Từ đời Lê Trung hưng trở về sau, thi Đình thi bài chế sách, thi Hội thi Hương cũng toàn thi văn chương cả. Những kẻ nho sĩ xu thời chỉ biện bác lém lỉnh mấy câu khẩu đầu. Cách thi cử như thế làm sai mất cả cái ý lâm hiên sách sĩ[1] của đời xưa. Còn như bài phán văn là một lối văn phán đoán lí sự. Ta thường thấy thi khoa Đông các có ra một bài phán về việc dụ đức giáo, cử di sĩ[2], ông Thám Phạm Khiêm Ích có làm bài phán văn ấy, nhưng thể văn không hợp cách, thực là buồn cười ! Ôi ! Cái việc truyền dụ đức giáo, cử lấy kẻ di sĩ, thì có phải trái, thẳng vẹo gì mà phán đoán, ra đầu bài như thế thì dẫu bậc Hàn, Liễu, Âu, Tô[3] cũng không thể lý hội thế nào mà làm được, không riêng gì Kim Sơn Phạm công[4] mà thôi.

Đời nhà Hán có đặt ra khoa hiền lương phương chính, thực là một cách đặc biệt để đãi kẻ phi thường mà cầu lấy người tài. Đời Đường, đời Tống có đặt ra chế khoa, chia làm năm bậc ; sự ưu đãi, trọng gấp hai khoa Tiến sĩ. Ông Bạch Cư Dị đời Đường, ông Tô Thức đời Tống đều là bậc tài cao bác học mà chỉ đỗ thứ hai. Từ đời Gia Hựu[5] trở về sau, chế khoa đệ nhất danh vẫn để trống, không lấy ai đỗ đến bậc ấy, là để cho trọng vọng. Nước ta từ đời Lê Trung hưng mới mở chế khoa, ông Nguyễn Văn Giai[6] đỗ nhị giáp, đứng đầu khoa thi ấy, sau là bậc danh tướng đời Trung hưng. Đầu năm Chiêu Thống[7] lại mở chế khoa. Các quan tòa Bình chương hội lại ra đầu bài văn sách. Bấy giờ, Bằng Quận Công là Nguyễn Hữu Chỉnh làm Đại Tư mã, các quan văn ra đầu bài xong, đem trình Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh xem rồi cười mà rằng "Tôi là võ thần, đâu dám càn bậy, nhưng chế khoa là cốt tuyển lấy bậc hiền lương phương chính mà bài chế sách lại ra như thế ư ?". Các quan nín lặng, không trả lời. Sau đem đầu bài ấy tiến lên ngự lãm, rồi cho học trò thi. Khoa ấy lấy đỗ được hai ông : Trần Bá Lãm[8] và Nguyễn Gia Cát [9].

   




Chú thích

  1. Nhà vua ra ngoài hiên để thử thách mưu lược của học trò
  2. Rộng đường đức giáo mà cất nhắc những người tài còn bỏ sót
  3. Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha. Xem ở các bài Lối chữ viếtPhạm Ngũ Lão
  4. Phạm Khiêm Ích quê ở Kim Sơn, Gia Lâm (Hà Nội)
  5. 1056 - 1063, niên hiệu của Tống Nhân Tông
  6. Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628), người làng Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Nghệ An (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tể tướng đầu đời Lê Trung hưng
  7. 1788
  8. Trần Bá Lãm (1757 - 1815), người Vân Canh, huyện Từ Liêm (Hà Nội), làm quan tới Lại khoa Cấp sự trung, Đốc đồng Hải Dương, hàm Đông các Đại Học sĩ
  9. Nguyễn Gia Cát (? - ?), người Huê Cầu, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc (nay là xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên), làm quan ở đời Lê và đầu đời Nguyễn, đến chức Tả Tham tri Lễ bộ