Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
II. — Thuở ấu thơ

II.— THƯƠ ẤU THƠ

Trên đây đã lược dẫn dòng họ của người mà ta muốn tìm thửa học thuyết. Một dòng họ miên trường ngót một ngàn năm trăm năm ngoài tuy có khoảng lu lờ, mà lắm lúc ra vào tướng tướng, có quan hệ to với lịch sử nước Tàu. Không kể Vương Đôn 王 敦 Vương Đạo 王 導 đời Tấn, là hai người bà con họ, không phải là chánh dòng tổ tiên của Vương Dương Minh. Hai người ấy hoặc ở trong lịch sử nước Tàu có điều không được minh chánh. Còn thì họ Vương vẫn trang liệt, vẫn hiếu để thành phong. Đến như túc học đại nho thì họ Vương vẫn có thừa người.

Sinh trong dòng họ ấy là một cái may hiếm có rồi. Sinh trong dòng họ hiển hách như vậy, lại sinh làm con của một ông Trạng, Vương Dương Minh hẳn chiếm đặc quyền ở nhân gian.

Gốc rễ đã ăn sâu trên một miếng đất nhuận hậu thì mầm chồi vượt mạnh; rồi ngành ngọn sẽ lăng tăng, âu cũng là lẽ thường.

Nhưng Vương Dương Minh không được bẩm chất tốt. Tưởng phải hỏng một đời rồi. Mẹ là bà họ Trịnh mang thai đến mười bốn tháng. Sự như thế đã là khác thường. Truyền rằng một hôm Sầm phu-nhân, bà nội của tiên sinh nằm mộng thấy thần nhân mặc áo lụa đỏ kết ngọc ở trên mây kèn trống đưa tiên sinh xuống, trao cho Sầm phu-nhân giựt mình dậy đã có tiếng oa-oa của tiên-sinh mới lọt lòng. Hôm ấy là ngày đinh-hợi 30 tháng 9 năm nhâm thìn, nhằm năm Thành Hóa thứ tám, đời vua Hiến Tông nhà Minh. Tính ra là ngày 24 novembre 1472 trong lịch julien.

Ngày nay ai đã có nghiên cứu về tâm-lý-học, biết mộng mị phát sinh ra cách nào, thì khó lòng mà tin những điềm thấy trong lúc dở mê dở tỉnh. Nhưng ngày xưa, lại ở trong một xã hội nhiều mê tín, người ta phải lấy điềm chiêm bao làm quái lạ. Ông nội của tiên sinh bởi cho điềm chiêm bao kia là kỳ dị, mới đặt cho tiên sinh tên Vân 雲. Người trong hương lý cũng truyền nhau điềm chiêm bao ấy và gọi cái lầu nơi tiên sinh ra đời là Thụy Vân Lâu 瑞 雲 樓.

Điềm chiêm bao tốt như thế, nhưng cậu bé Vân trong thai nằm những mười bốn tháng, ra đời đến năm năm chẳng biết nói rằng. Nhà giáo-dục-học ngày nay kể một đứa trẻ như thế là « chậm trễ » (retardataire) và không khỏi đưa lại thầy thuốc xem cơ thể của nó có gì biến thái (anormal), để biết phải bồi bổ như thế nào cho nó nở nang đều đặn. Ngày xưa hẳn phải cầu ở thần linh mà thôi. Cho nên có lời truyền rằng một hôm cậu bé Vân cùng bầy trẻ đương chơi, có vị thần tăng ngang qua, nhìn mà bảo: « Đứa nhỏ này tướng tốt lắm đấy, tiếc vì đạo bị phá đi! » Trúc Hiên tiên sinh nghe lời ấy tỉnh ngộ: đặt tên là Vân, để nhắc điềm chiêm bao như thế, là tiết lậu thiên cơ.

Bèn cải tên lại là Thủ Nhân 守 仁. Từ đó cậu bé biết nói. Một hôm cậu tụng lại những sách của Trúc Hiên tiên sinh đã có đọc qua. Trúc Hiên tiên sinh lấy làm lạ, hỏi; Sao lại biết được? Đáp rằng: trước kia nghe ông nội đọc, cháu đã thuộc ngầm.

Năm tân sửu (1481) Long Sơn tiên sinh thi đỗ Tiến Sĩ đệ nhất giáp đệ nhất nhân, tức là Trạng nguyên, liền được bổ đi làm quan tại Triều ở Bắc Kinh. Long Sơn tiên sinh rước cha về kinh-sư phụng dưỡng. Trúc Hiên tiên-sinh mang cậu bé Thủ Nhân đi theo, tạm lìa quê Dư Diêu đất Việt. Năm ấy nhâm dần (1482), Thủ Nhân mười một tuổi. Qua chùa Kim Sơn 金 山 寺, Trúc Hiên tiên sinh ghé lại ngoạn thưởng phong cảnh. Cùng khách rượu ngà ngà, nghĩ làm thi phú. Nghĩ chưa ra, cậu bé Thủ Nhân hầu bên cạnh ứng khẩu đọc:

Kim Sơn nhất điểm đại như quyền,
Đã phá Duy Dương thủy để thiên.
Túy ỷ diệu cao đài thượng nguyệt,
Ngọc tiêu xuy triệt động long miên.

金山一點大如拳
打破維揚水底天
醉倚妙高臺上月
玉簫吹徹洞龍眠

Kim-Sơn như nắm tay thoi,
Đánh tan trời dưới đáy ngòi Duy Dương.

Đài cao say tựa trăng suông,
Ngọc tiêu kinh giấc thuồng luồng hang sâu.

Thơ tả cảnh rất huyền huyễn, thấy nghe đều như trong chếnh choáng mơ hồ. Khách thảy kinh dị cho một cậu bé mười một tuổi. Nhưng không khỏi nghi rằng Trúc Hiên tiên-sinh đã lén gà cho, mới bảo nghĩ một bài thi nữa vịnh « Tệ nguyệt sơn phòng.

Cậu bé Thủ Nhân tùy khẩu đọc:

Sơn cận nguyệt viễn, giác nguyệt tiểu,
Tiện đạo thử sơn đại ư nguyệt;
Nhược nhân hữu nhãn đại như thiên,
Hoàn kiến sơn tiểu, nguyệt cánh khoát.

蔽月山房

山近月遠覺月小
便道此山大於月
若人有眼大如
還見山小月更闊

Non gần, trăng xa, thấy trăng bé,
Nên ngỡ non nầy lớn quá trăng
Người nếu mắt to như trời ấy
Lại xem non nhỏ, trăng vô ngần.

Bây lớn tuổi, thấy được sự tương đối xa vời như thế, thời trí đã xuất chúng siêu quần rồi. Phải tưởng rằng đứa bé « chậm trễ » chắc có gặp thuốc hay mà qua được cái đốt eo ngẳng thuở ấu trĩ. Nhưng mãi đến già con người của Vương Dương Minh cũng vẫn thấy yếu đuối, hệ là tiên thiên bạc nhược mà ra.

Năm mười-hai tuổi theo học với thầy riêng, cậu bé Thủ Nhân có lẽ vì bẩm chất yếu không chịu được buộc ràng, tính càng hào mại, bỏ học luôn. Long Sơn tiên sinh thường băn khoăn lo buồn vì chỗ xao lảng học tập của con. Duy Trúc Hiên tiên sinh hiểu mà không quở trách. Cậu học trò không chăm ấy ai ngờ đâu trí ở ngoài lề sách, chí lại ở xa vời. Một hôm hỏi thầy: không hay việc chi là việc đệ nhất đẳng trên đời? Ông thầy đáp: duy có đọc sách thi đỗ mà thôi. Cậu học trò bẻ lại: thi đỗ e rằng chưa phải là việc đệ nhất đẳng trên đời, hoặc chăng việc đọc sách học thánh hiền mới là đệ nhất đẳng ấy thôi. Long Sơn tiên sinh cười mỉa: con muốn làm thánh hiền à?

Năm giáp thìn (1484) Vương Dương Minh mười ba tuổi, đương ở kinh sư thì mẹ qua đời, làm cho tiên sinh đau đớn khôn cùng, lại càng luông lung không gắn học. Năm mười lăm tuổi, vẫn ở kinh sư, có lần xuất du nơi cửa ải Cư Dung 居 庸 (ở phía tây bắc huyện Xương Bình 昌 平, Phủ Thuận Thiên) và Sơn Hải Quan 山 海 關) (huyện Lâm Du 臨 榆 tỉnh Trực lệ), thấy quan ải chợt động lòng muốn đi kinh lược bốn phương bèn lẫn theo đám trẻ rợ mọi cỡi ngựa bắn cung hơn tháng mới về.

Cũng lại bởi tấm lòng bốn phương ấy và hẳn cũng bởi cơ thể yếu hay chiêm bao, nên một hôm nằm thấy tòa miếu của Phục Ba Tướng Quân (Mã Viện) cùng bài thi mà tiên sinh ghi lại như vầy:

Quyển giáp qui lai Mã Phục Ba,
Tảo niên binh pháp mấn mao bà;
Vân mai đồng trụ lôi oanh chiết,
Lục tự đề văn thượng bất ma.

卷甲歸来馬伏波
早年兵法鬢毛皤
雲埋銅柱雷轟析
大字題文尙不磨

Cuốn giáp qui triều Mã Phục Ba,
Đột xung râu tóc tuyết sương pha.
Trụ đồng dầu lấp hay dầu gãy,
Sáu chữ đề xưa vẩn chẳng lòa.

Sáu chữ đề ấy, nếu người Tàu như Vương Dương minh, mãi nhớ đến mà tự đắc, thì người mình cũng không bao giờ quên mà chẳng câm hờn. Ấy là sáu chữ « Đồng trụ chiết, Giao-Chỉ diệt 銅 柱 折 交 趾 滅. »

Tuổi mười-lăm, Vương Dương Minh đã nghĩ đến đức vọng thánh nhân, đã nghĩ đến sự nghiệp anh hùng, có như thế rồi. Mộng Phục Ba tướng quân nào phải trong giấc ngủ mà thôi đâu. Về sau, trong tay có đủ binh quyền, dưới cờ có sẵn sĩ tốt, không phải là tiên sinh không dòm ngó qua phía Giao Chỉ. Chỉ vì chưa gặp cơ hội tốt mà thôi: Cơ hội tốt mà tiên sinh chờ đợi là khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê. Song le tới chừng ấy tiên sinh đã mất rồi.

Chí kinh luân thuở mười-lăm tuổi của tiên sinh không phải ôm trong lòng mà thôi Tiên sinh còn biểu lộ ra nữa. Nhân thời bấy giờ trong nước có giặc cướp, tiên sinh toan viết thơ hiến kế dẹp loạn cho triều đình. Nhưng Long Sơn tiên sinh mắng là muốn làm việc cuồng, nên mới thôi nghĩ đến nữa.