Khóc Bằng phi
của Tự Đức

Ớ Thị Bằng[1] ơi! đã mất rồi!
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ôi[2]!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói;
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đừng ngồi[3].
Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn-y lại, để dành hơi[4].
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

   




Chú thích

  1. Thị Bằng: têm một bà phi của vua Tự Đức.
  2. Tình: lòng yêu thương của hai vợ chồng; nghĩa: đạo hai vợ chồng ăn ở với nhau thế nào cho phải; duyên: cớ khiến cho hai vợ chồng gắn bó kết hợp với nhau.
  3. Câu 3-4: Hai câu này tả những cảnh thực ở trước mắt đã gợi cái tình thương nhớ người yêu ở trong lòng: nghe thấy tiếng chim oanh ở ngoài hè lúc mưa xuống, ở ngoài chái lúc nắng soi, mà nhớ đến lời ăn tiếng nói của người yêu; trông thấy cây liễu ở ngoài ngõ buổi sớm, ở ngoài sân buổi trưa, mà nhớ đến dáng đứng điệu ngồi của người yêu.
  4. Câu 5-6: Đập vỡ cái gương cũ (cổ kính: gương cũ) của vợ đã soi trước để tìm lấy bóng vợ ở trong; xếp kỹ cái áo nát (tàn y: áo nát) của vợ đã mặc trước để giữ lấy cái hơi vợ ở trong ấy. Cứ theo sách Nam Phong giải trào thì hai câu thơ này đã thấy trong một bài thơ của Ôn Như Hầu: "Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng. Xếp manh áo lại để dành hơi". Trong hai câu của vua Tự Đức, chỉ khác mấy chữ "mảnh gương" đổi làm "cổ kính" và "manh áo" đổi làm "tàn y".