Thơ này chủ ý cốt nói cho cảm động lòng chúa, nhời văn mộc mạc bình đạm mà ý vị thanh cao, rõ ra khẩu khí của một vị hiền-tướng.
Từ thời Minh-mệnh, Tự-đức giở về, thơ nôm đã tấn bộ lắm, tưởng không kém gì thơ Thịnh-đường. Đức Dực-tôn ngự chế thương một bà phi có câu rằng:
Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Tuy-lý-vương có câu rằng:
Đất e bể cạn bù thêm nước,
Núi sợ trời nghiêng đỡ lấy mây.
Lời văn khác hoạch cổ kính biết là chừng nào.
Những nhà văn nôm nổi danh cận thời nhiều lắm, không kể xiết được nay đan cử mấy nhà hiển danh nhất như cụ Thượng Trứ, cụ Tam-nguyên Yên-đổ, cụ Thượng Vân-đình v. v. Các cụ có nhiều bài truyền tụng ở đời, đến nay nghe còn khoái chá nhân khẩu.
Văn cụ Thượng-Trứ khi còn ở nhà dạy học có câu:
Trói chân kỳ ký tra vào giọ,
Rút ruột tang bồng giả nợ cơm.
Văn cụ Yên-đổ tự vịnh có câu:
Cờ đương dở cuộc toan lầm nước,
Bạc gặp canh đen phải chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Văn cụ Văn-đình tự-thọ có câu:
Đội đức hải sơn ngày tháng rộng,
Ngẫm mình sương tóc tuyết sương pha.
Cung đàn ả nguyệt còn yêu trẻ,
Chén rượu làng quê vẫn kính già.