Tuyên ngôn ngày thành lập Việt Duy dân Đảng

Tuyên ngôn ngày thành lập Việt Duy dân Đảng  (1943) 
của Lý Đông A
Việt Duy-Dân Đảng

Tuyên-Ngôn Ngày Thành-Lập

Tổng—Đảng—Bộ

Chúng tôi nhận thấy rằng : nước nòi Việt chúng ta suốt trên bốn nghìn năm có thừa, trải qua bao nhiêu bước đường vật lộn với bảo táp bốn bề, từ lúc Văn Lang mở cõi, đầu người kể được vài muôn, tiến đến ngày nay, nhân dân năm sáu mươi triệu, đời nào cũng như đời nào, chặt chẽ xum vầy giang tay chống giặc, chỉ có một mục đích trung tâm là tranh đòi lấy một sống còn độc lập. Con đường với phương hướng chính trị mỗi dân tộc đều do cái ÁNH SÁNG từ ĐÁY HỒN lịch sử tỏa ra chỉ nẻo rất thành thực và sáng suốt, đặc tính của mỗi dân tộc, đặc điểm của mỗi lịch sử phát triển, nền tảng của mỗi hình thể, quy định hết cả cái vận mệnh và XUẤT LỘ của mọi Chính Trị và Cách Mạng.

Chúng tôi lại nhận thấy rằng: phàm người nào sống ở nơi giữa QUỐC DÂN, đau cái đau của quốc dân,vui cái vui của quốc dân, tai nghe mắt thấy cái sống dào dạt trong đời sống quốc dân, tất cả cảm thấy và giác ngộ trên lý tính thực tiễn cái ngày mai của quốc dân thế nào. Quả vậy quốc dân không vì một chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật mà sinh ra, trái lại, hết thảy các chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật đều từ nơi quốc dân mà sinh ra mới thích hợp, mới đúng chắc và mới thiết thực giải quyết được những nhu yếu, hy vọng và lý tưởng của quốc dân, mỗi chủ nghĩa, chế độ hay pháp luật đó, mới mẻ từ cái nền tảng với những điều kiện hiện thời mà sản sinh ra cho thời đại, mới mẻ và hiện thực.

Chúng tôi còn nhận thấy rằng: một viễn kiến sâu sắc và chính xác đi với sự nắm giữ được chắc chắn những xoay vần của thời đại và thành tựu của tương lai là tất yếu trong công cuộc dẫn dắt của quốc dân. Nước nòi sở dĩ vượt được khó khăn, phá được hết nguy hiểm, rửa được hết đau nhục, cởi mở đời sống, cởi mở cháu con và làm lớn lao Tổ Tiên, bền mạnh trên con đường SỐNG, CÒN, NỐI, TIẾN HÓA của mình được là nhờ ở sự lo xa nghĩ dài, thấy đúng đó. Hiện tại là cái nút vi diệu của quá khứ và tương lai trên vận động thắt buộc nên, nó không tiêu diệt được những mâu thuẫn và nhược điểm ẩn nấp tự trong nó, nên chúng ta bao giờ cũng như bao giờ, đều sẳn sàng đối phó với những cái gì có thể có về tương lai.

Chúng tôi đã căn cứ ở những điều nhận thấy trên, xét nét lại suốt lịch sử diễn tiến của thế giới loài người và mỗi giai đoạn phát triển của nó từng mỗi bờ cỏi, lại đem hiện thể ngày nay tường tận nghiên cứu để suy trắc ra cái hình thể đương nhiên của quốc dân mai sau tên mọi mặt, đặc biệt trên kinh tế, xã hội và chính trị. Cái hình thái tổng thành của văn hóa quôc tế mai sau chúng tôi còn chú ý nữa, vì đời sống và đường sống, cách sống của mỗi dân tộc trên thế kỷ 20 này trở đi càng ngày càng khít chặt với đời sống, đường sống, cách sống của loài người, các chế độ chính sách và văn hóa quốc tế thế nào có ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đến chế độ, chính sách và văn hóa dân tộc.

Chúng tôi còn trở lại mình, tìm tòi lập trường gốc gác của nước nòi Việt ta, suốt từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 này, kiểm thảo lại từng bước đi của nước nòitrên các nền tảng, và điều kiện để nắm giữ lấy cái giây diễn tiến đó liền với giây diễn tiến của lịch sử ta, từ tối cổ đến giờ, nối nó với bước đi jiện giờ và về sau. Chúng tôi chẳng bỏ qua không suy nghĩ kỹ càng cái lập trường gốc gác của ta từ đầu thế kỷ 20 này cho đến năm 1939 là đầu cuộc thế giới đại chiến thứ hai này, lại cái lập trường gốc gác của ta hiện trong giai đoạn rất nghiêm ngặt từ 1939 đến năm 1950 đây, rồi từ năm 1950 đến cuối hết thế kỷ 20 này mà sang thế kỷ 21, chúng tôi cũng đã thấy được mối manh và bờ cõi rõ rệt củ nó, đặc biệt trên chính trị, kinh tế và xã hội của từng thời kỳ, chúng tôi đã kiểm thảo lại và suy trắc ra, văn hóa thủy chuẩn của dân tộc hiện nay thế nào, chúng ta cần đoán định cho nó một tính chất, giá trị và trình độ, lấy đó làm xuất-phát-điểm cho mọi sự nghiệp nay và mai, nếu chúng ta cần muốn có một bước hcân chắc chắn trên một quãng đường chúng ta cần phải đi, yêu cầu có một chỗ BẮT ĐẦU và một chỗ để ĐI TỚI.

Phải, quốc dân chúng ta cần có bát cơm đầy, manh áo ấm, đời sống vui, vận hòa bình, bước tiến hóa, ngày ngày mỗi yêu vầu đó phải đạt tới bằng một phương thức nào và sự đạt tới đó trên một hình thái nào, Cách-Mạng và Kiến Thiết, mỗi công việc gì muốn có một phương thức để làm tới một hình thái nào, dù sao, cái nền tảng kinh tế và kết cấu xã hội của mỗi dân tộc quy định ra và chỉ thừa nhận những công việc nào thích hợp với tự mình.

Chúng tôi tuyệt đối không dám vì cái sán lạn của mỗi phương trời rớt lại cho ta một ánh hoàng hôn, chúng tôi cũng không dám vì cái cấp lợi của mỗi thế lực thí bỏ cho ta một thìa cháo cúng, huyễn hoặc mà cả gan bỏ cái lộ tuyến của dân tộc mình đem áp dụng mỗi chủ nghĩa nào ra thành một chính cương rồi mong thực hiện nó ra một chế độ cho dân tộc.

Chúng tôi không như mỗi chính đảng nào hy vọng lấy hai phần trăm dân chúng trên mỗi giai tầng thiên lệch trong quốc dân ra lĩnh đạo, xúy đồ 98% quốc dân khác, trái lại chúng tôi lấy cái sức lõi và NỀN GỐC 98% quốc dân đó ra làm chủ lực của quốc gia, nhưng không mạt sát 2% quốc dân khác, chúng tôi nguyện vì toàn dân Việt mang hết sức ra cống hiến. Dân tộc ta hiện giờ và mai sau đây, mỗi sự nghiệp nào làm ra đều do cái nền tảng tối đại đa số quốc dân và toàn thể quốc dân đó làm nền tảng định đoạt hết nhũng phương thức và hình thái.

Chúng tôi chỉ nhu yếu những nhu yếu của quốc dân, hy vọng những hy vọng của quốc dân, lý tưởng những lý tương của quốc dân, những tâm lý bình diện cho đến những tâm lý lập thể của quốc dânđắp dựng một cái khuôn dáng trung thực của tất cả đời sống lịch sử hiện tại nối với tương lai của dân tộc. Lịch sử hết cả dân tộc trên thế giới cũng như lịch sử của dân tộc ta, đời sống hiện thực của các dân tộc trên thế giới cũng như đời sống hiện thực của dân tộc ta đã chứng tỏ ra rằng: tất cả những cử động của mỗi dân tộc trong ngày thường và khi lâm hiến đều xuất phát từ những xung động của cái lý tính thực tiễn của đời sống thực thể, rất thành thực, thiết cận và linh mẫn. Cái luật tắc tự nhiên cho mỗi dân tộc phải đứng dậy, bênh giữ lấy sống, còn, nối, tiến hóa của mình, trong mỗi tiềm lưu sinh hoạt của quốc dân, ta đều nhận thấy sự thống nhất các Đảng phái cốt ở sự kiến lập một chủ trương hợp lý và đứng vững làm một tin tưởng cho mỗi phần tử không phân chia trên mỗi cái nhỏvặt ở lý luận với kỹ thuật mới được. Nếu chúng ta tất cả các đồng chí trong Cách-Mạng thử nghĩ đem những chính kiến phức tạp của chúng ta tẩm nhuần vào thứ nước "lễ rửa" (baptème) tinh khiết của cái lý tính tiễn thuần chântrong đời sống thực thể và hoạt động của quốc dân kia, tất chúng ta đã có cơ hội mà lạng giải nhau; đồng thời, sự vào việccủa chúng ta luôn luôn được chiếu rõi bởi sự thể nghiệm cái ánh sáng thực tiễn và thuần chân đó, tất tiến bộ hơn nhiều. Chúng ta xin hãy học tập lấy những xung động và lý tính thực tiễn của quốc dân sự xuất thần bằng nỗi cảm chiêu và hun đúc bằng mỗi lý luận khác nhau làm xa chúng ta đi, tất nhiên sự trở lại với toàn quốc dân sẽ khít gần chúng ta lại rất dễ.

Đứng ở trên sự thực hiểu mình, dẫn một vạch đến sự thực hiểu quốc tế, cái vạch đó ăn khít với cái vạch dẫn từ trên sự thực hiểu hiện đại với tương lai, chúng tôi đã dự thấy một con đường của dân tộc cả trên Cách-Mạng với Kiến-Quốc; ở sự tìm thấy con đường đó, nó chỏ mở cho chúng tôi một phương hướng và một lý tưởng; sự nối liền cái thực tế với quốc dân, với cái ý niệm dân tộc và sự theo rõi từ tâm lý bình diện đến tâm lý lập của quốc dân, những việc đó lại còn bảo rõ cho chúng tôi hiểu biết những việc làm tất yếu trong một cái quá trình đi lên trên con đường sống lịch sử và đường sống của quốc dân Việt. Cho nên cái chính trị phương châmcủa chúng tôi là cả nhữngï nhận thấy vừa kể trên tóm lại trong cái chủ trương tối cận cứu nước giữ nòi (cứu quốc tồn chủng) mà Phan Sào Nam tiên sinh đã di chúc lại cho chúng tôi tất cả, từ cái chủ trương gần nhất đó để đi làm một lý tưởng xa hơn là xây đắp toàn bộ một sinh mệnh kết hợp với toàn bộ một dân tộc văn hóa thể hệ cho nước nòi Việt. Trong suốt quá trình làm lụng đó chúng tôi tuân theo một cương lĩnh hai tầng ba mặt là: Cách Mạng phải toàn diện, triệt để, và hướng thượng đi đôi với sáng tạo phải toàn diện, triệt để và hướng thượng; tất cả những căn cứ hiện thực trêncho chúng ta một lý tắc, một hệ thống học thuật mới là chủ nghĩa DUY-DÂN, lấy đó làm chỉ đạo nguyên tắc cho công cuộc.Chúng tôi đã không đem một chủ nghĩa nước ngoài hay lâu đời nào ra chụp vào đời sống quôc dân nhưng chúng tôi cũng chẳng nghĩ đế ra cùng quốc dân một chính cương, chính sách nào hết, vì đời sống quốc dân rất hoạt động, liên tiếp, không thể nào mang được một cách máy móc những văn bát cổ ra tìm chổ nàomà đóng lại các vở tuồng; lại vì đời sống quốc dân rất thống nhất, không thể xé lẻ được mà mong đem một vài ba chính sách hay khẩu hiệu (giảm thuế, bỏ sai) mang ra vá víu và bổ cứu vào đời sống, một khi đời sống quốc dân trải qua một chuyển biến sẽ yêu cầu những phương năng toàn thể dễ dàng, chẳng sẽ vô vị lắm sao? Ấy thế, cái nền tảng dân tộc ngày nay không thể sẻ lẽ được, chúng ta cần phải có một dân tộc chủ trương và một dân tộc chủ nghĩa cụ thể, tường tế mà không thể sé lẻ được.

Chữ giải phóng đã hàm hồ không có một bờ cõi thiết thực cũng như những chữ "tự do", "bác ái" chỉ là những phụ kiện của công việc ngày nay: cái quan niệm Cách-Mạng của chúng ta phải cho ăn sát vào tính chất và thực thể của những nhu yếu thật thiết thân của dân tộc biểu hiện ra bằng những tên gọi của các việc làm có mật thiết liên hệ với nhau. Người Việt ta ngày nay còn đang tối tăm mặt mày dưới bọn xâm lược suốt mặt không có dư địa đâu mà nói đến quốc dân chủ nghĩa hay thế giới chủ nghĩa cũng như người Việt ta ngày nay còn đang túi bụi chân tay vào cầu sống còn chưa có thanh nhàn mà cải nhau xuông về hình thức dân chủ nào được. Cái khổ tâm nhất của chúng ta là phải lập chung sức lực vào"cứu quốc tồn chủng". Cứu lấy nước nhà nghĩa là tranh đòi lại chủ quyền về mình, cái chủ quyền đó phải căn bản và chân chính về ở mình tự quyết và tự trị, tự lập, không thể dùng hình thức " giả độc lập " hay chủ quyền mẻ nào tồn tại. Cái hàm nghĩa đó đi đôi với hàm nghĩa của giữ lấy nòi giống cho thuần túy, ý nói tìm hết các phương thức, và phương pháp kiến lập một hình thức và một hình thái chính trị nào thực có thể làm cho dân chúng được sống còn một cách rộng rãi (tự do), đầy đủ (bình đẳng) vui vẻ (bác ái), tiến bộ (văn minh) và không lo lắng (có bảo chướng ở nơi tự mình). Hai công việc ấy cùng làm vì nó mật thiết liên hệ với nhau cũng như nói không có một nòi giống thì làm gì nói đến một quốc gia. Ví thử ở bộ phận Trung, Nam, Bắc nước nhà mỗi bộ phận lại một giống, ba giống đó còn nói gì lập một trung tâm cứu nước? Một chủ quyền đặt dựng lên không căn cứ vào dân tộc, nguyên tắc không có một chủ lực để duy hệ cái chủ quyền đó, lấy ai mà nói quốc gia. Cho nên công việc đi sau đó không phải là gián đoạn chỉ tính đến lập một chính phủ hay một chế độ, toàn bộ cái sự nghiệp sinh mệnh của dân tộc tung hợp với toàn bộ cả thể hệ văn hóa của dân tộc phải gây dựng vun trồng, sáng tạo lên, làm cho dân tộc có cả năng lực sống còn tiến hóa, trên cái nền tảng thực thể một sinh hoạt chắc chắn và đầy đủ lại phù giữ cho cái sinh hóa đó một cách thực sáng sủa và mỹ mãn, đấy là sinh mệnh văn hóa hai thứ là một thôi.

Vậy để thích ứng với sứ mệnh lớn lao trên, công cuộc Cách Mạng của chính ta phải toàn diện từ nhân chủng, sinh hoạt chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, cho đến mọi thứ gì, từ mọi cái hữu hình đến vô hình, từ mọi cái rất nhỏ đến cái rất to, từ mọi cái rất thấp đến cái rất cao, công cuộc Cách Mạng của chúng ta còn phải triệt để, từ đầu cho đến cuối, đừng làm dở dang, từ thất bại làm cho đến thành công, quyết chớ nản chí, từ ngọn đến gốc chớ có lửng lờ, từ hình thức đến nội dung tuyệt không cho phù diễn. Lại Cách Mạng của chúng ta phải hướng thượng, từ hiện tại phải trông về tương lai, chớ có để vận mệnh của chúng ta dật lùi, từ bảo cổ phải làm cho tiền tiến, chớ để văn minh của ta thoái bộ. Cho nên phá hoại, chúng ta phải biết dự trước cho nó một cực-hạn-tuyến lấy sáng tạo mà chuẩn bị cho quốc dân một chuyển di-trục về kiến thiết. Cách Mạng đã như trên, sáng tạo cũng không thể thiếu một phương diện và một tính chất nào được. Trọng yếu nhất là làm sao cho Cách Mạng với sáng tạo của chúng ta mai sau bền vững được trên con đường hướng thượng? Ta há chẳng thấy Cách Mạng của thế giới từng chứng tỏ cho ta hay rằng: Cách Mạng có thể dật lùi được đấy ư! vấn đề đó quan hệ ở như chủ trương mà hơn nữa là ở như chuôi nắm.

Cái chủ trương có thiết thực, để làm ngay thực được có bước đi rõ rệt, có bờ cõi chắc chắn, có nền tảng vật chất, có căn cứ xã hội, có bối cảnh kinh tế, chủ trương đó cứ từng bước mà thực hiện ra không rứt hướng thượng một cách ổn tiện và không lung lay cả về lý luận với thực tiễn. Nhưng mà để làm ra cái chủ trương kia, chuôi nắm phải là ở nơi quốc dân, thực có tự lực mà nắm giữ lấy. Nếu chuôi nắm ở một kẻ độc tài hay nhà lĩnh đạo hoặc giả ở một giai cấp đặc thù số ít (như trong trường hợp dân tộc ta) thế tất ở mọi cái bạo ngược của dục vọng ở một vài cái phù bạo của đạo đức ở mọi cái thất thế trong hành vi, và ở mọi cái ngông cuồng trong kiêu ngạo không những Cách Mạng có thể để cho vong quốc, cất cứ, hoạt đầu, quyết định rằng không thể nào hướng thượng được. Cho nên muốn cho dân chúng xác thực nắm giữ được cái chuôi nắm của Cách Mạng như của quốc dân, điều kiện trên hết là ý thức Cách Mạng và văn hóa Cách Mạng phải để thấm nhuần sâu sắc trong đáy tầng, như hoàn cảnh chúng ta ngày nay, ít nhất phải reo rắc trong tâm lý quốc dân để phụ giúp cho những xung đột của lý tính thực tiễn của quốc dân có một phương hướng và đường đi chính đúng, tất cả những cơ bản khái niệm của đời mới bằng những nguyên tắc rất dễ dãi, giản quát, thuần túy, tinh thành, thiết thực và tiền tiến. Ở đấy chúng tôi xin đề ra mấy điều này:

  1. - Dùng đấu tranh bằng mọi mặt, sắt máu (vũ lực) cũng như bằng đầu óc (chính trị) rất gay gắt để đạt tới mục đích cứu nước và giữ nòi.
  2. - Dùng dân chúng bằng một hình thức cỗi gốc mà dân chúng tự ý tổ chức kinh tế với sinh hoạt của tự mình rất chặc chẽ để đạt tới đời sống tiến bộ.
  3. - Dùng cần lao bằng mọi gắng sức suốt mặt của dân chúng tự động, làm nên để dựng dõi một sinh mệnh lâu dài cho dân tộc.
  4. - Dùng sáng tạo bằng một thể nghiệm trong thực tiễn và sinh hoạt mà ra để vung trồng một văn hóa sáng tạo cho nòi giống.

Cuộc chiến tranh thế giới lần này đã diễn tiến đến một giai đoạn nó làm chân chính bộc lộ cả mặt thực của nó rồi, nguyên nhân của nó cũng như kết quả của nó thế nào, ta không khó mà đoán định ra một cách quá ư rõ rệt. Bây giờ đây chúng ta càng hiểu rằng: mỗi một sự phân tích, mỗi một công cuộc thế giới nếu đem con mắt chủ quan của mỗi một chủ nghĩa ra mà nói bậy đều sai lầm hết. Sự thất bại đau đớn từ xưa tới nay của các vận động Cách Mệnh của các dân tộc nhỏ yếu đều do ở sự huyền hoặc mọi lời tiên tri học thuyết hay mọi lời hứa hẹn chính sách đó, không tự tìm lấy được một phương hướng và con đường quyết định của tự mình mở ra một cuộc đấu tranh chính xác. Lâp trường của chúng ta cũng như lập trường của mọi dân tộc nhỏ yếu phải tu chỉnh lại, trong cái nguyên nhân của cuộc chiến tranh này và kết cục thực tế của nó cũng như trông đến những lý tưởng chiến hậu phô bày ngoài mặt của nó phải bằng con mắt hiện thực, con mắt biết chịu trách nhiệm với vận mệnh của nòi giống mới được.

Sở dĩ loài người có chiến tranh cũng như trong cuộc chiến tranh này người ta còn sợ một cách rất có lý do, sẽ có những cuộc chiến tranh quy mô to tát sẽ bùng ra đi sau nữa, chỉ vì không phải bởi loài người ngu xuẩn quá, hay bởi loài người anh hùng quá, thực bởi dưới đáy tầng thế giới nhiều áp lực quá và nhiều bất bình quá mà nên. thuần túy cuộc chiến tranh này chỉ là đế quốc chủ nghĩa tranh bá chiến, không phải chân chính vì những cái mâu thuẫn của tư bản với lao công, của thực dân với đế quốc mà ra hay của đế quốc chủ nghĩa với cộng sản chủ nghĩa mà ra. Đích sác bởi là thế, cho nên thế giới còn có lý do sợ chiến tranh nữa, bởi những mâu thuẫn kia chưa thành thục hay còn tiềm phục tự nó sẽ dần dà lớn lên để gây chiến tranh. Thế giới có muốn hết chiến tranh phải giải quyết 6 vấn đề này đã:

  1. - Làm sao cho các dân tộc gần tuyệt diệt phải phục hưng cho hết bất bình?
  2. - Làm sao cho các dân tộc đang bị áp bách được cởi mở ra cho hết bất bình?
  3. - Làm sao cho giai cấp bị đè nén được cởi mở ra cho hết bất bình?
  4. - Làm sao cho các dân tộc nhỏ yếu được bảo chướng dưới một chế độ tự do lấy trong thể chế tập đoàn an toàn của tự do?
  5. - Làm sao cho xã hội chỉ còn kết cấu bằng một giai cấp không giai cấp ?
  6. - Làm sao cho các dân tộc nhỏ yếu có được văn hóa riêng của họ? Làm sao các chính thể được hợp lý hóa?

Ấy thế, cho nên dân tộc ta phải tự quyết một phương hướng và con đường độc đặc bởi lịch sử và vấn đề thế giới quy định nên, khơi rót cho ta để cầu sống, còn, nối, tiến hóa,cần phải đi thế nào và cách nào. Chúng ta, không thể làm đuôi cho bất cứ một đế quốc chủ nghĩa nào để tưởng cầu nó thí bỏ cho một cái "hẹn độc lập" nào hay "giả độc lập" nào. Vì thế cho nên MẶT TRẬN GỐC nước nòi của nhân dân ta phải tổ chức nên, quyết tâm nhằm hướng sống của tự mình, trước hết bằng sức mình và máu mình, tranh đòi với bất cứ một đế quốc chủ nghĩa nào. Ngày nay, trừ Nhật và Pháp là hai kẻ thù số một của chúng ta, đang dày vò giết tróc, áp bức chúng ta trong trăm năm nay không kể sao cho xiết đau nhục và thảm thương, ngoài hai kẻ thù đó ra, thực tại chúng ta ngày nay chưa thể và đừng vội vàng tưởng đến thân ai và bài ai vội. MÌNH LÀ CHỦ THỂ, BẠN HAY ĐỊCH CHỈ LÀ NGOẠI THỂ. Trước mắt ta những kẻ không chuyên vào việc gốc, tưởng đi ỷ lại vào người, mong người chia cơm xẻ áo cho, thật là ngu xuẫn, vô liêm sĩ, nô lệ. Nếu chỉ có chuyên vào ỷ lại để mà không một chút cơ sở trong quốc dân, đâu có danh nghĩa của Cách Mạng, mà chỉ là mua bán thực thế của giống nòi, thật là bán nước Việt gian, quan liêu; nhưng mà gọi những cuộc giao thiệp không danh dự đó là "cách mệnh ngoại giao" thì choáng lộn quá? Sở dĩ là Cách Mệnh ngoại giao, chúng tôi thiết nghĩ: trước hết "Cách Mệnh ngoại giao" nghĩa là quốc dân dùng thủ đoạn và hành vi Cách Mệnh mà hiển đạt cái giá trị với cái yêu cầu ngoại giao của mình để đạt tới mục đích tối cao của nước nòi trên phương châm Cách Mệnh. Đồng thời Cách Mệnh ngoại giao "nó còn tức là chuẩn quốc phòng ngoại giao mà đồng thời là chuẩn quốc dân ngoại giao". Phải gọi là chuẩn vì thực tại trên công pháp, chúng ta chưa có nước, có dân hẳn để mà ngoại giao, nhưng mà gọi vì chúng ta cần phải đứng trên lập trường gốc gác của lịch sử, bênh vực các quyền lợi, tư cách giá trị và danh dự của dân tộc trên lịch sử, ở đó chúng ta đừng tưởng lầm và phòng bị; nếu không tưởng lầm cái việc đổi chủ làm tôi (dịch chủ tái nô). Cách Mạng quyết không coi rẻ quốc thể đến đó mà gọi là thủ đoạn. Lại nữa, còn gọi là quốc dân vì tuyệt không thể lấy danh nghĩa của cả dân tộc hay hy sinh chính sách của cả một dân tộc để đi "ngoại giao" cho riêng một đảng, hy vọng lấy lực người mà hét ra lửa với dân chúng, đồng thời phải nhận chân công việc Cách Mệnh thần thánh và lớn lao này là một cộng cuộc quốc dân, tuyệt không phải sự ăn lương và chịu chỉ huy, với lại thù phụng để giao thiệp lấy "sinh hoạt trước" của mọi đảng nào mặc dầu, quốc dân Cách Mệnh thật không đi đòi và không dung cho có những hình thức "Cách Mệnh của nghề nghiệp" và "Cách mệnh của thành kiến".

Chúng tôi không quên rằng đối ngoại phải như vậy mà đối nội với các dân tộc nhỏ hơn mình, chúng ta phải tuyệt đối tuân theo dân tộc nguyên tắc, tôn trọng sự sống, còn, nối, tiến hóa, và văn minh của họ cũng như ta. Chúng ta phải kiên quyết đề ra cái chính sách ĐỒNG ĐẲNG, HỢP TÁC, LIÊN PHÒNG, CÙNG SỐNG VÀ GIÚP TIẾN. Chúng ta đã được thể nghiệm lịch sử 4.000 năm tranh đấu lấy sống, còn, nối, tiến hóa và tổ hồn, lại được thể nghiệm cả hai cuộc thế giới chiến tranh rồi, những bài học đó, chúng ta phải tiếp thụ lấy những chỉ bảo và kinh nghiệm, chúng ta không quên những đau đớn của chúng ta mà cởi mở những đau đớn của người khác; lại hình thế đã quy định cho chúng ta một cuộc tập đoàn an toàn cho đến cả một cuộc tập đoàn Cách Mệnh chung của tất cả các dân nhỏ yếu ở Viễn Đông này là tất yếu cho tự ta và cho các giống nòi cùng số phận với ta, nếu muốn được có ánh sáng của sống còn và tiến hóa, đấy là con đường chung của mọi dân tộc nhỏ yếu nữa.

Lịch sử ta có một đặc điểm hơn hết thế giới; cái đặc điểm đó hiện ra trên các thế kỷ bằng một giây truyền tiếp của dân tộc Cách Mệnh, cho nên nói đến hình thái phương thức và phương pháp Cách Mệnh của chúng ta ngày nay, những nguyên tắc để chỉ dắt cho chúng ta đến thành công, chúng tôi có thể cam đoan bảo chướng rằng: chỉ mang những bài học cũ còn gần đây trong hai kỳ "Sát-Thát" (Trần Nguyên chiến tranh) Bình Ngô (Lê Lợi) cũng thừa để làm việc, sung thực nó bằng những lý luận tổ chức với kỹ thuật hiện đại. Cách Mệnh, cũmg như hết mọi việc, thế giới chỉ cho chúng ta hay được những tính phổ thông với những tính tóm tắt, tuyệt không thể cống hiến cho chúng ta được những điều chỉ bảo đặt biệt và thiết thực bằng tự thân cuộc sống lịch sử của dân tộc chúng ta đã trải qua trên thực tế và trên hiện tại.

Việc làm của chúng tôi đi theo với những nguyên tắc quá sơ lược mà chúng tôi đã kể trên cũng cần đem bày tỏ với quốc dân.

Chúng tôi trông thấy những thói quan liêu, và những cái tối vô ý thức trong nhiều Đảng về già mà thời gian đang đào thải; sở dĩ cái hoàn cảnh khó khăn vô cùng như hiện nay đi đôi với lòng mệt nhọc chán chường của "nô lệ sử nước ta", chúng ta cần phải luôn luôn đem những khí lực mới vào, tiêm nhồi cho sống còn ngày một dào dạt dũng khí, những khí lực mới đó ở trong những cách thức làm việc thực mới của Cách Mệnh. Lại nữa, đời này là đời tổ chức, lý luận và kỹ thuật đi đến tối cao độ của khoa học văn minh, cái luật tắc "ưu thắng liệt bại" không thể tránh được cho mọi dân tộc đem so sánh tổ chức lý luận và kỹ thuật với các dân tộc khác. Chúng tôi bao giờ cũng đăm đăm lấy đó làm lo. Chỉ có một nhãn quan to lớn mới đẻ ra được một phương châm giai chắc, một phương châm giai chắc mới đẻ ra được một chính sách hợp toán. Chúng tôi tự nói rằng: Nếu ít nhất không có được một kế hoạch Cách mệnh từng thời kỳ 30 năm và một phương lược kiến quốc 500 năm thì căn bản không sờ mó vào đâu mà làm được việc. Ở đây, với sự tận tụy nghiên cứu khoa học của chúng tôi mà phát minh ra dự kế hoạch Cách Mệnh, chúng tôi mong lấy nó làm một vũ khí có hiệu lực và viên mãn nhất để đánh đổ kế hoạch chính trị của những kẻ địch, hiện tuyệt đối siêu việt hơn ta cả về tinh thần và vật chất. "Công tâm vi thượng" tâm đây là châm đối cái thành tựu tối cao của khoa học mà nói, chúng ta để mà phá quân địch, tinh thần vũ khí của chúng ta phải hun đúc lên cũng bằng cái thành tựu tối cao, cao hơn quân địch một chù để mà thắng nó. Chúng tôi đem dũng cảm, đem dự kế Cách Mệnh ra làm việc, tất cả nghiên cứu giáo dục với Cách Mệnh y theo một viễn kiến, đi từng bước chân có kế hoạch sẵn sàng, kế hoạch đó thành lập trên sự nắm giữ hết được tất cả những thời thế, hình thể, cơ thể và cảnh thế thực tại mà xếp đặt ra, chỉ đạo cho hết các cơ cấu, chuẩn bị và thực tiễn được vững chắc mà tiến hành. Để thích ứng cho dự kế Cách Mệnh, tất cả lý luận và thực tiễn của cao thâm công tác, dự kế thống chế và khoa học quản lý đã sáng định ra bằng bao học lý và kinh nghiệm các mặt khoa học mà kết tinh nên, mọi công việc đều làm trên nền tảng của khoa học và số học, tất cả những cái đó để súc tiến kỹ thuật làm việc và thay đổi không khí làm việc trong Cách mệnh, kiến lập những lý luận cơ cấu thật khỏe khoắn và tiến bộ trong Cách Mệnh, chúng tôi tin nếu Cách mệnh chúng ta không thành công bằng nó, thì ít nhất nó cũng là một kích thích lớn trên giai đoạn này. Mỗi cuộc quốc dân vận động có cái đặc điểm là toàn dân đều nổi dậy, lấy sào gậy, dao cầy, ra thay cho súng đạn mà giết giặc, trên thời này, súc tiến cái thân thế lớn lao và suốt mặt đó rất cần mà chính hợp với thời cơ. Chúng tôi mong với sức lực mong manh của chúng tôi ra làm hiệp sức với công việc to tát của các đảng đã làm, cái mục tiêu hiện tại của chúng ta hãy tập trung vào sự thức tỉnh dân chúng, thực hiện công cuộc đó, hơn là lôi kéo quần chúng về riêng thế lực mình. Cái đấu tranh cương lĩnh của chúng tôi chú trọng vào đó làm tối cao để đi đến sự thực hiện nó, chúng tôi chuẩn bị và đã làm, hiện đang làm và còn làm bằng tất cả những phương pháp cần dùng, trong khi sự tổ chức vũ lực và đoàn thể của dân chúng coi trọng hơn là tổ đảng.

Chúng tôi với Cách Mạng và kiến quốc, đã đề nghị cùng quốc dân một kế hoạch toàn thể và kỹ càng, thống nhất mà không sé lẻ, như trên nói, tất cả quy mô đó chúng tôi đang xuất bản và đang tiếp tục xuất bản cuốn VIỆT DUY DÂN CHỦ NGHĨA QUỐC SÁCH ĐẠI CƯƠNG THẢO ÁN TOÀN PHO, bao quát hết thảy các vấn đề với những phương án tất yếu, giải thích và bày tỏ rõ rệt những vấn đề và phương án đó, mà tiếc ở bản Tuyên Ngôn này chúng tôi không thể đem ra mà nói qua cho suốt hết cả, ngay đến cái phác lược của cuốn sách đó nữa. Hy vọng quốc dân có nhiều điều trỏ bảo, tu sửa và bổ sung cho chúng tôi, nếu cuốn sách đó chẳng phải là nam châm của nước nòi trong thời đại này, ít nhất hẳn nó cũng là một bó tài liệu để tham khảo cho mỗi ai có chí cầu học và cầu làm.

Chúng tôi tin rằng: trước thời thế này đây, người dân Việt chúng ta ai hẳn trong đáy lòng đều cảm giác sâu sắc thấy chúng ta đang sắp và sẽ phải có một cử động quyết liệt nào, nó cởi mở thời đại, gây dựng cháu con và rửa nhục cho Tổ Tiên, chúng ta hẳn thấy cái hy vọng lớn lao nhất của loài người, là ở lại trong cuộc đãi lọc đời đời các nòi giống. Chúng tôi còn tin rằng: trước mắt chúng ta bây giờ đây thời gian nô lệ đã qua 100 năm, cái thời kỳ phục hưng mà khốn khó nhất này chỉ cũng còn trọn vẹn 7 năm từ nay cho đến năm 1950 để quyết định và thử thách cái gắng sức của giống nòi; sự sống còn hay diệt vong sẽ chưa định hẳn vận mệnh mình trong từ giờ tới cuối hết thế kỷ 20; thời gian đi vượt dân tộc ta quá, hãy mau mau gắng sức chủ quan mà đi kịp, nếu không đi vượt được khách quan, chỉ có thế chúng ta mới mong sống còn với ánh sáng.

Chúng tôi lại tin rằng: bản Đảng để thích ứng với nhiệm vụ và hoàn cảnh đặc biệt trong giai đoạn này, đặt Tối Cao Đảng Bộ ra cái sứ mệnh chủ yếu là để cùng các đảng đồng chí cùng góp sức mạnh vào công cuộc thần thánh của quốc dân. Cái cố gắng của chúng tôi vì Tổ Quốc, chính nghĩa, lý tưởng, nhân cách, và danh dự, thề sẽ quyết được bền giai mặc dầu cai đắng không phụ làm dân của nước nòi, làm người của thời đại.

Đả đảo Nhật Pháp !

Phục-Hưng Việt !

Chúng tôi còn tin rằng: Cờ Lau Vạn Thắng, Sát Thát chàm vai, ngày Bình Ngô oanh liệt, buổi Mê Linh oai hùng, trận Đống Đa rực rỡ với những ngày Cần Vương khởi nghĩa, sẽ diễn lại trên đất nước chúng ta bằng một quy mô suốt hết và một kết quả thắng lợi ở kỳ này; cơ đồ phục hưng sẽ kiến lập lên bằng lòng yêu với máu đào, bàn tay với mồ hôi, bộ óc với sáng tạo, những yếu tố đó còn là những khởi điểm của hết mọi dân tộc văn minh.

Chúng tôi thành khẩn và tín ngưỡng dự chúc nước nòi VIỆT chúng ta muôn muôn năm, cách mạng thành công và phục hưng hùng tráng.

DUY-DÂN ĐẢNG TOÀN-THỂ KÍNH-CẨN TUYÊN-NGÔN
Ngày 1 tháng 1 năm 1943 tại Hòa Bình
Thay-mặt toàn-thể T. Đ. B.
XYLYĐÔNGA

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)