XIII

HÔM đầu tiên, hai chị em lên tỉnh, đưa đơn vào trước mặt đông-đủ ba quan, vì là ngày hiệp-nghị. Cái đơn thuê một tay thầy kiện sỏi làm cho đại-khái khống-cáo cửu Thưởng định chia gia-tài một cách trái phép và xin quan đòi tương hết văn-khế sổ-sách đến rồi chia cho theo như luật.

Thấy mặt phán Thục gái, ba ông đều nhìn quen và hỏi thăm chuyện chồng nàng mệnh-chung tại Saigòn, ra dáng ân-cần lắm. Sau nghe phán Thục kể rõ đầu-đuôi chuyện gia-tài và sự tham-lam của cửu Thưởng, thì quan Thượng nói:

— Cái thằng vô-lý quá!

Quan Bố cũng vừa cười vừa tiếp theo:

— Nó không biết còn có quan người ta đây nữa sao mà tự ý nó muốn thế nào nó muốn?

Hỏi đến Nghi, rồi quan Thượng còn khuyến-khích:

— Con gái đi học đến bậc ấy, ở Trung-kỳ ta đây còn ít lắm! Thôi cứ về, đi Hanoi học đi; ở nhà đây người ta sẽ làm công-bình cho.

Quan Án quay sang hỏi Nghi:

— Có biết Hà văn Hải không? Con tôi đấy, nó cũng học ở Hanoi, nhưng trường Thuốc.

· · · · · · · · · · · · · · · · ·

Thấy các quan dễ-dãi và nói-năng có vẻ công-minh như thế, hai chị em sau khi ra về đều yên-chí rằng việc không bao lâu sẽ kết-liễu và thế nào các ngài cũng làm vừa lòng bên tiên-cáo. Phán Thục dật tạm cho Nghi một số tiền, rồi Nghi đi Hanoi ngay hôm sau.

Không đợi trát đòi, cửu Thưởng nghe bên kia đầu đơn rồi thì lập-tức cậy người vào cụ Tổng-đốc, xin cụ chỉ chiếu-lệ đòi hỏi qua-loa rồi bỏ trầm-trây việc này đừng xử, thì hắn xin dâng ba trăm. Người làm mối trở về nói phải có năm trăm và đưa ngay mới được. Cửu Thưởng cũng chịu liền.

Đến hôm có trát đòi, cửu Thưởng đến hầu. Vào cụ Thượng cụ hỏi sơ-sơ vài câu rồi bảo qua dinh Bố. Quan Bố thấy mặt cửu Thưởng, đập bàn thét lên:

— Thầy ở gần tòa gần tỉnh mà thầy không coi quan ra gì hết! Thầy không tuân luật-lệ của vua nữa! Cái gì lại gia-tài một trăm mẫu mà đặt hương-hỏa đi năm chục? Thầy có muốn tôi tước-khử cái cửu-phẩm của thầy và giam rục thầy trong lao-chánh không?

— Bẩm lạy quan lớn, con...

— Lạy lục chi? Lính đâu? Dẫn qua lao giam, bắt khai!

Cửu Thưởng tưởng ở tỉnh có cụ Thượng là lớn hơn hết, đã vào lọt cửa ngài rồi thì đâu cũng lọt, chớ không ngờ việc gia-tài thuộc việc hộ, chuyên-trách về quan Phiên, ngài có quyền tống giam được mình. « Không tuân luật vua », lời quở ấy làm cho chàng dựng tóc gáy, e khi có lẽ mà tước-khử cửu-phẩm, mà giam rục trong lao-chánh cũng được đi! Bị giam khai, chàng không lấy làm khổ mấy, chỉ sợ rằng hễ không lo-chạy thì có khi ở luôn trong này, không ra được!

Người ta nói lần ấy cửu Thưởng mất ba trăm mới được ra ngoài và mất một trăm nữa tờ khai mới được chấp.

Ba tháng sau, phán Thục cũng nhận được trát đói. Lên tỉnh hầu quan Thượng thì ngài không nói rằng chi hết mà bảo sang quan Bố. Quan Bố lại bảo khai.

Phán Thục bẩm:

— Chúng tôi đã nói không sót đầu-đuôi cho ba cụ lớn nghe từ trước kia rồi.

— Không, phải khai giấy kia.

Thì khai giấy. Phán Thục về thuê người thầy-kiện sỏi hôm trước làm một tờ khai dài đem nộp.

Trở lên tỉnh, hầu chữ cho đủ ba dinh mất hai ngày mới xong. Rồi còn vào ông Phán, ông Kinh, qua thầy Cửu chuyên-biện, mất ba đồng bạc với mấy chai rượu nữa mới nộp tờ khai được.

Ba tháng nữa, không thấy tăm-hơi chi, Phán Thục lại lên tỉnh, vào hầu quan Thượng. Quan Thượng không tiếp, cho lính ra nói rằng về việc gia-tài cửu Thưởng có hầu thì qua bên quan Phiên mà hầu.

Qua quan Phiên, Quan Phiên tiếp-rước phán-Thục vui-vẻ lắm và ôn-tồn nói:

— Tôi đã đòi cửu Thưởng đem văn-khế nợ, văn-khế ruộng cho đến sổ sách chi nấy cả đến đây rồi. Tòa đang còn cứn.

— Bẩm quan-lớn, xin ngài truyền cứu mau cho.

Quan Bố cười ha-hả:

— Chớ phải ông phán còn thì ông thạo lắm. Bà thì có lẽ bà không biết. Những vụ kiện về việc hộ, đến tòa-án tây cũng vậy, có cái người ta để đến mười năm kia!

Phán Thục hơi thất-vọng, trở về. Nhưng nhớ lại khi quan Bố nói, ngài vừa cười vừa nói, thế thì dễ thường ngài nói chơi cũng nên, chứ kiện gì lại để đến mười năm?

Trong thời gian hai lần ba tháng, phán Thục ở nhà lên tỉnh hầu kiện hai bận đó, thì ở Hanoi, Nghi bắt đầu chịu cái khổ của sự túng tiền và đau-ốm.

Số tiền lúc ở Qui-nhơn nhờ chị dật tạm cho để đi, chỉ co năm chục đồng. Đi đường rồi, còn ra đến Hanoi, tiêu bóp lại không đầy hai tháng. Phán Thục dạo này kiệt-quệ lắm, vẫn biết Nghi hết tiền tiêu nhưng cũng không có mà gởi.

Bấy lâu nay sổ chi-thu chung của Xuân-Sơn và Nghi, tháng nào cũng có thừa ra một ít. Những món tiền thừa ra ấy để dành riêng một chô. Nay gặp lúc tiền nhà phần Nghi chậm gởi, bèn đem những món ấy bù vào, nhưng chẳng được bao nhiêu, chừng được vài tuần-lễ lại sạch-nhẵn.

May còn nhờ phần tiền của Xuân-Sơn, mỗi tháng được gởi tới tiếp-tục không dứt. Theo như lời Xuân-Sơn dự-liệu từ trước, giảm bỏ các món chi-phí không cần-cấp, lấy của đáng tiêu cho một người san-sẻ tiêu cho hai người. Nhờ quen-biết đông, lúc nào thiếu-hụt lại chạy tạm-bợ của chị em, rồi khi có lại trả lại.

Nghi thấy cái cách sống bữa sáng lo bữa chiều như thế không thể nào cầm-cự lâu ngày được, mới kiếm phương làm tiền cho mình. Nàng nhận chữa cảo in cho một nhà in chữ pháp, cứ mỗi tối đến sở làm việc từ bảy tới mười giờ, một tháng họ trả cho 20 đồng bạc. Ban ngày thì vẫn đi học như thường.

Lối sinh-hoạt ấy nhọc mà lại không thể dụng toàn lực vào bài-vở học ở trường, Nghi thấy bất-tiện lắm, nhưng không làm vậy thì không có cách khác. Nhất là vào tiết mùa đông, nhiều đêm lạnh thiếu điều nứt da ra mà đi làm đến ba giờ đồng-hồ, về nhà còn thức để học bài cho thuộc nữa, nàng thấy bê-bết không kham. Dầu vậy, cũng cố gắng.

Biết chị ở nhà cũng lâm vào cảnh túng-rối nên mỗi lần viết thư về, Nghi không hề bảo gởi tiền, cứ nói mình ở Hanoi có thể dùng thời-giờ dư làm việc bằng trí để kiếm đủ tiền mà học, nhưng cũng không hề kể sự mình vất-vả cho chị biết. Cái thư nào nàng cũng hỏi qua sự kiện gia-tài ra sao; thấy trả lời rằng xử chưa xong thì nàng lại đâm lo ngày-ngay, lo không biết bao giờ vụ kiện đươc liễu-kết để mình có tiền sẵn mà học, khỏi phải cặm-cụi đi làm.

Bỗng Nghi phát ra chứng mất ngủ. Có đêm không hề chợp mắt cho đến sáng. Hễ đêm nào như thế thì sáng mai lại, thấy cơm không buồn ăn. Tuy vậy, trong mình không thấy có gì khác, nàng vẫn ban ngày đi học, ban đêm đi nhà in. Nghi đoán rằng vì mình đã buồn lại lo nên người nó như thế; hãy đừng thèm để ý và cứ sấn-sướt làm việc bạo lên rồi nó lại bình-phục như thường. Điều đó nàng đã từng kinh-nghiệm mấy lần rồi. Theo lối chữa bệnh bằng cách không chữa gì cả ấy, Nghi chẳng xin nghỉ ở nhà và cũng chẳng hỏi thầy-thuốc, coi thử cái chứng mất ngủ của mình có quan-ngại gì không.

Thấy không đến nỗi nào, Nghi cứ vững tâm, và tết năm ấy nàng cũng ở Hanoi luôn. Nghỉ tết xong, lại đi học, tính chỉ còn có bốn tháng nữa thì thi tú-tài nên nàng lo ngày lo đêm, dụng công học thật riết.

Bỗng một đêm, đi nhà in về, Nghi thấy trong người hấp-hấp sốt. Nàng nói cho Xuân-Sơn biết mình hơi mệt, liền xếp sách đi nằm; chẳng dè cơn sốt mỗi phút mỗi tăng lên rồi mê đi.

Xuân-Sơn thấy bạn mình như thế thì hoảng-hốt. Đêm hôm, lại có một mình, không biết tính phương chi, nàng đành đợi đến sáng. Muốn mời thầy thuốc thì nghĩ rồi không biết lấy tiền đâu mà trả; sẵn bình-nhật có làm quen thân với mấy vị thanh-niên học năm thứ tư trường Thuốc, bèn chạy tìm họ. Tìm được một người, Hà văn Hải, nhờ tới thăm cho Nghi. Hà văn Hải, con trai quan Án-sát Bình-định, người mà quan Án có nói đến tên để hỏi Nghi ngày nọ.

Số là quan Án đang đi tìm hỏi vợ cho con mà chưa tìm được nơi nào; tình-cờ hôm ấy chộ mặt Nghi tại công-đường thì lấy làm vừa ý lắm, bèn viết thư cho con, bảo tìm xem Nghi đi, hễ bằng lòng thì ngài hỏi cho. Nhân đó, giữa đám hội sinh-viên trường Đại-học ở một ngày cuối năm vừa rồi, Văn-Hải gặp Nghi, nói chuyện thành quen nhau, và quen cả với Xuân-Sơn nữa. Từ đó ba người gặp nhau đã nhiều lần; và, giữa Văn-Hải và Nghi, hình như có một mối tình khăng-khít rồi mà chưa ai biết.

Văn-Hải xem xong, nói với Xuấn-Sơn rằng không ngại gì cả. Không cần đi nhà thương, cũng không cần mời đốc-tờ, để chàng chữa cho trong năm hôm là khỏi ngay. Chàng tiêm cho một phát thuốc. Nghi mở mắt ra, thấy Văn-Hải, mới biết mình nằm trên giường bệnh, vừa thương thân, vừa cám ơn bạn, có vài giọt lệ ngập-ngừng trên khóe mắt nàng. Rồi, quả thật năm hôm thì nàng khỏi.

Văn-Hải nói vậy là để trấn-tĩnh đó thôi. Kỳ thật xem bệnh Nghi thì chàng lấy làm đáng lo-sợ lắm. Vì chàng biết chắc bệnh của Nghi quả là bệnh lao rồi. Bệnh lao đã bắt đầu bước quả thời-kỳ thứ hai; cơn sốt vừa rồi chỉ là một trưng-triệu, không chữa, tự-nhiên nó cũng hết. Chỗ đáng lo-sợ là cái bệnh-căn đã thâm lắm, nó sẽ theo thứ-tự của nó mà đưa bệnh-nhân tới chỗ hiểm-nghèo không cứu được, nếu không điều-trị cho đắc-pháp từ bây giờ.

Chàng không cho Nghi hay điều đó và cũng không nói riêng cho Xuân-Sơn biết vội. Văn-Hải chỉ khuyên Nghi nên xin phép nghỉ học ít lúc và cũng đừng làm việc gì hết để mà tĩnh dưỡng.

Thật ra thì Văn-Hải đã yêu Nghi ngấm-ngầm mấy tháng nay rồi. Thấy nàng mắc phải một cái bệnh nguy-kịch như thế thì chàng lo xoắn-xít, không biết làm sao. Cũng muốn khuyên Nghi đi nhà-thương, nhưng chàng lại nghĩ, nếu làm vậy, Nghi sẽ biết mình đau nặng rồi đâm lo ra thì cũng không tốt.

Có một điều Văn-Hải còn chưa biết, là chàng cứ tưởng Nghi con nhà giàu, tiền bạc thiếu chi; chứ không hay rằng nàng đương lâm vào cảnh khuẫn, phải làm việc mỗi đêm ba giờ mới có tiền mà đi học.