Đời Lê hễ có sứ Trung Hoa sang phong vương thì phàm việc gì cũng phải họp triều đình lại để triều nghị. Như kén các quan đi tiễn, hoặc đi đón sứ giả, hoặc đi lên cửa Nam Quan, đều kén những người tài giỏi cả. Thường thường các quan đi tiếp sứ gặp việc gì cũng hay tranh biện lý lẽ với sứ giả để cầm lấy phần thắng. Như lễ khấu đầu quì gối đã làm từ đời Khang Hy (1662) nhưng đến đời Long Đức[1], đời Cảnh Hưng lại còn bàn, muốn theo cái lễ năm lạy ba khấu đầu. Ta thường xem sách Minh độ thấy những lời nghị luận của Châu Xán[2] còn chép lại trong Thù vực châu tư[3] và những tập văn Bạn tống. Về năm Tân Tị (1761) đời Cảnh Hưng, có chép những văn kiện bàn về lễ của sứ Minh là Đức Bảo, Cô Như Tu[4], có một đoạn nói đến lễ bái nói rằng "Năm Ung Chính thứ sáu (1722) đã tuân theo điều lệ ấy, nay lại muốn đổi, thì không thể nghe được. Nhà Vương nếu muốn, cứ thực tâu bày, nên chăng còn phải đợi thánh chỉ cho mới được. Chứ việc ngày nay thì sứ giả không dám tự quyết". Lại có đoạn nói rằng "Cứ theo lòng cung thuận của nhà Vương, đã tuân giữ lễ triều đình, thì càng tỏ lòng chân thành, càng không cần phải bàn nõi nữa". Đến đoạn bàn về việc nghênh tiếp thì nói rằng "Đem long đình đi nghênh tiếp thì phải để ở ngoài cửa quốc môn, Vương phải đứng chếch về một bên chờ, khi sứ giả đến nơi thì xuống xe cùng tiếp, rồi bước lên thềm, làm như thế là vừa để cho người ta trông vào, vừa để tỏ lòng cung thuận". Lại bàn đến đoạn diễn tập lễ nghi thì nói rằng "Trộm nghĩ có kẻ tùy tùng của sứ giả, lỡ có điều gì không hợp với người nhà Vương, tưởng đương lúc tiệc đại khánh của nhà Vương, không nên để sinh sự lôi thôi. Ý tôi muốn trước độ vài ngày, sai người tán lễ[5] vào điện đình nhà Vương diễn tập nghi thức, nhà Vương cũng thân đến đấy để xem kẻ tán lễ dẫn bảo,v.v..". Xem những lời ấy thì thấy người Minh họ hiểu dụ, nói đi nói lại không ngại phí lời, và lời nói của họ có ý sâu. Các quan nước ta ra tiếp sứ, thường lấy tranh biện như thế làm tự cao, mà không biết là tự ti vậy. Sách An Nam chí[6] của người Minh có mấy chữ để đoán tính cách người Nam ta như sau "Người An Nam như ở trong tường đồng vách sắt bền chặt không thể phá ra được". Ta đọc đến chỗ ấy thường bực tức mà gấp sách lại. Vậy mà người cầm quyền nước lại cứ gác bỏ ngoài tai là tại sao ?

   




Chú thích

  1. 1732 - 1735, niên hiệu của Lê Thuần Tông
  2. Chu Xán sang sứ nước ta năm 1683
  3. Tức sách Thù vực chu tư lục, sách do Nghiêm Tòng Giản nhà Minh soạn, ghi chép về nghi lễ bang giano giữa An Nam và Trung Quốc, cùng là việc bang giao giữa nhà Minh với nhà Lê Trung hưng
  4. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục chép là Cố Nhữ Tu
  5. Người giúp vào việc lễ
  6. An Nam chí nguyên, sách của Cao Hùng Trưng, giáo thụ phủ Tư Minh đời Vĩnh Lạc nhà Minh