Cái tên huyện Đường An không biết đặt ra từ đời nào ? Sách Đường kỷ chép : đời vua Đức Tông[1], bà công chúa Đường An dựng tháp, quan Bình chương sự là Khương Công Phụ[2] hết sức can ngăn, trái ý vua phải bãi tướng. Cứ theo phép nhà Đường, phong hiệu cho các công chúa, thường lấy tên huyện, nhưng xem sách Địa lý chí đời Đường thì trong đất nước Trung Hoa không có tên huyện Đường An mà khi ấy nước ta đương thuộc về nhà Đường, hoặc giả tên huyện Đường An ở nước ta, đặt ra từ trước đời Trinh Nguyên, Kiến Trung[3] chăng ?

Sách Tư ký của họ Võ ở Mộ Trạch bảo rằng, từ đời ông Võ Hồn[4] mới sang kinh lược cõi Giao Nam, vì yêu mến phong thủy danh thắng đất Mộ Trạch mới mở đất dựng ấy, lấy hai chữ Đường An đặt tên huyện, Khả Mộ đặt tên thôn. Thế thì tên huyện Đường An đặt ra từ đời Võ Hồn, cũng hơi có lẽ. Nhưng Võ Hồn sinh ra ở cuối đời Đường, cách đời vua Đức Tông xa lắm. Mà cái tên hai chữ Đường An đã xuất hiện tự đời Đức Tông rồi, thế thì cái thuyết của sách Tư ký cũng chưa chắc đã tin được. Vả lại sách gia phả riêng của họ Võ, từ đời Võ Hồn mới sang kinh lược, cho mãi đến đời Trần, trong khoảng vài trăm năm, phàm những thế thứ chi phái, quan phong, thụy hiệu đều không chép đầy đủ, duy có việc dựng ấp, đặt tên huyện, lại chép được tường ở trong sách Tư ký của người đời sau, thì chưa chắc đã tin được. Vậy hay ghi chép lại đây, để đợi người hiền triết đời sau xét đoán.

   




Chú thích

  1. Đường Đức Tông, tên là Lý Quát (742 - 805), vua thứ chín của nhà Đường
  2. Khương Công Phụ (? - ?), người Ái Châu, nay là huyện Yên Định, Thanh Hóa, thi đỗ khoa thi đời Đường, làm quan đến Tể tướng
  3. Niên hiệu của Đường Đức Tông, từ năm 780 đến năm 805
  4. Vũ Hồn (804 - 853), là Kinh lược sứ An Nam đời Đường Vũ Tông, được coi là thủy tổ họ Vũ Việt Nam