra về. Mấy hôm sau trở lại, thì dị nhân đã hạc nội mây ngàn. Tiên sinh bùi ngùi. Lòng đạo nhưng mà khó nguôi. Tiên sinh mãi nhớ dị nhân, thường tiếc than: « Người hiểu đạo xa vắng mất! 會 心 人 遠. »

Tháng năm năm ấy tiên sinh hồi kinh phục mạng. Rồi mà lại ngày suốt tối, đêm khêu đèn, tựa án đọc sách. Theo lời mách bảo của dị nhân, dở Ngũ Kinh cùng những sách đời tiên Tần, lưỡng Hán, nghiên cứu một cách khắc khổ. Nhân đó văn tự ngày thêm tấn bộ một ngày, mà trái lại thân thể ngày thêm đồi hoại một ngày. Vả chuyến đi thẩm lục trọng tù, dọc đường tiên sinh cảm thọ phong hàn, lại còn lao tâm quá độ, thời hơi sức cũng trước đã hao mòn lắm rồi. Phụ thân của tiên sinh nghe nói tiên sinh đêm thức khuya quá để đọc sách, cùng thấy tiên sinh gầy guộc lắm, bèn nghiêm cấm gia nhân đốt đèn nơi thơ thất. Tiên sinh lại chờ cho phụ thân ngủ muồi rồi cũng lén thắp đèn đọc sách khuya khoắc.

Càng đọc nhiều tiên sinh càng thấy thi xưa văn cũ không giúp mình chút nào về phương tìm đạo lý.

Mới than rằng: « Ta sao nỡ đem cái tinh-thần có hạn nầy mà phí cho hư văn vô dụng! » Tháng tám năm nhâm-tuất (1502) tiên sinh dâng sớ cáo bịnh. Thật ra tiên sinh cũng không kham làm việc nữa. Trong sớ tiên sinh nói: « Năm ngoái phụng mạng đi Trực Lệ, Hoài An các phủ thẩm quyết trọng tù, thần phải bịnh hư nhược khái thấu... xung mao phong hàn,... nội hao ngoại xâm... Xin dung cho thần tạm lui về nguyên tịch tìm thầy điều trị. Ngày nào bịnh khỏi... thần sẽ lại đồ báo thánh ân. »

  1. — Kính cẩn bền chí là gốc trong sự đọc sách; lần theo thứ tự đến chỗ tinh vi là phép đọc sách