Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
V. Trí lương tri, hoàn thành của Vương học

V. TRÍ LƯƠNG TRI
HOÀN THÀNH của VƯƠNG HỌC

Hai chữ « lương tri » là giọt máu điểm xương của những bậc thánh ngàn đời truyền cho nhau. Mà kẻ thì ngu, chí ác, mà đứa trẻ con còn thơ dại, cũng có được lương tri. Duy có được lương tri mà biết nắm giữ nó, biết bồi bổ nó làm cho nó hiển minh ra, làm cho nó đến cùng đến tột thời là mấy ai? Cho nên mấy ai đạt đạo, mấy ai thánh hiền?

Như nói về sự hiếu thân. Châu Hy bảo rằng: « Biết, như thế nào là ấm lạnh, biết như thế nào là phải đạo phụng dưỡng ». Đó, theo Vương Dương Minh chưa là đủ, chưa là hiếu. Đó, chỉ là mới biết, mà chưa phải biết đến đến nơi đến chốn 是 所 謂 知 矣 而 未 可 以 爲 致 知 也 (Thơ Gia Dương 諸 陽 quyển Văn Lục). Tất phải có dùng công phu làm qua việc quạt nồng đấp lạnh, việc phụng dưỡng, rồi mới nói được là con có hiếu.

Như tâm phát ra một cái niệm thiện mà chưa làm qua điều thiện đó thời đâu đã gọi được là người thiện?

Vậy, tâm đã có lương tri, phải làm cho cái lương tri đó đến nơi. Phải trí lương tri 致 良 知. Chữ « trí » 致 gồm có chữ « chí » 至 (nghĩa là đến). Cho nên chữ « trí » có nghĩa là làm cho đến nơi cùng tột. Như câu sách Luận Ngữ nói: « Tang trí hồ ai nhi chỉ » 喪 致 乎 哀 而 止. Lại kinh Dịch nói: « Tri chí chí chi ». Tiếng « chí chi » ở đây có nghĩa là « trí » vậy.

Người ta khác phẩm bậc nhau về cái chỗ trí lương tri đó Bậc thánh nhân tự nhiên mà trí lương tri. Bậc hiền nhân gắng sức mà trí lương tri, Kẻ ngu bất tiếu, tự tệ tự muội, chẳng khứng trí lương tri.

自 然 而 致 之 者 聖 人 也 勉 然 而 致 之 者 賢 人 也 自 蔽 自 味 而 不 肯 致 之 者, 遇 不 肖 也

(Thơ Ngụy Sư Mạnh 魏 師 孟 quyển, Văn Lục) Kẻ ngu bất tiếu, tuy là tệ muội đến cực điểm, chưa dễ không còn lương tri. Nếu kẻ ngu kia biết trí lương tri đó thời cùng thánh nhân có khác gì?

遇 不 肖 者 雖 其 蔽 味 之 極 良 之 又 未 嘗 不 存 也 苟 能 致 之 卽 與 聖 人 無 異 矣,

(Cùng bài « Thơ Sư Mạnh quyển. ») Cho nên trí lương tri là đệ nhất nghĩa của thánh nhân lấy dạy người đời. (Thơ trả lời Sùng Nhất. Truyền Tập Lục, trung).

Cho đặng trí lương tri, phải dùng công phu thời thời khắc khắc tập nghĩa, phải duy tinh duy nhất mới trí được cái lương tri.

Bổn thể của lương tri nguyên là cái « vị phát chi trung » không thấy, không nghe được. Cho nên cái công phu trí lương tri phải răn ghín chỗ không thấy, phải sợ sệt chỗ không nghe. Neu học giả mà thời thời khắc khắc thường thấy chỗ không thấy, thường nghe chỗ không nghe, thời cái công phu mới có chỗ thật hạ lạc, sau lâu thành thục rồi ắt không phải ra sức nữa, không chờ có phòng kiểm nữa, mà chân tính sẽ tự nó tác dụng không ngừng nghỉ.

蓋 不 覩 不 聞 是 良 知 本 體 戒 慎 恐 懼 是 致 良 知 的 良 夫, 學 者 時 時 刻 刻 常 都 其 所 不 都 常 聞 其 所 不 聞 工 夫, 方 有 箇 實 落 處 人 人 成 熟 後 則, 不 順 著 力 不 待 防 檢 而 真 性 自 不 息 矣.

(Trả lời cho Hoàng Dĩ Phương Truyền Tập Lục, hạ). Công phu trí lương tri như thế, đem dùng ngay về trong lương tri, trong con tâm, không phải dùng phía bên ngoài « ta ».

Nếu được thời thời khắc khắc tựa ngay nơi con tâm mình mà tập nghĩa, thời ắt cái thể của lương tri sẽ đỗng nhiên minh bạch, rồi mà tự nhiên thị thị phi phi không khuất lấp một mảy may nào.

若 時 時 刻 刻 就 自 心 上 集 義 則 良 知 之 體 洞 然 明 白 自 然 纖 毫 莫 遁

(Thơ trả lời Nhiếp Báo. Truyền Tập Lục, trung).

Phép trí lương tri không xa mấy với sự gọi là thể nhận thiên lý. Hai cái khác nhau về chỗ một đàng là thể một đàng là dụng. Thí như phép trồng cây. Trí lương tri, như vun quén dưới gốc rễ cho sinh ý cây được phát đạt, mà nghành lá sẽ sum sê, thể nhận thiên lý như cầu cho nghành lá sum sê, thế tất cũng không bỏ cội gốc được.

致 良 知 者 是 培 其 根 本 之 生 意 而 達 之 枝 葉 者 也 體 認 天 理 者 是 茂 其 枝, 葉 之 生 意 欲 茂 其 枝 葉 之 生 意 亦 安 能 舍 根 本 而 别 有 生 意 者 乎?

(Thơ cho Mao Hiến Phó. Văn Lục).

Đạo học cốt ở chỗ trí lương tri. Ngoài cái lương tri, không còn có cái biết nào khác. Cho nên ngoài cái học trí lương tri cũng không có cái học nào khác, 良 之 外 更, 無 知, 致 知 之 外 更 無 學 (Thơ cho Mã Tử Tân. Văn Lục) Trí lương tri là chánh pháp nhãn tạng của cửa thảnh

近 來 信 得 致 良 知 三 字 真 聖 門 正 法 眼 藏

Ấy là lời Vương Dương Minh nói năm tân tỵ (1521) là năm tiên sinh bắt đầu dạy trí lương tri. Đến năm đinh hợi (1527), còn không bao lâu nữa thời qua đời, tiên sinh viết thơ cho con nuôi là Vương Chánh Hiến căn dặn: « Ta bình sinh giảng học chỉ có ba chữ trí lương tri » 吾 平 生 講 學 只 是, "致 良 知" 二 字 (Vương Dương Minh toàn thơ, Tục Biên, nhất).

Thánh hiền thấy chỗ « nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi » cho nên trau giồi lấy một con tâm, và truyền cho người đời cũng truyền cái phép trau giồi con tâm ấy mà thôi. Vương học vẫn là cái học của thánh hiền, vẫn là tâm học Cho nên lấy trí lương tri làm mục đích cuối cùng. Phật, giáo, tuy nói đến tâm, mà qui kết không thật dụng, thời cái tâm ấy há ích gì cho thế đạo nhân luân?[1] Tâm của Vương học lấy việc minh luân làm đầu và làm cuối. Bởi cho nên trí lương tri là hoàn thành của Vương học.

Hãy xem lời dạy của tiên sinh sau nầy:

Thơ cho Nhiếp Báo về trí lương tri

«... Loài người tức là tâm của trời đất. Thế là trời đất muôn vật cùng ta nhất thể vậy. Sinh dân khốn khổ lầm than, há chẳng phải là việc đau đớn thiết đến thân ta hay sao? Ai không biết tâm mình đau đớn, tức là người ấy không có lòng thị phi.

« Lòng thị phi của con người ta chẳng cần lo nghĩ mà biết, chẳng cần học mà hay. Ấy gọi là lương tri, lương tri ở tâm người ta, ai ai cũng có, không phân cách ra bực thánh người ngu, mà thiên hạ cổ kim đều giống như nhau.

« Bực quân tử ở đời chỉ chăm chăm làm sao cho lương tri mình đến nơi thì tự nhiên có thể chung lẽ thị phi, đồng lòng hiếu ố, coi người như thân mình, coi nước như nhà mình và coi hết cả trời đất muôn vật như nhất thể lúc ấy cầu cho thiên hạ đừng tri cũng chẳng được nào!

« Sở dĩ người xưa thấy điều thiện xem như tự mình làm ra; thấy điều ác xem như tự mình mắc phải; xem dân đói khát chìm đắm không khác gì mình đói khát chìm đắm, có một người nào chẳng được yên sở, cũng xem như mình đẩy người ta xuống ngòi rãnh. Nào phải cố làm ra như thế để cho thiên hạ tin mình đâu. Chẳng qua cốt làm cho đến nơi lương tri mình, để tìm lấy sự vui lòng hả dạ cho mình mà thôi »

« Đời sau, cái học lương Tri không được giảng minh, thành ra người trong thiên hạ, bên ngoài mượn cái danh nhân nghĩa, bên trong làm cái thực tư lợi, khéo lấy miệng lưỡi a dua thói tục. giả đò nết na cầu lấy tiếng tăm. che lấp điều hay của người để vơ lấy cái giỏi về mình xoi bói việc tư của người để ngầm tỏ ra mình thẳng, hung hăng ganh lấy phần hơn mà dám bảo rằng làm theo điều nghĩa, nham hiểm lật nhau từng miếng, mà dám bảo rằng không ưa thói gian, ghen hiền ghét ngỏ, mà tự cho thế là chung lẽ thị phi, càn dở luông tuồng, mà tự cho thế là đồng lòng hiếu ố. Đến nỗi lấn hiếp nhau, làm hại nhau, ngay trong một nhà ruột thịt thân yêu, còn không khỏi đây đó rào ngăn vách chấn thay, huống gì với thiên hạ thì lớn, dân vật thì nhiều, bảo họ làm sao coi nhau làm nhất-thể cho được!...

[Dương Minh nầy] nhờ linh tính trời cho, ngẫu nhiên thấy được cái học lương tri, tin rằng tất phải theo đó rồi sau thiên hạ mới có thể bình trị. Cho nên mỗi khi nghĩ đến cảnh khổ dân ta đắm chìm, tôi thấy trong lòng buồn bã đau đớn, quên hẳn mình bất tài, chỉ lo nghĩ đem cái học Lương tri ấy ra để cứu vớt dân, thật cũng là không biết tự lượng vậy.

« Người ta trông thấy như vậy, đua nhau chê cười bài bác tôi, cho tôi là người mắc bệnh điên cuồng táng tâm. Than ôi!... ta đang thấy đời mà đau đớn thiết thân, có rỗi hơi đâu kể đến những miệng tiếng chê cười của ai! »

« Tôi đây sức mọn tài hèn, đâu dám nhận lấy đạo Phu-tử làm công việc của mình, nhưng chỉ nghĩ tâm mình hơi biết đau khổ thiết thân, vì thế mà bàng hoàng nhìn quanh tứ phía, muốn tìm lấy người đồng tâm đồng chí, ra tay giúp mình để mong chữa bệnh cho đời, thế thôi.

« Ví bằng ngày nay quả gặp được bọn hào kiệt đồng tâm, cùng nhau làm cho cái học Lương tri được sáng tỏ trong thiên hạ, để ai nấy đều biết làm cho đến cái lương tri của mình, hầu trừ hết mối tệ tự tư tự lợi, rửa sạch thói quen dèm pha ganh ghét lẫn nhau, để cùng dựng nên cuộc đại đồng, như thế thì bệnh điên cuồng của tôi khỏi ngay và không lo đến phải cái vạ táng tâm nữa, há chẳng vui sướng lắm thay!...[2]

(Thơ trả lời cho Nhiếp Báo — Truyền Tập Lục, trung)

  1. 釋 氏 之 外 人 倫 遺 物 理 而 隨 於 空 寂 者 固 不 得 謂 之 明 其 心 矣

    (Thơ cho Hạ Đôn Phu 夏 敦 夫 Văn Lục).

  2. Lời dịch của ông Quán Chi, trong Trung Bắc Chủ Nhật số 155 ra ở Hà nội ngày 2 Mai 1943. Có chữa đi vài chữ và vài dấu chấm câu