Vũ trung tùy bút/Chương XLII
Nhân tài ở Hồng Châu ta rất nhiều, về đời Trần khoảng năm Xương Phù[1] có Châu Tung Trinh thống lĩnh quân Tam Sương cấm binh, chỗ làng ở tụ họp đông đúc, mới gọi là thôn Châu Xá. Về sau, nhân đinh càng ngày càng nhiều, nên biệt lập làm một xã, nhân chữ châu, thêm bộ phụ vào, goi là làng Châu Khê, gần đây lại viết lầm là Trâu Khê. Quan Tư đồ Trần Nguyên Dán có vì cậu công tử quan Tam Sương, soạn một bài bia để kỷ niệm, văn nghĩa sâu sa, nét chữ cổ kính, lâu ngày mưa sa gió táp, những hàng chữ trong bia cũng có sứt mòn đi. Cái bia ấy cũng là một cổ tích ở huyện ta.
Xét Châu công hiển đạt khoảng năm Xương Phù, đương lúc Xích Chủy Hầu[2] là Hồ Quý Ly cầm quyền chính. Các quan trong triều người nào đua theo được hiển vị, người nào khác ý thì không thể giữ toàn được lộc vị. Băng Hồ công Trần Nguyên Đán là người họ nhà vua, lại kiêm chức cựu tướng tôn quí, có bụng lo nghĩ đến nhà vua, đã bộc lộ ra những câu thơ câu hát, thế mà còn phải áy náy lo nghĩ việc sau đời mình, đến nỗi đem cả hai con ký thác cho Quý Ly. Vậy thì Châu công là người khác họ, giữ quân cấm vệ đứng ở trong triều, tất cũng có cách để xử về chỗ đồng tính, dị tính ấy. Nhưng đầu duôi Châu công làm quan ở trong triều thế nào, không thấy chép trong sử, đến các nhà làm truyện ký cũng không chép. Nếu không có cái bia của ông Trần Nguyên Đán thì tích danh, quan tước của Châu công dễ thường cũng mai một ở trong đám cỏ xanh, đóm lửa. Nào những người xe ngựa nghênh ngang, áo mũ xúng xính, ngang nhiên tự đắc ở trên đời, mới chớp mắt đã biến đi đâu mất cả, kể biết bao nhiêu !
Chú thích
- ▲ 1377 - 1388
- ▲ Xích Chủy là mõm đỏ. Dựa theo điển tích Trần Nghệ Tông nằm mơ thấy Trần Duệ Tông đến đọc cho bài thơ, trong đó có nói đến Xích Chủy hầu lăm le cướp ngôi báu. Nghệ Tông đoán rằng đó là Quý Ly