Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
IV. Tri hành hiệp nhất, cấu tạo của Vương học

IV. TRI HÀNH HIỆP NHẤT
CẤU TẠO của VƯƠNG HỌC

Người Tàu có lời ngạn: « Tri chi phỉ gian, hành chi duy gian, » 知 之 匪 艱 行 之 惟 艱[1] (Biết không khó khăn, chỉn có làm mới khó khăn.)

Đầu thế kỷ hai-mươi nầy, Tôn Văn xét tâm lý đồng bào mình, cho rằng không phải họ không làm gì được, chỉ vì họ không biết nên chẳng làm nên việc đó thôi — Bèn đảo ngược lời ngạn kia, mà lập ra thuyết « hành dị tri nan » 行 昜 之 難.

Như thế, trong học thuyết Tôn Văn cũng như trong lời ngạn kia, tri (connaissance) với hành (action) bị phân lìa ra làm hai.

Sự thật hai cái tri với hành có thể phân lìa không? Các nhà triết học đông tây kim cổ không ngớt tìm trả lời. Có phái cho rằng ta không thể biết được chân lý Có phái cho rằng ta vẫn biết được chân lý, với các tri của ta, chớ không cần phải đợi làm rồi mới biết. Có phái cho rằng hễ thật dụng được chỗ nào là chân lý ở chỗ đó. Có phái lại cho rằng phải có thật hành (praxis) mới hẳn biết chân lý là gì.

Vương Dương Minh là người chủ trương ngoài tâm không có vật cũng không có lý, hẳn là một nhà triết học duy tâm — Nhưng nhà triết học duy tâm nầy lại là một bậc tướng soái có tài kinh bang tế thế, một phần quan trọng trong đời ở trên yên ngựa, xông pha núi hiểm rừng sâu, không phải là kẻ giam mình trong phòng văn, bàn suông tán rỗng — Đời thật hành sửa chữa đời tư tưởng. Cái duy tâm triệt để của Vương Dương Minh nhờ thế mà không rời thật-tế. Tiên sinh nhận ra tri với hành không rời nhau được mà hai cái hiệp nhất (unité de la connaissance et de l'action) nhưng không phải duy nhất (non pas unicité de la connaissance et de l'action) Chưa hành được là chưa phải chân tri. Chưa có chân tri, chưa có được chân hành. Tri, hành hai cái phải cùng đi tới một lượt.

Phân tích câu « Như ố ác xú, như hiếu hảo sắc » 如 悪 悪 臭, 如 好 好 色[2] trong sách Đại Học, Vương Dương Minh nói: « Thấy màu đẹp là thuộc về tri. Ưa màu đẹp là thuộc về hành. Khi thấy cái màu đẹp ấy, tự mình đồng thời ưa nó rồi, không phải thấy rồi rồi sau mới lập tâm riêng mà ưa nó. Nghe mùi thúi là thuộc về tri Ghét mùi thúi là thuộc về hành. Khi nghe cái mùi thúi ấy, tự mình đồng thời ghét nó rồi, không phải nghe rồi rồi sau mới biệt lập cái tâm mà ghét nó — Như người nghẹt mũi, tuy quanh mình có mùi thúi, mà mũi không nhận thấy được, thời cũng không ghét nó mấy, là chỉ vì không từng biết thúi.

見 好 色 屬 知, 好 好 色 色 屬 行, 只 見 那 好 色 時 已 目 好 了 不 是 見 後 又 立 個 心 去 好, 聞 悪 臭 屬 知, 悪 臭 屬 行 只 聞 悪, 臭 時 已 自 悪 了, 不 是 聞 了 後 别 立 個 心 去 悪 如 鼻 塞 人 雖 見 悪 臭 在 前 鼻 中 不 曾, 聞 得 便 亦 不 甚 悪, 亦 只 是 不 曾 知 臭,

(Trả lời cho Từ Ái hỏi về « Tri hành hiệp nhất ». Truyền Tập Lục, thượng).

Tri với hành hiệp nhất trong động tác duy nhất Hai cái hiệp nhứt được là ở chỗ « cực hạn » của nó. Vì ở chỗ « cực hạn » đó, nên chi « tri là bắt đầu của hành hành là hoàn thành của tri » 知 者 行 之 始, 行 者 如 之 成 (Truyền Tập Lục, thượng)

Cái nghĩa « tri hành hiệp nhất » của Vương Dương Minh, phải tìm nó ở chỗ « cực hạn » đó. Tức là chỗ « trung » của « vị phát » Và nếu « tri hành hiệp nhất » có giúp ích được cho tâm học, cũng là giúp ích trong chỗ « cực hạn » đó mà thôi. Bởi vì như điều ác đã hành rồi, thời còn thiên lý đâu được nữa? Mà ở chỗ « cực hạn », tri hành còn hiệp nhất, khắc đảo ngay ác niệm, thời hành phát ra trúng tiết và còn hiệp nhất mãi với tri. Sách Đại Học dạy « thành ý », sách Trung Dung « giới thận khủng cụ » là dạy thành ý, giới thận, khủng cụ, ở chỗ « vị phat chi trung ».

Một hôm Lưu Quan Thời 劉 觀 時 hỏi Vương Dương Minh: cái « vị phát chi trung » của tâm nó ra làm sao? Tiên sinh đáp: « Ngươi chỉ nên răn ghín chỗ không thấy, e sợ chỗ không nghe, nuôi cho được tấm lòng ấy ròng theo thiên lý, sẽ tự nhiên thấy nó ». Quan Thời xin chỉ cho biết khí tượng của cảnh ấy. Tiên sinh nói: « Đứa câm ăn mướp đắng, không cùng ai nói được nỗi đắng ra sao. Ngươi muốn biết nỗi đắng ra sao, thời nên tự mình ăn thử sẽ biết ». Từ Ái khi ấy ngồi một bên nghe, bèn tiếp lời rằng: « Như thế mới thật là chân tri, và tức là hành vậy ».

汐 伹 戒 慎 下 覩 恐 懼 不 聞, 養 得 心 純 是 天 理 便 自 然 見, 觀 時 請 略 示 氣 象 先 生 曰: 啞 子 喫 瓜 與 你 說 不 得 你 悪 如 此 苦, 還 須 汝 自 喫, 時 曰 仁 在 旁 曰: 如 此 才 是 真 卻 卽 是 行 矣

Tri với hành không có gián cách. Mà học giả phân làm hai cái rời nhau, cho nên ví có một cái niệm phát động tuy là bất thiện, nhưng mà lại chưa từng hành đến, tất nhiên không hay cấm chỉ được Vương Dương Minh thuyết « tri hành hiệp nhất » là muốn cho người đời hiểu rằng; « Một niệm phát động, tiện thị hành rồi. Chỗ phát động có bất thiện, hãy khắc đảo cái niệm bất thiện ấy đi, phải nên triệt căn triệt để đừng cho một niệm bất thiện nào còn núp náu trong lòng ».

今 人 學 問 只 人 知 行 分 作 兩 件 故 有 一 念 發 動 雖 是 不 善 然 卻 未 曾 行, 便 不 去 禁 止 我 今 說 箇 知 行 合 一 正 要 人 曉 得 一 念 發 動 處 便 卽 是 行 了 發 動 處 有 不 善 就 將 這 不 善 的 念 克 到 了, 須 悪 徹 根 徹 底 不 使 一 念 不 善 潜 伏 在 胸 中

(Truyền Tập Lục, hạ).

Tri với hành không có gián cách không có rời nhau, mà hai cái hiệp nhất (unité). Nhưng hai cái không phải là duy nhất (unicité). Tức là, hai cái có khác nhau, Vậy quan hệ giữa hai cái tri với hành ra sao? « Tri là chủ ý của hành. Hành là công phu của tri. Tri là bắt đầu của hành, Hanh là hoàn thành của tri ».

知 是 行 的 主 意, 行 是 知 的 功 夫, 知 是 行 之 始, 行 是 知 之 成,

(Trả lời cho Từ Ái, Truyền Tập Lục, thượng). « Tri là bắt đầu của hành. Hành là hoàn thành của tri Thánh học chỉ lấy làm một công phu: tri hành, không nên phân làm hai cái rời nhau ».

知 者 行 之 始, 行 者 知 之 成, 聖 學 只 一 個 功 夫, 知 行 不 可, 分 作 兩 事,

(Truyền Tập Lục, thượng).

Chỉ về chỗ hiệp nhất ấy, Khổng Tử nói: « Nhất dĩ quán chi ». 一 以 貫 之 (Xem thơ đáp Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung) Lấy thí dụ, như một sự ăn. Phàm người ta có cái tâm muốn ăn, mà rồi sau mới biết ăn. Cái tâm muốn ăn ấy, tức là ý, tức là bắt đầu của hành. Ăn thức gì ngon dở, tất phải chờ vào miệng rồi, sau mới biết ngon dở thế nào. Há có thể thức ăn chưa vào miệng mà trước đã biết mùi ngon dở hay sao?

夫 人 必 有 欲 食 之 心 然 後 知 食, 欲 食 之 心 卽 是 意, 卽 是 行 之 始 矣, 味 之 美 悪, 必 待 入 口 而 後 知, 豈 有 不 待 入 口 而 已 先 知 食 味 之 美 悪 者 耶?

(Thơ đáp Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung).

Tri mà đến chỗ chân thiết đốc thật, tức là hành. Hành mà đến chỗ minh giác tinh sát, tức là tri

知 之 真 切 篤 實 處, 即 是 行, 行 之 明 覺 精 察 處 即 是 知,

(Trả lời Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung). Tư-tưởng nầy Vương Dương Minh diễn đi diễn lại nhiều lần. (Xem tản mạn trong Truyền Tập Lục).

Gọi rằng chân tri là khi đã có thật hành. Không thật hành không đủ gọi là tri 真 知 卽 以 爲 行, 不 行 不 足 謂 之 知 (Thơ đáp Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục trung)

Tri, hành, quan hệ nhau như thế Hai cái vốn không được rời nhau. Học giả đem tri hành, chặt đứt ra làm hai, mà dụng công tìm tri riêng, tìm hành riêng. Như thế là làm mất cái bổn thể của tri-hành đi Chỉ vì thấy tình cảnh lầm lạc ấy, Vương Dương Minh mới phải xướng thuyết « hiệp nhất tịnh tấn. »

只 爲 後 世 學 者 分 作 兩 裁 用 功, 失 卻 知 行 本 體 故 有 合 一 並 進 之 說

(Cùng trong thơ đáp Cố Đông Kiều)

Đời thượng cổ, thánh hiền vốn không hề có phân tri, hành ra làm hai. Xem như lời kinh Dịch nói: « Tri chí, chí chi » 知 至 至 之. Tri chí (biết chỗ đến) là tri vậy. Chí chi (đến đó) là trí tri vậy. Đó là sở dĩ tri hành hiệp nhất vậy. Đời sau, thuyết trí tri chỉ nói được có một chữ « tri » không từng nói đến chữ « trí » 致, cho nên tri với hành phân ra làm hai.

知 至 者 知 也, 至 知 者 致 知 也, 此 知 行 之 所 以 合 一 也, 若 後 世 致 知 之 說 止 說 得 一 知 字 不 曾 說 得 致 字 此 知 行 所 以 二 也

(Thơ cho Cố Duy Hiền 顧 惟 賢 Tục Biên, nhị)

Vì bởi phân tách tri với hành cho nên người đời không tri được lương tri. Cái lương tri nó tự tri nguyên là rất dễ dàng. Chỉ là không hay « trí » cái lương tri đó, cho nên mới có lời ngạn « tri chi phỉ gian, hành chi duy gian ».

良 知 自 知 原 是 容 易 的 只 是 不 能 致 那 良 知 便 是, 知 之 匪 難 行 之 惟 難,

(Truyền Tập Lục, hạ)

Đã phân tri hành ra làm hai, người đời hoặc hành mà không tri, tức là loạn hành hoặc đợi tri mà rồi mới hành thời hóa ra trọn đời không có hành gì được cả, mà nhân đó cũng trọn đời không có trí gì được cả »

待 知 得 真 了 方 去 做 行 的 功 夫 故 遂 終 身 不 行 亦 遂 終 身 不 知

(Đáp lời Từ Ái — Truyền Tập Lục, thượng)

Luận chứng về tri hành hiệp nhất của Vương Dương Minh có một cái ghê-tởm mà tiệt-thiết trảm-đinh Mỗi người không thể có được cái cơ hội nhận thức chân xác chỗ tiên sinh nói ra đây. Tiên-sinh vốn là danh nho mà cũng là danh-tướng. Người xưa đã có câu: « Nhất tướng công thành vạn cốt khô » Xem phần trên về thân thế, ta thấy đời làm tướng của tiên sinh không phải chém giết có một vạn người mà thôi, mà không biết là mấy vạn. Cái tâm của người khi chém giết như thế nó ra sao? Nó phải bất động như thế nào mới được. Theo tiên sinh thời sự cầm gươm giết người, há lấy ý tưởng mà biết được sao? Tất phải tự thân có tập qua sự ấy mà rồi sau mới khá tin rằng mình làm được Thiên hạ chưa ai chưa đạp qua một việc nào, mà có thể hiểu được cái lý của sự ấy. Học giả đời sau này đi cách vật, là lầm ở chỗ không tự thân xử cảnh, muốn tìm cái tri riêng cái hành, ngoài cái hành.

劉 邦 采 曰 昔 有 問 人 能 養 得 此 心 不 動 可 與 行 師 否? 先 生 曰 也 須 學 過 此 是 對 刀 殺 人 事 豈 意 想 可 得? 必 須 習 其 事, 斯 節 制 漸 明, 智 慧 漸 周 方 可 信 行, 天 下 未 有 不 履 其 事 而 能 造 其 理 者. 此 後 世 格 物 之 學 所 以 爲 謬 也

(Thế Đức Kỷ)

Thuyết tri hành hiệp nhất của Vương Dương Minh. xem qua có phần giống với thuyết praxis trong chủ-nghĩa duy vật biện chứng pháp và thuyết tri lực nhất trí 知 與 力 一 致 của Francis Bacon[3].

Kết thúc chương này, hãy mượn lời tiên sinh truyền thọ môn-nhân là Từ Ái, em rể của tiên sinh.

Lời truyền thụ môn nhân.

(Bản dịch của Tùng Vân
Nguyễn Đôn Phục)

Môn-nhân là Từ Ái hỏi tiên-sinh cái nghĩa tri hành hợp-nhất. Tiên sinh nói rằng hẵng nói thử xem. Ái nói rằng như người ta đều biết rằng đối với cha nên hiếu, đối với anh nên đễ, mà lại không làm được sự hiếu sự đễ, thế là tri với hành phân minh làm hai cái. Tiên-sinh nói rằng thế là vì đã bị cái tư-dục nó cách đoạn đi rồi, không phải là bản-thể của tri hành vậy chửa có khi nào đã tri mà chẳng hành, tri mà chẳng hành, chỉ là chửa tri. Thánh-hiền dạy người tri-hành chính là phục lại cái bản-thể tri-hành. Cho nên sách Đại-học trỏ rõ ra cái chân tướng tri hành, để cho người xem như hiếu hảo-sắc, như ố ác xú Trông thấy cái hảo sắc thuộc về tri, hiếu cái hảo sắc thuộc về hành, chỉ là lúc trông thấy hảo sắc đã tự nhiên hiếu ngay, không phải là trông thấy hảo sắc rồi sau lại lập cái tâm nữa để hiếu. Ngửi thấy cái ác xú thuộc về tri, ố cái ác-xú thuộc về hành, chỉ là lúc ngửi thấy ác-xú đã tự nhiên ố ngay không phải là ngửi thấy ác xú rồi sau mới lập cái tâm nữa để ố. Như người mắt lòa dẫu hảo sắc ở trước mặt trong mắt chẳng từng thấy rõ, cũng chẳng hiếu lắm, cũng chỉ là vì chẳng từng biết cái sắc Như người mũi tắc, dẫu ác-xú ở trước mặt, trong mũi chẳng từng ngửi thấy, cũng chẳng ố lắm, cũng chỉ là vì chẳng từng biết cái xú — Như khen người ấy là biết hiếu biết đễ, tất là người ấy đã từng làm sự hiếu sự đễ, mới có thể khen người ấy là biết hiếu biết đễ được, không phải là chỉ thấy người ấy nói hiếu nói đễ mà đã có thể khen ngay là biết hiếu biết đễ được. Lại như người biết đau, tất đã tự mình đau rồi mới biết đau, người biết rét, tất đã tự mình rét rồi mới biết rét, người biết đói, tất đã tự mình đói rồi mới biết đói, tri với hành chia thế nào ra được làm hai — Ấy là cái bản-thể tri hành, chửa từng có tư-ý cách đoạn là thế đấy. Thánh nhân dạy người, tất như thế mới gọi là tri; nếu chẳng thế, chỉ là bất tằng tri Ái lại nói rằng cổ nhân nói tri-hành chia ra hai cái cũng là cốt khiến cho người ta hiểu ra một đàng là công phu tri một đàng là công-phu hành, cái công-phu mới có chốn mà hạ lạc. Tiên-sinh lại nói rằng thế là sai mất cái tôn-chỉ của cổ nhân. Ta chỉ nói tri là cái chủ ý hành, hành là cái công phu tri, tri là phần bắt đầu của hành, hành là phần kết liễu của tri. Nếu hiểu được lẽ ấy, thì chỉ nói một cái tri, đã tự khắc có cái hành ở đó, chỉ nói một cái hành đã tự khắc có cái tri ở đó Cổ nhân sở dĩ đã nói tri lại nói hành chỉ vì thế gian có một hạng người mơ màng lơ láo toàn không biết tư-niệm quan sát là cái gì chỉ là một kẻ nhắm mắt làm can, cho nên tất nói có tri rồi mới hành được chính đáng — Lại có một hạng người nghĩ vẩn nghĩ vơ toàn không biết trước thực cung-hành là cái gì, chỉ là một kẻ mô hình tróc ảnh, cho nên tất nói có hành rồi mới tri được đích xác. Đó là cổ-nhân bất đắc dĩ nói ra lời bổ thiên cứu tệ mà thôi Nay người đời cứ đem tri hành chia ra làm hai, cho là tất tiên-tri rồi sau mới năng hành, như nay hẵng đi giảng tập thảo luận, hạ cái công-phu tri, đợi tri được đã rồi mới hạ cái công phu hành cho nên thành ra chung-thân bất-hành mà cũng thành ra chung thân bất-tri Cái bệnh đó không phải là cái bệnh nhỏ mà cũng là cái cố-tật của người đời đã lâu. Ta nay nói ra cái thuyết tri-hành hợp nhất chính là phương thuốc đối với cái bệnh người đời, lại chẳng phải là ta huyển-không soạn-xuất đâu, cái bản thể tri-hành, nguyên là như thế.

(Sao lục bản dịch của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, đăng ở Nam phong tạp chí số 109, ra kỳ Septembre 1926.)

  1. Lời ngạn nầy dựa câu: « Phi tri chi gian hành chi duy gian trong kinh Thơ, thiên « Thuyết mạng » trung.
  2. Như ghét mùi thúi, như ưa màu đẹp.
  3. — Scientia et potentia bumana in idem coincident. (Novum Organum, livre I paragraphe 33),