I. — THẾ HỆ

Dây-dưa dằng-dặc ngót một ngàn sáu trăm năm, cánh họ Vương, trong lịch sử nước Tàu, được lắm thuở lẫy-lừng hiển hách. Tướng, tướng, công, hầu, vũ công, văn trị, một vinh dự nào cũng không thiếu cho cánh họ nầy.

Đời tiền Hán, triều vua Tuyên Đế (73 tới 49 trước tây nguyên) có Vương Cát 王 吉 làm quan đến chức Gián-nghị Đại-phu 諫 議 大 夫.

Xuống đời Tấn, có Vương Lãm 王 覽, người ở Lâm Nghi 臨 沂, đất Lang Da 瑯 琊, trong tỉnh Sơn Đông ngày nay, làm quan đến chức Quang-lộc Đại-phu 光 祿 大 夫, mất vào năm Hàm-Ninh thứ tư (278 sau tây nguyên) thọ bảy mươi ba tuổi.

Vương Lãm là em khác mẹ của Vương Tường 王 祥, một trong nhị-thập-tứ hiếu tức là người « nằm giá », mà Nguyễn Đình-Chiểu đã kể trong truyện Lục Vân Tiên:

Suy trang nằm giá, khóc măng
Hai-mươi-bốn thảo chẳng bằng người xưa.

Cháu nội của Vương Lãm có một bậc danh nhân mà trong văn-chương nước ta vẫn nhắc-nhở đến. Cũng nơi truyện Lục Vân Tiên có câu:

Xem đà đẹp-đẽ hòa hai,
Kìa dâu nam-giản, nọ trai đông-sàng

Nguyên có quan Thái-úy là Khích Giám 㕁 鑒 muốn kén rễ, sai môn nhân đến chọn trai ở nhà Vương Đạo 王 導 là một vị quan ra vào tướng tướng ở miếu đình. Vương Đạo bảo đi sang chái đông mà xem con em của mình. Sai nhân xem xong, về thưa cùng Khích Giám; con em nhà họ Vương có lắm người tuấn tú, nghe tôi đến chọn rễ cho ngài thì làm ra dáng căng trì nghiêm-cẩn, duy có một chàng nằm khềnh trên giường mé đông mà ăn bánh tuồng như không hay biết chi cả. Khích Giám cười rằng: đó sẽ là rễ quí của ta. Hỏi ra, anh chàng nằm trên đông sàng đó là cháu kêu Vương Đạo bằng chú, tên Vương Hy Chi 王 之, tự Dật Thiếu 逸 少.

Truyện Kiều của Nguyễn Du, thời có câu:

Khen rằng bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan-Dình nào thua.

Thiếp nầy vốn của Vương Hy-Chi viết ra ngày mồng ba tháng ba năm quí sửu, nhằm năm Vĩnh Hòa thứ chín (353 sau tây nguyên) với nét bút; phiêu phất thì như dáng mây trôi, cất ngửng lên thì giống tuồng rồng kinh sợ.

Trong tập Dương Từ Hà Mậu (chưa hề xuất bản) của Nguyễn Đình Chiểu, lại cũng nhắc đến Vương Hy Chi với câu:

Vốn không học thói Lan Đình
Xúm nhau thầm thỉ phẩm bình cổ nhân.

Rồi trong tập Ngư Tiều Vấn Đáp (cũng chưa hề xuất bản) lại cũng Nguyễn Đình Chiểu, với một cái ý trân trọng hơn, thốt ra câu:

Lung du là bọn Lan Đình.
Bụi hồ chẳng đến nhơ hình chiếc ghe,

Bởi Vương Hy Chi tánh rất hào mại, không chịu trói buộc, thường kết bạn hằng mấy mươi người, dạo chơi non nước, lánh cảnh phồn hoa của đất kinh sư. Làm quan đến chức Hữu-quân-tướng-quân 右 軍 將 軍, không được đẹp ý với Vương Thuật là một người trong triều sĩ danh dự xấp-xỉ với mình, Hy Chi cáo bịnh từ quan.

Qua chơi Chiết Giang, thấy sơn thủy đẹp-đẽ hữu tình lại có nhiều danh sĩ ở đấy. Hy Chi bèn bốc cư về Sơn Âm[1] 山 陰, đất Cối Kê 會 稽. Về sau bên Giang Tả (tức là vùng phía đông sông Trường Giang) được thấy một nhà đức hiếu trung trinh, nối gót với nhau nên đại nho danh thế. Nhưng đó là việc về sau xa. Hết lớp Vương Hy Chi, nhà họ Vương thạnh cực rồi lại phải suy vi một thời hèn lâu.

Xuống hai mươi mốt đời dưới Hy Chi có Địch-Công-lang 迪 功 郎 Vương Thọ 王 壽 từ Sơn Âm dời về ở Dư Diêu 餘 姚 cũng trong đất Cối Kê Từ đây cánh họ Vương thành người Dư Diêu, xuống mãi cho tới Vương Dương Minh.

Cháu năm đời của Vương Thọ có người văn vũ trường tài, tên Vương Cương 王 綱, tự Tánh-Thường 性 常, cũng có tự khác là Đức-Thường 德 常. Buổi đầu nhà Minh, năm Hồng-Vũ thứ tư (1371) nhờ Thành-Ý Bá, Lưu-Bá-Ôn tiến cử vào triều, làm Binh-bộ-lang-trung 兵 部 郎 中, bấy giờ đã bẩy mươi tuổi. Chỉ sai đi làm Tham-Nghị 参 議 tỉnh Quảng-Đông, Tánh-Thường bị rợ Miêu bắt, mắng chúng, chúng giết chết.

Khi ấy con là Vương Ngạn Đạt 王 彥 達 mới mười sáu tuổi, cùng đi theo được rợ Miêu tha mạng, mới lấy da dê bọc thi đem về quê. Đến năm Hồng-vũ thứ hai mươi tư (1391) có quan Ngự-Sử là Quách Thuần 郭 純 đem việc Vương Cương chết nạn tâu lên vua. Vua cho lập miễu thờ và sai lục-dụng Ngạn Đạt. Nhưng Ngạn Đạt tủi về nỗi cha chết trung mà triều đình bạc đãi, nên không chịu ra ứng dụng, giữ một niềm ẩn tháo, kham khổ cày cấy cung phụng mẹ già, trọn đời mặc gai bố, lấy hiệu Bí-hồ-ngư-ẩn 祕 湖 漁 隱, di thơ dặn con cháu đừng ra làm quan.

Trâu lời cha, Vương Dữ Chuẩn 王 與 準, tự Công-Độ 公 度 đóng cửa đọc sách. Trong hương lý đến cầu học rất đông.

Dữ Chuẩn từ khước rằng: ta học không thầy, sao dám truyền thụ cho ai. Rồi bỏ đi vào núi Tứ Minh 四 明, học kinh Dịch với người họ Triệu. Triệu tiên sinh ái mộ chí tiết, gả người em họ cho và khuyên ra làm quan. Dữ Chuẩn một mực gìn lời di chúc của cha. Họ Triệu thấy vậy thầm khen, không bàn đến việc xuất sĩ với nữa. Đời trước của Dữ Chuẩn có được dị-nhân cho sách bói. Lúc nhàn Dữ Chuẩn cùng cứu bốc thuật, thử bói giùm người hàng xóm đều được linh ứng. tiếng tăm nổi dậy. Bấy giờ quan huyện lịnh ở đấy nghe danh, thường sai người đi cầu quẻ, có ngày đến hai ba lượt. Dữ Chuẩn lấy làm bực mình, trước mặt sai-nhân của quan huyện lịnh, đốt sách mà rằng: Vương Dữ Chuẩn nầy không thể làm thuật-sĩ để thâu ngày bôn tẩu nơi cửa công, nói chuyện họa phúc.

Quan huyện lịnh nghe lấy làm câm hờn, Dữ Chuẩn độ ghe ngày phải lụy mình, trốn vào ở trong hang đá núi Tứ Minh, hơn năm trời chẳng về nhà. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XV, triều đình đốc Hữu-ty đi phỏng cầu di-dật rất nghiêm nhặt. Sứ giả đi đến huyện Dư Diêu, bàn việc cất nhắc Dữ Chuẩn, thì quan huyện lịnh, vốn ôm ấp cừu hờn, bẩm rằng:

Vương Dữ Chuẩn lấy lẽ cha chết trung mà triều-đình bạc đãi, nên cha con hắn thề không ra làm quan, thật là có lòng oán vọng triều đình đó. Sứ giả nghe giận lắm, bắt cả ba đứa con của Dữ Chuẩn và sai người lùng bắt Dữ Chuẩn cho được. Dữ Chuẩn nghe hơi tăm càng rút sâu vào rừng núi, rủi sa xuống bực hẩm, trọng thương nơi chơn, hết chạy được mà phải bị bắt điệu về, Dữ Chuẩn cương trực thuật lại việc mình đốt sách làm cho quan huyện lịnh giận nên chi nói thêm để rửa hờn. Sứ giả nghe lời thản trực hiểu ra, và cũng thấy Dữ Chuẩn trọng thương, nên tha cho. Nhưng thấy người con thứ của Dữ Chuẩn là Vương Thế Kiệt 王 世 傑 ra vẻ hiền đức, sứ giả mới cùng Dữ Chuẩn rằng: Túc hạ không chịu làm quan, sợ rồi về sau không khỏi triều đình bắt tội, chi bằng túc hạ để cho Thế Kiệt thay túc hạ có phải là nên không? Bất đắc dĩ Dữ Chuẩn đưa Thế Kiệt ra làm học trò ấp tường, tức là trường nhà nước ở trong huyện. Được trở về ở ẩn, Dữ Chuẩn lấy hiệu Độn Thạch Ông 遯 石 翁. Thường bảo với người ta rằng: Tôi mà không bị va vào đá trọng thương nơi chơn, thì chi cho khỏi phải ra làm quan, lấy hiệu nầy là vì đối với tôi đá có đức chẳng đặng quên nó. Dữ Chuẩn cũng thường nói: Tôi không phải ghét giàu sang mà ưa nghèo hèn, chỉ vì mạng tôi bạc lắm, vả lại cái chí của tiên-nhân cũng chẳng nỡ phụ rãy,

Dữ Chuẩn nghiên cứu về kinh Lễ, kinh Dịch rất tinh vi, có làm ra sách Dịch-Vi 易 微 truyền tụng ở đời.

Thế Kiệt, hiệu Hòe Lý Tử 槐 里 子 thuở bé đã có chí học thánh hiền. Năm mười bốn tuổi lão thông Tứ Thơ, Ngũ Kinh cùng thuyết của các đại nho nhà Tống. Được vào ấp-tường làm sinh viên, Thế Kiệt học càng tinh tấn, không bao lâu mà tiếng danh nho túc học khét một vùng và được đứng đầu tiến cống vào Nam-Ủng 南 雍, tức là trường quốc tử giám ở Nam-Kinh. Tới cửa trường thi, thấy cử tử đều buông tóc xăn áo mà vào, Thế Kiệt than rằng: ta sao nỡ kéo giép qua cửa trường nầy! Bèn bỏ về không chịu đi thi nữa. Triều vua Tuyên Đức (1426-1435) chiếu-đòi các nơi cử dị-tài, Thế Kiệt được tiến cống lần thứ hai Quan Ấp-lịnh là Hoàng Duy vốn nhã trọng Thế Kiệt, cụ bị hành lý cho và ép phải ra ứng chiếu. Thế Kiệt lấy cớ phụng dưỡng cha già, từ khước cái vinh-hạnh ấy và nhường chỗ cho một người bạn là Uông Thúc Ngang. Khi Độn-Thạch-Ông qua đời rồi, Thế Kiệt được tiến cống một lần nữa. Chuyến nầy lại lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, không chịu ra, mà nhường chỗ cho một người bạn khác là Lý Văn Chiếu. Mẹ của Thế Kiệt qua đời rồi, quan ấp-lịnh Hoàng Duy mới bảo với Thế Kiệt: ngươi nhà càng ngày càng nghèo, nay hai thân đã khuất núi cả, ngươi không còn lấy cớ gì từ chối nữa, hãy nên ra làm quan, chớ phụ lời ta. Bấy giờ Thế Kiệt mới đành lòng ứng cống vào Nam Ủng. Tế-tửu là Trần Kỉnh Tông, vốn mộ danh từ trước tiếp Thế Kiệt đãi lấy lễ bằng hữu, bảo không nên coi nhau như thầy trò. Năm sau Tế-tửu Nam-Ủng tiến Thế Kiệt về triều, chưa được trả lời của Triều đình, thì Thế Kiệt đã mất, để lại đời bộ sách Hòe Lý Tạp Cảo trong ấy có quyển Dịch Xuân Thu Thuyết và quyển Châu Lễ Khảo Chánh là được người đồng thời khen rằng « cận thế nho giả không bì kịp ».

Năm 1421 Thế Kiệt sanh một trai đặt tên Vương Luân 王 倫, tự Thiên Tự 天 敍, mà lấy tự hành danh. Thiên Tự tánh ưa trúc, trồng trúc bọc quanh hiên, cho nên học giả xưng là Trúc Hiên tiên sinh 竹 軒. Thế Kiệt để lại có nhiều sách, chớ không của cải gì khác. Thiên Tự mỗi lần mở mấy hòm sách của cha là sa nước mắt mà rằng: đời trước của ta vun trồng bấy nhiêu đây, ta không nỡ xao lãng. Mới suốt tháng quanh năm tụng đọc cho kỳ khắp, mà sở thích ở mấy bộ Nghi-Lễ Tả-Thị Truyện và Mã Thiên Sử ký. Thiên Tự khảy đàn cầm hay. Thường khi trăng thanh gió mát, đốt hương trầm mà đánh ít khúc đàn, ca những bài thi từ xưa, khiến con em họa theo Con người dung mạo hoàn vĩ, mắt đẹp râu tốt, tánh hào nhã, giao tế hòa lạc, Thiên Tự được thêm cái hay là ưa văn chương giản cổ, ghét lối phù phiếm xu mỵ. Mất năm 1490, thọ bảy mươi tuổi. Truyền ở đời còn tập Trúc Hiên Cảo và tập Giang Hồ Tạp Cảo. Thiên Tự được phong chức Hàn Lâm Viện Tu Soạn.

Năm 1446 Thiên Tự sanh một người con trai đặt tên là Hoa 華, tự Đức Huy 德 輝. Vương Hoa minh mẫn hơn người. Thiên Tự thấy vậy sớm dạy cho học cổ thi kinh truyện.

Năm lên sáu cùng bầy trẻ chơi ở gần một bến nước thấy có người khách say lướt khướt đến rửa chân, đánh rơi một cái túi mà bỏ đi, không hay biết gì. Vương Hoa lượm xem, thấy trong túi có mấy chục đồng tiền vàng, độ rằng người ấy tỉnh rượu sẽ trở lại tìm, mới giùm cầm giữ. Giây lâu quả người ấy trở lại kêu khóc. Vương Hoa trao túi tiền cho. Khách rất mừng, lấy ra một đồng để tạ ơn. Vương Hoa cười, mà khước đi rằng: tôi đã chẳng lấy mấy chục đồng, sao lại chịu lấy một đồng của người?

Năm lên mười một theo học với một ông thầy trong xứ, Trước tập làm câu đối, hơn tháng tập làm thi, hai tháng ngoài đã tập làm văn, vài tháng sau nữa học trò trong trường đều ở dưới bực của cậu bé thông minh. Ông thầy kinh dị, mà nói giễu rằng: cuối năm ta không còn biết gì nữa để dạy trò em.

Năm mười bốn tuổi Vương Hoa cùng một số bè bạn rủ nhau vào đọc sách ở chùa Long tuyền Sơn. Vì vậy về sau người đời cũng gọi là Long Sơn 龍 山 tiên sanh.

Năm Thiên Thuận nhâm ngọ (1462) Vương-Hoa mười bảy tuổi đi thi trong ấp đã làm ra văn chương lỗi lạc. Ấp-lịnh đặc biệt kỳ thưởng, và đoán cho ngày sau tất sẽ được đại khôi trong thiên hạ. Tiếng tăm bấy giờ nổi dậy. Gần xa đua nhau đưa lễ vật đến xin đón về dạy con em.

Thời bấy giờ ở Kỳ Dương 祁 陽 (thuộc tỉnh Hồ-Nam) có Phương Bá Nịnh Lương muốn tìm thầy cho con, hỏi ý nơi quan Đề-học Trương Thời Mẫn. Quan Đề-học bảo: muốn cầu cử nghiệp cao đẳng thì không thiếu gì người được, mà muốn có người học hạnh kiêm ưu, chỉ có họ Vương thôi Khi ấy Vương-Hoa chưa đầy hai mươi tuổi. Thế mà họ Nịnh đãi lấy lễ tân chủ, thỉnh về làm thầy cho con. Đến nhà rồi, thì học trò vùng Hồ Tương (Động Đình Hồ và Tương giang, tức là vùng Hồ-Nam) đến xin học hằng mấy chục người. Tại Kỳ Dương ông thầy trẻ tuổi ấy ở nơi Mai Trang biệt thự.

Trong thự có được ít ngàn bộ sách. Ngày đêm tha hồ phúng tụng những ba năm không bước chân đến thành thị một lần. Đất Kỳ Dương trai trẻ vẫn có tục đua nhau vui thú ca kỹ rượu trà. Vương Hoa cự tuyệt thói ấy cáo từ ra về. Học trò nghĩ rằng Vương Hoa làm khách đã ba năm ở xứ ăn chơi mà không nếm phong vị Kỳ Dương cũng thiệt. Bữa tiễn đưa thầy, giấu hai nàng kỹ nữ nơi thủy-thứ để Vương Hoa ở trên đình. Đương đêm, tiệc tan, ai nấy ra về. Hai nàng kỹ nữ bước ra. Vương-Hoa bỏ chạy. Gọi thuyền không được, túng nước phải phá cánh cửa làm bè nương qua sông. Chuyện buồn cười ấy chỉ rằng Vương Hoa có khí chất thuần hậu đoan trang. Bình sanh không ưa kiểu ngôn sức hạnh, mà một mực nhân thứ thản trực.

Năm Thành Hóa tân-sửu (1481) Vương Hoa thi đỗ Trạng-Nguyên, liền được bổ Hàn lâm viện-tu soạn. Năm giáp thìn (1484) được cử làm quan Di-Phong 彌 封 ở kỳ đình-thí tiến-sĩ. Năm đinh vị (1487) được sung làm quan Đồng khảo ở kỳ thi hội Rồi năm Hoằng Trị nguyên niên mậu thân (1488) được sung làm quan Kinh Diên 經 筵, là quan để giảng Tứ Thơ, Ngũ Kinh mỗi năm hai kỳ, vào lúc trọng xuân và trọng thu, mỗi kỳ ngoài hai tháng. Năm kỷ dậu (1489), mãn một trật chín năm, phải đổi đi. Nhân vì cha bịnh không chịu dời. Qua năm sau cha mất từ quan về cư tang. Đến năm quí sửu (1493) mãn phục, trở ra làm quan, Lần hồi thăng chức, đến năm ất-sửu (1505) làm Lễ-bộ-tả-thị-lang. Năm sau vua Vũ Tông mới lên ngôi, cải nguyên Chánh Đức, trong triều có Thái giám Lưu Cận chuyên chánh hoành hành, hô hấp thành họa phúc. Sĩ phu nườm nượp tới lui cửa Lưu Cận như chợ đông. Vương Hoa riêng chẳng như người. Đó là điều làm cho Lưu Cận không hài lòng rồi. Xảy có việc con là Vương Dương Minh, đương chức Binh-bộ-chủ-sự, dâng sớ kể tội Lưu Cận. Tay Thái giám uy quyền ghê gớm nầy kiểu chiếu làm tội nặng con, còn lăm le muốn hại tới cha. Nhưng thuở còn hèn mọn Lưu Cận đã đã từng nghe danh ông Trạng nguyên Vương Hoa là người hiếu hữu trung tín. nên riêng có đem lòng kỉnh mộ, mà nhân tay cho. Mới sai người nhủ Vương Hoa nếu chịu đến ra mắt thì êm chuyện. Song Vương Hoa một mực giữ thái độ cương trực, làm phật ý Lưu Cận. Năm đinh mão (1507) Vương Hoa thăng Nam Kinh Lại Bộ Thượng Thơ. Lưu Cận một lần nữa cũng ngầm sai người khuyến dụ, bảo rằng nếu chịu khuất một chút thì sẽ được đại dụng Vương Hoa càng không nghe Lưu Cận giận lắm Nhưng không lấy cớ nào làm tội ông quan thanh liêm ấy, chỉ còn một nước truyền chỉ buộc Vương Hoa trí sĩ. Vương Hoa mừng lắm, vội xếp hành trang về quê, mà rằng: từ đây ta có thể lánh được họa. Bấy giờ là sáu mươi mốt tuổi, cũng vừa tuần nên dưỡng già. Tánh chí hiếu, khi đã ngoài bảy mươi, mặc dầu chở đầy niên kỷ, còn như Lão-Lai, làm ra dáng đồng tử đùa giởn bên tả hữu bà mẹ già tuổi đã đầy trăm. Đến chừng bà mẹ mất, Vương Hoa đau xót vô ngằn, nằm khổ, ăn rau, mà phải bịnh. Đám táng mẹ, đi chơn không đưa hằng mấy chục dặm đường, bịnh phát nặng, trót một năm trời mới tạm đỡ, nhưng nguyên khí ngày thêm suy một ngày. Tháng giêng năm nhâm ngọ (1522) bịnh thế đã chuyển kịch. Bấy giờ thì Vương Dương Minh đã lập huân nghiệp cái thế, Triều Đình phong tước Tân Kiến Bá cho, lại suy luận công đức, mà tấn phong luôn Tân Kiến Bá cho cả ông và cha Vương Dương Minh nữa. Sứ giả đến cửa, Vương Hoa đương bịnh nguy, vẫn sai các em phải hành đúng lễ ra nghinh sắc. Nghe báo lễ đã thành người đờ mắt mà buông hơi thở cuối cùng

Ấy là ngày kỷ sửu mười hai tháng hai năm nhâm ngọ (10 mars 1522 lịch julien), hưởng thọ bảy mươi bảy tuổi, để lại tác phẩm có những bổn cảo: Long Sơn Cảo, Viên Nam Thảo Đường Cảo, Lễ Kinh Đại Nghĩa Chư Thơ Tạp Lục, Tấn Giảng Dư Sao. Văn thi của người đều hạ bút viết ngay, không chuộng gọt giũa giồi mài, chỉ cầu lấy sự sạch lời hết ý mà thôi.

  1. — Nay là Thiệu Hưng.