Vua Lê Lợi khi còn ở núi Lam Sơn ra đánh nhau với quân Minh bị thua, quân tướng bỏ chạy toán loạn cả. Lúc chạy qua khoảng đồng, thấy có một ông già đang cùng người vợ lom khom tát nước bắt cá ở bên bờ ruộng, vua liền chạy lại, cởi ngay áo, xuống ruộng bắt cá với hai ông bà già. Quân Minh đuổi đến nơi, hỏi ông lão rằng "Có thấy Lê Lợi chạy qua đây không ?". Ông lão đáp "Không thấy". Nhà vua ngảnh tai lên nghe. Ông lão liền mắng "Thằng này sao không bắt cá đi, việc gì đến mày !". Quân Minh không nghi hoặc gì cả, bỏ đi. Đến tối, ông lão mời vua về nhà ngủ. Trong nhà có nuôi một con hầu (khỉ), ông lão bèn giết đi để làm cơm. Lúc bưng cơm lên chỉ có cá diếc nướng, và bát canh thịt hầu, nhưng ý tứ rất cung kính. Về sau, những khi nhà Thái miếu làm lễ tế, thì có để hai ông bà già ấy vào phối hưởng, tục vẫn gọi là ông hầu bà hầu. Cỗ hưởng của hai ông bà già ấy, ngoài những thức tam sinh[1] ra, thế nào cũng làm một đĩa cá nướng và một bát canh thịt hầu, giống như bữa ăn khi xưa đã dâng vua, để ghi nhớ cái công lúc ấy. Từ đời Trung hưng trở về sau, các quan coi việc tế tự không cung cấp đủ đồ lễ, nên dùng thịt bò thay món thịt hầu.

Đời Lê từ khi quyền chính về cả chúa Trịnh thì những buổi chầu ở trong nội điện cũng không ngăn cấm gì mấy. Ta khi nhỏ thường vào xem ở trong sân rồng, thấy bên võ ban có đặt pho tượng vị Hộ Quốc Phu nhân. Tượng ấy đầu người, thân hồ ly[2], dáng rất đẹp, hình dung một thiếu nữ búi tóc cài trâm. Ta lấy làm lạ, khi trở về có hỏi đấng tiên đại phu ta, thì tiên đại phu ta nói rằng, khi xưa, vua Lê Thái Tổ đánh nhau với quân Minh, bị thua, quân Minh đuổi theo gấp lắm. Đang lúc chạy giữa đường, vua trông thấy một người con gái chết, vua bèn dừng lại, rút gươm ra đào lỗ để chôn cất và khấn rằng "Nàng mà phù hộ cho ra chạy thoát, thì ngày sau tất sẽ báo đền". Khi quân Minh đuổi theo gần đến nơi, vua bèn nhảy vọt vào bụi rậm. Quân Minh xuýt chó săn để tìm, chó cứ sủa vào bụi rậm. Quân giặc đang hồ nghi không biết ra sao, thì chợt thấy trong bụi rậm có một vật đầu người, thân hồ ly, chạy vụt ra ngoài vòng vây. Chó bèn đuổi theo. Quân giặc nổi giận, chém chết ngay con chó mà nói "Ta nuôi mày có phải chỉ dùng đi săn cáo đâu". Nói rồi, kéo đi. Vua thoát nạn. Về sau, vua Lê lấy được thiên hạ, mới lập một ngôi đền ở chỗ ấy, sắc phong cho người con gái ấy là Hộ Quốc Phu nhân. Làng Thanh Liêm cũng thờ thần ấy, gọi là Hộ Quốc Hồ Thần, kiêm cả tước phong là đại vương và công chúa. Đó là tại các triều gia phong không xét kỹ nên làm sai lầm. Ta thường làm hộ bài bao phong thần sắc ấy cho người ta, có nói đến chuyện ấy, nhưng bài văn lại chép ở tập khác.

   




Chú thích

  1. Cỗ đủ ba món : trâu, lợn, dê
  2. Con cáo