XII

NGHI ở Hanoi, có làm bạn với một nữ-sinh tên là Phạm-thị Xuân-Sơn. Cô này đồng tuổi với Nghi, lại học cùng lớp, nhất là cũng ở vào một hoàn-cảnh gia-đình tương-tự như Nghi, nên hai người thương nhau và tương đắc với nhau lắm.

Xuân-Sơn con gái một vị quan lớn đã hồi hưu ở Bắc-kỳ. Ông ấy giầu lắm, có ô-tô, đồn-điền, lại gần ba chục ngôi nhà gạch giữa thành phố Hanoi, mỗi tháng thu hoa-lợi có dăm bảy ngàn đồng. Ông cho Xuân-Sơn đi học từ nhỏ cho đến khi ở năm thứ ba ban Cao-đẳng tiểu-học, thì ông lâm bệnh mà mất. Xuân-Sơn có người dì-ghẻ cay nghiệt lắm, bấy giờ đòi rút cô về nhà làm việc trong nhà để khỏi thuê mướn người ngoài. Nhờ khôn-ngoan, khéo xoay-xở, Xuân-Sơn được một người cậu trợ cấp cho mới lại đi học luôn đến nay.

Nghi cùng Xuân-Sơn biết nhau khi vào chung một lớp năm thứ nhất ở một trường trung-học nhà-nước. Rồi đó, hai người rủ nhau thuê cái gác của một bà quả-phụ buôn hàng tấm ở phố Hàng Đào mà ở. Luôn ba năm trời, Nghi và Xuân-Sơn nương nhau như hình với bóng, khi đi tới trường, khi về nghỉ-ngơi hay rèn-tập trên cái gác con ấy, mối tình chí-thiết dẫu chị em ruột cũng không bằng.

Khi Nghi ở nhà bước chân đi, phán Thục trao trên tay nàng một trăm đồng bạc. Nghi cầm lấy mà hai hàng nước mắt chảy dài. Nàng tủi thân, nhớ đến song-thân và còn cảm cái hảo-tâm của anh rể. Người ta nói, giá lúc bấy giờ Nghi lấy nghĩa-lý trách cửu Thưởng, không thì chịu lụy chàng một chút, thì vị-tất chàng không chịu xuất học-phí cho Nghi như bốn năm vừa qua. Nhưng Nghi vốn có tính tự cao, gia dĩ tuổi trẻ hay phụ-khí, lại còn chịu ảnh-hưởng của cái hào của người anh rể một ít nữa, thành thử thiệt-thòi thì chịu lấy, chử không thèm mở miệng nói với con người tham mà ngu. Nàng vẫn biết cửu Thưởng ở đâu nhảy vào ăn không một cái gia-tài hàng vạn, còn nàng đi học phải nhờ nhõi người khác mới có tiền mà đi, đó là bởi sự bất-công vô-lý của cái chế-độ xã-hội hiện thời, mà cũng là cái dại của chị em nàng nữa. Biết vậy thì biết, nhưng nàng ham học quá, đang bỏ cả tâm-trí công-lực vào việc đèn sách dùi mài, không rồi đâu nghĩ đến sự lợi hại mà một người biết điều có thể coi khinh ấy.

Người đọc truyện nên nhận thấy chỗ này trước nhất: Hết thảy cái lịch-sử của cô thiếu-nữ bạc-mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem, chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học. Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu-nữ khác, nghe lời cửu Thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia-đình sầm-uất, con cái sum-sê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rút cục chỉ một mảnh hồn thơ phiêu-bạc ở đất người? Nhưng mà nếu thế, thì lại đã không có truyện rồi!

Nói tiếp trên kia. Một trăm đồng bạc ấy Nghi tiêu dè-dặt được ba tháng trọn. Con nhà giàu mà biết hà-tiện đồng tiền như Nghi cũng ít có. Vì cha chết sớm, từ tám tuổi đã ở xa mẹ, không được ai tưng-tin quà-xén cho; mẹ chết rồi lại gặp ông anh « đá », không thí cho một đồng một chữ: trong tay ít khi có đồng tiền, nên khi có thì biết tiếc. Cái đức tính tốt ấy đáng lẽ làm cho Nghi dễ chịu, khỏi phải lo sự thiếu-hụt trong khi ở đất khách quê người; song thương hại cho nàng, với nàng, cái đức tính tốt ấy nhiều khi thành ra vô dụng: vì người ta có tiền mới nói đến tiết-kiệm, chứ đã đến không có đồng nào thì còn tiết-kiệm vào đâu!

Sau đó cứ mỗi tháng ba chục, phán Thục gửi rất có điều độ cho Nghi. Mỗi lần nhận được măng-đa, nàng viết thư về cảm ơn, thì ông anh rể kỳ-khôi lại không cho, bảo đừng làm ra khách tình, khó chịu.

Xuân-Sơn được tiền của cậu gửi cho, cũng bỏ chung lại với của Nghi làm một bổn. Hai người tiêu tiền theo phương-pháp: Hàng tháng có lập sổ dự-toán trước. Từ việc ăn uống cho đến mua sắm áo-quần, sách-vở, giấy bút, lại những cái phí vặt, như đọc báo, xem xi-nê-ma, đều có ngữ nhất định, không được vượt qua. Xong một năm đầu, đổ sổ lại xem, chẳng những không thiếu mà còn thừa tiền một ít. Về kinh-tế của cá nhân đã được dồi-dào khỏi lo gì cả như thế, cho nên sự học của hai người trong năm ấy đã có tiến bộ phi-thường. Nhất là về phần Nghi, thông-minh và cần-mẫn như Xuân-Sơn mà cũng chịu rằng sức học của nàng, không thể nào theo kịp.

Vụ nghỉ hè năm ấy cả đến ngày nghỉ tết nữa, Nghi đều không về Qui-nhơn. Nàng gửi thư về nói cho anh chị biết rằng vì cô Xuân-Sơn không có nhà mà về, phải ở lại Hanoi luôn, nếu Nghi về sẽ bỏ cô ở lại một mình trên cái gác ấy buồn lắm, Nghi không nỡ. Nàng cũng có ý rủ cả Xuân-Sơn về Qui-nhơn chơi, nhưng tính ra lại thiếu tiền đi đường, không dám làm phiền thêm cho anh chị, thôi thì ở lại để học càng hay. Vợ chồng phán Thục, nhất là vợ, tuy có buồn riêng về việc gia-đình, nhưng thấy Nghi học-hành tấn-tới lại chăm lo như thế, lấy làm vui lòng lắm; cố nhiên về sự gửi tiền cho Nghi, họ không hề có một lời than phiền.

Nhà phán Thục có một cửa hàng tạp-hóa, người vợ coi buôn-bán, kiếm mỗi ngày cũng được một vài đồng lời đủ tiêu-dụng trong nhà. Còn người chồng, từ ngày từ-chức ở tòa, bước qua nghề thầu-khoán. Chàng ta lãnh làm đủ các công-việc: xây-dựng nhà-cửa, đắp đường, đào kênh dẫn-thủy nhập-điền, lại thầu cơm tù, cơm nhà-thương nữa. Mỗi năm kiếm lãi được hàng vạn, chỉ vì chàng rộng tiêu, hay giùm-giúp cho kẻ khác, thành không có dư. Có khi thiếu thì chàng vay mượn rất dễ-dàng, mở miệng ra đâu là có tiền đó, vì chàng rất được tín-nhiệm đối với các nhà tư-bản.

Năm ấy, ông thần tài nhà phán Thục hình như bắt đầu đội nón ra đi. Đắp con đường từ Bình-định lên An-khê dài mấy trăm cây số vừa xong, chưa kịp giao cho sở Lục-lộ thì bị một cơn mưa to làm lở hết. Cất một cái trường-học giá năm vạn đồng, cất xong, bị chủ trường bẻ rằng sai kiểu, không chịu nhận, rồi hai đằng kiện nhau mãi đến hơn một năm mà chưa thanh-khoản. Đến việc thầu cơm cũng bị lỗ: hồi đầu năm làm giao-kèo thì giá thực-phẩm hạ, được ít tháng bỗng cao lên gấp hai, làm chàng phải thâm xác bảy tám ngàn đồng. Tất cả sự thất-bại ấy gây cho chàng một cơn khủng-hoảng riêng về kinh-tế; thêm nữa, một cơn đau mắt xuýt chết.

Ốm vừa khỏi dậy thì tòa-án xử xong vụ kiện trường-học, tuyên-cáo chàng bị thua. Cho là tòa xử ức mình, phán Thục lập-tức đi vô Saigon thuê thầy kiện chống án. Chẳng may đến Saigon mới mấy hôm, công-việc lập-dập chưa ra chi thì bệnh chàng tái-phát. Vào nha-thương chữa không khỏi rồi chàng chết tại đó. Bấy giờ vào mùa thu năm 1928, phán Thục kém một tuổi đầy năm-mươi.

Trong những ngày phán Thục thất-bại, cũng vẫn cứ gởi tiền đều đều mỗi tháng cho Nghi. Nhưng đến lúc chàng chết rồi, việc ấy thành ra khó.

Sự thất-bại ấy từ trước người ta vẫn giấu không cho Nghi hay, sợ nàng ngã lòng mà không học được. Nhưng có làm sao giấu nổi, những tin ấy Nghi có thấy tắt-hút trên báo rồi. Đến chừng bắt được cái điện-tín phán Thục chết từ Saigon đánh ra, Nghi mới choáng người lên, không thể ngồi yên được.

Nàng nói cùng Xuân-Sơn:

— Anh phán tôi chết rồi, ấy là cái đường vận lương tôi bị nghẽn. Tôi không lo-liệu sớm, có lẽ phải chết đói ở đây chứ đừng nói sự bỏ học nửa chừng. Thế nào tôi cũng phải về qua ít hôm để kiếm đường tiếp tế mới được.

Xuân-Sơn không muốn rời ra, cố cầm nàng ở lại, bảo rằng ở ngay Hà-nội mà xoay-xở cũng được; lâm cùng thì hai người cùng tiêu xẻn-xo một món tiền của Xuân-Sơn cũng đủ, chỉ phải bỏ bớt các khoản chi phí không cần-thiết mà thôi.

Nhưng Nghi không muốn làm lụy bạn. Mới bắt đầu nhập-học năm thứ hai chưa được một tháng, thì Nghi xin phép nhà trường về nhà ở Qui-nhơn có việc khẩn trong một kỳ-hạn mười ngày.

Về đến nơi thì phán Thục gái vào Saigon chôn-cất chồng cũng vừa trở ra. Chị em thấy mặt nhau trong một cảnh tang-thương, mỗi người đều bịn-rịn về số-phận mình.

Phán Thục khai thực ra với Nghi rằng cái cơ-nghiệp của chồng mình sáng-tạo ra hơn hai mươi năm nay bị lổ-lả trong hơn một năm vừa qua thế là đổ ập. Còn lại mấy dẫy nhà gạch mới cất ở Qui-nhơn và Nha-trang năm ngoái thì vừa đủ gán cho nhà băng Đông-pháp vì còn mắc họ hai chục ngàn. Tính ra bây giờ nàng chỉ còn có một cái nhà ở và một cửa hàng tạp-hóa, vốn chừng bảy-tám trăm đồng, có thể buôn-bán xì-xằng vừa đủ sống, chưa nói đến tiền đâu cho mấy đứa con đi học.

Hai chị em đều ở vào địa-vị cần tiền cả, bèn rập nhau một ý, về nhà cửu Thưởng thôi-thúc hắn chia gia-tài.

Phán Thục trai hồi còn sống, tuy không hề đặt miệng đến việc gia-tài, chứ cái thái-độ đứng đắn và nhất là tấm-lòng hào-hiệp của va cũng đủ làm cho cửu Thưởng thấy mà kiêng-nể. Bây giờ chàng chết rồi, cửu Thưởng như đã gỡ được cái đinh trước con mắt; chỉ còn đối-phó với hai người đàn-bà, Thưởng cho là dễ như chơi. Nghi học giỏi mặc dầu, về việc tiền-tài đất-ruộng đã biết gì mấy nỗi. Còn phán Thục gái, ngày rày đã cô-thế mà cũng hết tiền nữa, nếu vì việc gia-tài mà xảy ra có kiện-tụng thì lấy cóc gì mà theo?

Trước một bàn cờ mà cửu Thưởng đứng về bên thắng-thế, thôi tha-hồ cho hắn thách-đố, dọa-nạt, muốn gì mà chẳng được.

Hôm ấy đủ mặt ba chị em tại nhà cửu Thưởng. Phán Thục nói trước:

— Bữa nay chúng tôi về đây bàn chuyện chia gia-tài. Cậu cửu lần này phải tính cho xong đi, không nói cù-cưa như mấy lần trước được.

Cửu Thưởng đáp liền, như câu nói đã định sẵn từ tối hôm qua:

— Chị và cô Nghi bằng lòng theo cách chia của tôi thì tôi làm giấy chia ngay bây giờ; rồi sáng mai ai nấy đánh trâu ra mà cày ruộng.

— Thế nào cậu thử nói nghe.

— Thì trước hết lấy ra 50 mẫu đặt hương-hỏa: thầy mẹ 25 mẫu; ông nội bà nội 11 mẫu; ông cố bà cố 8 mẫu; ông cao bà cao 6 mẫu. Còn 50 mẫu, chia làm ba thế nào cũng còn con số lẻ, không rút được. Thôi thì chị và cô Nghi bắt đi mỗi người 17 mẫu, vị chi 34; còn 16 mẫu về phần tôi. Tôi chịu phần sút cũng không sao vì cày ruộng hương-hỏa có hơi nhiều rồi.

— Còn tiền mặt? Lẽ nào có một trăm mẫu ruộng mà không có đồng bạc nào?

— Có một đồng thì chi ỉa trên miệng tôi! Bao nhiêu thì đã vơ-vét cho cô Nghi đi học hai năm hết rồi.

— Vậy còn nhà-cửa đồ-đồng đồ-kiểu, chư-ban vạn-sự trong nhà không phải là ít.

— Cái đó thì theo với hương-hỏa hết. Không lẽ tôi phụng-tự cha mẹ ông bà ở giữa trời với hai bàn tay hay sao?

Phán Thục tức mình:

— Nghe cho biết mà chơi, chứ nói với cậu thì đời nào cho xong việc được!

Cửu Thưởng làm một câu gọn thon-thỏn:

— Bữa nay chị không nghe tôi lấy 17 mẫu, bữa sau nó sẽ còn 15 mẫu, và bữa sau nữa còn 12 mẫu cho chị coi.

Phán Thục càng tức mình hơn, vừa đứng dậy vừa vỗ cái bàn:

— Cậu lấy hơi gì mà nói như ông Hạng?

— Tôi chẳng lấy hơi gì hết. Tôi nói làm vậy mà đúng lắm đa.

Từ đầu đến cuối Nghi chẳng hề xen vào một câu. Nàng vẫn cho rằng nói với cửu Thưởng cũng như nói với đầu gối, phí lời mà vô-ích.

Trở về. Nghi bàn với phán Thục hay là nghe lời cửu Thưởng quách đi cho xong, vì nàng nôn-nả kiếm cho có tiền để trở ra Hanoi.

Phán Thục bác đi, không chịu, nàng nói với Nghi:

— Bây giờ thì tôi cũng túng-bấn và cần tiền như em. Nhưng chẳng phải là đã hết chỗ chạy đâu, Tội chi của cha của mẹ mình mà để cho nó ăn gấp năm gấp mười mình? Không thì đi kiện chứ.

Nghi nghĩ ngay sự đi kiện, thấy là một sự mang tai mang tiếng cho gia-đình. Vả nàng thường ngày đọc báo thấy các quan an-nam hay bị công-kích về sự ăn hối-lộ, thì lại còn sợ cho đi kiện chỉ tổ mất tiền thêm mà không chắc được chi. Nàng bèn can chị mình về sự dự-định ấy.

Phán Thục thì lại quyết ý lắm, nói với Nghi:

— Cái gì chớ cái mang tiếng, không sợ rồi. Ở đời giờ, nhà-nước hay triều-đình còn đi kiện những người làm báo là dân của mình thay, huống chi chị em trong một nhà ở dân-dã. Hồi nhà tôi còn, tôi hay đi chơi với nhà tôi, làm quen với các quan trên tỉnh hầu hết, cửa nào vào lại chẳng lọt, tôi không sợ.

Thế rồi phán Thục và Nghi đầu-đơn kiện cửu Thưởng tại tỉnh về sự chia gia-tài bất-công, không theo luật.