Vì nghĩa quên tình/Tại sao quyển sách này lại xuất bản?

Vì nghĩa quên tình của Nguyễn Mạnh Bổng
Tại sao quyển sách này lại xuất bản?
TẠI SAO QUYỂN SÁCH NÀY LẠI XUẤT-BẢN?

Quyển sách này thật không phải là tôi muốn cho ra đời để khoe văn, hoặc cầu danh cầu lợi chi chi. Giá tôi có khoe văn thì dù hay đến đâu ra nữa bọn bình-phẩm chê-bai đã sẵn có rồi, tất họ nhao-nhao lên mà dèm cho ra giở, họ đã dèm ra giở thời hay tuyệt đó cũng vì thế mà tổn danh. vì thế mà tổn lợi, danh lợi còn đâu mà cầu! Vả lại cầu-danh ở văn-giới nước ta cũng chẳng có danh gì, cầu lợi ở văn-giới nước ta cũng chẳng có lợi gì. Nếu muốn danh muốn lợi thời ở xã-hội này có thiếu gì cách cầu, danh to lợi nhớn ở nước ta ngày nay thực không ở văn-học!

Thế thời xuất-bản làm gì quyển sách này? Chỉ tại tôi không muốn cầu danh, tôi không muốn cầu lợi ở chỗ hư-văn mà ông Nguyễn-Thống biệt-hiệu Kính-đài tự-nhiên làm mấy câu khen ngợi quá tài quá đức tôi ở quyển « Hai giấc mộng » của ông xuất-bản tháng Juin năm 1921, khiến cho có người tưởng tôi sui ông làm quảng-cáo cho tôi để tôi cầu danh cầu lợi chi chi, lại có người cho là hay tôi có cái ác-cảm riêng gì với ai mà lợi-dụng mấy giấc ngủ mê của ông, nên tôi phải cho quyển sách này ra đời để đáp lại cái hậu-tình của ông mà giãi tỏ với các ngài độc-gia.

Xin các ngài biết cho rằng ông Nguyễn-Thống làm quyển « Hai giấc mộng » ấy bao giờ tôi cũng không biết, ông định đề-tặng tôi thế nào tôi cũng không hay. Đến khi sách ông xuất-bản, ông cho tôi một quyển thời tôi mới biết rằng ông có bụng yêu tôi mà đề-tặng cho tôi. Ông khen tôi có tài làm tiểu-thuyết, tài ấy tôi xin thú thực rằng hèn vụng. Tiểu-thuyết của tôi đương tập làm, tưởng chỉ khả-dĩ để các ngài mua vui rồi dạy bảo lại cho để tôi được nhờ đó tiến vào con đường chính-đáng; may mà những thiên tiểu-thuyết mà ông dẫn ấy, tôi đã nhờ được lòng tốt của các ông bạn đồng-nghiệp Trung-Bắc Tân-Văn quá yêu đăng báo cho, cùng những ông cao-hữu của tôi là ông Phạm-Quỳnh, ông Trần-Văn-Quang dùng đăng vào Nam-Phong Tạp-Chí Thực-Nghiệp Dân-Báo để tôi được thụ-dụng với đời, nào đã có đâu là « kiệt-tác » như lời ông Thống nói.

Ông Thống khen tôi « sớm có giá-trị trong làng văn ». Chết nỗi! Làng văn Nam-Việt mà đến tôi đã sớm có giá-trị chẳng hóa ra một làng văn non-nớt quá lắm ư? Đến câu « thanh-danh vang động cả miền Nam cõi Bắc » của ông, thời tôi tưởng tôi chưa có gì là thanh mà cũng chẳng có gì là danh, lấy chi mà vang động miền Nam cõi Bắc được? Còn như ông nói đến những chuyện tôi giả Thị-Bổng và sự tôi đăng bài trong các báo Nam Bắc cùng sự tôi ký tên trong Nam-Phong, và ông trích những câu thơ non dại của tôi ra ông tán-dương cho. Thực điều là quá-đáng cả. Những cai đó chẳng qua là cái việc tôi phải làm, cái nghệ tôi sinh-nhai, cái tâm-sự riêng của tôi đối với tôi, nào đã có cái gì là công với xã-hội quốc-dân, mà nào có phải là tôi vì cái tình-thế riêng gì nó khu-khiển.....

Ông có nói tôi « chỉ bị những kẻ đố-tài tật-năng, luống tranh-danh đoạt-vị với mình ». Ôi! lời ấy thật là ông nhầm to. Tôi có tài đâu mà ai đố, tôi có năng đâu mà ai tật, tôi có danh gì mà ai tranh, tôi có vị gì mà ai đoạt!

Ông bảo tôi « chưa gặp được tri-kỷ ». Câu ấy ông lại nhầm to nữa. Có dễ riêng ông là tri-kỷ của tôi! Người tri-kỷ là người biết mình có điều hay mà yêu mình dùng mình. Vậy ông Phạm-Quỳnh chính là một người tri-kỷ của tôi vì ông ấy đã yêu tôi cho tôi cùng theo một cái chủ-nghĩa tốt của Nam-Phong Tạp-Chí, ông Trần-Văn-Quang cũng là một người tri-kỷ của tôi vì ông ấy đã yêu tôi cùng tôi trong việc gây dựng Thực-Nghiệp Dân-Báo lúc đầu; ông Nguyễn-Huy-Hợi cũng là một người tri-kỷ của tôi, vì ông hiện đương cho tôi cùng ông trong việc Hữu-Thanh Tạp-Chí Ích-Hữu-Thư-Xã này. Còn biết bao nhiêu người thân yêu với tôi như các ông ấy nữa, thiết-tưởng điều gọi là người tri-kỷ ở đời này của tôi được cả.

Ông nói đến việc Ích-Hữu-Thư-Xã vậy xin thưa rằng cái đó là ở ông Nguyễn-Huy-Hợi chủ-trương, tôi đâu có một chút công-lao; ông lại nói đến việc Thực-Nghiệp Dân-Báo thời công-nghiệp ấy là của ông Nguyễn-Hữu-Thu, ông Bùi-Huy-Tín, ông Trần-Văn-Quang, tôi chẳng qua chỉ là các ông ấy có lòng yêu thời được giúp đỡ mà thôi!

Nói tóm lại thì những lời ông Nguyễn-Thống đề-tặng tôi, tôi cũng phải cảm ơn, song ông khen tôi không có lấy một lời nào xứng-đáng tài đức tôi cả; vậy tôi xin phép cải-chính lại cho khỏi hóa ngoa-ngôn.

Tôi chỉ là một kẻ muốn giữ cái chủ-nghĩa hữu-ái suốt đời, ai tôi cũng yêu, dù người ghét tôi tôi cũng mến, ở đời tôi tưởng chỉ có cái chủ-nghĩa ấy là rất êm-đềm rất thú-vị. Vậy tôi xuất-bản quyển sách này xin đề tặng cả cho người quen, người lạ, người bạn, người thù, đọc những chuyện tầm-bậy của tôi in đây xin biết cho tôi rằng bao giờ tôi cũng một lòng thân-ái chứa-chan. Tôi thường nghĩ người quen tôi có danh, danh ấy tôi cũng có một phần, người lạ tôi có lợi, lợi ấy tôi cũng có một phần, người bạn tôi có tài, tài ấy cũng như là tài tôi, người thù tôi có vị, vị ấy cũng là vị tôi. Vì hết thẩy ai ai cũng là đồng-loại với tôi cả. Tôi đối với ai tôi cũng một lòng hữu-ái.

Trong đời tôi thường đọc câu cách-ngôn của thầy Giáo tôi dạy tôi khi xưa rằng: « Nó dốt nát tôi thương nó; nó yếu-ớt, tôi bảo-hộ cho nó; nó chửi rủa tôi, tôi sẵn lòng tha-thứ cho nó; nó thù ghét với tôi, mà tôi thì bao giờ cũng yêu mến nó ». Ôi! hữu-ái thay lời nói!

Ấy vì thế mà quyển sách này ra đời.

Nguyễn-Mạnh-Bổng