Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
III. Lương tri, cơ sở của Vương học

III.— LƯƠNG TRI
CƠ- của VƯƠNG HỌC

Cứu-cánh mục-đích của triết học là cầu « chí thiện » (souverain bien). Một nền triết-học, bất cứ là khởi điểm ở chỗ nào, cũng phải nhắm « chí thiện » mà đi. Đi đến đó mới được dừng. Sách Đại Học bảo! « Chỉ ư chí thiện ». 止 於 至 善.

Vương-học khởi điểm ở chỗ « tâm ». Từ chỗ « tâm » đi đến « chí thiện » phải đi đường nào? Trước hết, phải biết: chí thiện là gì là ở đâu rồi sau mới biết phải đi con đường nào mà đến đó.

Vương Dương Minh bảo: « Chí-thiện là tâm được ròng theo thiên-lý đến cực điểm ».

至 善 只 是 此 心 純 乎 天 理 之 極 便 是

(Trả lời Trịnh Triều Sóc 鄭 朝 朔, Truyền Tập Lục, thượng) Tiên sinh nhận thiên lý đối với nhân dục, mà rằng: « Bỏ được nhân dục, thời biết ngay thiên lý ». 去 得 人 欲 便 識 天 理 (Trả lời Lục Trừng. Truyền Tập Lục, thượng).

Nhích cái thiên lý một chút nào, hoặc quá đi, hoặc chẳng kịp, là ac. Gọi rằng ác, là như thế, chớ bổn lai nó không phải là « ác ». Thiện, ác, đều cũng là thiên lý.

善 悪 皆 天 理, 謂 之 悪 者, 本 非 悪, 但 於 本 性 上 過 與 不 及 之 間 耳.

(Truyền Tập Lục, hạ). Trời đất vốn không phân thiện ác như hoa cỏ có cái nào thiện cái nào ác đâu. Lúc thích xem hoa, thời ta cho hoa là thiện, mà cỏ là ác. Lúc cần dùng đến cỏ lại cho cỏ là thiện. Thiện ác đó chỉ do lòng ta ưa ghét mà sinh ra.

天 地 生 意, 花 草 一 般, 何 曾 有 善 悪 之 分? 子 欲 觀 花, 則 以 花 爲 善, 以 草 爲 悪, 如 欲 用 草 時, 復 以 草 爲 善 矣, 此 等 善 悪 皆 由 汝 心 好 悪 所 生: 故 知 是 錯

(Trả lời cho Tiết Khảng. (Truyền Tập Lục, thượng)

Chí thiện, nếu là thế, không đâu khác hơn là ở nơi tâm. Với Vương Dương Minh, ngoài tâm không có gì cả: không có vật, cũng không có lý. Hơn nữa chí thiện chẳng những ở nơi tâm, mà chính nó là tâm. Còn hơn nữa: chí thiện là bổn-thể của tâm 至 善 者 心 之 本 體 Truyền Tập Lục hạ) 至 善 也 者 心 之 本 體 也 (Tự cho Đại-Học cổ bổn).

Vậy, khởi điểm từ chỗ tâm, Vương-học lại đi đến tâm mà cầu chí thiện Nghĩa là: tâm phải đi đến tâm. Tâm phải đi đến tâm, không được để có gì gián cách (médiatiser). Cái động tác của tâm cầu chí thiện (tức là bổn thể của tâm) là cái động tác của trực-giác (acte de l'intuition). Vương Dương Minh gọi cái động tác ấy là lương tri.

Mạnh Tử nói: « Sự người không học tập mà làm được, gọi là lương năng. Sự người không lo nghĩ mà biết được, gọi là lương tri. » (Mạnh-Tử, Tận-tâm, chương thượng.) Vương Dương Minh lấy lời ấy, mà chữa lại: « Cái tâm biết thị phi, không lo nghĩ mà biết, không học tập mà hay, đều đó gọi là lương-tri. (Trả lời Nhiếp Báo — Truyền Tập Lục, trung.) « Cái lương tri ở nơi tâm ta, không vì có thánh ngu mà cách đẳng nhau, thiên hạ cổ kim cũng có lương tri đồng một thể như nhau. »

良 知 之 心 無 間 於 聖 愚, 天 下 古 今 之 所 同 也

(Cũng trả lời Nhiếp Báo.) Cho nên, dầu mọi rợ cũng biết thương cha mẹ.

施 及 蠻 而 凡 有 血 氣 者 莫 不 尊 親 爲 其 良 知 之 同 也

(Truyền Tập Lục, trung.) Lương tri nguyên là hoàn-hoàn toàn toàn Hễ thị thời nó nhận là thị; hễ phi, thời nó nhận là phi Thị phi, chỉ cậy có lương tri mà biết, chẳng khi nào chẳng đúng Cái lương tri ấy, là minh sư của ta,

只 依 良 知 原 是 完 完 全 全 是 的 還 他 是, 非 的 還 他 非, 是 非 只 依 著 他, 更 無 有 不 是 處: 這 良 知 還 是 你 的 明

(Truyền Tập Lục hạ) Lương tri chỉ là cái tâm nhận thị phi 良 知 只 個 是 非 之 心 (Truyền Tập Lục, hạ) Cho nên hai chữ « thị phi » là cái đại qui-củ của lương-tri. 是 非 兩 字 是 個 大 規 矩 (Truyền Tập Lục, hạ.)

Bổn thể của lương tri không có. Bổn thể của lương tri là thái hư

良 知 本 體 原 來 無 有 本 體 只 是 太 虛,

(Lời dạy Tiền Đức Hồng và Vương Kỳ. Dương Minh Toàn Thơ, niên phổ.) Vì thái hư, cho nên bổn thể của lương tri không động không tịnh. 良 知 本 體 原 是 無 動 無 靜 的 (Trả lời cho Hà Đình Nhân 何 廷 仁, Hoàng Chánh Chi 黄 正 之, Lý Hầu Bích 李 壁, Nhữ Trung, Đức Hồng, Truyền Tập Lục, hạ) Không động, không tịnh, ấy là cái « trung » 中 trong câu « doãn chấp quyết trung ». Trung ấy là cái trung của tâm khi nó chưa phát động. Tức sách Trung Dung gọi là « vị phát chi trung ». 未 發 之 中. Vương Dương Minh nói: « Tính không có chẳng thiện, cho nên tri không có chẳng lương. Lương tri tức là vị phát chi trung. »

性 無 不 善 故 知 無 不 良 良 知 卽 是 未 發 之 之 中

(Trả lời Lục Trừng. Truyền Tập Lục trung.)

Trung, là không thiên về đâu cả. 不 偏 之 謂 中 (Trung Dung) Không thiên về động cũng không thiên về tịnh. Ở nơi « trung » không có động, không có tịnh. Ở nơi « trung » động, tịnh gặp nhau. « Chỗ động, tịnh gặp nhau, ấy là bổn thể của tâm. Chỗ ấy vốn không phân ra động tịnh. » 動 静 所 遇 時 心 之 本 体 固 無 分 於 動 靜 也 (Thơ trả lời Lục Trừng, Truyền Tập Lục, trung.) Chỗ động tịnh gặp nhau ấy, chỗ trung ấy, là thiên lý, là định. 定 者 心 之 本 体 天 理 也 動 靜 所 遇 之 時 也, (Thơ trả lời Lục Trừng. Truyền Tập Lục thượng.)

Đây là điểm vô cùng trọng yếu của Vương học.

Không hiểu chỗ động tịnh gặp nhau, không hiểu chỗ « vị phát chi trung » đó, không sao hiểu được Vương học cũng không sao hiểu được sách Trung Dung[1].

Chỗ động tịnh gặp nhau (à l'intersection du mouvement et du, repos), hay là nói cách khác, chỗ « cực hạn »[2] 極 限 của độn tịnh (à la limite du mouvement et du repos) là chỗ « trung » khi « vị phát ».

Thử lấy thí dụ tiếng chuông, để dẫn đến cái nghĩa của « vị phát chi trung » Khi chưa khua chuông, tiếng của nó nguyên có thể kinh thiên động địa. Khi đã khua chuông, tiếng của nó lại tịch hiên mịch địa

譬 如 鍾 聲, 未 扣 時 原 是 驚 天 動 地 旣 扣 時 也 只 是 寂 天 寞 地,

(Trả lời Hoàng Tỉnh Hội 黃 省 會, Truyền Tập Lục, hạ.)

Chưa khua mà có thể kinh động, là chỉ về chỗ động ở nơi « cực hạn » Đã khua mà tịch mịch, là chỉ về chỗ tịnh ở nơi « cực hạn » Khua, là đã phát. Cái « trung » của « vị phát » — nói về tiếng chuông ở đây — là chỗ « tiết điểm » 節 點 (point nodal[3] Ở chỗ tiết điểm thời chưa phát với phát rồi, đều tới cực hạn, không thể nói riêng một cái nào, không thể nói chưa phát, cũng không thể nói phát rồi Ở chỗ tiết điểm có chưa với rồi hiệp nhất.

Trung ấy là thiên lý, ấy là dịch[4] tùy thời biến dịch 中 只 是 天 理 只 是 易 隨 時 變 易 (Trả lời Vương Gia Tú 王 家 秀 (Truyền Tập Lục, thượng).

Vì là trung, không động, không tịnh cho nên cái bổn thể của lương tri là vô tri vô bất tri. Thí cũng như mặt trời vốn không tự tâm nào chiếu vật, mà tự nó không vật nào nó không chiếu. Vô chiếu, vô bất chiếu, nguyên thật là bổn thể của mặt trời. Lương tri vốn vô tri, mà khi nó cần biết, thời không có gì nó không biết.

無 知 無 不 知, 本 體 原 是 如 此 譬 如 日 未 嘗 有 心 照 物, 而 自 無 物 不 照, 無 照 無 不 照 原 是 的 本 體 良 知 本 無 知 今 郤 要 有 知 本 無 不 知,

(Truyền Tập Lục, hạ) Vì vậy cho nên Khổng Tử nói: « Cái ta biết chăng? Là không biết vậy mà » 吾 有 知 乎 哉? 無 知 也

Bổn thể của lương-tri vốn thai-hư, không động, không tịnh, cho nên lương tri châu lưu lục hư, biến thông khắp hết mà không ngừng lại ở chỗ nào[5]

良 知 之 妙 真 是 周 流 六 虛 變 通 不 居

(Lời nói ở Loa Xuyên 螺 川 năm 1527. Dương Minh Toàn Thơ, niên phổ)

Lương tri đồng thể với thái hư. Trong thái hư vật nào lại không có? Mà không một vật nào có thể làm chướng ngại thái thái hư.

太 虛 之 中 何 物 不 有 而 無 一 物 能 爲 太 虛 之 障 礙,

(Trả lời Nam Nguyên Thiện Văn Lục, thơ) Lương tri của ta đồng thể với thái hư, nên chi cũng không bị cái gì chướng ngại được Giàu, sang, nghèo, hèn, được, mất, thương, ghét, chẳng có gì làm cho lương tri của ta không tác dụng Tuy ta có sinh ra vọng niệm, mà chưa ắt lương tri không nhận thấy. 雖 忘 念 之 發 而 良 之 未 發 不 在 (Thơ trả lời Lục Trừng, Truyền Tập Lục, trung.) Nếu không nhờ một cái niệm tinh vi của lương tri, thời còn nhờ gì mà biết được những cái « lầm hào ly sai thiên lý »?

毫 釐 千 里 之 謬 不 於 吾 心 良 知 一 念 之 微 而 察 之 亦 將 何 所 用 其 學 乎,

(Trả lời Cố Đông Kiều. Truyền Tập Lục, trung) Cổ kim sự biến, đều nhờ lương tri mà xử — Lương tri như qui củ[6]. Hình tròn, hình vuông số nó vô cùng không thể biết trước hết — Duy lấy qui củ mà đều vẽ ra được tất cả, chẳng hạn ở một cái nào. Những tiết mục thời-biến cũng vô cùng số, không thể biết trước hết — Duy nhờ lương tri mà ứng biến, cũng như qui củ ứng biến những hình tròn vuông

天 良 知 之 於 節 目 時 變, 猶 於 規 矩 尺 度 之 於 方 圖 長 短 也. 節 目 時 變 之 不 可 預 定 猶 方 圖 長 短 之 不 可 勝 窮 也

(Thơ trả lời cho Cố Đông Kiều Truyền Tập Lục trung)

Ngoài cái lương tri, không còn có cái biết gì khac được. 良 知 之 外 別 無 知 矣 (Trả lời cho Sùng Nhất 崇 一 — Truyền Tập Lục, trung.) Tuy lương tri không phải do kiến văn mà có, nhưng mà kiến văn nào (nghĩa là cái hay biết nào) cũng không phải là không do tác dụng của lương tri mà có được.

良 知 不 由 見 聞 而 有 而 見 聞 莫 非 良 知 之 用

(Cũng trả lời cho Sùng Nhất.)

Ngoài cái lương tri không còn có cái biết gì khác được. Thế thời, biết được lương tri cũng chỉ có lương tri là tự biết được mà thôi. Mình phải cầu nơi mình mà thấy lương tri, chớ không có phép gì truyền dạy mà làm cho thấy được nó. 須 你 自 家 來, 我 亦 無 別 法 可 道 (Trả lời một người bạn. Truyền Tập Lục, hạ.) Nghĩa là ngoài cái năng lực tri giác sự vật, lương tri còn có cái năng lực tự-tại (pouvoir d'aperception).

Cái lương tri như thế. Nó là chỗ chiêu minh linh giác của thiên-lý Cho nên, lương tri tức cũng là thiên-lý. Tư tưởng là sự phát-dụng của lương-tri. Vì thế, chẳng có thị phi tà chánh nào trong tư-tưởng mà lương-tri lại không tự nó hay biết

良 知 是 天 理 之 昭 明 靈 覺 處 故 良 知 天 理 是 良 知 之 發 用. 蓋 之 是 非 邪 正, 良 知 無 有 不 自 知 者,

(Trả lời Sùng Nhất Truyền Tập Lục, trung.) Vì bởi nó là tinh linh của tạo hóa, cho nên lương tri làm nên trời, làm nên đất làm nên quỉ làm nên vua mà thật là lương tri không có đối với vật, mà vật phải đều ở trong lương tri mà ra

良 知 是 造 化 的 精 靈 這 些 精 靈 生 天 生 地, 成 鬼 成 帝 皆 從 此 出, 真 是 與 物 無 對,

(Trả lời Vương Nhữ Trung, Truyền Tập Lục, hạ).

Cái lương tri, không ai có lời gì truyền dạy cho mà thấy được nó. Chỉ có nó là thấy được nó. Nếu ta muốn thấy lương tri, thời phải thời thời khắc khắc tựu ở nơi con tâm của ta mà « tập nghĩa » 集 義, ắt là cái thể của lương-tri nó sẽ đỗng nhiên minh bạch, rồi mà tự nhiên thị thị phi phi không có mảy-may nào khuất lấp được.

若 時 時 刻 刻 就 自 心 上 集 義 則 良 知 之 體 洞 然 明 白, 自 然 是 是 非 非 纖 毫 莫 遁

(Trả lời cho Nhiếp Báo. Truyền Tập Lục, trung.) Tập nghĩa là tiếng của Vương Dương Minh lấy trong sách Mạnh Tử, chương « Công Tôn Sửu ». Tập, là gom góp Nghĩa là nghi 宜 (phải lẽ). Tập nghĩa là làm sao cho sự sự đều hiệp với nghĩa.

Cái đạo lương tri thật là chí giản. chí dị, chí tinh, chí vi. Khổng tử nói: « Xem nó cũng như xem bàn tay kia thôi. » Nhưng mà người người đối với bàn tay mình, có ngày nào lại không thấy; song le nếu hỏi trong bàn tay ấy có bao nhiêu đường chỉ thời nào ai là người trả lời được. Hai chữ lương tri của ta cũng vậy. Giảng qua thời ai lại không hiểu ngay. Mà nếu hỏi về sự thấy lương tri, thời mấy ai người thấy được?

此 道 至 簡 至 易 的, 亦 至 精 至 微 的, 孔 子 曰: 其 如 示 諸 掌 乎, 且 人 於 掌 何 日 不 見, 及 至 問 他 掌 中 多 少 文 理, 卻 便 不 知, 即 如 我 良 知 二 字 一 講 便 明 誰 不 知 得, 若 欲 的 見 良 知 却 誰 能 見 得,

(Trả lời cho Đức Hồng và Nhữ Trung, Truyền Tập Lục, hạ).

Nếu được lương tri rồi, biết thị phi rồi, thời khi chí đã lập, ắt thiên sự vạn vi cũng chỉ là một sự. Như thế thời như sự đọc sách làm văn chẳng hạn, sao lại có thể lụy được người? Có lụy chăng, là tại người tự lụy ở chỗ đắc thất vậy.

志 立 得 時 良 知 千 事 萬 爲 只 是 一 事 讀 作 文 安 能 累 人 人 自, 累 於 得 失 耳,

(Truyền Tập Lục, hạ).

Vương Dương Minh bảo: « Hai chữ lương tri nầy của ta, thật là cái giọt máu điểm xương[7] của những bậc thánh ngàn đời truyền cho nhau. »

我 此 良 知 二 字 實 千 古 聖 聖 相 傳 一 點 滴 骨 血 也,

(Lời nói với Cữu Xuyên chép trong Niên Phổ)

Tiên sinh lại bảo thêm rằng: « Cái thuyết lương tri nầy của ta, tìm được trong bách tử thiên nan. Bất đắc dĩ đem nói hết cho người đời, chỉ e cho học giả được nó rồi, lại dễ dàng đem làm món chưng bày đẹp mắt, không biết thật dụng công, hóa, ra phụ cái « tri » ấy đi. »

其 於 此 良 知 之 說, 從 百 死 千 難 中 得 來, 不 得 已 與 人 一 只 說 盡 只 恐 學 者 得 之 容 易 把 作 一 種 光 景 玩 弄 不 實 蓉 用 功, 負 此 知 耳

(Lời nói với Cữu Xuyên. Niên Phổ.)

Thuyết lương tri ấy, tiên sinh khởi dạy từ năm tân tỵ (1521), sau khi dẹp xong loạn Thần Hào và bị đảng nịnh gìm công cùng sàm tấu. Đến năm đinh hợi (1527) trong bốn câu tông chỉ nói cuối cùng với môn nhân, tiên sinh tóm lại: « Tri thiện, tri ác, ấy là lương tri » 知 善 知 悪, 是 良 知

Trong thi văn, của tiên sinh có lắm nơi nói rõ về lương tri, hoặc ngụ ý chỉ lương tri. Nay trích một vài bài thi, mượn làm kết thúc cho chương nầy.

« Đáp nhân vấn lương tri », hai bài:

Lương tri tức thị độc tri thì
Thử tri chi ngoại cánh vô tri
Thùy nhân bất hữu lương tri tại?
Tri đắc lương tri khước thị thùy?

Tri đắc lương tri khước thị thùy?
Tự gia thông dưỡng tự gia tri;
Nhược tương thông dưỡng tùng nhân vấn,
Thống dưỡng hà tu cánh vấn vi?

良知即是獨知時
此知之外更無知
誰人不有良知在
知得良知卻是誰
知得良知卻是誰
自家痛癢自家知
若將痛癢從人問
痛癢何須更問爲

Lương tri là cái biết riêng tây,
Nào biết nào, ngoài cái biết nầy?
Thử hỏi lương tri ai chẳng có?
Biết lương tri được mấy người may?

Biết lương tri được mấy người may?
Mình ngứa, đau, mình mới tự hay.
Nếu hỏi ngứa, đau nơi kẻ khác,
Ngứa đau, sao khá hỏi người vay?

« Vịnh lương tri tứ thủ, thị chư sinh »

Cá cá nhân tâm hữu Trọng Ni,
Tự tương văn kiến khổ già mê.

Nhi kim chỉ dữ chân đầu diện,
Chỉ thị lương tri cánh mạc nghi.

Vấn quân hà sự nhật xung xung?
Phiền nảo trường trung thác dụng công.
Mạc đạo thánh môn vô khẩu quyết:
Lương tri lưỡng tự thị tham đồng.

Nhân nhân tự hữu định bàn châm,
Vạn hóa căn nguyên bổn tại tâm
Khước tiếu tòng tiền điên đảo kiến,
Chi chi diệp diệp, ngoại đầu tầm.

Vô thanh, vô xứu độc tri thì,
Thử thị kiền khôn vạn hóa ky.
Phao khước tự gia vô-tận-tạng,
Duyên môn trì bát hiệu bần nhi.

詠 良 知 四 首 示 諸 生

箇箇人心有仲尼
自將聞見苦遮送
而今指與真頭面
只是良知更有疑

問君何事日憧憧

煩惱塲中錯用功
莫道聖門無口訣
良知兩字是参同
人人自有定盤針
萬化根源總在心
郤笑從前顛倒見
枝枝葉葉外頭尋
無聲無臭獨知時
此是乾坤萬有基
拋卻自家無盡藏
沿門持鉢效貧兒

« Vịnh lương tri bốn bài, dạy môn sinh »

Ai ai cũng có thánh trong tâm
Vì kiến, văn, che mới tối dầm
Nay muốn thấy ra cho rõ rệt,
Chỉ lương tri thấy, chẳng khi lầm.

Việc chi ngày tối nét dầu dầu?
Lầm dụng công trong cảnh não sầu.
Chớ nói thánh môn không khẩu quyết
Lương tri hai chữ phải nên cầu.

Người người đều có định bàn-châm,
Vạn hóa, gốc nguồn thảy ở tâm,
Cười bấy trước đây điên đảo trí.
Tầm nhành, tầm lá, vốn ngoài tầm

Không hơi, không tiếng, biết riêng tây
Nền tảng kiền khôn vạn hữu đây
Bỏ mất của nhà vô-tận-tạng.
Mang bình lần cửa học ăn mày.

  1. — Người ta thường dễ lầm trung dung- 中 庸 với chiết trung 折 衷 (éclectique) hay là trung bình (moyenne) Dịch trung dung ra juste milien, ngu kiến cho là lạc nghĩ. Thiết tưởng nên dịch là à la limite theo cái nghĩa « vị phát chi trung ». chỗ « vị phát chi trung » còn là vir tualité, hay là puissance theo tiếng của Aristote
  2. Cực hạn là tiếng người Tàu dịch chữ limite dùng trong số học. Ta có thể dịch là rất mực. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: « Cái số mục có thể tới gần mãi mà không thể đạt đến được, như số 1/2 + 1/4 + 1/8 + 1/16... không khi nào tới cực hạn là 1 được. »
  3. Point nodal, danh từ vật lý học Tàu dịch ra tiết điểm. Hegel dùng nói cho biện chứng pháp (dialectique.)
  4. Mười năm xưa đọc kinh Dịch, tôi nghĩ và đã viết trong báo Mai ở Sài Gòn rằng dịch là biện chứng pháp Nay đọc Vương Dương Minh tôi vững ý tin rằng tôi không hiểu lầm
  5. Vương Dương Minh dẫn lời kinh Dịch thiên « Hệ từ ».
  6. — Qui: đồ để vẽ hình tròn (compas). Củ: đồ để vẽ góc chuông (équerre)
  7. — Xưa, bên Tàu, muốn xét nghiệm hai người có phải là ruột thịt nhau không, thời dùng phép « đích huyết » 滴 血 tương truyền rằng huyết của những kẻ ruột thịt nhau, nhỏ vào nước, tất cùng hiệp nhau mà ngưng kết lại. Còn huyết của một người thân còn sống nhỏ lên xương khô của người thân đã chết thời nó thấm vào Nếu hai người không phải thân thích nhau thời huyết không thấm vào xương. Phép đích huyết nầy khởi từ đời Lục Triều

    Đây Vương Dương Minh nói « giọt máu điểm xương » cũng như nói đá thử vàng. Nghĩa là nhờ lương tri mà biết thị phi, không sai lầm.