Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
V. — Đi đày

V. — ĐI ĐÀY

Sau mấy tháng giam ở Cẩm-y-ngục, mùa hè năm đinh mão (1507) tiên sinh bị đày đi Long Trường phủ Quý Dương 貴 陽 tỉnh Quí-Châu, làm chức Dịch-thừa, tức là một chức quan mọn coi trạm.

Quí Châu là một tỉnh xa-xuôi chưa khai hóa, rừng núi bịt bùng, lam chướng sổ độc. lởn vởn mảng-xa, ác-thú, dân cư toàn là người mọi rợ. Lưu Cận muốn giết tiên sinh ngay, nhưng chưa thi hành được thủ đoạn, thì xui giục nhà vua đày tiên sinh đến đất nầy, ý là đưa tiên sinh vào chỗ chết ngặt nghèo. Thế cũng chưa vừa lòng hắn, Thấy đình trượng tiên sinh không chết, giam cầm tiên sinh không chết, hắn sợ nỗi đày xa tiên sinh cũng không chết, nên hắn cho thủ hạ nom theo dọc đường ám sát tiên sinh.

Trong năm ấy có Vương Nhạc, làm quan Tư Lễ, tánh cương trực, vì mất lòng Lưu Cận mà bị phát đi Nam Kinh sung vào đội tịnh-thủy-quân. Đi nửa đường Lưu Cận sai người theo giết chết. Thấy gương ấy, Vương Dương minh rất cẩn thận. Thủ hạ của Lưu Cận có hai đứa, biết tiên sinh vũ-nghệ chẳng phải tầm thường,[1] cho nên nom theo tiên sinh rất xa đường mà không dám động thủ. Mãi đến sông Tiền Đường, tiên sinh nghĩ rằng đấy đã gần cảnh gia hương của tiên sinh rồi, chắc sao bọn thích khách cũng ra tay, chớ nào dám không nên việc mà trở về. Trong lúc cấp bách, tiên sinh biện ra một kế. Bèn viết một bài thi « đầu giang tự tận », rồi cổi ao xiêm bỏ lại với bài thi, mà nhảy xuống sông. Hai đứa gian hùng kia vốn bọn thô lổ, đến nơi thấy chứng tích như vậy, ngỡ là sự thật, mau mau hồi kinh phúc mạng.

Long Sơn tiên sinh nghe đồn tiên sinh đã chết nịch, sai người đi tìm vớt thi hài, Bằng hữu, tử đệ của tiên sinh nghe tiêu tức chẳng lành đều thống khốc. Chỉ có Từ Ái em rể của tiên sinh không tin tiên sinh chết được. Bảo rằng: « Tiên sinh sau nầy còn cái đảm nhiệm xương minh thánh học, đâu có lý gieo mình chết một cách dễ dàng như vậy? »

Quả nhiên Từ Ái đoán nhằm. Tiên sinh nhảy xuống sông Tiền Đường rồi lội vào núp trong đám vi lô cả nữa ngày trời. Sau có chiếc thương thuyền đi qua, tiên sinh gọi lại xin tháp tùng. Tới đảo Châu Sơn gặp gió to nổi dậy, trong một ngày đêm thuyền đã vào vàm sông Mân 閩 江 tỉnh Phúc Kiến. Tiên sinh lên bờ, len-lỏi vài chục dặm, đi vào núi Cổ Sơn 鼓 山, đêm đến một cảnh chùa, gọi xin trọ. Nhà chùa tham lam thấy tiên sinh có mang các đãy nặng, ngỡ là đựng tiền, bèn nảy ra quỉ kế, không cho tiên sinh trọ. Ý chắc thế nào tiên sinh cũng đến cái dã-miếu ở gần đấy mà nằm, chính là chỗ hổ huyệt, thì cọp sẽ ăn thây, tiền sẽ về mình.

Tiên sinh không biết làm sao phải lui ra khỏi chùa, vơ vẩn lại thấy tòa dã miếu. Vào tựa hương án ngủ say. Nửa đêm có con cọp to lẩn quẩn dưới dãy hồi lang gầm rống. Thế cùng sinh đại đảm, tiên sinh nghĩ rằng thân đã trải hết tân khổ gian nan, nay dẫu vào miệng hùm âu cũng là mạng số. Bèn trút vấn đề sinh tử ra ngoài lòng.

Sáng ngày cọp lánh đi, nhà chùa tìm đến, quyết nhặt cái đãy kia, một chắc rằng tiên sinh đã chẳng còn. Xảy thấy tiên sinh đương ngủ muồi, kinh dị gọi dậy mà rằng: « Ông là người phi thường, nếu chẳng thế sao lại khỏi được hổ họa! » Đó rồi mời tiên sinh về chùa, thành tâm khoản đãi. Trong chùa có một dị-nhân, Thấy tiên sinh. dị nhân ngâm thơ chào, trong có câu:

Nhị thập niên tiền tằng kiến quân,
Kim lai tiêu tức ngã tiện văn.
二十年前曾見君
今來消息我先聞
Hai mươi năm trước gặp người,
Nay người chưa đến ta ngồi hay tin.

Tiên sinh sựt nhìn ra dị nhân là vị đạo sĩ mà năm mậu thân tiên sinh đã hầu chuyện ở Thiết Trụ Cung, quên về làm lễ cưới.

Tiên sinh thuật việc Lưu Cận lộng quyền, tiên sinh bị hãm hại, nay tính bề vào non sâu ẩn tích mai sanh. Dị nhân chánh sắc mặt nói: « Người hãy còn phụ thân tại đường. Vạn nhất Lưu Cận phẫn nộ gia tội cho phụ thân người thời làm sao? » Bèn giùm tiên sinh sủ quẻ Dịch. Được quẻ « Minh Di » 明 夷. Quẻ ấy ngoài khôn trong ly. Trong văn minh, ngoài nhu thuận. Mặc dầu giữa tối tăm sẽ nên sáng rỡ. Người cầu được sẽ thấy mình trải gian nan chí càng thẳng lập.

Lớp trước của tiên sinh vẫn có người bói hay mà phải lụy mình Trong cẩm-y-ngục tiên sinh vẫn nghiền ngẫm kinh Dịch. Hẳn tiên sinh cũng tin nơi đức của cỏ thi. Vả lại tình thương của dị nhân đã thâm thiết, lời khuyên của dị nhân đã ân cần Tiên sinh quyết lìa bỏ thái độ tiêu cực nghĩ đến trạm Long Trường, tính đường nhập thế.

Nhân quẻ « Minh Di » tiên sinh liên tưởng đến núi Vũ Di 武 夷 giáp ranh hai tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến, lòng dặn lòng sẽ lần qua núi ấy mà tìm đường về đất trích.[2]

Theo đường núi Vũ Di tiên sinh đi sang Quảng Tín, ngược lên hồ Bành Lãi 彭 蠡 (nay là hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây), rồi noi sông Tương và sông Nguyên, mà mùa xuân năm mậu thìn (1508), đến trạm Long Trường.

Đây là đất rợ Miêu 苗. Giống rợ này có tập quán quái gở. Phàm thấy người Trung thổ mới tới, họ xin quẻ coi nên cho ở hay không. Quẻ tốt thời thôi. Quẻ chê thời họ tất giết. May cho tiên sinh khỏi bị quẻ xấu, thành ra họ đối với tiên sinh cũng không có ác ý.

Vùng Long Trường dân cư toàn mọi rợ chưa biết cất nhà cửa. Tiên sinh mới đến, không nơi nương ngụ, phải tự kết lấy một túp lều cỏ.

Thảo am bất cập kiên,
Lữ quyện thể phương thích.
Khai cức tự thành ly,
Thổ giai mạn vô cấp.
Nghinh phong diệc tiêu sơ,
Lậu vũ dị bổ tập.
Linh lại hưởng triêu suyền,
Thâm lâm ngưng mộ sắc.
Quần liêu hoàn tụ tấn,
Ngữ bàng ý phả chất.
Lộc, thỉ thả đồng du,
Tư loại do nhân thuộc.
Ô tôn ánh ngõa đậu
Tận túy bất tri tịch.

Miến hoài Hoàng Đường hóa,
Lược xưng mao từ tích.

草 庵 不 及 肩 倦 體 方 適 開

自 成 籬 土 階 漫 無 級 迎 風 亦 蕭
䟽 漏 雨 易 捕 緝 靈 瀨 響 朝 湍 深
林 凝 暮 色 群 撩 環 聚 訊 語 龐 意
頗 質 鹿 豕 且 同 遊 茲 類 猶 人 屬
污 樽 暎 瓦 豆 盡 醉 不 知 夕 緬 懷
黄 唐 化 略 稱 茅 茨 迹,

Lều cỏ thấp hơn vai,
Vẫn yên mình khách mệt.
Vén gai hóa giạu cao,
Dọn đất thành nền trệt.
Phên trống gió bơ-phờ,
Mái thưa mưa lết mết.
Thác mau sớm ỏi vang,
Rừng rậm chiều xanh vết.
Chòm xóm tụ vây thăm,
Giọng to, ý hợt hệt.
Người nuôi vật (chửa thuần)
Nai lợn, bầy cùng kết,
Chén bát — đồ gốm — dơ,
Rõ say, mặc ngày hết.

Đường Ngu nhớ thuở xưa
Lầu cỏ này âu hệt,

Lều ấy lồng trong khung cảnh hiểm ác hoang vu

Nguy cơ đoạn ngã tiền
Mãnh hổ vĩ ngã hậu.
Đảo nhai lạc ngã tá,
Tuyệt hác lâm ngã hữu.
Ngã túc phục kinh, trăn
Vũ, tuyết, cánh phân sậu.

危機斷我前
猛虎尾我後
倒崖落我左
絕壑臨我
我足復荆榛
雨雪更紛驟

Cơ nguy giàn trước mặt,
Cọp dữ diễu sau lưng;
Bực hẩm bên nầy trút,
Rãnh cùng phía nọ dừng
Dưới chân gai gốc rậm,
Mưa tuyết gấp tưng bừng...

Ở nơi cùng tịch ấy Vương Dương Minh tiên sinh cũng không lấy làm cô lậu, mà vẫn khi đường tơ, khi chén rượu, nói cười không chút tục lưu, thấy có chân lạc. Chung lộn với dân tộc nguyên thỉ (peuplades primitives) tiên sinh nhớ đến:

Thượng cổ xử sào quật,
Bôi ẩm giai ô tôn

上古處巢窟
杯飲皆污樽

Đời xưa ở cành cây hang đá
Chén bát dùng thảy cả bẩn dơ

Cho nên tiên sinh cũng không kiểu cách với họ Trái lại tiên sinh bảo:

Di cư tuy dị tục,
Dã phác ý sở quyến

夷居雖異俗
野朴意所眷

Man di lạ thói đã đành
Mà người mộc mạc ra tình dễ thương

Bởi quyến luyến thổ dân, tiên sinh dạy đấp đất làm nền, đốn gỗ cất nhà, cảm hóa họ lần lần. Sau rồi họ yêu mến, rủ nhau tới gần gũi với tiên sinh ngày một đông.

Ở được ít lâu, tiên sinh tìm ra một cái động tên là Đông Động 東 洞 vào trú đó và nhớ động xưa nơi Việt-Thành, tiên sinh cải tên lại là Dương Minh Tiểu Động Thiên 陽 明 小 洞 天.

Đồng bộc tự tương ngữ,
Động cư phả bất ác.
Nhân lực miễn kết cấu.
Thiên-xảo tạ điêu tạc.
Thanh tuyền báng trù lạc,
Túy vụ hoàn thành mạc.
Ngã bối nhật hy yển,
Chủ nhân tự du lạc.
Tuy-vô khải kích vinh.
Thả viễn trần-hiêu quát,
Đản khủng sương tuyết ngưng
Vân thâm y nhứ bạc

童 㒒 自 相 語 洞 居 頗 不 惡 人 力
免 結 構 天 巧 謝 雕 鑒 清 泉 傍 廚
落 翠 霧 還 成 幕 我 輩 日 嬉 偃 主
人 自 愉 樂 雖 無 棨 㦸 榮 且 遠 塵
囂 聒 但 恐 霜 雪 凝 雲 深 衣 絮 薄

Đồng bộc cùng nhau nói:
Động nầy ở cũng an
Thiên công nhờ trổ chạm,
Nhân lực khỏi lo toan.
Suối biếc tuôn gần bếp
Mù xanh giải tợ màn
Bầy tôi mừng lạc thú,
Nhà chủ thấy hân hoan.
Sang trọng đành không phận.
Ồn ào vắng lại nhàn
E chăng sương tuyết đọng.
Áo mỏng khổ thiên hàn.

Cái động ấy song le quá ẩm thấp Thổ dân thấy vậy họ xúm nhau cất cho tiên sinh một cái nhà, lại cất thơ viện, cất hiên, cất đình, cất oa, không đầy một tháng xong cả các công việc. Cái nhà, vì trở cửa về hướng đông, đón ánh sáng mặt trời, tiên sinh, đặt tên nó là Tân Dương Đường 賓 陽 堂, thủ nghĩa câu « dần tân xuất nhật 寅 賓 出 日 » trong kinh Thơ, phần « Nghiêu Điên ». Ý là để biểu thị « chí hướng 志  ». Đáng lẽ phải gọi « Tân Nhật Đường », mà tiên sinh gọi Tân Dương, bởi, theo lời tiên sinh cắt nghĩa, nhật là dương. Mà dương gồm những ý nghĩa: nguyên 元, thiện, 善, cát , hanh , quân tử 君 子 Nhật không được có ý nghĩa rộng-rãi như vậy, đầy đủ như vậy. Ay trong một sự đặt tên, tiên sinh trì trọng là dường nào! Những cái kiến trúc kia tiên sinh gọi là Long Cương Thơ Viện, 龍 岡 書 院, Hà Lậu Hiên 何 陋 軒, Quân Tử Đình 君 子 亭, Ngoạn Dịch Oa 玩 易 窩. Cái oa nầy ngày nay hãy còn. Khách qua huyện Tu Văn 修 文 tức là Long Trường dịch ngày trước cách Quí Dương 貴 陽 năm-mươi dặm về phía tây bắc, sẽ thấy một cái động u-đật, ấy là Dương-Minh Tiểu-Động-Thiên, có những dây đằng già mấy trăm năm buông rủ lòng-thòng, trên ngạch còn dấu khắc năm chữ « Dương Minh Ngoạn Dịch Oa »[3].

  1. Trước có lòng đoạt vũ cử, tập binh — Tiên sinh bắn cung giỏi
  2. — Ra đi tiên sinh có đề thi lên vách chùa:

    Hiểm di nguyên bất trệ hung trung,
    Hà dị phù vân quá thái không.
    Dạ tịnh hải đào tam vạn lý.
    Nguyệt minh phi tích hạ thiên phong.

    險夷原不滯胸中
    何異浮雲過太空
    夜靜海濤三萬里
    月明飛錫下天風

    Hiểm Di nguyên chẳng bận trong lòng,
    Nào khác phù vân giữa thái không.
    Đêm tịnh biển gầm ba vạn dặm,
    Trăng lóa, tiên dạo nổi luồng giông.

    Lại một bài khác, có câu:

    Hải thương chân vi thương thủy sứ,
    Sơn trung hựu ngộ Vũ Di quân.
    Khê lưu cửu khúc sơ am lộ,
    Tinh xá thiên niên thỉ cập môn.

    海上真爲滄水使
    山中又遇武夷君
    溪流九曲初諳路
    精舍千年始及門

    Mặt biển vốn làm thương-thủy-sứ,
    Đầu non lại gặp Vũ-Di-quân.
    Khe quanh chín khúc đường vừa tỏ,
    Chùa sạch ngàn năm cửa mới gần.

    Hai bài thi nầy làm ra vẻ thần kỳ. Phải chăng cũng chỉ là một sự « bá lộng tinh thần » của tiên sinh? Đọc nó người ta hiểu rằng tiên sinh đã gặp Vũ Di quân (vị thần đã đề tên cho núi) làm gió giữa biển, đưa tiên sinh từ đảo Châu Sơn đến vàm sông Mân; mà Vũ-Di quân chính là vị đạo sĩ gặp ở Cổ Sơn, và hai mươi năm về trước đã gặp ở Thiết Trụ cung, cùng ước hẹn hai mươi năm sau gặp nhau trên mặt biển.

    Trạm Cam Tuyền, bạn tri kỷ của tiên sinh, nghe người ta truyền sự tích và lời thi như thế, thời cười mà rằng:

    Dương cuồng dục phù hải,
    Thuyết mộng si nhân tiền,

    佯狂欲浮海
    說夢癡人前

    Giả cuồng muốn vượt biển,
    Nói mộng để ngây người.

    Ý Cam Tuyền nói rằng tiên sinh muốn lánh đời, làm ra dáng điên cuồng cho dễ bề trốn tránh.

    Mấy năm về sau tái hội tiên sinh, Cam Tuyền hỏi chuyện lại, tiên sinh nói thật ra.

  3. xem quyển Tối-tân Trung-Hoa Hình-thế Nhất-lãm-đồ của Hồng-Mậu-Hy, Thượng-Hải, Đông-Phương Dư-Địa Học Xã xuất bản in lần thứ năm, 1927.