Từ đời Lê Trung hưng trở về sau, văn thể càng ngày càng kém, đã bàn rõ ở trong tập Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến[1]. Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn đời Lý thì già dặn, súc tích, phảng phất như văn đời Hán. Xem như bài Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, bài hịch của Lý Thái Tôn kể tội Vương An Thạch[2] và bài di chiếu của Nhân Tôn thì biết. Đến văn đời Trần lại rườm rà, kém hơn đời Lý, nhưng cũng còn có phép tắc, nhã nhặn và trau chuốt ; nghị luận phô bày đều có sở trường cả, so với những văn các danh gia đời Hán Đường không đến nỗi kém lắm. Gián hoặc có đôi ba bài để lẫn vào trong tập văn Hán Đường cũng không khác gì, chưa dễ mấy người đã phân biệt được.

Đời Tiền Lê, từ năm Thuận Thiên trở về sau, các bài văn còn truyền lại cũng nhiều. Duy có văn ông Nguyễn Trãi, như bài Vĩnh Lăng thần đạo bi[3], bài chế Hạ giá Vệ Quốc Trưởng Công chúa[4] và văn ông Võ Vĩnh Trinh[5] như bài chế Tiến phong Sung viên phụng sự lăng đời vua Thái Tôn, tuy công phu khí lực chưa hoàn toàn nhưng thể tài khí phách cũng còn theo gót được người xưa. Còn như bài Bình Ngô đại cáo đời Thuận Thiên, những bài sớ của các quan đài gián[6] đời Thiệu Bình, bài chiếu Nam chinh Chiêm Thành đời Hồng Đức, đều là những tay bút già dặn lúc bấy giờ thảo ra cả. Nhưng khí lực các bài văn đó không được hậu, thể văn lại chuộng mới, cũng còn từng câu, từng chữ chưa được ổn thỏa, hoặc trước sau đầu đuôi chỗ vụng chỗ khéo, không được chải chuốt đều nhau, so với văn đời Lý, đời Trần hình như đương ở trên núi mà xô xuống bờ thấp. Kể ra còn nhiều, xem đại khái thì biết.

Khoảng đời Minh Đức, Đại Chính[7], khí thế càng ngày càng kém. Những kẻ tao nhân văn sĩ đều đua theo lối văn phù phiếm, so với đời Tiền Lê, lại càng kém lắm. Song thói học còn chưa đến nỗi hủ lậu, nên học vấn, văn chương, chính sự, công nghiệp, cũng không kém cổ nhân mấy. Đến đời Lê Trung hưng thì cái danh nghĩa khôi phục, tuy chính đáng thật, nhưng quyền về Trịnh súy phủ. Những người thân sĩ Thanh Nghệ phần nhiều được giữ vị trí trọng yếu ; phong thanh, khí tập có khác với thói khoan hòa, giản dị đất Tứ Tuyên. Vả lại cái đức chính của đời Minh Đức, Đại Chính nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên vận trời đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa về hết. Những nhà nho đời bấy giờ còn nhiều người náu hình giấu bóng không chịu ra. Còn những kẻ ra ứng dụng cho đời thì phần nhiều là những phường hủ lậu, ít người tài giỏi. Học trò Thanh Nghệ trải qua buổi loạn lạc, không được học mấy ; khi ra làm quan, chiếm được địa vị trọng yếu coi giữ việc công, chỉ làm theo ý riêng của mình, muốn thắng cả tiền nhân. Những khi giảng học và mở khoa thi, phàm những đại nghĩa kinh, truyện và nguồn gốc trị loạn từ xưa tới nay, điều hay điều dở không mấy người để ý khảo sát cho tinh, chỉ chuyên học những bài chú thích[8], những bài nghị luận của các nhà hậu nho, và nhặt lấy những câu đầu đề hiểm hóc để ra văn cho hay. Những kẻ chuộng công danh lúc bấy giờ chỉ theo đòi bóng gió, nhặt lấy những chữ bã mía của tiền nho, tập làm cái lối văn chương hoa hòe chứ không có cái căn bản gì cả. Cái ý dựng nền giáo dục đào tạo nhân tài của đời Lý, đời Trần khi xưa vì thế mà biến đổi hết sạch. Tệ lậu ngày càng quen đi, những kẻ học cử tử chỉ đem những bài chính văn trong kinh truyện cắt đứt ra từng đoạn từng câu, chuyên học thuộc lòng những bài văn tiểu chú để làm văn, nhất là những bài bàn luận trong sách sử thì lại càng phải học thuộc lòng lắm. Khi may mà đỗ đạt, phải đương đến đại sự, bàn đến đại lễ, thì cẩu thả làm cho xong việc. Còn như lễ nghi và những chế độ lặt vặt cùng lắm điều khó coi lắm. Học tập như thế mà mong làm những việc kinh bang tế thế thì sao được.

   




Chú thích

  1. Trần Tiến (1709-?) người xã Điền Trì huyện Chí Linh (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Thị giảng. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công, tước bá.
  2. Tức bài Phạt Tống lộ bố văn trong chiến dịch đánh Ung Liêm của Lý Thường Kiệt, phê phán các chính sách thanh miêu, trợ dịch của Vương An Thạch
  3. Văn bia Vĩnh Lăng, là lăng vua Lê Thái Tổ
  4. Vệ Quốc Trưởng Công chúa là con gái lớn của Lê Thái Tôn, sinh năm 1439, bị câm. Năm 1448 đem gả cho con trai của Thái úy Lê Thụ là Lê Quát. Chắc hẳn bài chế được làm vào năm này
  5. Vũ Vĩnh Trinh (? - ?), người huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản, Nam Định). Thi đậu khoa thi năm 1429, làm quan đến chức Hán lâm Học sĩ, Tuyên chính sứ ở đạo Hải Tây, Bí thư giám
  6. Quan Ngự sử
  7. 1527 - 1540
  8. Các nhà nho đời Hán Đường và nhất là Tống Nho chú thích các kinh truyện rất nhiều, làm thành các tập chú. Đề thi lúc bấy giờ phần nhiều hay hỏi ở phần chú thích của hậu nho để hỏi, nên học trò dần bỏ sách chư tử mà chỉ chuyên học thuộc tập chú, lối học ấy không cho sĩ tử được suy nghĩ có ý kiến riêng